Không tin tưởng vợ, vô cớ dưỡng thành đại họa
Vào thời nhà Thanh, có một thôn dân tên là Trương Lập ở Tĩnh Hải (ngày nay là tây nam Thiên Tân), từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, cũng không có tài sản. Lớn lên, anh chàng may mắn cưới được một người vợ rất hiền thục, hai người sinh được một cậu con trai. Khi con trai vừa tròn một tuổi, Trương Lập muốn cải thiện gia cảnh nghèo khó nên đã ra ngoài kinh doanh, kết quả một lần đi là bảy năm bặt vô âm tín.
Sau đó, Trương Lập cuối cùng đã kinh doanh thành công, kiếm được rất nhiều tiền tài. Một ngày, anh chàng mang theo số tiền trở về quê hương, trước khi về đến nhà, bèn chôn vùi số tiền này dưới tro của lư hương ở miếu Xá Công ngoài thôn, sau đó thay quần áo rách nát giả dạng một người ăn xin mà về nhà, nghĩ dùng phương pháp này để thử lòng chung thủy của vợ.
Thấy chồng về không một xu dính túi, vợ chàng không trách móc, chỉ nói: “Chàng xa nhà đã bao nhiêu năm rồi, em không cách gì kiếm sống, chỉ biết may vá để duy trì sinh kế cho hai mẹ con thôi. Chàng không kiếm được tiền, công may vá em làm hôm qua được trăm tiền, chàng có thể lấy nó mua một thăng gạo nấu cháo ăn tạm”.
Trương Lập thấy vợ chung thủy không hai lòng, rất đỗi vui mừng, mới nói với nàng rằng mình thực sự đã kiếm được rất nhiều tiền và giấu nó trong đống tro tàn của lư hương ở miếu Xã Công ngoài thôn, đợi ngày mai sẽ đi lấy về.
Không ngờ hàng xóm có một tên vô lại tên là Chu Hỉ, bình thường thấy vợ của Trương Lập cô nhi quả mẫu, không còn ai khác ở nhà nên muốn gây sự với nàng nhưng không được. Vào lúc hoàng hôn hôm đó, hắn thấy có một người đàn ông lạ mặt vào nhà này, nghĩ rằng người đàn ông này và vợ Trương có quan hệ bất chính, nên đã bí mật đi theo lẻn trong phòng, định bắt quả tang và uy hiếp vợ Trương. Không ngờ, hắn tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa vợ chồng họ. Chu Hỉ lẻn ra khỏi nhà khi màn đêm yên tĩnh, bí mật đến miếu Xá Công và vơ vét tất cả số bạc được giấu trong đống tro tàn của lư hương trong miếu.
Sáng sớm hôm sau, Trương Lập đến miếu Xá Công để lấy bạc, thì phát hiện số bạc vùi dưới tro đã biến mất, vừa kinh vừa tức, bảy năm lao động khổ hạnh đã hóa hư không, lại hổ thẹn với vợ, anh chàng phẫn chí đã treo cổ tự sát trước cửa miếu Xã Công.
Vợ của Trương Lập đợi ở nhà rất lâu nhưng không thấy chồng quay lại, vì vậy nàng đến miếu Xá Công để tìm chồng. Ai ngờ vừa bước vào cổng miếu, thấy chồng treo cổ trên xà, cũng không thấy có tiền, nàng không kìm được mà khóc lớn, lại thấy trong miếu không có ai, tưởng có người mưu tài hại mệnh, vì vậy ngã sấp ngã ngửa chạy đến huyện nha môn để báo quan.
Quan huyện ở đây luôn là một vị quan nghiêm minh, khi thấy có án mạng, lập tức phái người đi lùng bắt, bắt trụ trì miếu Xá Công để thẩm vấn. Ai ngờ trụ trì hỏi gì cũng không biết, quan huyện ra lệnh trước tiên đánh cho hai mươi roi nặng, sau đó nói với ông ta: “Ngươi là người chủ trì hương hỏa, trong miếu phát sinh chuyện như vậy, ngươi nên phải biết. Người chết ngay trong miếu của ngươi, ngươi há có thể không liên lụy sao? Nếu phạm nhân không tìm được, ta sẽ lại tới đánh ngươi”.
Lúc này, quan huyện bỗng nhìn thấy một con nhện đỏ treo trên vành mũ của mình, quan huyện đột nhiên nảy linh cảm, quay lại hỏi vợ của Trương Lập: “Hàng xóm của cô có người họ Chu không?” (chu là màu đỏ) Vợ của Trương Lập trả lời: “Vâng, có người tên là Chu Hỉ, là một kẻ lười biếng, thường ăn cắp và lừa đảo để kiếm sống”.
Quan huyện ra lệnh bắt giữ Chu Hỉ ngay lập tức, dưới sự thẩm tra nghiêm ngặt, hắn đã phải thú nhận việc phạm tội của mình. Quan huyện tìm được số bạc đã bị đánh cắp trả lại cho vợ của Trương Lập, giúp nàng an táng chồng mình, đưa Chu Hỉ ra trước công lý.
Dũng cảm kháng đạo tặc, tình cờ lấy được vợ
Trong câu chuyện trên, người chồng vì không tin tưởng vợ và muốn thử lòng chung thủy của vợ mà đã mất mạng. Dưới đây là câu chuyện về một người làm thuê vì đã dũng cảm chiến đấu với đạo tặc mà lấy được vợ.
Vào những năm đầu của hoàng đế Ung Chính thời nhà Thanh, có một gia đình nông dân ở Đông Quảng, gia sản ở mức trung bình. Một đêm, bọn cướp kéo đến, những kẻ cướp này không tìm kiếm tài vật, chỉ lôi cô con gái của gia đình này ra khỏi chăn, kéo ra vườn rau sau nhà rồi trói ngược thân cô gái vào một gốc cây cổ thụ cong queo. Đại khái là ngay từ đầu, chúng đã không đến đây vì tiền.
Cô nương vừa khóc vừa chửi. Cao Đẩu, người làm công trong nông gia này khi đó đang ngủ trong vườn rau, bỗng nghe thấy tiếng động, anh chàng bật dậy, cầm dao xông vào chiến đấu với bọn cướp. Những tên cướp đều không thể đánh lại anh chàng, tất cả chúng đều bỏ chạy, nhờ vậy mà cô nương không bị xâm hại.
Nhưng cô nàng vừa xấu hổ vừa tức giận, không nói chuyện, không ăn cơm, chỉ khóc lóc. Cha mẹ đã cố gắng an ủi con gái họ nhiều lần, nhưng không có kết quả. Sau khi hỏi đi hỏi lại, cuối cùng cô nàng mới nói: “Thân thể của con lõa lồ, Cao Đẩu đã nhìn thấy rồi, con biết làm sao đây?” Cha mẹ minh bạch ý tứ của con gái, nên họ đã gả nàng cho Cao Đẩu.
Ban đầu Cao Đẩu không hề nghĩ đến bước này. Chàng chỉ là bởi vì khi cha lâm bệnh, gia chủ đã đôn đáo giúp chàng tìm thầy tìm thuốc, sau khi cha chàng qua đời, gia chủ đã mua quan tài giúp chàng an táng cha mình, cho mẹ chàng ở nhà họ nấu ăn. Cao Đẩu rất cảm kích ân tình của họ, vì vậy họ đã liều mạng cứu con gái họ, nhưng không ngờ chàng lại có được một người vợ vì điều này.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Nguồn: “Điệp giai ngoại sử”, “Duyệt vi thảo đường bút kí”
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch