Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Một tuần có 7 ngày vì đó là các ngày Thiên Chúa làm việc và nghỉ ngơi.

Ngày thứ 7 của Tuần, chính là ngày Chủ Nhật. Ngày này mọi người nghỉ ngơi và không được động vào bất cứ việc gì vì Thiên Chúa cũng nghỉ ngơi sau 6 ngày làm việc. Thực ra gọi Chủ Nhật là đọc trại đi, đúng thì phải gọi là Chúa Nhật tức là ngày của Chúa.

Con người được tạo ra là nhờ Thần, không phải vì tiến hóa. Thuyết tiến hóa là sai lầm của một giai đoạn lịch sử và là sự hạ thấp con người. Tất nhiên, đó lại là một chủ đề khác tốn nhiều giấy mực.

Thiên Chúa Jehova tạo ra con người đầu tiên là Adam từ bùn đất. Ở Trung Quốc cổ đại cũng có nói bà Nữ Oa, một vị thần tối cổ cũng tạo ra con người từ bùn đất. Thực ra, đó không phải là đất mà là vật chất của thế giới con người. Nhưng đối với các Thần mà nói, thì vật chất của thế giới này không tốt đẹp bằng vật chất của thế giới các Thần cho nên nó chỉ xứng như bùn đất mà thôi.

Thiên Chúa Jehova tạo ra con người theo hình ảnh của chính mình và tạo ra con người sau muôn vật vì Ngài hy vọng con người luôn ở gần bên Ngài về mặt tâm hồn, là hình ảnh của Ngài tại thế gian. Cho nên con người mới được thay mặt Ngài cai trị chim trời, cá nước và muôn loài muôn vật trên Trái Đất. Đấy là một phần thưởng và vinh dự cho con người khi họ sống gần các Thần với cảnh giới tinh thần rất cao.

Vườn Địa Đàng nơi muông thú quần tụ cùng Adam và Eva. (Ảnh: Pinterest)

Adam và Eva khi còn tuân theo lời Chúa thì sống cuộc đời hết sức sung sướng trong vườn Địa Đàng (Eden). Họ không cần làm việc cũng có cái ăn. Tâm hồn của họ thuần khiết cho nên thế giới lúc ấy cũng hết sức thuần khiết, chỉ có những điều tốt đẹp xứng đáng với cảnh giới tinh thần của họ. Trong thế giới ấy, chim chóc màu sắc sặc sỡ và ca hót rất hay. Dòng sông cũng hiền hòa và biết dâng nước nhẹ nhàng để tưới cho cây cối chứ không gây lũ lụt. Cây cối đầy hoa trái và lộc biếc, đặc biệt không có cỏ dại gai góc vì những thứ xấu xa làm gì có chỗ tồn tại trong một thế giới Nhân Thần đồng tại, tức là nơi con người sống lẫn với các vị Thần.

Thiên Chúa còn tản bộ và trò chuyện với Adam và Eva, một hình ảnh gần gũi quá đỗi giống như tình phụ tử hoặc thầy trò. Họ sống hồn nhiên như những đứa trẻ và họ có đức tin vào vị Thần của họ. Người ta gọi đó là bản năng tiên thiên. Khi con người giữ được bản năng tiên thiên thì sẽ có nhiều năng lực mà không cần phải dùng sức mạnh cơ bắp. Cho nên, trẻ nhỏ thơ ngây có nhiều em có công năng đặc dị, ví như khả năng nhìn thấy những không gian khác hoặc nhớ được tiền kiếp của mình hoặc có những bản sự đặc biệt. Thuận theo sự nhào nặn của cuộc đời khi chúng lớn lên, những bản năng này cũng biến mất vì quan niệm hậu thiên hay chấp trước của chúng ngày càng nhiều dần dần đã che lấp hết bản năng tiên thiên.

Sống trong thế giới đó, Adam và Eva không lo sợ. Sợ cũng là một tâm chấp trước của người thường và họ cũng không có chấp trước nào cả. Vì không có quan niệm hậu thiên trói buộc nên họ tự do. Nghĩa là Adam và Eva được sinh ra không phải người trần mắt thịt, họ không đồng cấp với Thần nhưng lại ở cảnh giới cao hơn nhân loại. Họ xứng đáng được Thiên Chúa đối xử như vậy. Thế thì, Eden có thể là một không gian hoàn toàn khác, chưa phải là thế giới các Thần theo kiểu như đỉnh Olanhpơ của Thần Hy Lạp cổ hay núi Tu Di của Thần Phật phương Đông nhưng chắc chắn là cao hơn thế giới con người.

Mọi sự đã hoàn toàn thay đổi khi Eva hái trái ở cây Sự Sống hay còn gọi là cây Sự Biết Tốt Xấu. Nó không phải trái táo như nhiều người lầm tưởng. Khi đã biết đến Sự Sống thì có nghĩa là biết đến Sự Chết vì tương sinh tương khắc là cái lý của thế gian. Có Tốt thì có Xấu, có Chính diện thì có Phản diện, có Sống thì có Chết, có Đúng thì có Sai. Nếu không có người tốt, ta có biết ai là người xấu không? Cho nên, ăn trái của cây Sự Sống tức là Adam và Eva khước từ sự sống đời đời ở Eden và họ sẽ chết.

Vì sao còn gọi là cây Sự Biết Tốt Xấu? Vì ăn trái cây đó vào thì bắt đầu có tâm phân biệt: cái này tốt, cái kia xấu, cái này đúng, cái kia sai. Khi bắt đầu nhận thức về tốt xấu bằng đôi mắt thịt mở to chính là lúc hình thành quan niệm hậu thiên. Tiêu chuẩn tốt xấu là do họ tự đặt định ra vì cơ sở của nó là cảm nhận của 5 giác quan con người vốn chỉ có thể đem lại giả tướng. Do vậy nó có phải là tiêu chuẩn của các Thần đâu. Thiên Chúa đâu có coi việc họ lõa lồ là sai lầm, nếu không thì Ngài đã tạo ra cho họ quần áo ngay từ lúc ban đầu. Ngài coi rằng cái tâm tính của họ mới là quan trọng. Thực ra, thế giới họ đang sống đẹp đẽ như thế thì làm gì có sự xấu nào, chỉ có sự xuống cấp của tâm tính họ mà thôi. Ngoài tâm phân biệt, họ còn có nghi tâm vì họ không còn hoàn toàn tin tưởng vào Thần nữa. Khi tâm tính đã không còn đạt tiêu chuẩn của thế giới Địa Đàng ấy thì họ sẽ bị giáng hạ xuống thế giới người thường.

Rắc rối bắt đầu khi Eva nghe theo lời con rắn… (Ảnh: cna.al)

Rắc rối bắt đầu khi Eva bị ngoại cảnh chi phối, bà nghe theo lời của con vật tinh khôn nhất và đẹp đẽ nhất lúc ấy: Con rắn. Vì con rắn tinh khôn nên nó biết tìm đến người đàn bà mà theo nó là dễ tác động hơn cả. Nếu nó tìm đến Adam thì chưa chắc nó đã thành công vì như chuyện đã nói: “…dù không biết chết nghĩa là gì, ông biết rằng ông phải vâng lời và yêu thương Thiên Chúa, đấng đã tạo ra ông”. Vì nó tinh khôn cho nên nó xúi giục Eva sinh nghi lời của Thiên Chúa. Nếu trong tâm Eva hoàn toàn là chính niệm thì con rắn làm sao có thể gây ảnh hưởng đến bà? Vì lòng bà cũng dao động nên tà niệm mới xâm nhập được.

Eva còn bị hình thức bề mặt đẹp đẽ của con rắn đánh lừa, chính là chấp vào hình tướng (cho nên sau này, thích đẹp là thiên tính của phụ nữ). Ham thích của lạ mà làm theo lời xúi giục không phải là lòng tham thì là gì đây? Trí huệ của con người do sự tu luyện đề cao tâm tính, đâu phải từ vật ngoại thân? Ăn trái cấm để khiến mình khôn ngoan như Thần chẳng phải là hướng ngoại mà cầu hay sao? Thế là tham, si đều có cả.

Trái cây đó thật là thơm ngon và hấp dẫn, cứ muốn khiến người ta ăn mãi. “…nếu bà ăn nó, mắt bà sẽ mở ra và bà sẽ khôn ngoan như các thần linh, biết cả sự tốt lẫn sự xấu”, con rắn đã nói như thế. Biết tốt Biết xấu là một tâm phân biệt, khi biết phân biệt điều nọ với điều kia, thì nó là kiến thức. Kiến thức luôn là điều con người truy cầu để vươn tới tầm vóc trí tuệ của Thần linh. Nhưng Biết tốt Biết xấu không phải con đường giải thoát, kiến thức không đem lại điều đó, khi biết tốt biết xấu thì người ta cũng hãm mình vào Sự Sống và Sự Chết. Truy cầu kiến thức bằng đôi mắt thịt mở to và nhân tâm rối rắm sẽ vĩnh viễn là con đường bế tắc của loài người khiến chúng ta mãi mãi không quay về được với Eden. Nó chỉ là ước vọng viển vông của con người mà thôi. Con đường quay về của chúng ta chính là khôi phục phẩm tính, khiến tâm tính mình gần hơn với Thần, đó chính là con đường phản bổn quy chân.

Thiên Chúa hết sức thương xót con người. Ngài biết họ đi sai đường rồi, thế là họ đã trở nên xa cách với Ngài, họ đã xa rời đặc tính của vũ trụ. Từ nay họ đã mất đi cuộc sống vĩnh hằng và nguồn gốc thần thánh của mình. Khi Adam và Eva đột nhiên nhận ra rằng lõa lồ là đáng xấu hổ thì họ cũng không thể sống không vật che thân như trước kia nữa. Có ai biết lúc ấy trong tâm họ nghĩ gì? Sao lại xấu hổ? Chẳng phải là nhận ra rằng cơ thể họ đang lộ những bộ phận nhạy cảm hay sao? Vì sao trước kia họ không nhận thấy nó nhạy cảm? Vì lúc ấy họ không thấy cơ thể họ là một công cụ tính dục. Ban đầu, Chúa cũng tạo ra Eva đâu phải để có quan hệ dục tính với Adam. Eva chỉ là một người bạn tâm giao để cho Adam khuây khỏa mà thôi. Cho nên dù Adam yêu bà rất sâu đậm nhưng họ đâu có sinh con đẻ cái trước sự kiện hái trái cấm.

Việc tạo ra con người là quyền năng của Thiên Chúa, của Đấng Sáng Thế, không phải chức năng của con người. Nhưng khi con người đã sa sút đến thế thì Thiên Chúa cũng không quản họ như trước nữa. Và lúc ấy Thiên Chúa đành phải cấp cho họ quần áo. Nếu cứ trần trùng trục lồ lộ, “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” như thế thì với tâm tính đã sa sút của họ, làm sao họ có thể kiềm chế được. Trong phương pháp Mật Tu của Tây Tạng có một kiểu gọi là “nam nữ song tu”, người nam ôm trong lòng một người nữ không mặc gì. Cả hai cùng tu theo cách ấy để lấy âm bổ dương, lấy dương bổ âm vì theo thuyết Âm Dương thì nam là dương, nữ là âm. Cách này chỉ dành cho những người tu luyện có thành tựu, có định lực cực cao, đã loại bỏ được ham muốn tình dục. Adam và Eva giờ đây đã rớt xuống mức tâm tính của người thường. Và người thường có bản năng dục tính mạnh mẽ. Hai người thường ấy nhìn nhau sẽ không thuần khiết trong sáng như trước nữa, có lẽ họ sẽ làm uế tạp cõi Địa Đàng này mất thôi. Vậy thì phải đuổi họ xuống trần.

Thiên Chúa hết sức thương xót con người. Ngài biết họ đi sai đường rồi, thế là họ đã trở nên xa cách với Ngài, họ đã xa rời đặc tính của vũ trụ. (Ảnh: MysTown.com)

Nhưng ai tạo nghiệp thì phải trả. Con rắn bị trừng trị vì nó là kẻ xúi giục và làm loạn phép tắc, cho nên cái tinh khôn của nó chính lại là tai họa. Những kẻ khôn ngoan như vậy thực ra là ngu xuẩn và khôn ngoan đâu phải là cái phúc của chúng sinh. Eva vì là người trực tiếp phạm tội, cho nên phụ nữ phải chịu nỗi đau trong thai nghén và sinh nở, họ mãi mãi không thể ngang bằng với chồng mình vì tiêu chuẩn tâm tính của Eva rõ ràng là thấp hơn. Adam không bị con rắn quyến rũ, nhưng lại nghe vợ xúi dại, vì Adam cũng chấp vào tình cảm với vợ mình, khiến che mờ cả lý trí và đức tin vào Thiên Chúa. Vì vậy mà đàn bà mãi mãi vẫn là điểm yếu của đàn ông, dù dẻ xương sườn là một bộ phận ít quan trọng nhất trên cơ thể. Giống như ông tổ Adam của mình, đàn ông chúng ta cũng dễ nghe vợ xúi bẩy mà gây ra lỗi lầm.

Adam và Eva sẽ phải dùng cơ bắp để lao động quần quật mới có cái ăn, không phải muốn gì được nấy như trước kia nữa. Thiên nhiên cũng sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, xuất hiện nhiều thứ độc ác dữ dằn mà trước kia không có. Vì gây nên tội có nghĩa là phải trả nghiệp, tức là đời sống sẽ sinh ra nhiều độc dữ để con người trả nghiệp. Về cơ bản có thể hiểu là họ đã bị rớt từ Eden xuống thế gian con người. Khi xuống thế gian thì họ phải theo luật của thế gian, thay vì dùng công năng họ sẽ phải dùng đến sức mạnh cơ bắp. Thay vì trí huệ, họ sẽ phải dùng cái tâm phân biệt hay còn gọi là kiến thức và trí tuệ để cạnh tranh giành miếng ăn và chỗ đứng trong cuộc đời. Rồi họ lại trả giá bằng cuộc sống ngắn ngủi. Cái đó gọi là tội tổ tông mà Adam và Eva để lại cho hậu thế chúng ta, là lý do mỗi đứa trẻ của gia đình theo đạo Thiên Chúa khi sinh ra đều phải rửa tội. Và chỉ có Đấng Cứu Thế mới cứu được họ và con cháu họ, đưa họ quay trở về Eden bằng con đường phản bổn quy chân.

Và đó là kết thúc cho Chương 1 – Sáng Thế Ký với nội hàm thâm sâu của Kinh Thánh.

Bình Nguyên