Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng băng hà ở Sa Khâu, di mệnh cho con trai trưởng là Phù Tô chủ trì tang sự, nhưng Trung xa phủ lệnh Triệu Cao và Thừa tướng Lý Tư bí mật không phát tang để soán cải di chiếu, lập Hồ Hợi làm Hoàng đế.

Khi Hồ Hợi chuẩn bị vui vẻ hưởng thụ cuộc sống, Triệu Cao bảo cậu ta còn hai việc quan trọng chưa làm. Đây là hai việc gì?

Hồ Hợi nếu muốn làm Hoàng đế một cách ổn định thì phải sát hại những người uy hiếp đến vị trí Hoàng đế. Có hai loại người ảnh hưởng đến Hoàng vị, một loại là người có tư cách làm Hoàng đế, thứ hai là người có năng lực phò tá Hoàng đế.

Người có tư cách là huynh đệ tỷ muội của Hồ Hợi, bởi vì Hồ Hợi không phải là con trưởng của Tần Thuỷ Hoàng. Chúng ta biết rằng vào thời nhà Chu đã lập ra một quy định là: lập con trai trưởng của vợ cả làm Thái tử. Quốc quân hễ băng hà, phải lập con trai trưởng của vợ cả kế vị. Còn Hồ Hợi chỉ là con trai thứ 18 của Tần Thuỷ Hoàng, từ lý luận mà giảng, cậu ta không có tư cách kế vị Hoàng đế, các anh trai của cậu ta thì có tư cách làm Hoàng đế hơn. Do đó đây là nhóm người mà Hồ Hợi muốn hạ sát.

Nhóm thứ hai và những người có năng lực uy hiếp tới anh ấy. Bởi vì Hồ Hợi kế vị, thì rất nhiều đại thần bên dưới không phục, cho nên có thể thách thức địa vị của Hồ Hợi. Hơn nữa rất nhiều đại thần đều là những người giúp đỡ Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, họ có năng lực rất mạnh, mối quan hệ sâu dày. 

Triệu Cao mới nói với Hồ Hợi rằng: ‘Nếu ngài muốn làm Hoàng đế, thì phải giết hai nhóm người này’. Thế là một trường thảm hoạ cung đình bắt đầu. 

Chúng ta biết rằng Tần Thuỷ Hoàng có rất nhiều công thần, những người có có năng lực rất mạnh. Ví như đại tướng cùng với Phù Tô ở Thượng Quận là Mông Điềm. Gia tộc họ Mông là gia tộc có ‘quân công’ (công lao quân đội) vô cùng hiển hách. Tổ phụ (ông nội) của Mông Điềm là Mông Ngao, vốn là đại tướng của Tần Chiêu Tương Vương, vị tướng này từng công hạ 72 thành trì của 3 nước Hàn Triệu Nguỵ. Võ công và quân công của ông có thể so sánh với Vũ An Quân Bạch Khởi – đệ nhất danh tướng của nước Tần thời Chiến Quốc. 

Sau này Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ dùng con trai của Mông Ngao là Mông Vũ. Mông Vũ là tướng rất quan trọng khi diệt Sở, khi ấy nước Tần đem 60 vạn quân đi đánh nước Sở, Vương Tiễn là đại tướng, còn Mông Vũ là phó tướng. Những tướng Tần này đã hạ sát được cha của Hạng Vũ là Hạng Yên sau khi tiêu diệt được nước Sở. Nước Sở là quốc gia khó đánh nhất của nước Tần khi quét sạch 6 nước, cho nên Mông Vũ đã lập được rất nhiều công lao hiển hách. 

Mông Vũ có 2 người con trai là Mông Điềm và Mông Nghị, Mông Điềm làm tướng ‘bắc kích Hung Nô’, còn Mông Nghị làm quan Thượng Khanh ở chính phủ trung ương. Tần Thuỷ Hoàng đối xử rất tốt với Mông Nghị, có việc gì Tần Thuỷ Hoàng cũng hỏi ý kiến của Mông Nghị. Mông Điềm và Mông Nghị, một người làm tướng lãnh binh đánh trận bên ngoài, một người làm tướng ở bên trong; do đó họ Mông là gia tộc rất có lai lịch và hiển hách ở nước Tần.

Những người họ Mông hiển nhiên là sự thách thức quyền lực của Tần Nhị Thế Hồ Hợi. Cho nên sau khi kế vị, Nhị Thế muốn sát hại những người này.

Có nhiều người nói rằng Tần Thuỷ Hoàng tàn bạo, giết hại rất nhiều công thần nhưng khi đọc ‘Sử ký – Thuỷ Hoàng bản kỷ’, chúng ta không thấy bất cứ dòng nào viết rằng Tần Thuỷ Hoàng sát hại đại thần. 

Hồ Hợi cho rằng văn thần võ tướng uy hiếp mình, cho nên đã chuẩn bị danh sách cần giết. Triệu Cao nói với Hồ Hợi: ‘Ngài hãy nghĩ biện pháp để bọn họ vạch trần lẫn nhau, hơn nữa không phải chỉ giết một người mà là giết toàn bộ gia đình. Phàm là những ai uy hiếp đến ngài thì toàn bộ giết hết. Những vị trí trống sẽ đề bạt những người địa vị thấp, nhà nghèo, để những người này một bước lên Trời. Những người này khẳng định sẽ cảm ân mang đức đối với ngài, như thế địa vị của ngài mới ổn định’. Triệu Cao có chủ ý như thế, kỳ thực là giết hại rường cột quốc gia. 

Giáo sư Chương nhìn nhận, trường đồ sát này quả thực là thảm hoạ nhân gian. Tần Thuỷ Hoàng có 12 người con trai bị giết bêu đầu, 10 công chúa bị phanh thây, vô cùng bi thảm. Sau đó tất cả những cung nữ của Tần Thuỷ Hoàng mà không sinh được con thì toàn bộ giết hết. Triệu Cao và Hồ Hợi còn giết những thợ thủ công làm lăng Ly Sơn. 

Phù Tô đã tự sát trước đó, còn đại tướng Mông Điềm cự tuyệt tự sát, Nhị Thế phái người đến giải quyết nốt. Sứ giả của Nhị Thế nói: ‘Ngươi muốn tạo phản, ta phải giết ngươi’. Mông Điềm nói: ‘Nếu ta muốn tạo phản thì ta đã sớm tạo phản rồi. Tổ tiên ta 3 đời tận trung vì thiên hạ nước Tần, lập được không biết bao nhiêu công lao. Nếu ta muốn tạo phản, chỉ cần hô một tiếng là 30 vạn đại quân đến đánh ngươi ngay, ngươi cản nổi không? Ta không muốn tạo phản đã nói rõ rằng ta có lòng trung thành với nước, có thể so sánh với Chu Công phò tá Thành Vương năm đó’.

Sứ giả của Nhị Thế nói: ‘Ta không đến đây để thảo luận vấn đề này với ngươi, ta chỉ đến thi hành mệnh lệnh’. Mông Điềm rút kiếm nói: ‘Ta vì nước Tần lập được nhiều công lao như thế, hôm nay phải chết thật là oan ức. Nhưng năm đó ta phụng mệnh Hoàng đế xây 700 dặm đường từ Hàm Dương lên phía bắc, dọc đường đã đào núi lấp hang rất nhiều. Ta làm việc này chính là đã huỷ hoại tự nhiên rồi, khẳng định đã làm đứt đoạn rất nhiều địa mạch. Hôm nay ta chết coi như trả nợ xong’.

Mông Điềm cho rằng mình chết là vì những việc phá hoại tự nhiên mà đem đến báo ứng, chứ không phải do tạo phản, cho nên Mông Điềm đã rút đao tự sát. 

***

Lý Tư là đại thần mà Tần Thuỷ Hoàng tín nhiệm nhất, dâng kế thống nhất thiên hạ, lập được rất nhiều công lao hiển hách cho nước Tần. Từ một môn khách của Lã Bất Vi thăng chức lên làm Đình uý rồi tới Thừa tướng. Nhưng âm mưu ở Sa Khâu không đảm bảo được những năm cuối đời của ông. 

Dưới sự uy hiếp dụ dỗ lợi ích của Triệu Cao, Lý Tư đã phản bội Tần Thuỷ Hoàng, trở thành đồng loã với Hồ Hợi soán vị và mưu sát công thần. Vậy thì Lý Tư có kết cục cuối đời như thế nào, có giống như những điều Triệu Cao dụ dỗ hay không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 4: Hoạ khởi tiêu tường.