Kể từ khi đưa ra lời thách thức có phần ngông cuồng với giới võ thuật Trung Quốc, Từ Hiểu Đông đã nhanh chóng trở thành hiện tượng khi đã dễ dàng đánh bại hàng loạt “cao thủ” có tiếng trong nước. Từ Thái Cực Ngụy Lôi cho đến gần đây nhất là “đệ tử Diệp Vấn” Vịnh Xuân Lã Cương, họ Từ cũng chỉ mất có 47 giây để kết thúc trận đấu. 

Giới võ thuật truyền thống Trung Quốc im lặng, người hâm mộ MMA (Mixed martial arts – võ tổng hợp) hả hê, người yêu võ thuật truyền thống thì ê chề và lên án các võ sư bại trận một cách dữ dội. Rốt cuộc điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc? Vì sao một tay đấm MMA bình thường như họ Từ kia lại khiến một nền võ học mấy nghìn năm trầm mặc? Chẳng lẽ tất cả tinh hoa võ thuật Trung Hoa cổ xưa đều là lừa người? 

Thiên tài khoa học Albert Einstein từng nói: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên” (Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I’m not sure about the universe).

Lẽ dĩ nhiên, Einstein không thể khẳng định về vũ trụ, nhưng tôi tin rằng ông hoàn toàn nắm chắc điều thứ hai kia, vì điều ấy vốn dĩ luôn hiện hữu trên thế giới chúng ta từ ngàn xưa đến giờ, là cái mà nhà Phật gọi là “vô minh”. Người ta trong vô minh mà hại chính mình, mà làm điều xấu. Trong “vô minh” không biết mình đang mất đi cái gì thì lại càng đáng thương hơn.

Võ truyền thống Trung Quốc thực chất đã gần như biến mất

Nói một cách “chính thống”, từ sau năm 1949 thì võ thuật “truyền thống Trung Quốc” là có “tồn tại” và đang “phát triển rất mạnh mẽ” khắp thế giới với tên gọi Wushu (võ thuật), có cả liên đoàn, có cả giải đấu quốc tế nữa. Hình ảnh hào nhoáng của các võ sinh Wushu và các bài quyền đẹp mắt thu hút hàng triệu người xem và học trên thế giới.

Nhưng ít ai biết rằng, từ những năm 1950 Wushu đã được nhà nước Trung Quốc “định hướng phát triển” theo hướng thể thao, những nội dung thực chiến hầu như không được phát triển đúng mực. Nếu có thì cũng chỉ là phần Tán Thủ làm cho có với cách đánh đấm chẳng hay ho gì hơn quyền Anh hiện đại. Trong khi đó, tính thực chiến, ứng dụng cao và hiệu quả lại là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của võ thuật truyền thống. Người xưa coi “võ thuật” chân chính là một cách để tu dưỡng và cũng là một phương thức áp chế đối thủ, hoàn toàn không có chuyện dùng võ để biểu diễn như Wushu ngày nay. 

(Ảnh minh họa: iwuf.org)

Chưa hết, trong thời đại kim tiền này thì những thứ biểu diễn hào nhoáng như võ thuật lại đem về thu nhập khá cao; các môn phái “cổ truyền” giả hiệu cũng đua theo phong trào luyện võ biểu diễn khi có đến hàng nghìn võ sư múa may khoe mẽ trên mạng mỗi ngày. Chỉ lướt trên mạng một ngày thì thấy Trung Hoa Đại Lục có cơ man nào là “cao thủ võ lâm”. Có lẽ chưa thời đại nào mà “võ thuật truyền thống” Trung Quốc phát triển “rực rỡ” như hiện nay.

Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm là Thiếu Lâm Tự cũng không chịu kém khi có cả một ngôi chùa khổng lồ với võ đường hoành tráng, đại học võ thuật thu hút hàng triệu lượt võ sinh mỗi năm. Cái tên Thiếu Lâm Tự xuất khẩu đi khắp thế giới, biến phương trượng Thích Vĩnh Tín thành tỷ phú USD. Đó là còn chưa kể đến hàng nghìn đầu phim võ thuật từ cổ trang đến hiện đại với những pha biểu diễn đẹp đẽ của Lý Tiểu Long cho đến Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, liên tiếp đưa danh tiếng võ thuật Trung Quốc vang xa. Đến nỗi chỉ trong vòng vài chục năm, hai chữ Kung Fu đã trở nên vô cùng phổ biến và được toàn cầu biết đến.

Nhưng nghiêm khắc mà nói thì tại Trung Quốc hiện nay đã không còn cái gọi là “võ thuật truyền thống” nữa. Vì võ thuật là kết tinh của văn minh cổ, truyền thừa nhiều nghìn năm với nội hàm sâu sắc, nên cần phải có vốn văn hóa sâu dày tương ứng mới có thể lý giải và ứng dụng đến đỉnh cao. Thế nhưng, cuộc Đại cách mạng văn hóa với chủ trương “Phá Tứ Cựu” đã hủy hoại gần như hoàn toàn nền văn hóa truyền thống, các vị chân sư võ thuật cũng chịu nhiều tổn thất cùng với sự mất mát của các kinh điển cổ xưa.

Suốt mấy chục năm, người ta chỉ lo giữ mạng là chính thì làm sao có thể bảo trì truyền thống và phát huy võ thuật đây? Ngoài ra, sự áp dụng chữ Hán giản thể vào giảng dạy phổ cập cũng là một nhát dao chí mạng giáng vào các giá trị truyền thống, trong đó có võ thuật. Khi giới trẻ đọc các tài liệu võ thuật viết bằng chữ Hán cổ với những ẩn ý thâm sâu mà lại lý giải theo kiểu hiện đại thì võ thuật truyền thống chính thức chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài.

Từ điểm này mà xét thì Từ Hiểu Đông cũng chẳng có gì sai, vì cái anh ta đang thách thức chính là “võ thuật truyền thống” giả hiệu kiểu Wushu chuyên dùng biểu diễn lòe người. Thứ “võ thuật” đó trước võ sĩ MMA vốn được huấn luyện đánh đài chuyên nghiệp thì thua là chuyện hiển nhiên.

Võ truyền thống có thật là không hiệu quả như MMA?

Từ Hiểu Đông quả thật đã làm nên danh tiếng cho bản thân khi đánh bại một loạt các võ sư cổ truyền một cách chóng vánh và dễ dàng. Điều này làm dấy lên sự hoài nghi về tính hữu dụng của võ thuật truyền thống.

Võ truyền thống Trung Hoa nói riêng hay châu Á nói chung có lịch sử lâu đời hàng mấy nghìn năm. Vì thế, nó có một bộ lý luận vô cùng hoàn chỉnh, chính xác và hiệu quả về sự luyện tập thân thể con người sao cho đạt đến trình độ cao thâm. Trình độ thấp nhất của nó có thể dùng để huấn luyện đại trà cho toàn dân khỏe mạnh, làm cho quân đội một quốc gia trở nên hùng mạnh, vô địch nơi chiến trường. Trình độ cao hơn của nó có thể giúp con người vượt khỏi giới hạn về thể xác, thăng hoa về tinh thần và luyện xuất ra các loại công phu huyền thoại hay có thể đạt đến đỉnh cao nhất là Võ Đạo. Vậy vì sao mà hiệu quả của võ truyền thống hiện nay lại quá kém cỏi so với MMA? Hay những gì nói ở trên chỉ là ngụy biện, bào chữa cho võ truyền thống?

Câu trả lời là “Đúng” và cả “Không đúng”.

“Đúng” là cái gọi là “võ truyền thống” hiện nay không hiệu quả như MMA:

Như đã nói một phần ở trên, cái gọi là “võ truyền thống” ở Trung Quốc hiện nay chỉ còn cái vỏ rỗng mang tính biểu diễn mà thôi. Tất cả các “võ sư cao thủ” bại tướng của họ Từ, nếu dùng tiêu chuẩn cổ truyền thực thụ mà xét thì còn chưa xứng đáng làm đồ đệ nhập môn chứ đừng nói là cao thủ. Cái mà họ giỏi nhất chỉ là biểu diễn và tự lăng xê bản thân với một ê-kíp chuyên nghiệp từ đồ đệ cho đến đạo diễn. Thứ họ luyện cũng không phải võ thuật chân chính mà là một thứ hổ lốn ngụy tạo để lừa người, để kiếm tiền và cầu danh. Trong khi đó, MMA và võ hiện đại là huấn luyện để giành chiến thắng trong một cuộc chiến cơ bắp. Xét về sự huấn luyện cơ bắp thì họ là đỉnh cao hiện nay. Đem thứ võ công giả hiệu kia đi đấu với MMA thì đúng là không biết chữ “chết” viết như thế nào.

“Không đúng” là vì hiện nay rất khó để đạt chuẩn võ sư truyền thống thực thụ:

Không phải cứ đeo đai đỏ (hồng đai) hay đai trắng (bạch đai) hay khoác lên người bộ đồ Kungfu, trên tay cầm tờ chứng nhận của hiệp hội võ thuật là có thể coi là võ sư truyền thống.

Thậm chí còn có nhiều người cũng “khai tông lập phái”, tạo ra nhiều “môn phái” khá hoành tráng, tự xưng là chân truyền của sư phụ XYZ nào đó là có thể nói là cao thủ.

Tất cả những điều đó chỉ có thể lòe người vào thời nay, khi mà người ta không còn biết về những điều tinh hoa của cổ nhân nữa mà chỉ chăm chăm nhìn vào bề ngoài.

Võ công truyền thống yêu cầu rất cao với người tập luyện, phải có đạo đức, kiên trì và còn phải có điều kiện vật chất để học. Ngày xưa có câu: “Giàu học võ, nghèo học văn” là vì như thế. Để đào tạo ra một võ sư thực thụ thì chẳng những mất thời gian trên 15 năm, khởi đầu tập luyện từ thời thơ ấu, mà còn tiêu tốn vô số tiền bạc, mồ hôi công sức mỗi ngày. Tuy nhiên, sản phẩm đào tạo ra thì chất lượng không cần bàn cãi. Nếu căn cơ bình thường thì sau 15 năm cũng có thể xuất sư, đủ năng lực làm một võ sư mở võ đường khá có tiếng tăm. Nếu căn cơ cao thì có thể thi võ trạng nguyên để sau này trở thành các tướng lĩnh quân đội. Cao hơn nữa thì có thể khai công, tiếp tục đi theo nghiệp võ đến tận cùng và đạt đến đỉnh cao võ đạo.

Vì những thành tựu như vậy nên chuẩn cao thủ truyền thống là rất cao. Để có thể bước chân vào hàng ngũ cao thủ từ sơ cấp trở đi của võ truyền thống, hành giả phải luyện xuất ra kình lực và sau đó là nội công, hoàn toàn thoát ra khỏi giới hạn của cơ bắp. Một võ sĩ hoàn toàn dựa vào cơ bắp để chiến đấu thì mãi mãi vẫn chỉ là đứa trẻ con chưa hiểu đời và chưa hề nhập môn của võ công thực thụ. Mà võ hiện đại thì mãi mãi vẫn chỉ có thể dùng cơ bắp để chiến đấu mà thôi.

Ví dụ dễ thấy nhất là các võ tướng ngày xưa, tuổi tác và cơ bắp không hề làm giảm đi võ công của họ.

Triệu Tử Long năm 70 tuổi còn ra trận chém chết bốn cha con tướng Ngụy là Hàn Đức dễ dàng.

Lý Thường Kiệt chinh chiến cả đời, cho đến năm 82 tuổi vẫn cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104).

Lão võ sư Trần Tiến năm 100 tuổi vẫn có thể biểu diễn nội công công phá.

Lão võ sư Trần Tiến biểu diễn nội công năm 100 tuổi. (Ảnh: ytimg.com)

Hiệu quả rèn luyện công phu võ truyền thống so với võ hiện đại ra sao?

Võ công chính tông có nhiều đường lối luyện tập, nhưng tựu chung có hai cách phổ biến nhất là ngoại gia ngạnh công và nội gia khí công. Cho đến thời kỳ cận đại và hiện đại, đa phần người ta chỉ còn biết đến ngoại gia ngạnh công, khi luyện đến đỉnh cao thì cơ thể con người sẽ như sắt thép và xuất ra những công phu siêu thường như “thiết sa chưởng”, “chu sa chưởng” v.v. Thành tựu của võ công chính tông vượt ra ngoài giới hạn cơ bắp và thân thể, nó là thứ mà võ hiện đại hay MMA vĩnh viễn không thể đạt đến, kể cả trong giấc mơ hoang đường nhất.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nói về một số cách luyện tập ngoại gia ngạnh công, vì nó dành cho những môn võ dương cương, khá tương đồng với võ hiện đại vốn chú trọng rèn luyện cơ bắp.

Ví dụ nổi tiếng về trình độ ngạnh công đầu tiên phải kể đến võ sư Mas Oyama – tổ sư của Kyokushinkai Karate (Không Thủ Đạo Cực Chân Phái). Đây là người mà trong suốt cuộc đời chưa bao giờ từ chối bất kỳ lời thách đấu nào và luôn toàn thắng. Ông cũng được mệnh danh là “Thánh thủ” khi có thể dùng tay không chặt gãy sừng và đánh chết tại chỗ 52 con bò mộng trong suốt sự nghiệp của mình.

Mas Oyama đã độc tu ba năm trên núi hoang trong một túp lều để luyện nội công và ngạnh công hàng ngày bằng cách chặt vỡ đá và đấm vào cây. Ông cũng tập khinh công bằng cách nhảy qua ngọn của bụi tầm ma hàng nghìn lần mỗi ngày. Khi ông hạ sơn thì toàn bộ cây xung quanh đã bị chết hết, còn đá cuội bị bàn tay ông chặt vỡ xếp thành đống cao hơn cả căn lều kia.

Mas Oyama, võ sư có bàn tay thép. (Ảnh: eaglewingsokc.com)

Việt Nam chúng ta cũng có một siêu nhân ngạnh công được thế giới công nhận là cố đại lực sĩ võ sư Hà Châu, “người đàn ông thép” có thể cho xe lu 12 tấn cán qua người mà không hề hấn gì. Ngoài ra, ông đã luyện thành thập bát ban võ nghệ, đạt trình độ cao về nội công và ngoại công nên có thể dùng tay chẻ đá, xé gỗ v.v. Trong số những công phu ông luyện thành có Thiên cân trụy (hay Thiên cân tạ), một trong Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công. Cố võ sư Hà Châu rất ít thượng đài, nhưng những lần thượng đài của ông đều toàn thắng.

Người đàn ông thép cho xe lu 12 tấn cán qua. (Ảnh: thieulamhonggia.com)

Để luyện thành một thân thần công như trên, võ sư Hà Châu đã trải qua 15 năm bên võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia ở Hong Kong. Điều đặc biệt của ngạnh công chính tông Trung Hoa là bí quyết dưỡng gân cốt sau khi rèn luyện bằng thảo dược và rượu thuốc, giúp cho người tập chẳng những về già không bị tổn thương phủ tạng mà còn cường tráng và sống thọ. Lão võ sư Hà Châu 83 tuổi vẫn biểu diễn công phá, sống khỏe mạnh không bệnh tật cho đến những năm cuối đời (87 tuổi). Có điều, các loại dược liệu bí truyền đó giá không hề rẻ, nên để thành tựu một thân võ công cũng phải trả một phí tổn vô cùng lớn.

Bài phỏng vấn võ sư Hà Châu có viết như sau:

Trước lúc chia tay ra về, Hà sư phụ rút túi áo trên đưa chúng tôi danh thiếp. Dưới dòng chữ Hà Châu là “Chưởng môn Thiếu Lâm Hồng Gia”. Ông trầm ngâm: “Đây mới là nỗi lo cuối đời của tôi đây. Năm nay tôi đã 86 tuổi rồi, sống nay chết mai mà đến giờ vẫn chưa tìm được người truyền thụ hết thập bát ban võ nghệ, binh khí, quyền cước, cả chức Chưởng môn này nữa. Nếu làm chưa được việc này là tôi có lỗi với tổ sư gia lắm”.

Chúng tôi lấy làm lạ vô cùng, phải chăng chưa có người nào có đủ tài đức lọt vào “mắt xanh” Hà sư phụ? Chúng tôi nêu thắc mắc trên thì ông chỉ cười, một nụ cười u uẩn: “Người tài đức thì cũng có nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác. Này nhé, ngày xưa tôi dùng 30 lít rượu và thuốc ngâm tay chân bổ trợ việc tập luyện, chỉ trong 15 ngày là bỏ đi, làm thang khác và ngâm suốt như thế. Nay cũng 30 lít rượu và thuốc nhưng mọi người phải kéo dài ngày ngâm hơn, đến 25 ngày, dĩ nhiên là chất lượng thuốc có giảm. Ấy vậy mà còn chịu không nổi chi phí đấy”.

Chúng tôi tròn mắt nhìn, Hà sư phụ cười cười: “30 lít rượu và thuốc ấy giá hiện giờ là 3,5 triệu đồng đấy. Thời buổi này, có mấy ai vừa có đam mê và khả năng võ thuật, vừa có khả năng tài chính để theo đuổi luyện tập đến nơi đến chốn, duy trì và phát huy được võ học bản phái”?

videoinfo__video3.dkn.tv||138cf8fee__