Từ việc phê phán truyền thống Nho giáo, thúc đẩy “tân văn hóa”, đến việc tập trung vào nghiên cứu văn hóa Trung Hoa; từ là Tổng bí thư đầu tiên của ĐCSTQ, đến khi triệt để vứt bỏ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản. Trải nghiệm gì đã khiến Trần Độc Tú phát sinh một sự thay đổi lớn như vậy?…
Chào mừng các bạn đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau hồi cố lại về Trần Độc Tú, một nhân vật trọng yếu trong lịch sử cận đại Trung Quốc.
Vào đầu thế kỷ trước, xã hội Trung Quốc đầy biến động. Trong số những đại biến cố đó, có rất nhiều người đã lọt vào thị giác của công chúng, và Trần Độc Tú là một trong số những vị đó. Trong cuộc vận động Tân văn hóa, cuộc vận động Ngũ Tứ và sáng lập ĐCSTQ, những sự kiện lớn có ảnh hưởng đến lịch sử này đều có liên hệ mật thiết với nhân vật Trần Độc Tú.
Tích cực lao thân vào các cuộc vận động không chỉ là do nhân duyên,, mà còn là do tính cách cuồng ngạo và ưa chống đối của Trần Độc Tú. Bạn cũ Trương Sĩ Chiêu từng bình luận về ông: “Một chú ngựa bất kham, dốc hết lực mà phi, nhắm mắt phi lên núi, không màng quay đầu ăn cỏ, đến lúc khí tận đường tuyệt, tuyệt lộ mà té chết như một chú ngựa phàm”.
Câu đó có nghĩa là Trần Độc Tú giống như một con ngựa hoang không biết sợ, không núi cao nào không dám leo, cũng không thèm quay đầu ăn cỏ, cuối cùng chút khẩu khí cũng không còn, cùng đường rồi té ngã và chết như một con ngựa phàm.
Mô tả này đã trở thành như một bức chân dung về cuộc đời của Trần Độc Tú. Câu chuyện của chúng tôi kể bắt đầu từ thời thơ ấu của ông.
Năm 1879, Trần Độc Tú sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở Hoài Ninh, An Huy, nguyên danh là Khánh Đồng và tự là Trọng Phủ. Năm Trần Độc Tú lên hai tuổi, cha ông qua đời vì bạo bệnh, ông được ông nội và anh cả nuôi dưỡng.
Bắt đầu từ năm tuổi, Trần Độc Tú đã được học về “Tứ thư” và “Ngũ kinh” dưới sự quản giáo của ông nội. Ông từ nhỏ đã thông minh, nhưng lại không thích đọc sách cổ. Năm mười bảy tuổi, ông đỗ tú tài, nhưng lại phê bình chế độ khoa bảng của triều đình.
Trong mắt gia đình, Trần Độc Tú là một đứa trẻ ngỗ nghịch, không biết cung kính ai, bất luận là bị đánh thế nào, cũng không bao giờ khóc, chỉ nghiến răng tức giận. Ông nội nghiêm khắc của Trần Độc Tú nói cậu “lớn lên không thành long, thì cũng thành rắn”.
Trần Độc Tú, người từ nhỏ đã khiến ông nội đau đầu, cũng gây náo loạn Nhật Bản. Năm 1901, Trần Độc Tú 22 tuổi sang Nhật Bản du học. Một ngày hai năm sau, vì bất mãn với giám đốc lưu học sinh Diêu Dục, ông và hai bạn đồng học khác đã cưỡng bức cắt tóc đuôi sam của Diêu Dục. Điều này đã gây ra một sự náo động vào thời điểm đó, Trần Độc Tú bị chính phủ Nhật Bản đuổi học về nước. Và khi chiếc kéo này cắt xuống, nó cũng mở ra những thăng trầm sau này trong cuộc đời của ông.
Năm 1913, Trần Độc Tú tham gia “cuộc cách mạng thứ hai” chống lại Viên Thế Khải, nhưng kết cục thất bại. Sau đó, ông lại sang Nhật để giúp Chương Sĩ Chiêu điều hành tạp chí “Giáp Dần”, lần đầu tiên viết một bài phát biểu dùng bút danh “Độc Tú” để tuyên truyền chủ nghĩa vô chính phủ, khiến dư luận huyên náo. Năm 1915, Trần Độc Tú trở về Thượng Hải và thành lập nguyệt san “Tạp chí Thanh niên”, năm sau đổi tên thành “Tân Thanh niên” và tự mình trở thành tổng biên tập.
Cũng giống như Hồng Tú Toàn, vì khoa cử thất bại mà tạo phản, người cách mạng bất thành Trần Độc Tú cũng cho rằng sự đen tối của xã hội Trung Quốc đương thời là do truyền thống văn hóa, đạo đức và luân lý cửu viễn của Trung Quốc. Vì vậy, ông chủ trương đổi văn ngôn cổ điển thành văn bạch thoại, không ngừng xuất bản các bài phát biểu công kích Nho giáo và đạo đức truyền thống, cho rằng cần phải “dùng máu tẩy sạch các tàn dư văn hóa cũ”, trước hết tiến hành luân lý đạo đức cách mạng, mới có thể thực hiện cải cách chính trị.
Phong trào “Vận động tân văn hóa” này đã tạo thành sức ảnh hưởng rất lớn đến giới thanh niên đương thời. Do đó, người ly kinh phản đạo Trần Độc Tú cũng dẫn khởi sự chú ý của nước Nga Xô Viết. Tháng 4 năm 1920, nước Nga Xô Viết thành lập Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản Viễn Đông, cử đại diện Weijingsky sang Trung Quốc để quảng bá chủ nghĩa Mác-Lê và khuyến khích thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào tháng 5, Weijingsky gặp Trần Độc Tú tại Thượng Hải, hai bên đã đạt được ý hướng hợp tác, Quốc tế Cộng sản cung cấp tài trợ kinh tế để bắt đầu công tác kiến lập đảng ở Thượng Hải.
Tháng 7 năm 1921, Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của ĐCSTQ được cử hành tại Thượng Hải, Trần Độc Tú được bầu làm Bí thư Trung ương Cục, là lãnh tụ đầu tiên của ĐCSTQ. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ hai và thứ ba, kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ lần thứ tư và thứ năm.
Sau khi ĐCSTQ được thành lập, dưới sự điều khiển của Quốc tế Cộng sản, một lượng lớn các hoạt động chống chính phủ đã được tiến hành ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Dùng cách nói của ĐCSTQ ngày nay, chính là đã tiến hành một lượng lớn các hoạt động “lật đổ chính quyền quốc gia”.
Ví dụ, vào tháng 3 năm 1922, Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho các đảng viên gia nhập Quốc dân đảng với tư cách cá nhân, dùng phương thức thâm nhập để đoạt lấy quyền lực. Trần Độc Tú minh xác biểu thị sự phản đối của mình, cho rằng nên dùng phương thức dân chủ để kiến lập sự hợp tác đảng đối đảng, chứ không nên ẩn nấp trong nội bộ Quốc dân đảng như một loài phụ thể. Nhưng, phản đối vô hiệu, ông chỉ có thể miễn cưỡng tuân theo. Từ đó về sau, Trần Độc Tú cũng đã nhiều lần phản đối một số phương cách của Quốc tế Cộng sản, nhưng kết quả đều vô ích.
Năm 1927, cánh hữu của Quốc dân đảng bắt đầu “Thanh đảng”, bắt giữ các đảng viên Cộng sản. Đối diện với sự thất bại nặng nề, Quốc tế Cộng sản đổ hết toàn bộ trách nhiệm cho Trần Độc Tú, tuyên bố triệt để thu hồi mọi chức vụ của ông trong và ngoài đảng. Sau khi trải qua những sự việc này, Trần Độc Tú bước vào con đường quyết liệt với đảng Cộng sản.
Từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1928, Đại hội lần thứ 6 của ĐCSTQ được tổ chức tại Moscow, Chu Ân Lai và Vương Nhược Phi đã đích thân đến thăm Trần Độc Tú và mang theo lời mời của Quốc tế Cộng sản. Trần phản pháo: “Vấn đề của Trung Quốc, vì sao phải ra nước ngoài thảo luận?” rồi thẳng thừng từ chối tham dự.
Vào tháng 7 năm sau đó, Trung Hoa Dân Quốc và Liên Xô phát sinh xung đột vì “sự cố đường sắt Trung Đông”. Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ phát biểu tuyên ngôn, đưa ra các khẩu hiệu như “Vũ trang bảo vệ Liên Xô” và “Ủng hộ Liên Xô”. Trần Độc Tú đã viết thư cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ phản đối những khẩu hiệu bán nước này. Vài tháng sau, ông bị khai trừ khỏi đảng.
Trần Độc Tú sau đó đã viết “Thư gửi các đồng chí trong toàn đảng”, thừa nhận rằng ban lãnh đạo của ĐCSTQ đã có nhiều sai lầm, và cá nhân ông phải chịu trách nhiệm chủ yếu, nhưng ông tiết lộ rằng trên thực tế, mọi sai lầm đều là do tuân theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Ông cũng nói, “Những người phụ trách trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, những người cam tâm làm ‘máy quay đĩa’ của Stalin, tới nay vẫn chưa có một điểm tự giác chính trị, họ ngày càng trở nên ngang ngược, không thuốc nào cứu được”.
Ngày 15 tháng 10 năm 1932, Trần Độc Tú bị chính phủ Quốc dân đảng bắt giữ. Trong 5 năm ở tù, ông bắt đầu chuyên tâm vào việc nghiên cứu văn tự Hán ngữ cổ, Khổng Tử và học thuyết của Đạo gia v.v.. tư tưởng của ông đã phát sinh chuyển biến, và ông cũng đã hoàn thành không ít tác phẩm học thuật có giá trị.
Vào ngày 23 tháng 8 năm 1937, Trần Độc Tú ra tù, cả hai đảng đều muốn thu nạp ông. Chính phủ Quốc dân đảng đề nghị trao cho ông chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động nhưng bị từ chối, còn Cộng sản đảng muốn đưa ông về Diên An nhưng đưa ra ba điều kiện, một trong số đó là ông phải viết bản kiểm điểm. Trần Độc Tú cự tuyệt, ông nói rõ lập trường: “Tôi không biết phải viết thế nào, tôi hối hận ư?”; “Trong thời đại hỗn loạn này, ngày mà ai hối tiếc, ai không hối tiếc vẫn còn chưa định! Không viết, có gì đáng hối tiếc đây?” Ông còn đưa ra một phát biểu thanh minh trên báo: “Tôi không còn liên kết với bất kỳ đảng phái nào”.
Trần Độc Tú, người sáng lập ĐCSTQ, cuối cùng đã thoát ly Cộng sản đảng, tuy nhiên, Cộng sản đảng không để ông yên, đã bắt đầu một chiến dịch tấn công nhằm lan truyền tin đồn hắc ám làm mất uy tín của ông.
Vào ngày 28 tháng 1 và ngày 8 tháng 2 năm 1938, Khương Sinh, đại biểu của ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản, đã đăng hai bài báo liên tiếp dài hơn 16 ngàn từ trên “Tuần báo Giải phóng”, cho rằng “sự biến ngày 18 tháng 9″ năm 1931 đã khiến Nhật Bản chiếm lĩnh ba tỉnh đông bắc, đồng thời, cơ quan thám báo của Nhật Bản ở Thượng Hải và Trần Độc Tú đã tiến hành đàm phán hợp tác cộng đồng, kết quả là Trần Độc Tú “không ngăn cản Nhật Bản xâm lược Trung Quốc”, Nhật Bản trợ cấp cho Trần hàng tháng 300 nguyên tiền. Sau khi nhận được tiền trợ cấp, Trần tiếp thụ chỉ thị, đóng một vai kịch kép để giúp Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.
Phát biểu của Khương Sinh giống như một quả bom phát nổ, ngay lập tức khiến dư luận dậy sóng, không chỉ những nhân sĩ chống Cộng, mà cả những người thân Cộng, hết thảy đều bất bình với Trần Độc Tú. Một tháng sau, vào ngày 17 tháng 3, tờ “Tân Hoa Nhật Báo” do Chu Ân Lai làm chủ biên tiếp tục thổi bùng ngọn lửa, đăng các bình luận ngắn, đặt câu hỏi liệu Trần Độc Tú có phải là Hán gian hay không, liên tục yêu cầu ông công khai đưa ra “tuyên bố chính thức”.
Ngày hôm sau, Trần Độc Tú hồi đáp trong “Thư gửi Tân Hoa Nhật Báo”:
“Nhận kim tiền của kẻ thù để làm gián điệp, nếu có sự thực này, đó là một tội phạm hình sự, quyết không thể vì thanh minh thoát ly tổ chức Hán gian và phản đối hành động Hán gian mà sự thật này bị tiêu diệt. Liệu kẻ [bị tố] là Hán gian có nên được đánh giá dựa trên sự tồn tại của bằng chứng hay không?”
“Các người đang hướng đến bất chấp thủ đoạn, bất chấp sự thật mà gieo thị phi, chỉ cần chịu để các người dắt mũi đi thì được coi là chiến sĩ, phản đối các người thì bị coi là Hán gian, đạo đức làm người chẳng lẽ như vậy sao?”
Sự phản tỉnh của Trần Độc Tú đối với tư tưởng của Cộng sản đảng rất sâu sắc. Ngày 28 tháng 11 năm 1940, trong bài “Những ý kiến căn bản của tôi”, ông viết: “Cái gọi là chế độ chuyên chính vô sản, căn bản là hoàn toàn không có; nó chỉ là sự độc tài của một đảng, và kết quả chỉ có thể dẫn đến lãnh đạo độc tài, mà bất kỳ chế độ độc tài nào cũng không thể tách rời một nền chính trị quan liêu hủ hóa, tàn bạo, mông muội, lấp liếm và dối trá”. Ông còn nhiều lần cho biết, những nhận thức này của ông là “căn cứ trên kinh nghiệm 12 năm của chính quyền Xô Viết, đã khảo sát nó một cách kỹ càng trong 6-7 năm” mới hình thành.
Trong những năm cuối đời, Trần Độc Tú sống như một cư khách trong một một khuôn viên có tường bằng đá ở Hạc Sơn Bình, Giang Tân, Trùng Khánh, cuộc sống vô cùng quẫn bách. Vợ ông là Phan Lan Trân đã giấu ông việc phải cầm đồ trang sức và quần áo để lấy tiền trợ cấp cho cuộc sống, thậm chí còn trồng khoai tây ở khoảng đất trống ngoài sân. Mặc dù vậy, ông không nhận quà tặng từ các thành viên cả hai đảng Quốc dân và Cộng sản. Vào ngày 27 tháng 5 năm 1942, Trần Độc Tú qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi sáu mươi ba.
Sau khi ông qua đời, quần áo, quan tài và nghĩa trang của ông đều được tài trợ bởi một hương thân họ Đặng ở địa phương. Theo hồ sơ ghi chép, lúc đó Tưởng Giới Thạch cũng đã gửi giúp một vạn nguyên tiền. Trần Độc Tú từng nói rằng, Tưởng là kẻ thù truyền kiếp “không thể lay chuyển” của ông, nhưng khi ông chết và được an táng, đối phương đã hào phóng đóng góp kinh phí để bày tỏ sự chia buồn, điều này khiến cả phe cầm quyền và phe đối lập đều vô cùng ngạc nhiên.
Còn ĐCSTQ thì hành xử ra sao? Trong các cuộc đấu tranh liên tiếp về sau trong nội bộ đảng, Mao Trạch Đông nhiều lần nhắc đến Trần Độc Tú, gọi ông là “đại phản đồ”, “phần tử phản cách mạng”, “tay sai của kẻ thù giai cấp trong nội bộ đảng ta”, và “kẻ nguy hại nhất cho đảng ta”, “chỉ có thể đả đảo”. Sau khi bị đả đảo, ông đã bị chụp lên ít nhất 9 chiếc mũ lớn, bao gồm: đường lối đầu hàng chủ nghĩa hữu khuynh, phản Quốc tế Cộng sản, phản đảng, Hán gian, v.v…
Vào tháng 2 năm 2009, Nhà xuất bản Văn học và Lịch sử Trung Quốc xuất bản cuốn “Đại vãng sự: Tung hoành lịch sử giải mật đương án” của Diệp Khuông Chính, trong đó nói rằng giới học thuật đã khảo sát lại những tư tưởng và hành động của Trần Độc Tú trong suốt cuộc đời ông, phát hiện rằng không có tội danh nào có thể được thành lập. Vụ án này là vụ án oan, sai lớn nhất trong lịch sử ĐCSTQ.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch