Ở tập trước đã nói về việc Triệu Cao đã hại Lý Tư vô cùng thê thảm. Khi Lý Tư bị sát hại, khởi nghĩa phản Tần đã cuồn cuộn khí thế trên toàn quốc. Chúng ta biết rằng người đứng ra tạo phản đầu tiên chính là Trần Thắng và Ngô Quảng. Trần Thắng – Ngô Quảng đã tạo phản như thế nào, và quân Tần không ai bì nổi đã bị đánh bại ra sao?

Lời bạch: Năm 210 TCN, trong chuyến tuần du, Tần Thuỷ Hoàng đã băng hà. Triệu Cao thông đồng Lý Tư để soán cải di chiếu, lập Hồ Hợi làm Tần Nhị Thế, sau đó đã bắt đầu mưu sát hoàng tộc và công thần, đồng thời chế định pháp luật hà khắc, ngược đãi bách tính, đồ sát thường dân. 

Vào tháng 7 năm Nhị Thế nguyên niên (năm thứ nhất), cuối cùng cũng đã dẫn khởi nông dân tạo phản quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, đây là Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản. Vậy thì họ đã bắt đầu tạo phản như thế nào?

Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, trước khi Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản, Trung Quốc đã từng phát sinh một số cuộc chiến tranh cải triều hoán đại, ví như: Thành Thang phạt Kiệt, Vũ Vương phạt Trụ, nhưng Thành Thang và Chu Vũ đều là chư hầu. 

Khi Tần diệt Chu, tuy rằng không giống Thang – Vũ, tức lấy đức để chiêu cảm, mà là lấy vũ lực để đoạt thiên hạ, nhưng Tần cũng là chư hầu. Cho nên nói nông dân bắt đầu tạo phản, hơn nữa còn chấn động thiên hạ, thì xác thực Trần Thắng là người đầu tiên. Do đó trong Sử ký, Tư Mã Thiên đã lấy ‘Trần Thiệp thế gia’ để ghi lại đoạn lịch sử này. 

Chúng ta biết rằng Tư Mã Thiên dùng ‘thế gia’ (世家) để ghi lại lịch sử của quý tộc hoặc một số nước chư hầu lớn, ví như ‘Triệu thế gia’, ‘Hàn thế gia’. Sau này một số người khai quốc thời Hán, dù họ xuất thân không cao, nhưng vẫn dùng thế gia để ghi lại. Nhưng trong 13 chương ‘thế gia’, chỉ có 2 thường dân được ghi chép, một là Khổng Tử với ‘Khổng Tử thế gia’ bởi vì thân phận Khổng Tử là ‘sĩ’, một người nữa là Trần Thiệp với ‘Trần Thiệp thế gia’.

Tổ tiên của Trần Thiệp liệu có phải là quý tộc hay không, chúng ta không biết. Nhưng nếu chúng ta đọc ‘Sử ký – Trần Thiệp thế gia’, chúng ta có thể thấy được ghi chép như thế này:

Trần Thắng, là người Dương Thành, tên tự là Thiệp.

Tức là Trần Thắng là người Dương Thành, tên là Thắng, tên tự là Thiệp. Chúng ta biết rằng vào thời xưa, thường dân không có tên cũng không có tên tự. Trần Thắng vừa có tên, vừa có tên tự, xem ra rất có khả năng tổ tiên là quý tộc, nhưng điểm này Giáo sư Chương cũng không có cách nào khảo chứng được. Nhưng có điểm này là khẳng định: Lúc nhỏ Trần Thắng rất nghèo. 

Trần Thắng từng được người khác thuê làm ruộng. Sau khi làm ruộng một đoạn thời gian, anh ta cảm thấy rất mệt, sau đó đến bờ ruộng nghỉ ngơi. Khi Trần Thắng đang nghỉ ngơi ở bờ ruộng, buồn bã rất lâu, sau đó than thở rằng: ‘Tương lai, nếu có một ngày chúng ta có thể ra khỏi bờ ruộng này, giữa chúng ta đừng quên đối phương’. Đây là một câu nói vô cùng nổi tiếng của Trần Thắng: ‘Nếu phú quý, đừng quên nhau’.

Những người làm ruộng với anh ta cảm thấy rằng ‘người nói câu này có chút khoác lác, đang làm ruộng cho người ta, làm thế nào sau này được phú quý’. Trần Thắng thở dài nói: ‘Than ôi, khổng tước làm sao biết được cái chí của chim hồng hộc’ (chim sẻ sao biết cái chí của ngỗng trời).

Trần Thắng và câu nói: ‘Khổng tước an tri hồng hộc chi chí tai’ (Khổng tước sao biết cái chí của chim hồng hộc).

Vào tháng 7/209 TCN, Trần Thắng cùng 900 người bị trưng binh đi trấn thủ Ngư Dương. Nhóm người bị triệu tập đó gọi là ‘Lư tả’ (閭左). ‘Lư tả’ là gì?

Chúng ta biết rằng vào thời Tần, bởi vì Tần Thuỷ Hoàng phải làm rất nhiều công trình lớn, còn phải tác chiến bên ngoài, cho nên phải trưng (triệu tập) rất nhiều người dân làm binh lính hoặc trấn thủ biên giới, hoặc là đem họ di cư đến biên cương làm người dân ở đó để khai hoang, trồng trọt.

Khi trưng binh, ban đầu chỉ triệu tập 3 loại người:

  • Tội quan (罪官), tức người làm quan đã phạm tội trước đây, họ có thể bị đưa đến biên cương trấn thủ.
  • Chuế tế (贅婿), tức người nam làm rể nhà người nữ, đây gọi là ‘nhập chuế’ (入贅), hoặc là ‘chuế tế’. Chuế tuế bị người khác xem thường, tương đương với việc một người nam không thể thành gia lập nghiệp, phải dựa vào người nữ. Loại người này bị trưng đi biên ải.
  • Một loại nữa là Thương nhân, bởi vì thời Tần là ‘trọng nông ức thương’ (trọng nông dân, ức chế thương nhân). Từ thời ‘Thương Ưởng biến pháp’ (cải cách Thương Ưởng) rất xem trọng nông nghiệp và xem thường thương nhân. 

Sau này với 3 loại cũng không đủ trưng binh, vậy thì phải làm sao? Lúc này là tìm đến tổ tiên từng làm Tội quan, Chuế tuế và Thương nhân. Sau này cũng không có nữa thì làm thế nào? Lại tra lên ông bà từng làm Tội quan, Chuế tuế và Thương nhân. Sau đó cũng không tìm thấy người nữa thì làm sao? Thì phải trưng binh những người ‘Lư tả’. ‘Lư tả’ chính là người hàng xóm ở bên trái những Tội quan, Chuế tuế và Thương nhân. 

Những người này cảm thấy trong lòng bất mãn, phải đi đến địa phương Ngư Dương (nay thuộc huyện Mật Vân, Bắc Kinh). Trần Thắng là người ở đâu? Là người nước Sở, tức vùng đông nam Trung Quốc, hiện nay lại phải đi đến một nơi rất xa là Bắc Kinh.

Kết quả, khi ấy là tháng 7 năm Nhị Thế nguyên niên, tức mùa hè, trời giáng mưa to, đường bị hư hại. Sau khi đường hư hại khó đi, họ bị lỡ kỳ hạn. Theo pháp luật thời Tần, lỡ kỳ hạn phải bị xử tử.

Khi đó Trần Thắng – Ngô Quảng nghĩ: ‘Tương lai đến nơi cũng bị xử tử, chi bằng chạy thôi. Nhưng chạy bị bắt lại cũng bị xử tử’. Sau đó hai người thương lượng rằng: ‘Vậy chúng ta liều thôi’.

Tranh vẽ Trần Thắng và Ngô Quảng.  

Trần Thắng nói mới Ngô Quảng rằng: ‘Tần Nhị Thế Hồ Hợi không nên làm Hoàng đế. Ai nên làm Hoàng đế? Chính là anh trai của hắn – Phù Tô. 

Phù Tô là người rất nhân ái và tin tưởng một bộ của Nho gia, uy vọng trong tâm mắt của người dân cũng rất cao. Bởi vì Tần Thuỷ Hoàng làm rất nhiều công trình và đánh trận, nên Phù Tô thường khuyên Tần Thuỷ Hoàng. Sau này Tần Thuỷ Hoàng không vui rồi đưa Phù Tô đến biên cương.

Sau này Tần Nhị Thế sát hại Phù Tô, việc này rất nhiều lão bách tính không biết, trong tâm của họ vẫn hy vọng Phù Tô làm Hoàng đế. Cho nên chúng ta lấy cờ hiệu của công tử Phù Tô.

Còn một người nữa là Hạng Yên. Hạng Yên là đại tướng của nước Sở. Vào thời Chiến Quốc, khi Tần diệt Sở thì Hạng Yên thất bại rồi bị giết. Cho nên người đất Sở đều rất đồng cảm với Hạng Yên. 

Do đó nếu chúng ta có thể lấy danh hiệu của Phù Tô và Hạng Yên để tạo phản, thì rất nhiều người sẽ hưởng ứng’.

Giáo sư Chương nói rằng, khi mình đọc Sử ký đến đoạn này cảm thấy rất thú vị, bởi vì Trần Thắng là một nông dân làm thuê cho người ta, không biết ông ấy lấy thông tin tình báo ở đâu, những việc trên đều là cơ mật quốc gia.

Khi Trần Thắng nói đoạn lời trên thì Ngô Quảng liền đồng ý. Thế là họ tìm người để chiêm bốc (xem bói).

Chúng ta biết rằng khi khởi nghĩa hay nổi dậy, thì thường nghe khẩu hiệu ‘Thế Thiên hành đạo’ (Thay Trời hành đạo), nghĩa là họ phải tìm cho mình tính hợp pháp của việc ấy. Vậy thì nông dân Trần Thắng đã làm gì để hợp lý do tạo phản, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 5: Yết can nhi khởi (揭竿而起: dựng cờ khởi nghĩa). 

(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 5. 

(***) Như đã nói ở phần chú thích Tần Hán sử tập 1, loạt bài Tiếu đàm phong vân này có đăng trên Epoch Times tiếng Trung (vì trước đó Giáo sư Chương có hợp tác với bên này), chúng tôi sẽ dịch và đưa link gốc kèm theo. Đồng thời chúng ta cũng nên gửi lời tri ân đến tác giả loạt bài này là Giáo sư Chương Thiên Lượng vì đã làm ra những sản phẩm văn hoá rất chất lượng.