Nói đến Tết Thanh Minh, người Việt hẳn ai ai cũng nảy ra mấy câu Kiều:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Chỉ mấy câu thơ này của đại thi hào Nguyễn Du đã cho chúng ta biết một số thông tin sau:
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”: Mùa xuân 90 ngày, Thanh Minh là 60 ngày tính từ tiết Lập xuân (4-5 tháng 2), tức 4-5 tháng 4 (dương lịch), tức là vào khoảng tháng 3 âm lịch.
“Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”: Thanh Minh là ngày lễ “Tảo mộ” (quét dọn, vệ sinh, sửa sang mộ phần), ngày thờ cúng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nhưng cũng là ngày hội “Đạp thanh” (Bước đi trên cỏ xanh), có nghĩa đi du xuân, chơi xuân.
“Dập dìu tài tử giai nhân”: Lễ hội du xuân (đạp thanh) là lễ hội của tuổi trẻ, của các nam thanh nữ tú, của tài tử giai nhân.
Nguồn gốc Tết Thanh Minh rất độc đáo, nó là kết hợp của hai lễ và một lễ hội. Tết Thanh Minh là một trong những ngày lễ tết truyền thống quan trọng của các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ngoài ra nó còn lan ra một số nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia. Tết Thanh Minh có lịch sử lâu đời 2500 năm, khởi nguồn từ câu chuyện cảm động của bậc trung thần Giới Tử Thôi.
Tấn Văn Công bị thất sủng vì cha ông Tấn Hiến Công nghe theo lời mẹ kế. Ông phải sống cuộc sống lưu vong cực khổ 19 năm ròng, với vài tùy tùng. Có lần nhiều ngày không có đồ ăn, đói lả, Giới Tử Thôi (cũng có tên là Giới Chi Thôi), một tùy tùng của ông đã tự cắt thịt đùi mình nấu cho Tấn Văn Công ăn. Sau khi biết chuyện, Tấn Văn Công vô cùng xúc động, hứa sẽ hậu thưởng nếu sau này thành tựu nghiệp lớn.
Sau khi thừa kế ngai vàng, ông ban thưởng, phong tước cho tất cả mọi người theo ông, nhưng không hiểu vì sao lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không màng danh lợi, cõng mẹ vào núi Miên Sơn ẩn cư. Sau khi biết chuyện, Tấn Văn Công vô cùng hối hận, đích thân đến tìm Giới Tử Thôi, nhưng Miên Sơn kia, núi cao vút, đường hiểm trở, tìm người chẳng khác nào đáy biển mò kim.
Tấn Văn Công rầu rĩ thì có người hiến kế, đốt lửa 3 mặt núi, để một phía, Giới Tử Thôi ắt sẽ ra. Núi Miên Sơn lửa cháy ngút trời, suốt 3 ngày 3 đêm, đến khi cháy hết núi, Giới Tử Thôi vẫn tuyệt vô tông tích. Cuối cùng tìm thấy Giới Tử Thôi cõng trên lưng mẹ già, bị lửa thiêu chết dưới gốc một cây liễu.
Tấn Văn Công khóc đau đớn, rồi nhặt một khúc gỗ liễu cháy dở về cung làm đôi guốc đi, ngày ngày nhìn guốc than: “Bi thương làm sao túc hạ” (túc hạ nghĩa là dưới chân). Từ đó người ta dùng từ ‘túc hạ’ để thượng cấp xưng hô với hạ cấp, hoặc xưng hô giữa người bạn, biểu thị kính trọng.
Sau đó Tấn Văn Công để tưởng nhớ Giới Tử Thôi chịu lửa thiêu chết chứ không nhận bổng lộc, nên đã lấy ngày giỗ Giới Tử Thôi làm ngày lễ Tết Hàn Thực (ăn thức ăn nguội), bách tính không đốt lửa, ăn toàn đồ ăn nguội.
Khi Giới Tử Thôi chết, thân che một cái hang, trong hang là bức huyết thư ông để lại cho Tấn Văn Công, dùng máu viết lên vạt áo:
Cắt thịt dâng vua tỏ trung trinh,
Chỉ nguyện vua sáng mãi thanh minh.
Tuy chết gốc cây không gặp mặt,
Hơn làm can gián chốn cung đình.
Chúa công trong lòng còn nhớ tới,
Mong vua thường xét chính lòng mình.
Thần nơi chín suối lòng không thẹn,
Triều chính thanh minh lại thanh minh.
Tấn Văn Công luôn giữ bức thư trong tay áo, ngày ngày xem lại để răn mình, lo việc triều chính, lo cho bách tính, luôn luôn giữ cho được thanh minh (tâm thanh khiết, óc minh mẫn).
Sang năm thứ hai, sau Tết Hàn Thực một ngày, Tấn Văn Công và quần thần mặc tang phục lên núi tế lễ Giới Tử Thôi, quét dọn sửa sang mộ phần. Từ đó thành tục lệ “Tảo mộ” (quét dọn mộ phần) và Tết Thanh Minh cũng ra đời.
Còn lễ thứ ba, là Tết Thượng Tỵ, là lễ tết vào ngày Tỵ đầu tiên của tháng 3 âm lịch. Tương truyền đây là ngày sinh của Hiên Viên Hoàng Đế, vì vậy người Hán lễ bái tổ tiên vào ngày này, sau đó phong tục lễ bái tổ tiên này được lan ra khắp các nước Á Đông.
Lễ Thượng Tỵ cũng có tên là lễ Phất hệ, tức lễ tắm gội để trừ tai họa cầu phúc. Sách “Hậu Hán thư” có chép: “Ngày Thượng Tỵ tháng này (tức tháng 3 AL), quan dân đều tắm gội sạch sẽ ở trên sông phía đông, gọi là tẩy sạch cáu bẩn, bệnh tật cũ”. Sau này người ta ghép hai lễ Hàn Thực và Thượng Tỵ vào làm một ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, còn gọi là Tết Trùng Tam.
Lễ Trùng Tam này còn gắn liền với một lễ hội, có thể coi là Lễ Hội Tình Nhân sớm nhất trên thế giới, được đại thi hào đời Đường Đỗ Phủ viết:
Tam nguyệt tam nhật thiên khí tân,
Trường An thủy biên đa lệ nhân.
Dịch thơ:
Ngày ba tháng ba khí sắc xuân,
Sông nước Trường An lắm mỹ nhân.
Lễ Thượng Tỵ này, mọi người đều ra sông tắm gội, cũng là dịp nam thanh nữ tú giao lưu, bày tỏ tình cảm, là ngày lễ hội của nam nữ, như ngày Valentine ngày nay vậy.
Sau này đến đời Tống, tư tưởng Nho gia trở lên nghiêm khắc hơn, nên không còn cảnh mọi người ra sông tắm gội, không còn nam thanh nữ tú hẹn hò, dần thay đổi thành nam thanh nữ tú đi chơi xuân, du xuân mà thôi. Đó cũng chính là quang cảnh mà Nguyễn Du tả:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Lễ Tình nhân phương Đông cuối cùng thành lễ hội chơi xuân của nam thanh nữ tú, còn gọi là hội “Đạp thanh”. Thời xưa “hội là đạp thanh” có rất nhiều trò chơi, nam nữ thanh niên cùng nhau du xuân và chơi các trò đu quay, đá cầu, du xuân, trồng cây, thả diều, chọi gà, đua thuyền, bắn tên, đấu vật, ca múa, đi cà kheo v.v…
Đến nay, bao nhiêu lễ hội đã mai một, cuối cùng chỉ còn lại lễ thờ cúng tổ tiên và tảo mộ. Những lễ hội xuân truyền thống đẹp đã bị mai một, tuy cũng có nơi có khôi phục, nhưng thường manh mún, và không gắn với ngày “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” đậm chất văn hóa truyền thống này.
Nam Phương