Bạn đọc yêu mến Tây du ký* hẳn ai cũng đều nhớ 500 năm Tôn Ngộ Không bị đày dưới Ngũ Hành Sơn, 500 năm đợi chờ đằng đẵng người đi lấy kinh. Nhưng bạn còn nhớ chăng, có một lần trên đường đến Tây Thiên, Tôn Ngộ Không cũng bị núi đè như thế, đến mức “hai vai đau đớn, máu bảy khiếu phun ra”. Ba trái núi Tu Di, Nga Mi và Thái Sơn bị yêu quái Ngân Giác vận thần thông đè lên vai và đầu Tôn Hành Giả là một ẩn dụ vô cùng sâu sắc.
Tây du ký kể rằng, sau khi được Bát Giới dùng nghĩa khích lệ và cứu thoát Đường Tăng ở nước Bảo Tượng, Tôn Ngộ Không lại trở về cùng hộ tống sư phụ sang Tây Trúc thỉnh kinh. Đến núi Bình Đính, mấy thầy trò đụng độ hai yêu quái tài phép đa mưu là Kim Giác và Ngân Giác. Hai ma vương muốn ăn thịt Đường Tăng nhưng e sợ Tề Thiên Đại Thánh thần thông quảng đại, biết rằng cậy thế bắt không xong, bèn khéo léo lập mưu lợi dụng lòng từ bi của Tam Tạng. Ngân Giác đại vương biến thành một đạo sĩ ngã gãy chân, máu me đầm đìa ngồi ở mé đường, miệng rên ư ử, kêu van cứu mạng. Gặp Đường Tăng, hắn nói dối rằng tối qua đi làm lễ về gặp hổ dữ, sợ quá ngã lăn vào đá nhọn nên mới bị thương, không ngồi được ngựa, bắt Tôn Hành Giả phải cõng. Hồi thứ 33 “Ngoại đạo mê chân tính, Nguyên thần giúp bản tâm” có viết:
“Hành Giả cõng rồi, miệng tủm tỉm nói:
– Đồ ma quái chết tiệt, dám che mắt cả ta sao? Ngươi thử hỏi lão Tôn bao nhiêu tuổi rồi? Những lời trí trá của ngươi chỉ lừa được Đường Tăng, chứ làm sao lừa nổi ta? Ta nhận ra ngươi là yêu quái ở núi này rồi. Ngươi định ăn thịt sư phụ ta hẳn? Sư phụ ta không phải là hạng tầm thường để ngươi ăn thịt đâu. Mà có ăn thịt cũng phải chia nửa già cho lão Tôn đấy nhé!
Yêu quái nghe thấy Hành Giả lẩm bẩm như vậy, bèn nói:
– Sư phụ ạ, tôi là con cái nhà tử tế đi làm đạo sĩ, hôm nay không may, gặp nạn hổ báo, chứ không phải là yêu quái đâu.
Hành Giả nói:
– Nhà ngươi sợ hổ báo, tại sao không đọc kinh Bắc Đẩu?
Tam Tạng đang trèo lên mình ngựa, nghe thấy thế mắng luôn:
– Con khỉ hỗn láo kia! “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy cấp phù đồ”, nhà ngươi cứ việc cõng là cõng, còn nói lôi thôi “kinh Bắc Đẩu”, “kinh Nam Đẩu” làm gì!
Hành Giả nghe vậy nói:
– Nhà ngươi, gặp may đấy! Sư phụ ta là người từ bi hiếu thiện, lại hơi có tính thích sĩ diện bề ngoài, ta mà không cõng, người sẽ mắng ta ngay, ừ, cõng thì cõng, nhưng ta giao hẹn thế này: nếu mót đi ỉa, đi đái thì phải bảo cho ta biết, chứ đừng đái ướt đầm trên lưng ta, khai không chịu nổi, mà bẩn cả quần áo không ai giặt được.
Yêu quái nói:
– Tôi ngần này tuổi đầu lại không hiểu câu nói của ngài hay sao?
Lúc ấy Hành Giả mới đỡ yêu quái dậy, cõng trên lưng, cùng Đường Tăng, Sa Tăng tiếp tục theo đường cái sang phương Tây. Những chỗ đường gồ ghề khấp khểnh, Hành Giả cố ý đi chậm, để Đường Tăng đi trước.
Đi được chừng vài dặm, sư phụ và Sa Tăng đi khuất vào thung lũng, không nhìn thấy, Hành Giả trong lòng oán trách nói:
– Sư phụ ngần ấy tuổi đầu mà vẫn không hiểu sự đời. Đường thì xa, đến vác cái xác còn không xong lại còn bắt mình cõng cái con yêu quái này! Chẳng biết hắn là yêu quái hay người tử tế, nhưng đến cái tuổi này thì chết cũng đáng rồi. Quẳng hắn cho chết quách đi, cõng làm gì!
Đại Thánh đang nghĩ mẹo quẳng yêu quái đi, nhưng yêu quái đã biết trước, hắn lại biết cả phép thuật “dời non chuyển biển”, cứ việc ngồi trên lưng Hành Giả bắt quyết niệm chú, đưa cả tòa núi Tu Di lên không trung đè xuống ép Hành Giả, Hành Giả sợ quá, vội vàng nghiêng đầu sang một bên, để cho ngọn núi đè lên vai trái, rồi cười nói:
– Con trai của bố ơi, con định dùng phép làm nặng thân để đè lão Tôn đấy hử? Cái trò đó sợ quái gì, có điều “gánh đều thì dễ đi, gánh lệch thì vất vả” một tý thôi.
Yêu quái nói:
– Một quả núi đè hắn không xong!
Bèn lại niệm chú bốc cả trái núi Nga Mi lên không trung rồi cho đè xuống Hành Giả. Hành Giả lại nghiêng đầu sang một bên, để cho trái núi đè xuống vai phải. Bạn xem, Hành Giả gánh cả hai trái núi đi như bay đuổi theo sư phụ. Yêu quái thấy thế sợ quá, mồ hôi vã ra như tắm, nói:
– Hắn gánh được cả núi!
Đoạn lấy lại tinh thần, tiếp tục niệm chú bắt quyết, bốc bổng trái núi Thái Sơn lên không trung cho đè xuống người Hành Giả. Đại Thánh sức yếu gân mềm lại bị yêu quái làm phép đè cả trái núi Thái Sơn xuống đầu, khiến cho hai vai đau đớn, máu bảy khiếu phun ra.
Yêu quái vận dụng thần thông đè chặt Hành Giả, rồi cưỡi trên luồng gió mạnh đuổi theo Đường Tam Tạng. Hắn đứng trên đám mây, thò tay xuống quắp ngay lấy Tam Tạng.
…
Lại nói chuyện Hành Giả bị yêu quái dùng phép ép chặt dưới chân núi, gặp hoạn nạn lòng càng nhớ tới sư phụ, bèn cất tiếng than thở:
– Sư phụ ơi, nghĩ tới lúc thầy đến núi Lưỡng Giới, bóc đạo bùa, cứu thoát con khỏi nạn lớn, đi theo đạo Sa Môn, được Bồ Tát ban cho pháp chỉ, thầy trò cùng tu hành, cùng duyên nghiệp, cùng trí kiến, có ngờ đâu đi tới chốn này, gặp ma chướng, bị chúng dời núi đè chặt. Hỡi ôi, thầy chết đã đành, lại khổ thêm cả một lũ Sa Tăng, Bát Giới, và Tiểu Long hóa ngựa nữa! Thật là “cây đón gió bị gió rung cây, người tham danh bị danh vùi xác!”.
Thở than rồi, nước mắt ròng ròng như mưa”.
Lời than thở của Tôn Ngộ Không thật xót xa mà thâm thuý biết bao! Người xưa thường nói “Tâm viên ý mã”, ví tâm con người nhảy nhót lăng xăng như khỉ, nên Ngộ Không là hình tượng hoá của cái tâm của Đường Tam Tạng. Tôn Ngộ Không bị ba trái núi đè chặt, một tầng hàm nghĩa có lẽ là cái tâm của người tu luyện bị chấp trước đè nặng, không bước đi nổi nữa rồi. Mà chấp trước này là chấp trước vào danh, cái tâm cầu danh, tham danh khiến mỗi bước đi trở nên nặng nề chậm chạp, thân thể nội thương, thậm chí còn mất mạng.
Con người ta sống trên thế gian không nằm ngoài ba chữ danh, lợi, tình, tất tả ngược xuôi một đời cũng chỉ vì ba chữ ấy. Làm người tu luyện, Đường Tăng không màng quan tước, giàu sang, cắt đứt dục tình, nhưng ông lại khó nhận ra cái tâm tham danh ẩn hình sau ý muốn làm việc thiện. Làm việc thiện thì được tiếng là hiền lương, được người đời kính phục, đó cũng là truy cầu kín đáo của không ít người hành thiện.
Chu Tử Gia Huấn có câu: “Làm thiện muốn người ta thấy, điều thiện ấy không thực. Làm ác sợ người ta biết, điều ác ấy thực to”. Giúp người, bố thí… làm điều tốt đến đâu mà còn muốn được người khác biết, cảm ân mang đức đối với mình, thì cái đó chỉ là giả thiện. Mà đã là giả thiện thì không có công đức, cũng chẳng thể đề cao cảnh giới, không thể được Thiên Thượng phù hộ độ trì.
Sau này, trước lúc gặp nạn ở sông Thông Thiên, khi nhìn thấy đoàn người tấp nập vượt sông buôn bán, Đường Tăng nói: “Việc đời chỉ có danh lợi là tối trọng. Bọn họ chỉ vì lợi mà liều chết quên sống. Thầy trò tôi vâng mệnh vua giữ vẹn lòng trung cũng là vì danh. So với họ cũng chẳng khác nhau mấy tý”. Chứng tỏ ông đã nhận ra được chấp trước, sơ hở của mình. Vì tâm danh này mà Đường Tăng nôn nóng vượt sông, cuối cùng bị yêu quái phá băng, vùi thân dưới dòng nước lạnh. Quả như Tôn Ngộ Không than thở: “Cây đón gió bị gió rung cây, người tham danh bị danh vùi xác!”.
Tây du ký nói về hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, thực ra cũng là hành trình diệt trừ ma tính của người tu luyện. Mỗi một yêu quái xuất hiện trên hành trình là đối ứng với một chủng tâm chấp trước cần buông bỏ. Nên trong tác phẩm có bài thơ rằng:
Một niệm nảy sinh đấy vạn ma,
Tu trì vất vả khó khăn là.
Đã đành tắm gội không vương bụi.
Vẫn phải dày công khổ luyện mà.
Quét sạch vạn duyên về cõi tịch,
Diệt phăng nghìn quái chẳng buông tha.
Rồi đây thoát khỏi vòng vây hãm,
Viên mãn bay lên cõi Đại La.
Cố sự Tôn Ngộ Không cõng núi trên đây là ẩn dụ sâu sắc cho người tu luyện cõng trong tâm chấp trước vào danh, vào thể diện. Tu tâm hành thiện mà còn dính mắc vào danh, thì chỉ cần bị người khác đả kích hoặc thờ ơ, không được nghe nhiều lời khen tặng cảm ơn, ắt sẽ nảy sinh tâm lý chán chường, mệt mỏi. Tâm tham danh nhìn ở không gian khác chính là những trái núi to lớn, đè chặt người tu luyện, khiến họ không thể tinh tấn tiến về viên mãn. Chỉ có vứt bỏ chấp trước vào danh, giữ một trái tim trong sáng vô dục vô cầu mà hành thiện, thì bước đi mới có thể nhẹ nhàng thông thuận.
*Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm