Thuyết nhân quả báo ứng của Phật gia tin rằng, việc truyền bá hành vi lỗi lầm của người khác sẽ làm tổn thất âm đức của chính mình, thậm chí phải chịu đủ loại ác quả; ngược lại, những người không xét nét khuyết điểm của người khác sẽ có phúc báo.
Nhân sinh tại thế, ai có thể không bao giờ mắc lỗi? Ngoại trừ những kẻ hữu ý sát nhân phóng hỏa, rất nhiều người đã phạm phải sai lầm, có thể là do sơ suất, hiểu lầm hoặc trong phút giây hồ đồ mà thành. Đối diện với những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác, người trong cuộc nên khoan dung mà đối đãi, đừng làm to chuyện, đừng chương hiển khuyết điểm của người khác, mà cho họ một cơ hội sửa chữa; cũng chớ nhất định truy cứu đến cùng, hay đi tứ xứ kể lể, khiến cho họ thanh bại danh liệt. Thuyết nhân quả báo ứng của Phật gia tin rằng việc bêu riếu lỗi lầm của người khác sẽ làm tổn hại âm đức của chính mình, thậm chí phải chịu đủ loại ác báo; ngược lại, những người biết tha thứ bao dung người khác, thì phúc báo tương lai sẽ theo đó mà tới.
La Tuần tích thiện tích đức, con trai văn danh tứ phương
Vào triều nhà Minh, có một người tên là La Tuần ở Cát Thủy, Giang Tây, tổ tiên của chàng làm quan trong nhiều thế hệ. Chàng tốt bụng, hào phóng và rất có uy tín trong địa phương.
Một năm, La Tuần đến kinh đô tham gia hội thi. Một ngày nọ, La Tuần bị mất một kiện y phục bằng vải thô; thí sinh cùng ở trọ với anh rất bất an trong tâm, e rằng La Tuần có thể hoài nghi mình là kẻ trộm. Vài ngày sau, thí sinh cùng trọ với La Tuần phát hiện một người đang mặc chính bộ quần áo mà La Tuần đã đánh mất, và họ kéo La Tuần đi tìm người đó.
Sau khi diện kiến, hai bên đã ngồi xuống, bạn trọ của La Tuần cố ý chỉ vào y phục của người đó và nói với La Tuần, “Đây có phải là y phục của cậu không?” La Tuần phủ nhận và nói, “Đây không phải là y phục bị mất của tôi, cậu nhìn sai rồi”. Bạn trọ của La Tuần sờ lên y phục của vị kia, cảm thấy không sai, nhưng La Tuần kiên quyết phủ nhận.
Sau khi trở lại nơi trọ, người bạn rất tức giận, nhưng La Tuần từ tốn giải thích: “Mất một tấm áo cũng không khiến tôi tổn thất bao nhiêu, nhưng khiến anh ta bại hoại thanh danh, sau này làm sao có thể lập danh nơi thế gian được?”. Người bạn nghe xong, đột nhiên ngộ ra, không thôi bội phục La Tuần. Sau cuộc khảo thí, La Tuần đỗ thủ khoa tiến sỹ, và sau được tuyển làm quan Lang Trung trong Binh Bộ.
La Tuần không có con cho đến tuổi trung niên. Một hôm, ông đi ngang qua một tự miếu, phát hiện trong tự miếu có bảy chiếc quan tài chưa được chôn cất, bèn lấy bổng lộc của mình ra và thỉnh hòa thượng chôn cất số quan tài đó. Không lâu sau, vợ ông mang thai và sinh ra cậu con trai La Hồng Tiên.
La Hồng Tiên từ nhỏ đã được học hành tử tế, cộng với sự chăm chỉ, kiến thức sâu rộng và nghiên cứu chuyên sâu về thiên văn, địa lý, điển chương, toán thuật, âm dương, v.v., nên khi còn là một thiếu niên đã nổi tiếng khắp nơi. Vào năm Gia Tĩnh thứ 8, cậu đã phát huy xuất sắc trong các kỳ thi trong cung, được chọn làm Trạng Nguyên và được bổ nhiệm làm quan Hàn Lâm Viện, được ủy quyền biên soạn sử thư.
Thẩm Đồng cự tuyệt sắc dục, đỗ tiến sĩ
Thẩm Đồng, người huyện Đức Thanh, phủ Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, là một trong 62 tiến sĩ nhị giáp vào năm Thanh triều Quang Tự thứ 21 (tức năm 1895). Tháng 5 năm đó, ông được phong làm thư ký trong Nội các.
Khi còn là một tú tài, hoàn cảnh gia đình Thẩm Đồng rất nghèo. Để kiếm sống, một trong những người anh của ông, Thẩm Tốn Châu, đã tiến cử ông làm thầy giáo cho một đứa trẻ tại nhà một người họ hàng thân thích có gia cảnh tốt. Nam chủ nhân của gia đình này chết trẻ, chỉ còn nữ chủ nhân và đứa trẻ.
Một đêm nọ, nữ chủ nhân chạy đến phòng của Thẩm Đồng để cầu hoan, nhưng Thẩm Đồng kiên quyết cự tuyệt. Ngày hôm sau, ông cáo từ mà đi. Nữ gia chủ lo lắng Thẩm Đồng sẽ nói cho người khác biết chuyện giữa hai người, nên đã chuẩn bị hậu lễ và đề nghị ông quay lại tiếp tục làm thầy giáo. Thẩm Đồng cự tuyệt tất cả. Nữ gia chủ sau đó nhờ Thẩm Tốn Châu thay mặt mình thúc giục, nhưng Thẩm Đồng vẫn không đáp ứng. Thẩm Tốn Châu cảm thấy nhất định có nội tình bên trong nên hỏi Thẩm Đồng, nhưng Thẩm Đồng im lặng không kể, chỉ nói là do bất tiện.
Thẩm Tốn Châu mời Thẩm Đồng đến đọc sách với con trai mình tại nhà mình. Năm thứ hai, Thẩm Đồng và con trai của Thẩm Tốn Châu là Thẩm Tiết Phủ cùng đỗ tiến sĩ, cuối cùng làm quan tới chức Tuần phủ tỉnh Phúc Kiến.
Lưu Công cho kẻ trộm cơ hội sửa mình, đắc phúc báo con cháu hiển hách
Lưu Trọng Phụ thời Minh từ nhỏ đã rất khoan dung. Vào đêm tân hôn với phu nhân Đổng thị, một tên trộm đã lặng lẽ lẻn vào phòng của họ. Nghe tiếng động, Lưu công tỉnh ngủ, dậy khỏi giường và nhận ra đó là người mình quen, bèn nói với hắn rằng: “Ta nghĩ rằng ngươi vì bần khốn mà phải làm kẻ trộm”. Tuy gia cảnh của Lưu công cũng không khá giả, nhưng chàng vừa nói vừa lấy một ít đồ trang sức của phu nhân đưa cho tên trộm, rồi dặn hắn: “Ngươi nhất định phải lập tức cải ác quy chính, nếu không, ta sẽ cáo tố với người khác”. Tên trộm gật đầu đồng ý.
Sau đó, phu nhân thường vặn hỏi kẻ trộm là ai, Lưu công nói: “Tôi đã hứa với hắn là không nói cho ai biết, nàng còn hỏi gì nữa”. Trong suốt cuộc đời mình, ông giữ lời hứa không hé lộ một lời.
Lưu Trọng Phụ hưởng thọ 89 tuổi. Sau khi ông mất, một thành viên trong tộc đội khăn tang đã gục đầu vào quan tài ông khóc lóc thảm thiết. Mọi người hoài nghi ông ta chính là kẻ trộm, vì ông ta trước đây có phẩm hành bất hảo, nhưng đột nhiên trở thành người nỗ lực hành thiện; việc ông ta bỗng nhiên tỉnh ngộ là không phải không có nguyên nhân. Giả sử lúc đó Lưu công bắt được ông ta, liền nói công khai những việc làm xấu của ông ta, thì có lẽ đã không có kết quả tốt đẹp.
Những việc hành thiện của Lưu Trọng Phụ cũng tạo phúc cho con cháu; cả con trai và cháu trai của ông đều đỗ tiến sĩ và làm quan, đặc biệt là cháu trai của ông là Lưu Trang (Lưu Trang Tương công), là người công danh hiển quý, con cháu hậu thế cũng nối nghiệp ông.
Tài liệu tham khảo: “Toàn cầu danh nhân đức dục bảo giám”, “Thái Thượng cảm ứng thiên chú giải”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch