Chu Thánh Chương là người huyện Đan Dương, gia cảnh vào loại thường thường bậc trung. Vào một năm thời vua Càn Long, Chu Thánh Chương có 100 mẫu ruộng, lại được mùa nên gia đình Chu Thánh Chương được bội thu. Không những thế, năm đó Chu Thánh Chương còn bỏ ra nhiều tiền mua thêm nhiều thóc về dự trữ, làm cho lượng thóc trong nhà ông ta lên đến gần 4000 thạch (480.000 kg).
Đến năm sau, đâu đâu cũng bị mất mùa thảm hại, cả hai vụ lúa trong năm đều không cho thu hoạch. Bấy giờ, giá cả thóc gạo tăng cao vô cùng đắt đỏ nhưng Chu Thánh Chương vẫn một mực đóng cửa kho mà không bán. Ông ta đợi đến mùa đông, khi kênh đào đã cạn khô nước, thương nhân không có cách nào đi lại bằng thuyền được, hơn nữa toàn bộ thóc gạo cũng đã được tiêu thụ hết, chỉ có duy nhất gia đình Chu Thánh Chương là còn thóc dự trữ.
Thế là, dân cư các nơi đều đổ về kho nhà Chu Thánh Chương để xin được mua thóc. Chu Thánh Chương ban đầu chưa đồng ý. Ông ta đợi đến lúc có rất nhiều người đến hỏi mua mới bắt đầu mở kho thóc và đưa ra giá là mỗi một thạch (120 kg) đổi một mẫu ruộng, hơn nữa trong thóc còn trộn lẫn cả trấu. Chu Thánh Chương cứ dùng cách này để đổi và cuối cùng ông ta đổi hết 4000 thạch lấy tràn đầy một hòm khế ước, tính tổng ra được khoảng 5000 mẫu ruộng. Chu Thánh Chương vốn là người keo kiệt, lại giỏi về sưu cao thuế nặng cho nên chỉ trong mấy năm sau, điền sản của ông ta đã lên đến hơn 10.000 mẫu, tiền bạc chất cao như núi.
Bởi vì mãi không sinh được một đứa con trai nối dõi tông đường nên Chu Thánh Chương hàng ngày đều cầu nguyện, đến khi tuổi già ông ta cũng sinh được một người con trai. Bời vì năm Chu Thánh Chương sinh được cậu con trai này, ông ta đã 68 tuổi nên đặt tên con trai là Sáu Tám.
Năm Sáu Tám chưa tròn 10 tuổi, thì Chu Thánh Chương qua đời.
Sáu Tám sau khi lớn lên, coi tiền bạc như rác rưởi, ngày nào cậu ta cũng mang rất nhiều tiền ra ngoài chơi đến khi nào tiêu hết mới về nhà. Thậm chí, có những hôm cậu ta không tiêu hết tiền còn đem bạc nén ném xuống ruộng ven đường.
Lúc bấy giờ, dân trong thôn thấy Sáu Tám trẻ người non nớt nên thường đến vay thóc, nhưng mà người dân vay xong cũng không trả lại. Vì thế mà lượng thóc gạo trong gia đình Sáu Tám cũng vơi đi dần.
Hơn nữa, cậu ta còn là người đam mê bài bạc, không kể ngày đêm đều chơi bài đánh bạc nên thua bạc cũng rất nhiều. Đến nỗi, Sáu Tám bắt đầu phải bán dần tài sản đi để trả nợ. Khi phải bán ruộng đất, cậu ta còn không kịp ghi khế ước mà chỉ đóng dấu. Người dân biết Sáu Tám cần tiền trả nợ nên ai ai cũng ép giá thật thấp, khiến cho chỉ trong mấy năm sau đó, toàn bộ ruộng đất nhà Sáu Tám đã không cánh mà bay. Đến năm Sáu Tám qua đời, gia tài của cậu ta không còn lấy một ngôi nhà hay một mẫu ruộng.
Sau khi Sáu Tám qua đời, người dân trong vùng mỗi lần trách mắng con cái là phá gia chi tử thì đều lấy chuyện của Sáu Tám ra làm gương.
Phúc phận do đức mà đến, tổ tiên không tích đức cho con cháu, con cháu không có phúc để hưởng thụ thì sẽ dễ phá sản. Âu cũng là ác hữu ác báo, ức hiếp người khác nếu đời mình không chịu thì đời con cháu sẽ phải chịu ác báo. Vì vậy, một người vì tiền mà bán đứng lương tâm của mình thì chắc chắn cũng không được lợi ích gì.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: