Đối với việc viết chữ đẹp, người thời nay có thể coi đó đơn giản như một môn nghệ thuật, một thú vui, ai có tài có hứng thú thì luyện, chẳng phải là thứ để đánh giá con người. Nhưng người xưa qua việc viết chữ lại có thể tu luyện cả tâm thân, đạt tới cảnh giới cao về tinh thần, đạo đức.
Câu chuyện có thật trong lịch sử về một vị được coi là “Thư Thánh” kể rằng, khi còn nhỏ, ông đã thích viết chữ. Năm 12 tuổi, trong thư tịch lưu giữ của cha, ông đã phát hiện ra có quyển “Bút luận” của tiền nhân viết, bèn lẳng lặng lấy ra cẩn thận xem. Sau khi bị cha phát hiện ra, sợ con xem không hiểu, nên cha ông đã nói: “Đợi con lớn lên, cha sẽ cho con xem”.
Ông quỳ xuống nói: “Bây giờ cho con xem sách này và dạy con thư pháp có được không?”.
Cha ông vui mừng nói: “Được rồi. Con nhất định phải ghi nhớ, học thư pháp không chỉ giới hạn ở bút giấy mực, điều quan trọng hơn là phải nghiên cứu học vấn của viết chữ và làm người. Chỉ có nhân phẩm cao thượng thì thư pháp mới có thể siêu phàm nhập Thánh”.
Ông ghi nhớ lời dạy của cha, ngày đêm đọc các loại kinh sách và “Bút luận”, cần học khổ luyện. Do thường đến hồ tập viết, rửa nghiên mực, thời gian kéo dài, nước hồ đã đen như mực, mọi người gọi là “hồ mực”. Ông là người thành thật, cử chỉ thận trọng, về thư pháp đã thu được sở trường của mọi danh gia, lại giỏi về các thể chữ lệ, chính (chân), hành, thảo, đặc biệt xuất sắc là lệ thư.
Tương truyền ông có một lần đến núi Thiên Thai thần kỳ, tú lệ, quang cảnh trên núi khiến thư pháp của ông được thêm sắc thái, nhưng ông vẫn không hài lòng với chữ mình viết. Bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc trắng, cười hà hà nói với ông: “Chữ của con viết cũng khá đó”.
Ông nói: “Đâu dám, bút lực vẫn chưa đủ, xin cụ chỉ giáo”.
Cụ già cầm bút viết một chữ “Vĩnh”, nói: “Ta xem con có chí kiên cường, lòng chân thành học viết chữ, nên để con lĩnh ngộ một bút quyết. Hãy viết tốt chữ Vĩnh này, công phu đích thực của thư pháp nằm ở trong đó”.
Cụ già giảng giải cho ông cách đưa bút và kết cấu của từng nét, đồng thời nói cho ông biết, viết chữ cần tịnh tâm, cần vĩnh viễn bảo trì tâm cảnh cao khiết. Ông bỗng thấy lòng trong sáng tỏ, liên tiếp bái tạ ân dạy bảo của tiên sinh, khi nhìn lại thì thấy cụ già đã đi mất.
Ông vội vàng gọi to: “Tiên sinh nhà ở nơi nào?”.
Chỉ nghe thấy từ không trung thấp thoáng truyền đến: “Thư pháp của khanh đã cảm động đến ta, ta là Bạch Vân núi Thiên Thai…”. Sau khi được Bạch Vân tiên sinh chỉ giáo, luyện chữ càng nỗ lực, ông bèn ở trong một hang động trong núi tĩnh tâm viết bộ Hoàng Đình kinh. Đây là một bộ sách tu Đạo của Đạo gia, thế bút thư pháp của ông càng rộng mở và sáng tươi hơn, kết cấu rất nghiêm cẩn.
Ông chính là Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu, hiệu Đạm Trai, là nhà thư pháp vĩ đại đời Đông Tấn, được người đời sau tôn xưng là “Thư Thánh” (Ông Thánh về thư pháp). Chữ của ông bay lượn lại đoan chính, chân thực rành mạch lại ẩn chứa sâu xa, tư thế tự nhiên, đem lại cảm giác đẹp tĩnh lặng, được ca ngợi là “Bay lượn như mây trôi, khỏe khoắn như rồng tỉnh”.
Một lần, Tấn Nguyên Đế muốn đến ngoại ô phía Bắc lễ tế, bảo Vương Hy Chi viết lời khấn lên một tấm gỗ, sau đó sai thợ mộc điêu khắc. Khi thợ mộc điêu khắc đã vô cùng kinh ngạc, bút tích ăn sâu vào gỗ hơn 3 phân, mọi người đều ca ngợi rằng: “Chữ Vương Hy Chi đúng là ăn sâu vào gỗ 3 phân”. (Câu thành ngữ “Nhập mộc tam phân” cũng có nguồn gốc từ đây).
Vương Hy Chi do tài hoa xuất chúng nên được triều đình bổ nhiệm làm Thứ sử, Hữu quân tướng quân (mọi người cũng gọi ông là Vương Hữu Quân). Ông coi nhẹ danh lợi, yêu thương dân như con, khi nhậm chức Quận thú Cối Kê, đúng lúc địa phương đang gặp nạn hạn hán, việc đầu tiên ông làm là cho mở kho lương phát chẩn, cứu trợ bách tính, sau đó làm báo cáo tường tận về thiên tai, nhiều lần dâng thư yêu cầu miễn giảm thuế khóa lao dịch, vì dân thỉnh mệnh. Tuy là quan địa phương, nhưng đối với các việc đại sự quốc gia như tệ nạn chính trị quốc gia, nguyện vọng của bách tính, đều trực ngôn can gián, do đó đã khiến giới quyền quý phẫn nộ. Ông quả quyết từ quan, quyết không đứng cùng hàng ngũ với thế lực hắc ám.
Vương Hy Chi trước sau luôn giữ bản sắc chất phác, thành tâm tín Đạo, tu Đạo. Mỹ văn diệu bút của ông như Lan Đình Tự, Thập Thất Thiếp… là những hòn ngọc quý xán lạn của nghệ thuật thư Pháp cổ đại. Ông cảm thụ cái đẹp của Trời Đất, tạo hóa, tự nhiên vạn vật, tìm tòi cái tinh vi huyền diệu thâm sâu của vũ trụ bằng tâm thuần chính, đã ấn chứng vào thư pháp.
Trong sách Thư Đoạn, ông có viết: “Thiên biến vạn hóa, đắc được Thần công, không phải Tạo hóa truyền linh cảm, sao có thể tạo được đỉnh cao cực đỉnh như thế này”. Trong thơ Lan Đình ông có viết: “To lớn thay công Tạo hóa, vạn cái đẹp không cái nào giống cái nào”. Trong thư viết cho bạn Thật Thất Thiếp ông đã biểu đạt lòng quan tâm yêu thương bạn và tư tưởng tôn Đạo ái dân.
Ông tổng kết nghệ thuật viết chữ như thế này “Thư pháp quý ở tay trầm tĩnh, hàm ý ở trước bút, cự ở sau tâm, bắt đầu từ khi chưa viết, kết tinh tư tưởng mà thành vậy”, “Tranh trước không phải việc của ta, tĩnh lặng quán chiếu ở vô cầu”. Ông cho rằng tĩnh tâm ngưng thần, tâm chính khí hòa, thì mới có thể viết thư pháp đẹp được.
Thư phẩm của Vương Hy Chi cũng như nhân phẩm của ông vậy, thanh tú siêu dật, tinh diệu tuyệt luân. Lý Bạch ca ngợi rằng: “Hữu Quân vốn thanh chân, siêu thoát xuất phong trần…, lụa trắng viết Đạo kinh, bút tinh diệu như Thần”. Đường Thái Tông Lý Thế Dân đánh giá thư pháp Vương Hy Chi “Tận thiện tận mỹ”, sánh với tính cách ông “xứng danh cốt cách ‘Ngạnh cốt’ (tức thẳng thắn, chính trực)”. Thái Tông còn đích thân viết sách Vương Hy Chi truyện luận, đề xướng khắp thiên hạ học tập thể chữ Vương Hy Chi, nhất là lệ thư. Vương Hy Chi sống thời loạn thế, vẫn giữ vững tín ngưỡng và tiết tháo, không theo quyền quý. Mọi người thưởng thức cái đẹp của thư pháp Vương Hy Chi, điều quan trọng hơn là thưởng thức chính khí và cốt cách mà văn nhân trí thức cần phải có.
Không có gì khó hiểu khi người xưa coi nét chữ là nét người, bởi thông qua việc viết chữ, bao tinh hoa trau dồi đạo đức, tâm tính thanh cao đều thể hiện ra trên từng nét bút, từng cái điều hòa hơi thở, dáng ngồi lịch thiệp… Cho tới cao siêu hơn nữa là cả công lực viết vẽ mà sống động như một cảnh tượng không gian khác, lại còn có thể đặt công lực khắc sâu vào trên gỗ. Quả thật, đối với người thời nay những điều này có phần khó lý giải. Nhưng cái hồn của việc viết chữ, hay bất kể việc nhỏ nhặt nào mà người xưa làm, chính là chỉn chu, tới nơi tới trốn, đã làm là làm tới cùng, tới xuất ra được cái thần thái, tâm ý, đạo đức của mình, chứ không chỉ là một việc làm theo cao hứng hay yêu ghét. Tu tâm chính ở việc nhỏ, một việc đơn giản làm không tới, sao có thể làm đại sự.
Theo Minh Huệ Net
Video: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt