Chữ Hán là văn tự chung của các nước Á Đông cho đến thế đầu thế kỷ 20. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cùng với Nhật Bản, Triều Tiên (Hàn Quốc), văn học chữ Hán phát triển rực rỡ, trở thành kỳ hoa dị thảo trong nền văn học Hán văn cổ điển. 

Nguồn gốc lâu đời của thơ chữ Hán

Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam giành được quyền tự chủ vào cuối thời Đường. Do đó văn hóa đời Đường có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn học chữ Hán Việt Nam. Không chỉ âm Hán Việt gần với ngữ âm đời Đường nhất, mà thơ Đường cũng được nền văn học cổ điển Việt Nam kế thừa và kéo dài. Thơ văn cổ Việt Nam khá giống thơ văn cổ Trung Quốc, đều mang một phong vị rất tiêu dao, hàm súc. 

Sau khi giành được độc lập, trăm việc ngổn ngang, đất nước lại cần phải phục hưng. Triều đại độc lập đầu tiên là nhà Đinh phúc phận ngắn ngủi (từ năm 968 đến 980), thể chế chưa đầy đủ, chưa mở trường học. Vua Đinh Bộ Lĩnh ít chữ nghĩa, sau khi cầm quyền muốn dùng uy để cai trị thiên hạ, đặt cái đỉnh lớn trước triều đình, nuôi hổ trong chuồng, hạ lệnh ai trái lại sẽ bị đun chết hoặc cho hổ ăn. Mọi người đều sợ, không có người phạm lỗi.

Do đó triều Đinh không có nền văn học. Kế thừa triều Đinh là triều Tiền Lê (980 – 1010), phúc nước cũng ngắn ngủi giống triều Đinh. Các nhà văn, nhà thơ cũng chỉ thưa thớt dù vậy đã để lại một số bài thơ chữ Hán sớm nhất còn lưu lại đến nay, tiêu biểu nhất là bài “Quốc tộ” (Vận nước) của thiền sư Đỗ Pháp Thuận”

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh

Dịch thơ: 

Vận nước chằng chịt dây leo
Trời Nam khai mở ắt gieo thái bình
Vô vi xử thế cung đình
Đao binh tự dứt thái bình nơi nơi.

Năm 1010, triều Lý kiến lập liền dựng Văn miếu, mở khoa thi chọn nhân tài, văn phong dần dần phát triển. “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước nam) của đại tướng Lý Thường Kiệt là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khán thủ bại hư

Dịch thơ:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

(Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn)

Bài thơ này khí phách hào hùng, bút pháp nhuần nhuyễn, đặt vào cùng với Đường thi thì không hề thua kém.

Lê Thánh Tông là “Tao đàn nguyên soái”. (Ảnh vi.wikipedia.org)

Sau thời Lý, văn thơ chữ Hán Việt Nam đã phát triển ổn định, chắc chắn. Có một điểm đặc biệt là rất nhiều bậc quân vương các triều đại đều yêu thích văn thơ chữ Hán. Các vua triều Trần đa phần giỏi văn chương, đến mức người Nguyên phải khen ngợi: “An Nam tuy tiểu văn chương tại, vị khả khinh đàm tỉnh để oa” (An Nam tuy nhỏ văn chương giỏi, chớ có coi thường chẳng phải ếch ngồi đáy giếng đâu). 

Sau đó, vị vua đời thứ 4 triều Hậu Lê là Lê Thánh Tông (1442 – 1497) còn tự lập thi đàn, tự xưng “Tao đàn nguyên soái”. Thơ ông rất nhiều kiệt tác. Đến thời đầu triều Nguyễn, dù đã gần vào thời điểm mạt vận, các Hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều tinh thông văn thơ chữ Hán, đều có các bài thơ lưu truyền hậu thế. Vua Thiệu Trị (1807 – 1847) còn làm được 2 bài thơ thể “Hồi văn” (là thể thơ lặp lại các từ với trật tự khác nhau, ngữ nghĩa khác nhau), có thể thấy trình độ Hán văn của vua rất cao. Một trong hai bài đó là bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa):

Loan hoàn vũ hạ giang triều phiếm
Trướng dật phong tiền ngạn bái hương
Sơn tiêu ám vân thôi trận trận
Lãng sinh khiêu ngọc trích thanh thanh
Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận
Dạng dạng ba châu liễu mậu vinh
Nhà điếu nhất chu ngư dật tấn
Hướng lâm song ông yến phi khinh

Dịch thơ (khuyết danh):

Dồn mưa nước cuộn triều dâng ngập
Lộng gió sông đào bến biếc xanh
Non phủ kín mây tuôn tới tấp
Sóng khêu thưa giọt gõ lanh canh
Lan man suối trải rêu tươi mập
Sóng sánh cồn vươn cỏ tốt xanh
Nhàn thoáng một câu thuyền nhẹ tắp
Dóng rừng dăng kéo én bay nhanh.

Đọc ngược đọc xuôi đều hợp luật có vần, có nghĩa, đọc ngược như sau:

Khinh phi yến tiễn song lâm hướng
Tấn dật ngư chu nhất điếu nhàn
Vinh mậu liễu châu ba dạng dạng
Nhuận tư đài giản thủy sàn sàn
Thanh thanh địch ngọc khiêu sinh lãng
Trận trận thôi vân ám tỏa sơn
Thanh biện ngạn tiền phong dật trướng
Tấn triều giang hạ vũ hoàn loan.

Dịch thơ: (khuyết danh)

Nhanh bay én kéo dăng rừng dóng
Tắp nhẹ thuyền câu một thoáng nhàn
Xanh tốt cỏ vươn cồn sánh sóng
Mập tươi rêu trải suối man lan
Canh lanh gõ giọt thưa khêu sóng
Tấp tới tuôn mây kín phủ non
Xanh biếc bến đào sông gió lộng
Ngập dâng triều cuộn nước mưa dồn 

Thời đó có các nhà thơ văn nổi tiếng như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Bạch Hào Tử… Vua Tự Đức (1829 – 1883) đã làm thơ ca ngợi 4 nhà thơ văn trên như sau: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (Văn như Siêu, Quát thời tiền Hán chưa từng có. Thơ như Tùng, Tuy là thơ đã thất lạc của thời Thịnh Đường). Tuy có khuếch đại, nhưng bốn người này văn thơ quả là xuất chúng. Như bài thơ “Hoành Sơn vọng hải” (Trên núi Hoành Sơn ngắm biển) của Cao Bá Quát (1809 – 1855):

Quân bất kiến:
Hải thượng bạch ba như bạch đầu
Nộ phong hám phá vạn hộc châu
Lôi khu điện bác hãi nhân mục
Trung hữu điểm điểm phù khinh âu
Hải khí quyển sơn, sơn như chỉ
Sơn bắc, sơn nam thiên vạn lý
Công danh nhất lộ kỷ nhân nhàn?
Quan cái phân phân ngã hành hỹ!

Dịch thơ:

Anh chẳng thấy
Trắng phau sóng vỗ bạc đầu
Gầm gào gió thét thuyền tàu vỡ tan
Kinh người chớp giật sấm ran
Hải âu đôi chấm bồng bềnh biển khơi
Non nam núi bắc xa vời
Lạnh dầm hơi biển hao gầy vẻ non
Công danh đường ấy ai nhàn
Nợ đời mũ lọng rộn ràng bước ta

(Bản dịch của Trương Việt Linh)

Từ cảnh biển rộng tráng lệ, mênh mông, nhà thơ đã cảm thấy công danh chốn nhân gian chính là một sự bó buộc lớn, thơ có khí khái của Lý Thái Bạch. 

Cao Bá Quát (1809 – 1855).(Ảnh loigiaihay.com)

Những bài thơ vang danh lưu truyền thiên cổ

So với Trung Quốc thư tịch cổ nhiều như biển, Việt Nam (đặc biệt thời kỳ đầu) thư tịch vốn còn lại không nhiều, chủ yếu do chiến tranh loạn lạc liên miên kéo dài. Ví dụ, khi tiến đánh Việt Nam, quân Mông Nguyên đã tiêu 4 bộ “Đại tạng kinh” và 1 bộ “Đạo đức kinh” mà Việt Nam thỉnh về từ nhà Tống. Năm Thiệu Khánh thứ 2 nhà Trần, quân Chiêm Thành từ đường biển vào cướp Thăng Long (Hà Nội ngày nay), đã cướp con cái, ngọc lụa, đốt hủy cung điện, “Tranh, bản đồ, thư tịch vì vậy đã bị mất sạch”. 

Nhưng những thư tịch chữ Hán còn lại vẫn có rất nhiều tuyệt tác. Lý triều Thái Tổ Lý Công Uẩn (974 – 1028) vào năm 1010 đã dời kinh đô đến thành Đại La (đổi tên thành Thăng Long). “Chiếu dời đô” do ông viết được coi là tác phẩm văn học viết và văn hiến lịch sử sớm nhất còn lại hiện nay. Tác phẩm mở đầu đầu bằng: “Xưa nhà Thương và Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương 3 lần dời đô”, đã viện dẫn các kinh điển để nói lý do dời đô, văn từ rất hào hùng, xứng danh là tác phẩm truyền đời.

Đến thế kỷ thứ 13, khi đại quân Mông Cổ xâm lược áp sát kinh thành Thăng long, quân đội triều Trần đứng trước quan nạn tan vỡ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1226 – 1300) đã viết “Dụ chư tì tướng hịch văn”, còn gọi là “Hịch tướng sỹ”, khảng khái, phấn chấn ngút trời, cổ vũ ý chí chiến đấu của tướng sỹ bảo vệ quốc gia:

“Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Ðức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc…

Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?”. 

Trong bài hịch này, Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Thân Khoái, Kính Đức (Uất Trì Cung), Cào Khanh (anh họ Nhan Chân Khanh) đều là những kẻ sỹ trung liệt trong lịch sử. Cũng trong triều Trần đã xuất hiện rất nhiều thơ phú chữ Hán, đáng tiếc là được bảo tồn đến nay chỉ còn mười mấy bài, “Bạch Đằng giang phú” (Bài phú sông Bạch Đằng) của Trương Hán Siêu nổi tiếng một thời. Bài phú này mở đầu bằng:

Giương buồm giong gió chơi vơi
Lướt bể chơi trăng mải miết

Cho đến cuối bài:

Giặc tan muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao

Nhà thơ ví những lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng với các trận chiến nổi tiếng lịch sử.

Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi
Đến nay sông nước tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi
Tái tạo công lao
Nghìn xưa ca ngợi

“Bạch Đằng giang phú” là một viên ngọc quý với những câu thơ tuyệt tác còn được lưu truyền đến tận ngày nay. 

Trong những tác giả này, vị trí cao nhất trong nền văn học chữ Hán thuộc về Nguyễn Trãi, khai quốc công thần triều Hậu Lê do cống hiến to lớn của ông đối với nền văn học Việt Nam. Năm 1980, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa liên hiệp quốc UNESCO đã tôn vinh ông là danh nhân văn hóa thế giới.

Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bình Ngô đại cáo” nổi tiếng trên văn đàn và lịch sử Việt Nam. Bài hịch văn này trở thành “Thiên cổ hùng văn” lấy khẩu khí của Lê Lợi, hoàng đế sáng lập nhà Hậu Lê viết. Lời văn bình dị lưu loát, đọc lên thực sự xúc động lòng người, thực sự có giá trị nghệ thuật và giá trị văn hiến rất cao. 

Nguyễn Trãi (1380-1442) người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). (Ảnh vi.wikipedia.org)

Chữ “Ngô” trong “Bình Ngô đại cáo” là chỉ triều Minh, vì Chu Nguyên Chương đã từng xưng là Ngô Vương. Tư tưởng chính trong toàn bộ tác phẩm là lên án tội ác của triều Minh, đồng thời sử dụng nhuần nhuyễn các tấm gương lịch sử, các điển tích, trong lịch sử, văn học cổ đại Trung Quốc. Điều đó làm cho bài hịch văn đanh thép, luận cứ, dẫn chứng, chứng minh hùng hồn, đầy sức thuyết phục không chỉ đối với tướng sỹ, nhân dân, mà  ngay cả đối với kẻ thù, làm nổi bật lên tư tưởng nhân nghĩa, chính nghĩa của cuộc kháng chiến: 

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”

Tiểu thuyết chương hồi khai phát

Bốn bộ tiểu thuyết tiêu biểu của thời Minh Thanh lần lượt được truyền vào Việt Nam, trong đó “Tam Quốc diễn nghĩa” có ảnh hưởng lớn nhất. Theo “Bắc sứ thông lục” (Ghi chép khi đi xứ Bắc triều) của Lê Quý Đôn, từ năm 1760 đến 1762, ông đi sứ Trung Quốc, đã được đọc “Tây Du ký”, “Tam Quốc diễn nghĩa”… Khi trở về Việt Nam Lê Quý Đôn còn đem theo một bộ “Phong thần diễn nghĩa”.

Lúc đó Việt Nam thường lấy các tích truyện trong các bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc viết thành các vở kịch. Hiện nay ở Bảo tàng Anh có lưu giữ hơn 50 kịch bản khắc gỗ của Việt Nam, trong đó có 9 vở có niên đại trước thế kỷ 19,  là liên quan đến các câu chuyện Tam Quốc. Các vở kịch gồm có: “Tam cố mao lư”, “Giang hữu cầu hôn truyện”, “Hoa chúc truyện”, “Kinh Châu phó hội”, “Hoa Dung đạo”, “Tiệt giang truyện”, “Đương Dương Trường Bản”… 

Bộ tiểu thuyết kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa” có ảnh hưởng rất lớn đến văn học cổ điển Việt Nam, được các nhà tiểu thuyết gia Việt Nam coi là mẫu mực trong thể tiểu thuyết chương hồi, lịch sử. Bộ tiểu thuyết lịch sử chữ Hán đầu tiên của Việt Nam, đặt nền móng cho dòng văn học tiểu thuyết lịch sử Việt Nam là “Hoàng Việt xuân thu” ra đời vào giữa thế kỷ 15, gồm 60 hồi, chia làm 3 quyển thượng, trung, hạ, mỗi quyển 20 hồi.

Bộ sách miêu tả giai đoạn lịch sử từ triều Hồ đầu thế kỷ 15 đến khi Lê Lợi lập ra nhà Hậu Lê. Tình tiết không phải quá hấp dẫn người đọc nhưng cũng khá hay. Trong “Hoàng Việt xuân thu”, mưu sỹ của Lê Lợi là Lê Thiện mà chính sử rất hiếm nhắc đến, là một nhân vật quan trọng. Ông là người hiến rất nhiều kế hay giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh như: “Đầu thư thọ kế”, “Quyết sách công thành”, “Tượng trận thiêu đồn”, “Ngọc nhụy dụ địch”… Ông túc trí đa mưu, nhìn xa trông rộng, tính toán trong trướng, quyết thắng ngàn dặm, có thể so sánh với Gia Cát Lượng trong “Tam quốc diễn nghĩa”.

Hai trăm năm sau, tiểu thuyết lịch sử cổ điển Việt Nam đạt đến đỉnh cao với bộ “Hoàng Lê nhất thống chí”. Đây là bộ tiểu thuyết viết vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, tương ứng với những năm cuối Càn Long và đầu Gia Khánh nhà Thanh Trung Quốc. Nội dung chủ yếu kể về sự diệt vong của triều Hậu Lê và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của họ Nguyễn.

Bộ sách có 17 chương hồi, Ngô Thì Chí viết 7 hồi đầu, sau đó Ngô Thì Du viết tiếp 10 hồi, Ngô Thì Nhiệm biên tập chỉnh lý. Do ba anh em họ Ngô đều trải qua thời đại miêu tả trong tiểu thuyết, tận mắt thấy nhiều sự kiện lịch sử nên bộ sách đảm bảo được sự thống nhất về nghệ thuật tiểu thuyết và sự thực lịch sử. “Hoàng Lê nhất thống chí” mang đậm sắc thái số mệnh. “Thiên mệnh” này dường như đang chi phối tiến trình phát triển lịch sử chứ không phải con người. 

Nhân vật trọng điểm mà bộ tiểu thuyết xây dựng là Nguyễn Hữu Chỉnh, khởi đầu làm môn khách của Diệp Quận phủ. Thầy ông là Hoàng Tố Lý (đảng Đặng Phi) bị giết chết trong cuộc chiến quyền lợi, Chỉnh chốn chạy đến Tây Sơn được anh em Nguyễn Nhạc trọng dụng. Sau đó ông dẫn quân Tây Sơn vào Thăng Long, có công bảo giá, được thiếu Chúa coi trọng, trở thành nhân vật quyền lực trung tâm.

Ông quyền ngang vua, thế nghiêng thiên hạ, mọi người không dám liếc nhìn, cuối cùng bị quân Tây Sơn giết. Nhân vật ỷ thiên tử để lệnh chư hầu này có bóng dáng của Tào Tháo trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Nhưng trong “Tam quốc diễn nghĩa” chỉ làm nổi bật lên một mặt “gian hùng” của Tào Tháo, bỏ qua tính phức tạp của tính cách nhân vật.

Tính cách nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh trong ”Hoàng Lê nhất thống chí” được phản ánh như thực, một mặt rất có tài năng, công lao, một mặt tự tư tự lợi, tham lam tàn bạo. Rõ ràng hình tượng nhân vật này phong phú hơn hình tượng Tào Tháo nhiều. Có thể thấy, các nhà tiểu thuyết gia của Việt Nam không chỉ học theo tiểu thuyết Trung Quốc mà có nhiều thủ pháp nghệ thuật vượt hơn Trung Quốc. 

Bất luận thế nào, di sản văn học chữ Hán Việt Nam cũng trở thành một bộ phận của chỉnh thể văn học cổ điển Á Đông. Ngày nay, Việt Nam đã sử dụng ký tự La-tin, tuy tiện phổ cập, dễ đọc, dễ học nhưng nhưng cũng gây ra nhiều điều đáng tiếc. Chữ Hán bị đoạt dứt khiến rất ít người có thể tiếp cận với kho tàng văn học, văn hóa truyền thống.

Đó cũng là sự đứt đoạn trong mạch văn hóa truyền thống và hiện đại. Nếu không nối được mạch đứt văn hóa truyền thống này thì như cây không gốc, như nước không nguồn. Con người, dân tộc không có bản sắc riêng thì rất dễ bị biến dị, bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. 

Nam Phương biên soạn

Xem thêm: