Thế Tôn nói: “Này La Hầu La, con muốn ta cho con của cải thế gian ư? Đó là vật hư ảo nhất định sẽ mất đi, ta không thể cho con được. Nhưng ta có thể cho con kho báu xuất thế gian, đó mới là báu vật vĩnh viễn không bị mất đi”…

Thích Tôn về nước

Sau khi xuất gia, thái tử Tất Đạt Đa đã học tập các loại giáo thuyết và thiền định, khổ hạnh… Trải qua 6 năm, khi 36 tuổi Ngài đã khai ngộ dưới gốc cây bồ đề, sau đó được gọi là Thích Tôn. Đến năm thứ 5 sau khi khai ngộ, theo lời mời của vua Tịnh Phạn, Ngài dẫn một đoàn các đệ tử xuất gia trở về tổ quốc sau mười mấy năm cách biệt. 

Vua Tịnh Phạn cùng với vương hậu Ba Xà Ba Đề dẫn theo hoàng tộc ra ngoài thành nghênh đón. Nhân dân bách tính cũng đốt hương dâng hoa, nghênh đón trên đường. Vua Tịnh Phạn đã chuẩn bị cho Thích Tôn trang phục và đồ ăn chỗ ở thượng hạng, nhưng Thích Tôn vẫn chiểu theo chế độ nhà Phật, tự ra ngoài ở, vẫn sống cuộc sống thanh tịnh khổ hạnh, hàng ngày bưng bát đến từng nhà khất thực.

Vua Tịnh Phạn trách Thích Tôn rằng: “Tất Đạt Đa, con trước kia ra ngoài cung đều ngồi xe vàng, bây giờ con khất thực trên phố, đó chẳng phải làm tổn hại danh dự hoàng tộc Thích Ca đó sao?”.

Thích Tôn mỉm cười đáp: “Thưa vua Tịnh Phạn, con ngày nay không phải là Tất Đạt Đa nữa rồi, con đã cắt đứt hết thảy tình thế gian. Điều con suy nghĩ là làm thế nào để độ chúng sinh thoát khỏi khổ não. Con chỉ có thể dùng Phật Pháp để báo đáp ân dưỡng dục của phụ vương. Lễ vật con đem đến cho phụ vương cũng chỉ có Phật Pháp”.

Sau đó, Thích Tôn giảng Pháp cho vua Tịnh Phạn. Vua Tịnh Phạn đã thành kính quy y Tam Bảo.

Thích Tôn và Da Du Đà La trùng phùng

Khi vua Tịnh Phạn và thân quyến thành kính ra ngoài thành nghênh đón Thích Tôn, duy chỉ có Da Du Đà La ngồi một mình trong cung, không đi nghênh đón chồng. Cô không muốn gặp chồng. Cô vốn có thể sống cực kỳ vui vẻ hạnh phúc, nhưng vì chồng bỏ đi nên tuổi thanh xuân của cô chìm trong tịch mịch và đau khổ. 

(Ảnh minh họa: mettapage.org)

Cuối cùng, Thích Tôn vào cung gặp Da Du Đà La. Da Du Đà La vốn có ngàn vạn lời muốn nói với chồng, nhưng vừa trông thấy sự uy nghi của Thích Tôn, cô bỗng chẳng có lời nào có thể nói nữa.

Thích Tôn lúc này đã diệt trừ hết ái tình cõi trần thế, nhưng cũng vô cùng hiểu được tâm trạng Da Du Đà La, Ngài nói: “Tôi biết trong lòng công chúa oán hận tôi, nhưng công chúa hãy xem”.

Thích Tôn thi triển thần thông, trên lòng bàn tay của Ngài hiển hiện một duyên khởi của nhân duyên đời trước giữa Ngài và Da Du Đà La:

Một cô gái áo xanh tay cầm 7 bông hoa sen xanh. Cô gái tên là Cừ Di (Gopi), gặp Thiện Huệ 16 tuổi. Thiện Huệ là một người tu hành, muốn mua hoa của cô để cúng Phật. Cừ Di nói: “Tôi cũng muốn dùng những bông hoa này để cúng dường Phật Đà”.

Thiện Huệ khẩn khoản dùng 500 đồng tiền vàng xin mua 5 bông hoa để cầu sau này thành tựu Phật quả vô thượng. Thấy người tu hành phát tâm thành kính, Cừ Di vô cùng cảm động, cho rằng anh ta nhất định sẽ thành tựu quả vị lớn.

Cừ Di nói với Thiện Huệ rằng: “Nếu anh đồng ý với tôi rằng sau này trước khi anh đắc Đạo thì đời đời kiếp kiếp lấy tôi làm vợ, sau khi anh đắc Đạo thì cho phép tôi xuất gia làm đệ tử của anh thì tôi sẽ tặng hoa cho anh”.

Thiện Huệ nói: “Để đắc Đạo tôi sẽ xả bỏ tất cả phú quý vinh hoa và hết thảy của bản thân mình, bao gồm cả vợ con. Lẽ nào cô lại nguyện ý hủy bỏ thanh xuân của cô, bỏ ra cái giá là một đời cô độc khổ đau để lấy tôi? Lẽ nào cô có thể nhẫn chịu đau thương tình cảm hơn nửa cuộc đời, một mạch đợi tôi hóa độ? Nếu cô có thể phát nguyện, sau này tuyệt đối không được cản trở tất cả xả bỏ bố thí mà tôi làm, thế thì tôi đồng ý với cô, đời sau sẽ lấy cô làm vợ”.

Cặp đôi thiếu nam thiếu nữ này đều có cái tâm cầu Đạo kiên định nên lúc đó đã cam kết với nhau. Sau đó, Thiện Huệ lấy hoa sen xanh của Cừ Di đi cúng dường Phật Đà.

Thiện Huệ đời đó chính là Thích Tôn – thái tử Tất Đạt Đa đời này, còn Cừ Di chính là công chúa Da Du Đà La. Trải qua luân hồi nhiều đời, đời này họ đã kết nhân duyên vợ chồng.

Trông thấy chuyện xưa giữa cô và Thích Tôn, ký ức của Da Du Đà La đã được đả khai, cô bỗng nhiên thấy rất rõ ràng.

Thích Tôn nói: Lúc đó cô đã biết rất rõ rằng cô muốn kết Pháp duyên cùng tôi – một người đã xả bỏ hết thảy như thế này để cùng độ nhân sinh thì mới trở thành vợ của tôi. Giờ đây cô lại quên mất lời thệ ước xưa, khiến bản thân bị chấp trước vào tình trói buộc, chìm đắm trong ai oán sầu khổ.

Cô nên hiểu rõ: Ân ái vô thường, tụ hợp ắt có biệt ly, hết thảy đều là duyên đến duyên đi, duyên sinh duyên diệt. Vốn không có những thứ mà chúng ta mãi mãi sở hữu, điều cô hy vọng mong chờ chẳng qua chỉ là một ảo mộng đẹp mà ngắn ngủi mà thôi.

Da Du Đà La nghe xong liền nảy sinh tâm xuất ly, có nguyện vọng thoát ly cái khổ đắc được niềm vui.

Món quà Thích Tôn tặng con trai

Thích Tôn lại đi gặp con trai La Hầu La.

La Hầu La nói: “Thưa cha, con vừa mới sinh ra cha đã bỏ đi rồi, chỉ sợ cha không trở lại. Xin cha để lại di sản cho con có được không?”.

Thích Tôn nói: “La Hầu La, con muốn ta cho con của cải thế gian ư? Đó là vật hư ảo nhất định sẽ mất đi, ta không thể cho con được. Nhưng ta có thể cho con kho báu xuất thế gian, đó mới là báu vật vĩnh viễn không bị mất đi”.

Thế là Thích Tôn đem La Hầu La ra khỏi hoàng cung. La Hầu La trở thành sa di đầu tiên của tăng đoàn.

Thích Tôn trở về nước 7 ngày, số người theo Ngài xuất gia lên đến mấy trăm người, bao gồm cả con trai Ngài là La Hầu La và người em trai cùng cha khác mẹ là A Nan (Ānanda), em họ A Na Luật (Aniruddha) và Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), còn có cả thợ cắt tóc của hoàng gia là Ưu Bà Ly (Upali)…

Sau này, vua Tịnh Phạn mắc bệnh nguy kịch, Thích Tôn lại trở về hoàng cung, giảng Pháp cho vua Tịnh Phạn đang cận kề cái chết. Vua Tịnh Phạn nhờ thế mà chứng ngộ quả vị A La Hán, rời xa cõi đời trong niềm hoan hỷ Phật Pháp.

(Ảnh minh họa: mettapage.org)

La Hầu La, A Nan, Ưu Bà Ly sau này đều trong hàng ngũ 10 đại đệ tử của Phật Đà, tu thành quả vị A La Hán. Con trai ngài là La Hầu La được hiệu danh là “Mật hạnh đệ nhất”; A Nan được xưng là “Đa văn đệ nhất”; Ưu Bà Ly là “Trì giới đệ nhất”.

Người dì là Ba Xà Ba Đề dẫn theo Da Du Đà La và một vị phi tử nữa cùng 500 phụ nữ gia tộc Thích Ca theo Thích Tôn xuất gia, trở thành những tỳ kheo ni sớm nhất, sau này đều chứng được quả vị. Da Du Đà La nổi tiếng về thần thông, đã nhập diệt trước Thích Tôn, chứng đắc được quả vị A La Hán. Bà được thọ ký, tương lai sẽ thành Phật với danh hiệu là “Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai”.

Khi Thích Tôn niết bàn, mẫu thân đã qua đời là Ma Da phu nhân từ trên không hạ xuống, đến trước quan tài Thích Tôn, vô cùng đau buồn. Thích Tôn dùng Pháp lực thần thông khiến quan tài tự động mở ra, Ngài từ trong chiếc quan tài bằng vàng ngồi dậy hợp chưởng, giảng Pháp cho mẫu thân: “Cảm phiền mẫu thân đã từ xa xôi trên Trời xuống đây, mẫu thân nên ngộ ra thế gian chư hạnh vô thường, mong mẫu thân không nên khóc lóc đau buồn”.

Sau khi Thích Tôn nói bài kệ từ biệt mẫu thân, Ngài lại vào trong quan tài, nắp quan tài lại tự đóng lại. Lúc này tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động.

(Hết)

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Ca Thị phổ

2. Phật thuyết vị tằng hữu nhân duyên kinh

3. Diệu Pháp liên hoa kinh

4. Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi kinh  – Quyển thượng

5. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ Nại Da Phá tăng sự

6. Phật thuyết Chúng Hứa Ma Ha Đế kinh

7. Phật thuyết thập nhị du kinh

8. Ma Da kinh

Kiến Thiện
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Bạn đang đọc bài viết: “Truyền kỳ về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và gia đình hoàng tộc của mình (P.2)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||bdba71c33__