Bồ Đề Đạt Ma là vị cao tăng Ấn Độ từng truyền Pháp vào Trung Quốc, được người đời sau tôn vinh là sư tổ của Thiền tông.
Đương thời, Tổ sư Đạt Ma đã nhiều lần hiển lộ thần tích. Khi vượt sông Trường Giang ngài không ngồi thuyền, mà chỉ bẻ một cọng lau bên bờ rồi nhẹ lướt qua sông, từ đó lưu lại trong dân gian một câu chuyện thần kỳ. Sau khi đến chùa Thiếu Lâm, ngài lại ẩn tu trong hang động, quay mặt vào vách đá, đả toạ nhập định suốt 9 năm ròng. Ngày nay trên vách đá bên Thiếu Lâm Tự vẫn in bóng hình ngài. Và trước khi rời thế gian, Bồ Đề Đạt Ma còn lưu lại thần tích ‘một chiếc giày về Tây thiên’.
Tống Vân vô tình gặp Bồ Đề Đạt Ma
Khi “hóa duyên đã hết, truyền Pháp được người”, pháp môn Thiền tông nay đã có đệ tử kế thừa, Tổ sư Đạt Ma bèn ngồi ngay ngắn viên tịch. Sau đó nhục thân của ngài được an táng trên núi Hùng Nhĩ, còn Phật tháp thờ ngài thì nằm tại chùa Định Lâm. Chuyện Đạt Ma viên tịch ai ai cũng biết. Nhưng một sứ thần của nước Đông Ngụy là Tống Vân vì đi sứ Tây Vực chưa về, nên hoàn toàn không hay biết rằng ngài đã giã từ thế gian. Hai năm sau, khi Tống Vân từ Tây Vực trở về Lạc Kinh, trên đường đi qua núi Thông Lĩnh ông vô tình gặp lại Đạt Ma. Lúc ấy ngài một tay chống thiền trượng, tay còn lại cầm một chiếc giày, trên người mặc y phục tăng nhân, đang đi từ phía đông hướng về phương tây.
Hai người gặp lại nhau, Tống Vân vốn quen biết Đạt Ma từ trước nên vội vàng dừng bước hỏi: “Thưa đại sư, ngài đi đâu đấy?”.
Tổ sư Đạt Ma trả lời: “Tôi đi Tây Thiên”.
Rồi ngài nói tiếp: “Về kinh thành rồi ông chớ nói là đã gặp tôi, nếu không sẽ có tai họa”.
Sau đó một người về hướng đông, người còn lại tiếp tục về phương tây. Tống Vân cho rằng Tổ sư Đạt Ma chỉ nói đùa cho vui nên hoàn toàn không để ý. Sau khi về kinh thành Tống Vân đến bái kiến hoàng đế, nhân tiện kể lại cuộc hội ngộ bất ngờ ở Thông Lĩnh.
Tống Vân chưa dứt lời thì Hiếu Tĩnh Đế đã đùng đùng nổi giận quát lên rằng: “Hỗn xược! Ai cũng biết Đạt Ma đã chết ở Vũ Môn, an táng trên núi Hùng Nhĩ, xây tháp ở chùa Định Lâm. Sao ngươi dám cả gan nói là gặp đại sư ở núi Thông Lĩnh? Người chết sao có thể sống lại được đây!”. Nói rồi hoàng đế ra lệnh cho thị vệ bắt Tống Vân giam vào ngục.
Mấy ngày sau, Hiếu Tĩnh Đế thiết triều để thẩm tra vụ án Tống Vân. Hoàng đế hỏi: “Việc khanh gặp Đạt Ma ở núi Thông Lĩnh rốt cuộc là thế nào, hãy nói ra sự thật”.
Tống Vân thành thật trả lời: “Tạ ơn hoàng thượng đã cho phép thần được bẩm tấu. Thần gặp đại sư ở núi Thông Lĩnh, lúc ấy ngài vừa chống tích trượng, vừa xách một chiếc giày, nhẹ nhàng thanh thoát đi về hướng tây. Ngài nói là trở về Tây Thiên và còn dặn thần không được kể lại chuyện này, nếu không ắt có tai họa. Thần cho rằng đó là lời đùa vui nên mới có chuyện bẩm tấu lên hoàng thượng. Hôm nay thần nói ra sự thực, từng câu đều là chân thực, không dám mạo phạm khi quân, mong hoàng thượng anh minh phân rõ thị phi”.
Hiếu Tĩnh Đế nghe xong trong lòng bán tín bán nghi, thật giả khó mà phân biệt rõ, vẻ mặt trầm tư không biết nên phân xử thế nào cho thoả đáng.
Bên dưới điện các quan đại thần cũng bàn tán xôn xao. Có vị nói: “Đạt Ma tạ thế người người đều biết, đâu có chuyện người chết hoàn dương? Tống Vân đúng là phạm tội khi quân, nên xử theo phép nước”.
Lại có vị cho rằng: “Nay Tống Vân đã bị giam cầm thì làm sao dám khi quân? Thật giả khó phân biệt thì có thể mở quan tài nghiệm chứng”.
Hiếu Tĩnh Đế thấy có lý, bèn ra lệnh đào mộ Đạt Ma rồi mở nắp quan tài ra xem, quả nhiên chiếc quan tài trống rỗng, bên trong không có thi thể mà chỉ thấy một chiếc giày. Vụ án kết thúc, Tống Vân cũng được rửa oan. Sau đó, Hiếu Tĩnh Đế bèn đổi tên chùa Định Lâm thành Không Tướng, tức ‘không có hình tướng’ để lưu lại câu chuyện kỳ lạ này cho hậu thế.
Một chiếc giày về Tây thiên
Hiện nay trong chùa Thiếu Lâm vẫn còn tấm bia “Đạt Ma cầm một chiếc giày trở về Tây thiên”, trên bia khắc 4 câu thơ:
Đạt Ma nhập diệt Thái Hòa niên,
Hùng Nhĩ sơn trung tháp miếu toàn.
Bất thị Tống Vân Thông Lĩnh kiến,
Thùy tri chích lý khứ Tây Thiên.
Dịch nghĩa:
Đạt Ma nhập diệt vào năm Thái Hòa,
Chùa, tháp (xây cho ngài) ở núi Hùng Nhĩ vẫn còn nguyên vẹn.
Nếu không phải Tống Vân gặp ngài ở núi Thông Lĩnh,
Thì ai biết được ngài cầm một chiếc giày trở về Tây Thiên.
Dịch thơ:
Năm Thái Hòa Đạt Ma nhập diệt,
Núi Hùng Nhĩ chùa tháp còn nguyên.
Đỉnh Thông Lĩnh Tống Vân chẳng gặp,
Nào ai biết chuyện về Tây Thiên.
Câu chuyện Bồ Đề Đạt Ma xách chiếc giày trở về Tây Thiên chẳng bao lâu lan truyền khắp xa gần, du khách các thời đại cũng lưu lại rất nhiều thơ từ ca tụng. Vào những năm Vạn Lịch đời Minh, một học giả là Kim Trung Sỹ đã viết bài thơ thất ngôn “Đề Đạt Ma diện bích” rằng:
Độ giang nhất vỹ lãng hoa phi,
Cửu tải già phu tọa thúy vi.
Diện bích dĩ tri tăng nhập định,
Sào khiên diệc thị điểu vong ki.
Vô sinh sắc tướng câu thành huyễn,
Hữu lậu nhân thiên tổng ngộ phi.
Hà sự Tống Vân Thông Lĩnh kiến,
Thiếu Lâm phong vũ trướng tây quy.
Dịch nghĩa:
Một cọng lau vượt sông sóng bắn tung như hoa bay,
Chín năm ngồi kiết già đả tọa chốn núi rừng.
Quay mặt vào vách núi, mọi người biết ngài nhập định.
Đến mức chim không biết nên đã làm tổ trên vai ngài.
Sắc tướng từ hư vô sinh ra đều đã thành hư ảo,
Người phàm và người Trời hữu lậu đều ngộ sai.
Cớ sao Tống Vân lại gặp ngài ở núi Thông Lĩnh,
Khiến Thiếu Lâm nổi gió mưa làm rầu rĩ đường về Tây Thiên.
Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là bậc cao tăng tu hành đắc Đạo, tất nhiên có thể triển hiện thần thông, lưu lại một câu chuyện truyền kỳ thiên cổ. Còn Tống Vân vì vô tình tiết lộ thiên cơ mà tự mình rước hoạ. Nhưng giống như câu nói: “Tái ông thất mã yên tri phi phúc” (Tái ông mất ngựa, sao biết đó không phải là phúc), nếu không có một câu lỡ lời ấy thì hậu nhân sao có thể biết rằng đại sư Đạt Ma từng cầm một chiếc giày trở về Tây Thiên?
Theo Secretchina
Nhất Tâm biên dịch