Vạn vật thế gian đều tuân theo Đạo, tức là vạn vật đều có quy luật và phép tắc của nó. Trà đương nhiên cũng có trà đạo.
Nói về trà thì không thể không nói đến Trà Kinh. Nếu muốn đọc sách về trà thì trước tiên cần phải đọc Trà Kinh. Trà Kinh là trước tác của Lục Vũ, ông vốn là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong một ngôi chùa. Được sự dạy bảo của các tăng nhân, ông khắc khổ học các kinh điển Phật giáo. Bởi vì các tăng nhân thích trà nên Lục Vũ cũng sớm tai nghe mắt thấy những kiến thức về trà, ông đã sớm luyện được kỹ nghệ pha trà của riêng mình.
Sau này, ông rời khỏi chùa hành tẩu trong thế gian. Ông có tâm tình của Nho gia, đặc biệt yêu thích trà đạo. Ông dung hợp tinh thần của Nho gia – Phật gia – Đạo gia, đồng thời trải qua đích thân thực hành gian khổ, cuối cùng đã thành tựu bộ sách Trà Kinh. Khi bộ sách được lưu truyền ra thế gian, nó đã trở thành một trước tác kinh điển về văn hóa trà. Thế nên các tăng nhân muốn ông nhập Phật giáo, nhưng ông không muốn tu hành trong Phật giáo. Người thế tục thì muốn ông làm quan, nhưng ông lại chẳng muốn làm quan, chỉ một lòng với trà đạo. Có lẽ sứ mệnh thiên phú của ông chính là để lại trà đạo, để chúng sinh trong trần thế mượn trà để tìm về Đạo, có thể tu tâm dưỡng đức.
Chữ Trà (茶) là chữ tượng hình, vẽ người (chữ Nhân – 人) ở giữa đám cỏ (chữ Thảo – 草) và cây (chữ Mộc – 木), có nghĩa là trà là bạn bè của cỏ cây, là vật có tính âm lương, là tinh hoa của loài cây cỏ. Trà mọc trong hoàn cảnh gian khổ, nội tâm cô tịch mà ý ở nơi cao lạnh giá, chẳng tìm đến nơi náo nhiệt tranh giành, công danh lợi lộc nơi trần thế.
Trà Kinh viết: “Sử dụng trà thì vị tốt nhất là hàn (tức trà xanh và bạch trà). Trà là đồ uống thích hợp nhất với người tu hành đạo đức, giản kiệm”.
Người tu hành đạo đức chủ yếu chỉ người tu tập nói chung như tăng nhân, đạo sỹ, nho sinh. Yêu cầu đối với ngôn hạnh rất cao, rất thuần khiết, rất nghiêm trang. Ngoài ra còn yêu cầu kiệm ước, yêu thích yên tĩnh, ít ham muốn, ít tạp niệm. Họ thường mượn sức mạnh của trà để khiến nội tâm thanh tịnh, giảm ham dục.
Giống như phương trượng trong chùa mà Lục Vũ sống, là người rất thích trà. Người tu tập cầu tĩnh, mà trà tính kiệm, có thể ức chế dục niệm, mở cánh cửa tâm hồn, hai điều này vừa vặn hợp nhau.
Trà có công năng giải khát, tỉnh táo, chữa bệnh, dưỡng sinh, nhưng công năng chủ yếu nhất là dưỡng tâm. Thế nên Lục Vũ đã nhấn mạnh cảnh giới cao nhất của trà đạo là ở Trung Hòa. Trung Hòa là nhân cách lý tưởng cao nhất của Nho gia, là phẩm chất cao thượng tri túc của Thánh nhân.
Trung là không nghiêng không lệch, không bị kinh động bởi ngoại vật, không sinh ra những con sóng nội tại.
Hòa là bình hòa đối xử với vạn vật; với người, với vật, với quỷ Thần đều chung sống hài hòa, ai nấy ở chỗ của mình mà không tranh.
Thế nên trồng trà, pha trà, thưởng trà… không việc nào không thể hiện ra ý nghĩa giáo hóa của Trung Hòa.
Trà thích hợp nhất là trồng ở núi rừng có bóng râm ở sườn có nắng, tức là vừa hướng có mặt trời lại vừa có thể che mát. Bởi vì trà tính hàn nên phải có nắng để dung hòa.
Lấy nước ắt phải ở suối đá nước chảy chậm. Nước từ núi rừng chảy ra, không bị ô nhiễm. Nước chảy trên đá, không nhanh không chậm, đó chính là yêu cầu của Trung Hòa.
Toàn bộ công nghệ pha trà ắt phải “hoãn, mạn, viên” (từ tốn, chậm rãi, tròn trịa) thì mới đạt được tận cùng của Trung Hòa. Thưởng trà ắt phải bình tâm, tĩnh khí, chuyên nhất, để cho thân tâm Trung Hòa. Cũng là nói, mỗi một khâu trong pha trà thì không cái nào không dùng để dẫn dắt, giáo hóa phẩm chất Trung Hòa. Vì vậy, tiêu chuẩn của trà ngon chính là nơi sản xuất hợp với Trung Hòa, công nghệ hợp với Trung Hòa, người chế biến tính tình Trung Hòa, còn trái lại sẽ là trà kém. Còn “trà nghệ”, tức là một loạt các khâu pha trà, trông như là biểu diễn, thực tế tiết lộ rất nhiều huyền cơ trong đó.
Từ xưa đến nay, “đấu trà” trong các trà nhân chỉ là thói tranh đấu của những người mối lái. Đưa trà đẩy giá lên trời là thủ thuật của thương nghiệp, hoàn toàn không có liên quan đến phẩm chất trà và trà đạo. Dùng trà cụ, trà nghệ thật hoa mỹ thì đó chỉ là biểu diễn, không có liên quan đến Đạo tâm. Những ô lại, trọc nhân xú loại thích trà kia, cho dù có thể thưởng thức được trà ngon thì trà cũng ít có tác dụng với họ, cũng không thể nào thanh tẩy được cái ô uế ở nơi sâu thẳm nội tâm họ, trái lại còn làm vấy bẩn trà.
Thế nên, công năng quan trọng nhất của trà là giáo hóa. Trà nghĩa là tra xét. Con người cần tra xét rõ rằng nhân sinh giống như loài cỏ cây một mùa, xuân sinh, hạ trưởng, thu tàn. Vạn vật như huyễn ảnh, nháy mắt là trôi qua.
Triêu Lộ
Theo zhengjian.org
Bạn đang đọc bài viết: “Uống trà cũng có đạo, trà ngon thực sự là khiến lòng người được thanh tẩy” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |