Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

  • Tiếp theo kỳ 1   2   3   4   5   6   7   8   9

111.春蠶到死絲方盡,蠟炬成灰淚始干。(唐李商隱無題)

“Xuân tàm đáo tử ty phương tận,

Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can”.

(Đường Lý Thương Ẩn – Vô đề)

Dịch nghĩa:

Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ

Ngọn nến thành tro mới bắt đầu khô nước mắt.

Lý Thương Ẩn, hiệu Ngọc Khê sinh, là một nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Bước đường công danh của Lý Thương Ẩn vô cùng bấp bênh, suốt đời ông chưa bao giờ được giữ một chức vụ gì quan trọng để thi thố tài “vạn trượng xuyên vân” (xuyên mây vạn dặm) của một kẻ tài tử. Nhưng sự nghiệp văn chương của ông lại vô cùng rực rỡ. Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn.

Hai câu trên trích từ bài thơ cũng có tên là “Tương kiến thì nan biệt diệc nan” (Gặp nhau khó ly biệt cũng khó), thể hiện nỗi niềm thương nhớ, lưu luyến của thi nhân với người tri kỷ. Cụ Nguyễn Du đã mượn ý câu thơ “Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can” trong lời của Thúc Sinh nói với Kiều rằng:

“Dù cho sông cạn đá mòn,

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.

Sau này, bộ phim Tây Du Ký 1986 cũng có bài hát mang tên “Tương kiến nan, biệt diệc nan” miêu tả tình cảm của Nữ vương Tây Lương nữ quốc với Đường Tăng. Trong đó có câu: “Tương kiến nan, biệt diệc nan. Chẩm tố giá trung ngữ vạn thiên. Ngã nhu tình vạn chủng, tha khứ chí cánh kiên” (Tạm dịch: Gặp nhau khó, biệt ly cũng khó. Làm thế nào để nói ra ngàn vạn lời chất chứa tận đáy lòng. Tình cảm yêu thương của ta sâu nặng, nhưng ý chí ra đi của chàng lại càng kiên định).

112.身無彩鳳雙飛翼,心有靈犀一點通。(唐李商隱無題)

“Thân vô thái phượng song phi dực

Tâm hữu linh tê nhất điểm thông”.

(Đường Lý Thương Ẩn – Vô đề)

Dịch nghĩa:

Thân không có đôi cánh phượng muôn sắc cùng bay

(Nhưng) tâm có linh cảm tương thông.

113.相見時難別亦難,東風無力百花殘。(唐李商隱無題)

“Tương kiến thì nan biệt diệc nan,

Đông phong vô lực bách hoa tàn”.

(Đường Lý Thương Ẩn – Vô đề)

Dịch nghĩa:

Gặp gỡ nhau khó, chia lìa nhau cũng khó

Gió xuân không có lực mà  trăm hoa vẫn tàn úa.

Gặp gỡ nhau khó, chia lìa nhau cũng khó… (Ảnh: wenzhengwenhua.com)

114.庄生曉夢迷蝴蝶,望帝春心托杜鵑。(唐李商隱錦瑟)

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên”.

(Đường Lý Thương Ẩn – Cẩm sắt)

Dịch nghĩa:

Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm

Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim đỗ quyên.

(Lý Thương Ẩn – Đàn gấm)

Dịch thơ (tác giả khuyết danh):

Trang sinh hồn bướm mơ tiên

Lòng xuân Thục đế gởi quyên gọi hè.

Trang Chu tức Trang Tử, tên là Chu. Trang Chu nằm mơ thấy mình hoá thành bướm bay khắp nơi, khi tỉnh mộng bàng hoàng tự hỏi không biết mình là người lúc trước mơ thành bướm, hay là bướm bây giờ mơ hoá người. Còn vua Thục tên là Đỗ Vũ. Khi chết đi, thương nước cũ, tiếc duyên xưa, hồn hoá làm chim đỗ quyên (còn gọi là chim cuốc).

Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng mượn lại hai điển cố này để miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên”.

115.歷鑒前朝國與家,成由勤儉敗由奢。(唐李商隱)

“Lịch giám tiền triều quốc dữ gia

Thành do cần kiệm bại do xa”.

(Đường Lý Thương Ẩn)

Dịch nghĩa:

Trải qua và nhìn lại những tấm gương từ nhà đến nước của các triều đại trước

Thành công là nhờ cần kiệm, thất bại là do xa xỉ.

Trải qua và nhìn lại những tấm gương từ nhà đến nước của các triều đại trước – Thành công là nhờ cần kiệm, thất bại là do xa xỉ. (Ảnh: wikipedia.org)

Trong văn hoá truyền thống, cần kiệm là một trong những phẩm chất của người quân tử. Chuyện kể rằng: Hán Văn Đế dự định tu sửa cung điện, dự toán chi phí là một trăm cân vàng. Hán Văn Đế nói: “Một trăm cân vàng tương đương với sản nghiệp của mười hộ dân, ta đã thừa kế cung điện của tiên đế thì cần gì phải tu sửa cung điện nữa!”

Hán Văn Đế thường mặc quần áo vải thô, ngay cả Thận phu nhân mà vua sủng ái cũng không được mặc y phục sát đất, mành rèm không được thêu hoa văn, để thể hiện sự đôn hậu chất phác, làm gương cho thiên hạ. Tu sửa lăng tẩm dùng toàn bộ là đồ gốm sứ, không dùng vàng, bạc, đồng, kim loại làm trang sức, không xây tháp cao để tiết kiệm và đỡ phiền đến bách tính.

Vì vậy, Hán Văn Đế được coi là hình mẫu của bậc đế vương hiền minh. Thời kỳ “Văn Cảnh chi trị” của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế đã trở thành một thời kỳ thịnh thế được công nhận trong lịch sử cổ đại Trung Quốc [1].

116.桐花萬里丹山路,雛鳳清於老鳳聲。(唐李商隱)

“Đồng hoa vạn lý đan sơn lộ

Sồ phượng thanh ư lão phượng thanh”.

(Đường Lý Thương Ẩn)

Dịch nghĩa:

Hoa ngô đồng đỏ đường núi hàng vạn dặm

Con chim phượng non có tiếng hót trong trẻo hơn tiếng hót của con chim phượng già.

117.海闊憑魚躍,天高任鳥飛。(唐僧雲覽)

“Hải khoát bằng ngư dược

Thiên cao nhậm điểu phi”.

(Đường Tăng – Vân lãm)

Dịch nghĩa:

Biển rộng tùy ý cá nhảy

Trời cao mặc sức chim bay.

(Đường Tăng – Ngắm mây)

Biển rộng tùy ý cá nhảy – Trời cao mặc sức chim bay. (Ảnh minh họa: violet.vn)

118.剪不斷,理還亂,是離愁,別是一番滋味在心頭。(五代李煜烏夜啼)

“Tiễn bất đoạn

Lý hoàn loạn

Thị ly sầu

Biệt thị nhất phiên tư vị tâm đầu”.

(Ngũ đại Lý Dục – Ô dạ đề)

Dịch nghĩa:

Cắt không đứt

Chỉnh lý trị sửa vẫn rối loạn

Là cái sầu ly biệt

Là một loại dư vị đặc biệt trong lòng.

(Lý Dục – Ô dạ đề)

Lý Dục, tự Trùng Quang, người đời quen gọi là Nam Đường hậu chủ. Ông là người nhân huệ minh mẫn, văn hay hoạ khéo, biết âm luật. Ông tự hiệu là Chung Nam ẩn sĩ.

Nam Đường bị nhà Tống diệt, phong ông làm An mệnh hầu, sau ông lại bị Tống Thái Tổ cho uống thuốc độc chết. Miền Giang Nam được tin Hậu Chủ chết, các phụ lão đều thương khóc.

Hậu Chủ lúc chưa mất nước sinh hoạt rất hào hoa nên từ cũng rất uỷ mị hoan lạc. Sau khi mất nước, bị đưa về nhà Tống, ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt. Từ của ông lúc đó cũng rất thê thảm bi ai, đúng là vong quốc chi âm [2].

119.昨夜西風凋碧樹,獨上高樓,望盡天涯路。(五代晏殊蝶戀花)

“Tạc dạ tây phong điêu bích thụ

Độc thướng cao lâu

Vọng tận thiên nhai lộ”.

(Ngũ đại Yến Thù – Điệp luyến hoa)

Dịch nghĩa:

Đêm qua gió thu [3] thổi làm cây xanh lá biếc điêu tàn

Một mình bước lên lầu cao

Nhìn đến tận cùng con đường xa tít chân trời.

Yến Thù (991-1055) tự Đồng Thúc, người huyện Lâm Xuyên (nay thuộc tỉnh Giang Tây), 7 tuổi đã làm văn, về sau làm quan tới Tể tướng. Từ của ông có phong vị xảo diệu, nùng diễm mà đối thê lương uyển chuyển, phong cách rất cao [4].

Tương truyền, ông được Hoàng đế cất nhắc và trọng dụng là nhờ tấm lòng chân thành đặc biệt hiếm có. Khi Yến Thù vẫn còn là thiếu niên, Trương Tri Bạch đã đề cử ông với triều đình. Hoàng thượng triệu ông tới cung điện, đúng lúc gặp kỳ thi đình để chọn tiến sỹ, liền lệnh cho Yến Thù dự thi luôn. Yến Thù vừa thấy đề thi liền nói: “Thần mười ngày trước đã dùng đề này để làm bài rồi, bản thảo của bài phú ấy thậm chí vẫn còn, khẩn cầu được xin đề khác” [5].

Theo Soundofhope.org
Như Ý biên dịch và chú giải
Nam Phương hiệu đính

Chú thích:

[1] [5] Theo vn.minghui.org.

[2] [4] Theo thivien.net.

[3] Theo học thuyết Ngũ hành thì mùa xuân ứng với phương đông, mùa thu ứng với phương tây, nên thơ văn xưa hay nói “đông phong”, “tây phong”, ngụ ý là “gió xuân” và “gió thu”.