Gia Cát Lượng tu Đạo từ nhỏ, giỏi kỳ môn độn giáp, tiên tri đoán mệnh, thực sự đã để lại nhiều dự ngôn kinh động hậu thế. Một trong số đó dự đoán về tương lai nước Thục của ông, sau mấy chục năm quả nhiên ứng nghiệm. 

Nước Thục nhân tài như lá mùa thu

Năm 234, sau 5 lần Bắc phạt bất thành, Gia Cát Lượng mất ở gò Ngũ Trượng. Nước Thục từ đó dần dần suy yếu, nhân tài như lá mùa thu, căn bản không còn người có thể đảm đương trọng trách làm rường cột quốc gia. Người đời sau có câu nói rằng: “Thục trung vô đại tướng, Liêu Hóa thành tiên phong”, ý nói rằng nước Thục không có đại tướng, để cho Liêu Hóa phải làm tiên phong.

Trong thời chiến loạn hỗn mang, ba nước Ngụy – Thục – Ngô tranh hùng, lịch sử đã xuất sinh ra vô số hiền thần võ tướng. Nhưng chỉ tiếc thay nước Thục sau khi Gia Cát Lượng qua đời, đến thời Khương Duy Bắc phạt thì các đại tướng có tài cầm quân đánh trận đều đã qua đời, không còn một ai. Khi ấy, lão tướng Liêu Hóa tuổi gần 80 vẫn phải lên ngựa ra trận, làm tiên phong xuất chiến.

Sau khi Gia Cát Lượng chết, nước Thục đã cạn kiệt nhân tài. Tạo hình Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” 1996. Ảnh: ilishi.com

Liêu Hóa lòng trung có thừa nhưng tài sức có hạn, tuổi đã xế chiều, quả thực không thể đảm đương trọng trách. Khương Duy muốn nối chí Gia Cát Khổng Minh, cũng 9 lần đem quân đánh Ngụy (sử gọi là “Cửu phạt Trung Nguyên”) nhưng nhân tài thiếu thốn, thời thế thay đổi, lại bị Hoàng đế nghi ngờ nên tốn công nhọc sức mà tâm huyết đành đổ sông đổ biển cả.

Thế nhưng tình cảnh bi đát của nước Thục khi ấy đã được Gia Cát Lượng dự đoán trước từ hàng 30 năm trước. Ông đã sớm đoán định được tương lai nhà Thục Hán, nhìn thấy được kẻ sẽ diệt nhà Thục, thậm chí còn biết được số phận của kẻ ấy sau này ra sao. Vậy rốt cuộc ông đã nói điều gì?

Lời tiên tri của Khổng Minh

Năm 263, Tư Mã Chiêu phái Đặng Ngải, Chung Hội thống lĩnh hơn 10 vạn đại quân chia làm 3 lộ chinh phạt Thục quốc. Danh tướng nước Thục là Khương Duy chống đỡ không nổi, vạn sự không đương được, đành thoái thủ về Kiếm Các. Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, Hậu chủ Lưu Thiện lại đang hết lòng sủng ái hoạn quan Hoàng Hạo, bỏ bê triều chính.

Tấu chương cấp báo của các châu huyện trình lên Lưu Thiện đều bị Hoàng Hạo gạt lại. Các quan trọng thần cũng không hề hay biết. Mãi tới khi nghe tin binh mã của Đặng Ngải đang tiến về Giang Du, quan quân nước Thục lúc này mới thất kinh sợ hãi nhưng mọi chuyện cũng đã muộn rồi. 

Lại nói chuyện, Tư Mã Chiêu sai Đặng Ngải, Chung Hội đánh Thục. Ngải được lệnh dẫn 3 vạn quân đi theo đường núi Âm Bình, đánh vào phía sau lưng quân Thục còn Chung Hội tiến quân theo đường lớn. Đường Âm Bình vốn là nơi hiểm địa, núi non trùng điệp, phải bắc đường sạn đạo, hành quân vô cùng khó nhọc.

Đặng Ngải trong một lần trèo lên đỉnh núi, đột nhiên phát hiện tấm bia đá rêu phong, phủ bụi, trên đó ghi: “二火初兴, 有人越此. 二士争衡, 不久自死” (Nhị hỏa sơ hưng, hữu nhân việt thử. Nhị sĩ tranh hành, bất cửu tự tử). Ngay cả một người tài giỏi như Đặng Ngải cũng không khỏi thất kinh, vội vàng quỳ xuống vái lạy.

Tạo hình Đặng Ngải trong “Tam Quốc diễn nghĩa” (1996). Ảnh: blog.sina.com.vn

Hóa ra 16 từ này chính là nói lên vận mệnh của Thục quốc, bốn chữ đầu là 二火初兴 (Nhị hảo sơ hưng), trong đó 二 là số 2, 火 là chữ hỏa, hai chữ hỏa ghép lại với nhau sẽ thành chữ 炎 (Viêm), là chữ đầu của niên hiệu năm Viêm Hưng (tức năm 263). Còn bốn chữ  二士争衡 (Nhị sĩ tranh hành) là ám thị đến sự tranh giành quyền lực của giữa Đặng Ngải và Chung Hội. Tên tự của Đặng Ngải là Sĩ Tái, Chung Hội tự là Sĩ Quý. 

Nguyên 16 câu này được hiểu là: “Đầu năm Viêm Hưng có người đi qua đây, hai sĩ tranh nhau, không lâu tự chết“. Quả nhiên là ứng với sự việc của Đặng Ngải và Chung Hội về sau này. Đặng Ngải cho quân men theo đường núi Âm Bình, đánh bại tướng Thục là Gia Cát Chiêm (con trai của Gia Cát Lượng) ở Miên Trúc rồi tiến thẳng vào Thành Đô. Thục chúa Lưu Thiện cùng đường, phải đưa Thái tử ra đầu hàng quân Ngụy. Nước Thục diệt vong. Đặng Ngải phong Lưu Thiện làm Phiêu kỵ tướng quân rồi đưa về Lạc Dương. 

Sau khi lập đại công, tiêu diệt nước Thục, Đặng Ngải được ban thưởng rất hậu. Tư Mã Chiêu, khi đó đang là Tấn công, phong Ngải làm Thái úy, thực ấp 2 vạn hộ, lại phong cho các con của Ngải tước Hầu. Tuy nhiên, lúc này, Đặng Ngải lại có bụng khác, muốn ở lại Thành Đô tự lập thế lực riêng, lại muốn mang quân bản bộ sang đánh Đông Ngô, thống nhất thiên hạ.

Tư Mã Chiêu cho người bắt Ngải phải hồi triều, Ngải không chịu, cậy mình có công, không nghe chiếu lệnh. Chung Hội khi ấy, vốn sẵn bất bình, viết thư vu cáo, quy cho Ngải tội phản nghịch. Tư Mã Chiêu sai người đến tận Thành Đô, bắt cha con Đặng Ngải, giải về kinh trị tội.

Khi Đặng Ngải bị áp giải về Lạc Dương, Chung Hội vào Thành Đô, tiếp quản binh quyền, một mình làm chủ xứ Thục. Chung Hội cũng lại có bụng khác, muốn phản Ngụy, tự lập biển trời riêng. Tuy nhiên, mưu ấy bại lộ, Tư Mã Chiêu đoán được ý đồ làm phản của Chung Hội nên có phòng bị trước. Chung Hội lại sơ suất, bị thân tín làm phản, kế hoạch bại lộ, cuối cùng bị chính binh sĩ của mình tạo phản giết chết.

Trên đường trở về Lạc Dương, Đặng Ngải cũng bị ám sát. Tình cảnh bi đát của cả Đặng Ngải và Chung Hội chính là ứng với lời tiên tri của Gia Cát Lượng: “Nhị sĩ tranh hành, bất cửu tự tử” (Hai sĩ tranh nhau, không lâu đều chết).

Chung Hội, tự Sĩ Quý, cùng chịu kết cục bi thảm như Đặng Ngải, ứng lời tiên tri của Gia Cát Lượng. Ảnh: lishiquwen.com

Lịch sử không có khái niệm “giá như”. Nhưng nếu Lưu Thiện có thể chú ý hơn đến lời cảnh tỉnh ấy của Khổng Minh, đồng thời bố trí binh mã, tập kích ở đường mòn, chặn đánh tướng Ngụy thì chắc rằng Thục quốc sẽ không sớm bị diệt vong như vậy. Điều này cũng nói lên một hiện thực đau lòng rằng cơ nghiệp mà Gia Cát Lượng, Lưu Bị tốn bao công lao, hao tâm tổn trí để sáng lập nên cuối cùng lại bị hủy, phút chốc bỗng tan thành bọt biển.

Cũng có người cho rằng, Lưu Thiện không hề mù quáng, khờ khạo như chúng ta nghĩ. Đăng cơ từ năm 223, đến năm 263 ông đã ngồi 41 năm trên ngôi Hoàng đế mà trị vì thiên hạ. Giữa thời kỳ 3 nước giao tranh, Lưu Thiện chính là người tại vị lâu nhất. Nếu không phải là người có tài trí thì bất luận thế nào cũng khó làm được điều ấy. 

Lại cũng có người nói, Lưu Thiện sở dĩ được yên ổn mà xưng đế như vậy là hoàn toàn dựa vào tài cán của Gia Cát Lượng trợ giúp. Nhưng sau khi Gia Cát Lượng mất đi, Lưu Thiện vẫn còn trị vì thiên hạ được thêm 29 năm nữa. Lẽ nào suốt 30 năm ấy, Lưu Thiện khờ khạo lại có thể trị vì Thục quốc chia 3 thiên hạ như vậy? 

Minh Vũ – Văn Nhược