“Tinh trung báo quốc”, lời thề và sứ mệnh khắc sâu trên lưng Nhạc Phi đã làm rung động tất cả những ai chứng kiến. Hà Chù vốn là quan chủ thẩm cũng tham dự vào việc luận tội Nhạc Phi, nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, ông lập tức dừng lại, nét mặt trở nên nghiêm trọng, bởi vì ông không thể làm trái lương tâm mà phán án oan cho Nhạc Phi…

Sau đó, Hà Chù báo cáo với Tần Cối rằng Nhạc Phi vô tội vì không đủ bằng chứng và cũng tuyên bố rằng ông không thể tiếp tục thẩm tra xử lý vụ án này. Tần Cối lại hùng hổ nói đây là “Thượng ý”. Hà Chù tiếp tục khuyên can: “Tôi sao có thể cầu tình Nhạc Phi. Chỉ là trước mắt địch mạnh còn chưa diệt, lại giết một đại tướng vô tội, điều này sẽ làm mất lòng quân và không phải là kế lâu dài của đất nước”. 

Tần Cối nghe xong không khỏi nghẹn lời, đành phải chuyển hướng đổi cho quan tay sai của mình là Vạn Sĩ Tiết thẩm tra vụ án. Để nịnh nọt Tần Cối, Vạn Sĩ Tiết dùng cực hình nặng nhất để ép hỏi Nhạc Phi. Vì muốn phô trương thanh thế, ông ta đã cố ý nghiêm nghị quát tháo Nhạc Phi, hỏi Nhạc Phi cùng Nhạc Vân và Trương Hiến vì sao mưu phản. Đồng thời ông ta còn cố ý buộc tội, dùng bài thơ “Hàn môn hà tái phú quý” mà Nhạc Phi viết trước đó để vu cho tội sớm đã không có lòng thuần phục.  

“Thề với Trời, ta không phụ đất nước! Các ngươi nắm giữ luật pháp quốc gia, vạn phần không được mưu hại trung thần! Ta dù có đến địa phủ, cũng phải cùng các ngươi đối chất đến cùng”. Nhạc Phi vốn định nghiêm nghị đối lý nhưng ngay sau đó ông đã hiểu rằng, những người trước mặt đều là vây cánh của Tần Cối, căn bản không thể nói lý. Ông liền ngửa mặt lên trời than rằng: “Ta giờ mới biết bản thân đã rơi vào tay quốc tặc Tần Cối, để cho lòng trung thành đền nợ nước trở thành công dã tràng”. 

Thế rồi ông ngậm miệng không nói nữa, dựa vào tuyệt thực để kháng cự và duy trì tôn nghiêm của đại anh hùng vào lúc cuối đời. 

Muôn phương quá khó, nuốt hận qua đời

Vạn Sĩ Tiết dùng hết khả năng để thêu dệt tội danh nhưng cuối cùng cũng chỉ tìm được 3 bằng chứng không có sức thuyết phục chút nào về cái gọi là “Tội lớn ngập trời”:

Thứ nhất là trên tay Trương Hiến cùng Vương Quý có thư Nhạc Phi mưu phản nhưng lại bị chúng thiêu hủy mất. Bằng chứng tội danh thứ 2 là lúc dùng binh ở Hoài Tây, dừng lại không tiến. Ba là Nhạc Phi từng nói qua mấy câu mà có ý tứ phản. Ví dụ như sau chiến bại ở Hoài Tây, Nhạc Phi từng nói: “Việc quốc gia khó liệu vậy. Quan gia lại không tu đức!”, là trách cứ hoàng đế. Ông còn từng nói qua: “Ta 30 tuổi thượng kiến Tiết, từ xưa tới nay hiếm có”. Câu này được giải theo ý rằng ông tự so sánh bản thân với chuyện xưa của Tống Thái Tổ, 30 tuổi đã đảm nhiệm chức Tiết độ sứ và cho rằng ông có tham vọng theo thái tổ khoác áo hoàng bào. 

Sau hơn ba tháng trì hoãn, quan viên trong Đại lý tự không cách nào kết thúc vụ án. Tuy nhiên, việc bỏ tù Nhạc Phi khiến cho vua và dân đều khiếp sợ. Chí sĩ trung nghĩa liên tiếp dâng tấu nói lên sự tình, cầu xin tha mạng cho Nhạc Phi, họ cũng bị Tần Cối thẳng tay đàn áp hoặc hãm hại. Hàn Thế Trung một mực ẩn mình cũng xuất phát từ lòng căm phẫn mà chất vấn Tần Cối ngay trước mặt, nhưng lại nhận được một câu trả lời ngang ngược vô lý: “Mặc dù chuyện này xác thực không rõ ràng, “chuyện lạ vốn dĩ có thể có”. Ông cũng chỉ oán giận nói: “3 chữ ‘có thể có’ làm sao có thể khiến người trong thiên hạ tin phục?”

Ngày cuối năm đang đến gần, Tần Cối cùng các gian thần càng trở nên lo lắng hơn, họ không thể đợi thêm được nữa và quyết phải xử tử Nhạc Phi để dẹp yên dư luận, thúc đẩy đàm phán hòa bình. Ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11, Tần Cối ở trong phòng vẽ tranh vắt óc nghĩ cách xử lý Nhạc Phi. Khi ăn quýt ông ta vẫn không ngừng trầm tư, tay mân mê vỏ quýt, dùng móng tay vẽ vẽ lên đó.  

Vợ của ông, Vương Thị nhìn thấy thế liền đến trước mặt cười lạnh nói: “Lão hán vì sao không quyết đoán vậy? Bắt hổ dễ, thả hổ khó ư!” Người đàn bà lắm chuyện này lại càng thâm độc hơn Tần Cối, bà xúi giục ông không từ thủ đoạn, lập tức đem Nhạc Phi đi xử trảm. Câu nói của bà đã trở thành nhát đao cuối cùng lấy mạng Nhạc Phi. Mà Những lời này cũng giống như câu “có lẽ có” của Tần Cối, để lại tiếng xấu lưu danh thiên cổ. Cuối cùng, Tần Cối đã hạ quyết tâm kết thúc vụ án, ông ta tiện tay viết một tờ giấy, gửi đến Đại lý tự. 

Vạn Sĩ Tiết cùng đám người đã thực hiện thẩm vấn Nhạc Phi lần cuối cùng, bức bách ép cung buộc Nhạc Phi phải ký vào bản nhận tội. Nhạc Phi linh cảm được dường như sinh mệnh sắp kết thúc, liền lấy bút đề từ, viết xuống 8 chữ tuyệt mệnh: “Mặt trời soi tỏ, mặt trời soi tỏ”. Theo sau đó là ngục tù truyền ra tin tức Nhạc Phi qua đời. 

Tượng Nhạc Phi, trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Bốn chữ trên bảng là “Hoàn ngã hà sơn” 山河我還 (đọc từ phải sang) – “Trả lại ta sông núi”.

Mặt trời soi tỏ, hồn thiêng còn mãi

Theo ghi chép trong ‘Ngạc quốc kim đà tục biên’ cùng với ‘Triêu dã di ký’, Tần Cối vượt quyền hoàng đế, viết lệnh bỏ tù, bí mật xử tử Nhạc Phi, chính là thủ phạm thực sự. ‘Kiến viêm dĩ lai tập niên yếu lục’ có cung cấp thêm một dữ liệu khác, Nhạc Phi là do Cao Tông hạ chiếu ban được chết, cũng chịu nỗi khổ chém đầu. 

Liên quan đến việc Nhạc Phi chết như thế nào thì các sử gia vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Quan điểm phổ biến nhất là ông do uống rượu độc, hoặc do lính canh ngục đánh gãy xương sườn mà chết. Nhưng dù thế nào đi nữa, Nhạc Phi, vị danh tướng kháng Kim đã chịu nỗi oan thiên cổ, bị ngược đãi tới chết, ôm trong lòng hoài bão chưa thành mà đột ngột ra đi. Chớp mắt đã đến năm mới, khắp chốn không còn thấy cảnh tượng vui mừng nữa. Lãnh thổ đất đước bị phá tan, sao băng rơi, dân chúng Đại Tống không khỏi khóc than thảm thiết. 

Vì liên quan đến chịu tù oan, người trong gia tộc Nhạc thị phải sống lưu vong tha hương. Các tướng lĩnh của Nhạc Gia càng chịu cảnh long đong lận đận. Sử sách ghi lại, Nhạc Phi vô tình gặp được Trương Hiến và Nhạc Vân cùng nhau bị bỏ tù, thấy hai người bị xiềng xích gông cùm, toàn thân bê bết máu đang rên rỉ đau đớn thống khổ. Sau đó hai người họ cũng bị tuyên án chém đầu, theo Nhạc Phi rời đi. Hai vị đại tướng quét sạch vạn quân, cuối cùng lại chết dưới thanh đao đồ tể của kẻ gian thần, mới 22 tuổi xuân, Nhạc Vân ôm hận mà chết, điều này càng khiến người đời tiếc hận hơn nữa. 

Còn Ngưu Cao, một vị được mệnh danh là “Phúc tướng”, bởi vì bất mãn với cuộc nghị hòa lần thứ 2 giữa Tống và Kim, cũng bị sát hại tàn bạo. Tiết Thượng Tị năm Thiệu Hưng thứ 17, Ngưu Cao đã bị trúng độc ngoài ý muốn khi tham dự một bữa tiệc. Sau khi về nhà ông đã qua đời, hưởng thọ 61 tuổi. Mọi người đều cho rằng, ông đã bị chủ nhân bữa tiệc là Điền Sư Trung hạ độc, mà Điền Sư Trung lại chính là thủ hạ của Trương Tuấn. 

Kết cục bi thương của anh hùng không phải là cái kết của lịch sử. Trước lúc lâm chung, Nhạc Phi đã thốt lên câu “Mặt Trời soi tỏ”, đây đúng là ông đã hướng lên trời mà phát ra tiếng gọi từ sâu thẳm trong tâm. Sau khi Nhạc Phi qua đời, một lính canh ngục tên là Ngỗi Thuận không màng nguy hiểm đến sinh mệnh, nuốt đau khổ trong lòng mà cõng thi thể Nhạc Phi đem chôn cất tại khu vực gần Cửu Khúc Tùng, dùng cây quất đôi làm dấu hiệu, lập bia viết “Mộ người được lòng người” để che dấu tai mắt người khác. Bởi vì ông ấy tin chắc chắn rằng, một ngày, trung thần phải chịu hàm oan mà chết sẽ được giải, cuối cùng kẻ đại gian đại ác sẽ bị đạo đức con người thẩm phán. Chính bởi nghĩa cử này, thi thể của Nhạc Phi mới có thể được giữ lại, anh linh có thể yên nghỉ. 

Tương truyền, một hôm Tần Cối đi du ngoạn Tây Hồ thì thấy Nhạc Phi hiển thánh. Ông ta chỉ nghe Nhạc Phi nghiêm nghị nói: “Ngươi hại nước hại dân, ta đã báo cáo lên Thiên, Thiên Đế đã sai người đi bắt ngươi rồi!” Ngay sau đó, Tần Cối sợ hãi tới mức phát bệnh mà chết. Về sau, Vương Thị vì hắn mà làm pháp sự, vị đạo sĩ nhìn thấy Tần Cối chịu đủ mọi hình phạt dưới địa phủ, hơn nữa cũng nói một câu: “Phiền ngươi truyền tới phu nhân của ta, việc bí mật đóng cửa mưu đồ sát hại Nhạc Phi đã bại lộ!”. Nói cách khác, ngày Vương Thị phải chịu đại họa cũng không còn xa nữa. 

Khi Cao Tông tại vị, Tần Cối nắm giữ địa vị cao đã tùy tiện sửa tư liệu lịch sử, hòng xóa đi tội lỗi của mình, tuy nhiên ông ta cùng bè lũ ác nhân đều bị vô số người chửi rủa. Trong tiểu thuyết bút ký ghi chép, Tần Cối và bè lũ ác nhân phía sau đã phải chịu hình phạt thảm khốc trong địa ngục. Bọn chúng quỳ trước miếu như tỏ rõ vĩnh viễn sám hối trước mặt đại anh hùng, đây mới đúng là lưu lại tiếng xấu muôn đời. 

Khi Tống Hiếu Tông lên ngôi, án xử sai đối với Nhạc Phi mới bắt đầu sửa lại, quyết định truy tặng danh hiệu, Nhạc Phi dần dần trở thành anh hùng được nhân dân tưởng nhớ và kính ngưỡng qua nhiều thế hệ. Nhìn vào cuộc đời của Nhạc Phi lúc còn sống, tận hiếu với người thân, tận trung đền nợ nước, trong quân thực hiện kỷ luật nghiêm minh, chí công vô tư, có thể nói ông là một hình mẫu thể hiện đạo đức truyền thống. Võ nghệ cao cường, lãnh đạo mưu lược, trong chiến tranh, ông cầm quân đánh đâu thắng đó, nhiều lần lập kỳ công, không gì cản nổi, là dũng sĩ đệ nhất trong chiến tranh kháng Kim của triều đại Nam Tống. Làm thơ viết văn, chính khí ngút trời, trong văn tự ghi lại khát vọng to lớn thu phục non sông gấm vóc. Ông đã viết ra những áng văn chương có một không hai được tán dương qua trăm ngàn năm. Ông càng trở thành vị quốc sĩ văn võ toàn tài hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. 

Thần tướng tinh trung Nhạc Phi đã dùng 39 năm cuộc đời để viết nên trang sử anh hùng trung can nghĩa đảm, đổ máu vì sự nghiệp chính nghĩa. 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch