Trí huệ của nhân loại đến từ đâu? “Phản tư” (nghĩ lại) và “phản tỉnh” (xét lại mình) là cội nguồn quan trọng. Socrates, triết học gia của Hy Lạp cổ từng nói: “Sinh mệnh nào chưa từng tự xét lại bản thân mình không đáng để tồn tại”.

Tự xét lại bản thân là một phương pháp tu dưỡng đạo đức. Khổng Tử nói: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã” (Thấy người hiền thì suy nghĩ mình có bằng hay không, thấy kẻ không hiền thì quay lại tự xét mình). Tự xét lại chính là quá trình ý thức để kiểm điểm ngôn hành của mình, như Chu Hy từng nói: “Nhật tỉnh kỳ thân, hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn” (Mỗi ngày tự kiểm điểm bản thân, có khuyết điểm, thì cải chính ngay; còn như không, thì nhắc nhở bản thân không được phạm sai lầm). Học trò của Khổng Tử là Tăng Tử cả đời ra sức tự xét lại bản thân, xác thực đã làm được “ba điều tự mình phản tỉnh mỗi ngày”.

Con người vốn không phải Thánh hiền, có ai chưa từng phạm phải sai lầm đâu? Mỗi người đều không thể hoàn mỹ vô khuyết, thập toàn thập mỹ, sẽ có lúc nói sai lời, làm sai việc, không ai dám đảm bảo bản thân sẽ không bao giờ mắc lỗi. Điều quan trọng là, chúng ta lấy thái độ nào để đối đãi với sai lầm và khuyết điểm của mình? Vậy thì hãy học tập người xưa, mỗi ngày đều phản tỉnh nghiêm khắc với chính mình, đối với bản thân tiến hành phân tích, nhìn nhận một cách nghiêm túc, lấy phương thức của quân tử để yêu cầu bản thân. “Mỗi ngày ta xét ba việc của tự mình”, trong con mắt cổ nhân vẫn luôn là đạo lý, nhưng ngày nay đã mấy ai làm được?

Tự xét lại bản thân là một phương pháp tu dưỡng đạo đức. (Ảnh: tinhhoa.net)

Mỗi ngày ta xét ba việc của tự mình

Xã hội ngày nay tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều tranh luận, tạo thành các loại hiện tượng rối loạn khác nhau. Vậy, rốt cuộc căn nguyên nằm ở đâu? Cục diện hỗn loạn nếu cứ tiếp diễn như vậy, xã hội sẽ chỉ là một màu đen ảm đạm. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta tỉnh táo để xem lại chính mình.

Trong cuộc sống hiện thực, từ luật pháp quốc gia cho đến các tiêu chuẩn đạo đức, từ việc học tập mà chúng ta lựa chọn cho đến những tấm gương mẫu mực mà chúng ta noi theo, hết thảy đã cấu thành các chuẩn tắc hành vi và căn cứ để chúng ta phản tỉnh mỗi ngày. Người thông thường, nhất là người trẻ tuổi đều cho rằng những gì bản thân làm là đúng, là có đạo lý. Tuy rằng họ có lý tưởng, có hoài bão, nhưng đừng vì theo đuổi lý tưởng cá nhân mà làm tổn hại đến sự an định và lợi ích của xã hội cộng đồng.

Cái gọi là “lấy mình làm trung tâm” là căn bệnh chung của con người thời nay. Trên thực tế không ai là không có khuyết điểm, không ai là chưa từng mắc lỗi. Nếu bản thân đã phạm sai lầm, vậy tại sao không tĩnh tâm lại, phản tỉnh lại một chút? Đã có sai lầm mà không chịu thừa nhận, vì thế mà ngày càng rơi xuống vực sâu của sai lầm, cuối cùng chỉ có thể khiến bản thân tổn thất nặng nề hơn.

Cũng cần nói rằng, phản tỉnh thật ra là quá trình tâm trí không ngừng đề cao, tâm hồn không ngừng thăng hoa, đồng thời cũng là quá trình không ngừng nghĩ lại và không ngừng đề cao đối với tiêu chuẩn mà ta tuân theo. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường dựa theo lý giải và thói quen của mình mà giải quyết vấn đề và các loại phiền não. Khi đối mặt với thất bại và cản trở, chúng ta bắt đầu hiểu rõ bản thân, chỗ nào làm không đúng, chỗ nào cần điều chỉnh lại. Bởi vậy, một người có năng lực phản tỉnh cũng cần phải có tinh thần tự mình phủ định, cũng chính là có can đảm nhận sai.

Người có năng lực phản tỉnh tất nhiên là người có thể đưa ra yêu cầu nghiêm khắc cho mình. Họ luôn tìm kiếm thiếu sót của bản thân và sẵn sàng tự kiểm điểm chính mình, bởi họ biết rằng mục đích của phủ nhận là để bản thân thăng hoa lên tầng thứ cao hơn.

Nếu bản thân đã phạm sai lầm, vậy tại sao không tĩnh tâm lại, phản tỉnh lại một chút? (Ảnh: uhm123.net)

Thời nhà Hạ, có một chư hầu là Hữu Hỗ thị dẫn binh làm phản, Hạ Vũ cử con trai của mình là Bá Khởi chống cự lại, kết quả Bá Khởi thua trận. Bộ hạ của Bá Khởi không phục, nhất quyết tiếp tục tiến công, nhưng Bá Khởi lại khước từ: “Không cần đâu, binh của ta nhiều hơn ông ta, đất của ta rộng hơn ông ta, thế mà lại bị ông ta đánh bại, đây nhất định là bởi đức hạnh của ta không sánh bằng, phương pháp cầm binh cũng không được như ông ta. Kể từ ngày hôm nay, ta nhất định phải cố gắng sửa chữa mới được”. Từ đó về sau, Bá Khởi mỗi ngày đều thức dậy rất sớm làm việc, cơm nước đạm bạc, hết lòng chăm lo cho dân, bổ nhiệm người có tài cán, tôn kính những người có phẩm hạnh. Qua một năm sau, Hữu Hỗ thị biết được, không những không còn dám đến xâm phạm nữa, trái lại đã tự động đầu hàng.

Câu chuyện trên muốn nhắn nhủ điều gì? Đó là “Bất hảo trách bỉ, vụ tự tỉnh thân; như hữu tri thử, vĩnh diệt vô hoạn” (Không cần chê trách kẻ khác, chỉ biết tu tỉnh lại thân tâm mình, ai biết được pháp hành xử này thì vĩnh viễn sẽ không còn tai họa) được nói đến trong “Kinh Pháp Cú”. Khi chúng ta gặp thất bại hoặc trắc trở, nếu có thể giống như Bá Khởi, không đi chỉ trích người khác mà khiêm tốn kiểm điểm bản thân, cải chính những chỗ thiếu sót của tự mình, thì thành công sau cùng ắt là thuộc về chúng ta vậy.

Tự xét lại để hoàn thiện chính mình

Bất kỳ ai cũng khó tránh khỏi thiếu sót và sai lầm, nhưng có như vậy mới có thể chủ động xét lại bản thân, tự mình hoàn thiện chính mình. Có người nói, phản tỉnh chính là cây phất trần phủi sạch lớp bụi bám dày trong tâm, là dòng nước cam lồ tẩy tịnh tâm hồn, từ đó không ngừng hoàn thiện và thăng hoa chính mình.

Có câu chuyện kể rằng, chàng thanh niên nọ xin dùng nhờ điện thoại ở một cửa hàng ven đường. Anh ta nói: “Xin hỏi, là khách sạn Hoàng Gia phải không? Tôi gọi điện thoại vì muốn hỏi quý ngài có cần tuyển người làm vườn không ạ?”. Đầu dây bên kia trả lời rằng: “Cảm ơn tiên sinh, tôi e rằng chủ nhân của chúng tôi rất hài lòng với người làm vườn hiện tại. Anh ta rất có trách nhiệm, nhiệt tình lại chuyên cần, vậy nên chúng tôi đây không có nhu cầu tuyển thêm người làm vườn nào nữa”. Chàng trai trẻ nghe xong bèn lịch sự xin lỗi rồi gác máy.

Ông chủ cửa tiệm nghe thấy câu chuyện của chàng trai, bèn thân thiện nói: “Chàng trai trẻ, cậu muốn tìm công việc làm vườn phải không? Tôi có thể tìm giúp cậu, không biết cậu có hứng thú chăng?”.

Chàng trai trẻ thành thật trả lời: “Cháu thật lòng cảm ơn ý tốt của chú. Thật ra cháu chính là người làm vườn của khách sạn Hoàng Gia. Cuộc điện thoại cháu gọi là vì muốn kiểm tra chính mình, xem mình có đáp ứng điều ông chủ mong đợi hay chưa. Cháu không biết công việc của mình biểu hiện tốt xấu thế nào, chỉ e bản thân không làm tốt mà lại tự cho là hay, sẽ không xứng đáng với đồng lương mình nhận được”.

Có câu nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Câu chuyện trên cho ta thấy, chỉ khi chủ động xét lại mình, mới có thể khiến bản thân ở vào chỗ bất bại. Còn như không phản tỉnh thì sẽ không biết được khuyết điểm và sai lầm của chính mình, không tỉnh ngộ thì không biết cải tiến công việc của mình từ đâu.

Từ đây có thể thấy, tự xét lại mình có thể giúp chúng ta phát hiện càng nhiều giá trị nhân sinh và ý nghĩa sinh mệnh hơn nữa — dũng cảm đối diện với chính mình, nhìn thẳng bản thân, tiến hành phản tỉnh đối với mỗi một lời nói hành vi của tự mình; tự xét lại những suy nghĩ không lý trí, lời nói không đúng mực, hành động không ngay chính, ứng xử không hoàn mỹ. Đây cũng là phong thái của các bậc Thánh nhân: Không ngừng phản tỉnh, không ngừng tu chính thân tâm. Chỉ có tự xét mình một cách toàn diện mới có thể thật sự nhận thức bản thân, mới có thể không ngừng hoàn thiện chính mình.

Trong “Phật thuyết tứ thập nhị chương kinh” cũng giảng: “Người có nhiều điều lỗi mà không tự ăn năn, dập tắt cái tâm này ngay tức thì, thì tội đến với thân, như nước đổ về biển, lâu dần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi tự biết nhận lỗi, đổi ác làm lành, thì tội sẽ tự nhiên tiêu diệt, như bệnh mà được ra mồ hôi, bệnh dần dần thuyên giảm vậy!”.

Chỉ có tự xét mình một cách toàn diện mới có thể không ngừng hoàn thiện chính mình, đây cũng là phong thái của các bậc Thánh nhân. (Ảnh: collider.com)

Tự xét lại mình là cội nguồn của trí huệ

Vậy nên nói, tự xét lại mình là cội nguồn của trí huệ, là bảo đảm cơ bản để mỗi người hướng đến thành công. Bởi vậy, mỗi chúng ta đều nên không ngừng tự xét lại chính mình:

Tự xét lại xem nhân sinh quan và giá trị quan của chúng ta có thiết thực hay không?

Tự xét lại xem ngày hôm nay của chúng ta có ý nghĩa hay không? Hôm nay chúng ta có những lỗi lầm gì nên chỉnh sửa?

Tự xét lại thái độ làm việc của chúng ta: Bản thân đã dốc hết toàn lực hay chưa? Có lãng phí thời gian hay không? Đã hoàn thành những công việc nên phải hoàn thành hay chưa?

Tự xét lại phương pháp làm việc của chúng ta: Đối với những việc cần phải làm hôm nay, xử lý có thỏa đáng hay không, phải làm thế nào mới có thể làm được tốt hơn?

Tự xét lại các mối quan hệ của chúng ta: Hôm nay ta có nói ra những lời không thích đáng hay không, có làm ra những chuyện tổn hại đến người khác hay không?

Tự xét lại xem, chúng ta đã noi theo tấm gương của các bậc cổ thánh tiên hiền hay chưa? Ngày mai, chúng ta nên làm thế nào mới có thể hoàn thiện mình tốt hơn?

Duy chỉ có tự xét lại mình, chúng ta mới có thể nhận thức và phát huy sở trường của mình tốt hơn nữa, đồng thời không ngừng nhắc nhở bản thân, khích lệ bản thân, vượt lên chính mình. Như vậy chúng ta sẽ không ngừng tiến bộ, con đường nhân sinh của chúng ta sẽ không ngừng rộng mở, hơn nữa bước đi vững chắc hơn, tiến được xa hơn. Làm được như vậy thì cảnh giới “đời người vui vẻ, sinh mệnh tự tại” tự nhiên cách chúng ta không còn xa nữa.

Phi Long