Mỗi người chúng ta sinh ra trên đời đều có một cái tên. Cái tên là dấu ấn của cá nhân, gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả những ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào trong ấy. Hiểu được cái tên của chính mình, một người có thể thấu hiểu nỗi lòng mẹ cha, trân quý sinh mệnh bản thân và hướng về những giá trị nhân sinh cao đẹp. Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng gửi đến quý độc giả loạt bài phân tích, bình giải nội hàm văn hoá của những cái tên Việt, với hy vọng đồng hành cùng các bạn trên con đường tìm lại bản ngã tiên thiên thuần tịnh.
- Tiếp theo: Phần 1
Ở kỳ trước, chúng ta đã biết nguồn gốc và nội hàm “thế giới tên gọi” của người Việt thật phong phú sâu xa: không chỉ có tên thật mà còn có tên tự, tên hiệu, tên thuỵ v.v., đồng thời chúng ta cũng hiểu thêm ý nghĩa tốt đẹp của hai cái tên An và Anh. Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng cảm ơn các quý độc giả đã tin tưởng và để lại bình luận dưới bài viết.
Do dung lượng một bài báo có hạn, Ban biên tập (BBT) xin mạn phép chọn lấy 5 cái tên từ những bình luận “đặt hàng” của độc giả tại kỳ trước để phân tích trong kỳ này. Chúng tôi kính mong quý vị lượng thứ vì một số tên rất hay nhưng chưa kịp xuất hiện, và hi vọng các bạn kiên nhẫn đón đợi ở những kỳ tiếp theo.
3. Bảo (chữ Hán: 寶)
“Bảo” có nghĩa là trân quý, vật trân quý, quý hiếm, như trong gia bảo, quốc bảo, bảo ngọc, bảo kiếm… Vì thế, từ đời Đường, Bảo còn được dùng với nghĩa là cái ấn của nhà vua, thường làm bằng ngọc khuê, ngọc bích (tương đương với “ngọc tỉ”). Trong một số trường hợp, chữ Bảo hàm ý sự vật thuộc về đấng quân vương hay Thần Phật. Ví dụ: bảo vị (ngôi vua), bảo tháp (tháp báu của nhà Phật), bảo sát (chùa Phật).
Trong tiếng Hán, chữ Bảo 寶 ở trên có bộ Miên 宀 (mái nhà), ở giữa có chữ Ngọc 玉 đặt cạnh bộ Phẫu 缶 (vò, chum bằng đất nung) ngụ ý chỉ đồ quý giá, và dưới cùng là chữ Bối 貝 (vật quý, tiền tệ).
Nước Đại Việt thuở xưa có một danh nhân tên Bảo sống dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông là Quách Đình Bảo (1434 – 1508), một trong Tao đàn Nhị thập bát tú (28 vì sao sáng của hội Tao đàn), từng làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Hình. Quách Đình Bảo quê ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, đỗ Thám hoa trong kỳ thi mà Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên. Ông có công lớn trong việc cải cách chế độ khoa cử nhà Hậu Lê, đi sứ nhà Minh, mở mang bờ cõi về phía nam, nổi tiếng là người làm việc ngay thẳng công bằng. Quách Đình Bảo được dân làng Vân Tiến, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định thờ làm Thành hoàng làng từ 500 năm nay.
4. Đạt (chữ Hán: 達)
“Đạt” có nghĩa là thông suốt, thành công, quý hiển. “Đạt nhân” (達人) có nghĩa là người thông tuệ, khoáng đạt tự tại. Mạnh Tử nói: Người quân tử “Đạt tắc kiêm tế thiên hạ”, nghĩa là người quân tử hiển đạt thì giúp đỡ người khắp thiên hạ.
Chữ Đạt 達 trong tiếng Hán bao gồm bộ Sước 辶 (biểu thị sự di chuyển) và chữ Đạt 羍 nghĩa là con dê non to béo. Có lẽ bạn đọc sẽ tự hỏi: Con dê thì liên quan gì tới trí tuệ và hiển đạt nhỉ?
Người xưa dùng dê làm vật tế Thần, thường chọn những con dê to béo, ngon nhất, đẹp nhất để bày tỏ thành kính với Thần, cầu xin Thần ban cho phúc lành. Vì thế chữ Dương 羊 (dê), còn được đọc là Tường, nghĩa là cát tường, may mắn, sau này người ta mới thêm bộ kỳ để thành chữ Tường hiện nay (祥). Như vậy, chữ Đạt có hàm ý là đi đến cát tường may mắn, đi đến tốt đẹp.
Trong bài “Phật tâm ca” của Tuệ Trung thượng sĩ cũng có một đoạn thơ tuyệt đẹp chứa chữ Đạt này:
“Tâm tức Phật,
Phật tức Tâm,
Diệu chỉ minh minh đạt cổ kim.
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,
Thu đáo vô phi thu thuỷ thâm”.
Tạm dịch:
Tâm là Phật,
Phật là Tâm,
Tính huyền diệu thì sáng linh và thông suốt xưa nay.
Mùa xuân tới, hoa xuân cười,
Mùa thu về, không chỗ nào là nước thu không sâu.
5. Luân (chữ Hán: 倫 hoặc 綸)
“Luân” 倫 có nghĩa là luân thường đạo lý, là nền nếp thứ tự mà con người cần tuân theo để phù hợp với đạo Trời.
Trong tiếng Hán, chữ Luân 倫 do bộ Nhân đứng 亻và chữ Luân 侖 (điều lý, thứ tự) hợp thành. Hàm ý rằng đây là những đạo lý, phép tắc lễ nghĩa giúp điều chỉnh hành vi của con người và quan hệ giữa người với người, giúp gia đình và xã hội được hài hoà, hạnh phúc.
“Ngũ luân” 五倫 (còn gọi là “ngũ thường”) chỉ năm quan hệ đạo thường mà con người phải noi theo gồm: quân kính – thần trung, phụ từ – tử hiếu, huynh hữu – đệ cung, phu hoà – thê thuận, bằng tín – hữu nghĩa (Nghĩa là: Vua tôn trọng bầy tôi, bầy tôi trung với vua; cha nhân từ với con, con hiếu thảo với cha; anh yêu thương em, em cung kính lễ phép với anh; vợ chồng hoà thuận với nhau; bạn bè giữ chữ tín và lễ nghĩa). Làm được “ngũ luân” này thì từ nhà đến nước đều an lạc, thái bình vậy.
Còn chữ “Luân” 綸 nghĩa là dây tơ xanh. Quý vị độc giả đọc tới đây chớ vội cho rằng nó tầm thường quá. Kéo tơ ra là Kinh, sắp xếp các mối tơ là Luân, “kinh luân” 經綸 (sắp xếp tơ tằm làm thành sợi) còn ý nói sắp đặt việc nước, trị lý quốc gia, vốn cũng nhiều mối tơ vò như vậy.
Nguyễn Công Trứ có câu: “Đấng trượng phu một túi kinh luân”. Sách Trung dung cũng viết: “Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản, tri thiên địa chi hoá dục”. Dịch nghĩa là: Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ mới có khả năng sắp đặt những mối liên hệ lớn của thiên hạ (kinh luân), mới có khả năng thiết lập những nền tảng lớn của thiên hạ, mới biết được sự phát triển sinh hoá của trời đất.
6. Mai (chữ Hán: 梅)
Chữ Mai trong tiếng Việt thường gợi nhớ đến loài hoa mai vàng rực nở mỗi độ xuân về trên đất phương Nam. Còn chữ Mai 梅 trong tiếng Hán lại chỉ loài hoa mơ phương Bắc, có hai màu trắng đỏ, chỉ vóc dáng và tinh thần thanh tú, cao nhã, trinh bạch.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.
Cao Bá Quát cũng viết: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Cả đời chỉ cúi đầu bái hoa mai).
Mai là một trong “Tứ quân tử” (mai, lan, cúc, trúc), và cũng là một trong “Tuế hàn tam hữu” (ba người bạn của mùa lạnh, gồm có: tùng, trúc, mai). Trong tuyết sương giá lạnh, trong khi những loài cây khác đều cằn cỗi héo hon, thì tùng, trúc, mai vẫn tươi tốt, như người quân tử nhẫn nại, tự cường, luôn trau dồi đức hạnh trong nghịch cảnh cuộc đời.
Loài hoa mơ trắng gọi là lục ngạc mai, nở hết hoa rồi mới nẩy lá, quả chua, chín thì sắc vàng. Kinh Thư có câu: “Nhược tác hoà canh, nhĩ duy diêm mai”, nghĩa là: Nếu nấu canh ăn, chỉ nên dùng muối và trái mơ. Muối mặn, mơ chua làm gia vị cho canh ngon, ý nói việc lương tướng hiền thần giúp vua trị nước. Quan Tể tướng xưa kia được gọi là “điều mai” hay “hòa mai” là bởi ý đó vậy.
7. Thuỷ (chữ Hán: 水)
Thuỷ 水 nghĩa là nước, là một trong Ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ cấu thành vạn sự vạn vật trong vũ trụ này. Thủy còn có nghĩa là sông, như “Sơn thủy hữu tình”, “Du sơn ngoạn thủy”. Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”, nghĩa là: Người trí thích dạo chơi sông nước, người nhân thích dạo chơi núi non.
Người tên Thuỷ, vừa ngụ ý dịu dàng tú mỹ, như trong: “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” (Truyện Kiều, Nguyễn Du); lại vừa nói lên phẩm chất của bậc Thánh nhân. Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố ky ư đạo”. Tạm dịch: Cảnh giới cao nhất của thiện là giống như đặc tính của nước. Nước không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở nơi mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất.
Chữ Thuỷ này cũng xuất hiện trong tên một kiệt tác âm nhạc bất hủ của nhân loại. Năm 1977, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã gửi phát vào không gian vũ trụ bản nhạc “Cao sơn lưu thuỷ”, kết tinh của văn hoá phương Đông cổ đại. Tương truyền rằng, Bá Nha là quan Thượng đại phu nước Tấn, một đêm trăng thanh gió mát gảy đàn trên bến Hàm Dương. Một người tiều phu đi qua, khen ngợi tiếng đàn của Bá Nha. Bá Nha mời người tiều phu xuống thuyền, rồi gảy khúc “Ý tại non cao”. Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:
– Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao.
Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc “Ý tại lưu thủy”.
Tiều phu khua tay xuống dòng nước:
– Trời nước bao la. Ý tại lưu thủy.
Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậy.
Du Bá Nha cùng Chung Tử Kỳ kết nghĩa anh em, hai chữ “tri âm” (hiểu được âm thanh) cũng ra đời từ đó.
Hi vọng rằng sau bài viết trên, quý độc giả phần nào thêm hiểu và thêm yêu cái tên của chính mình. Trong các kỳ tới đây, BBT xin phép lựa chọn những cái tên được nhiều bạn đọc cùng yêu cầu nhất (hoặc bình luận có nhiều lượt “Thích” nhất) dưới bài viết trên trang dkn.tv, cái tên có câu chuyện đằng sau đó thú vị nhất do chính bạn đọc chia sẻ… để “lên sóng”.
Hẹn gặp lại quý độc giả trong kỳ tiếp theo!
Thanh Ngọc