Tâm có tĩnh thì mới có thể thấy rõ ràng mọi chuyện. Suy xét vấn đề, cần đặt tâm xuống mà ngẫm mới có thể tìm ra giải pháp tốt nhất. Sau này, dù có gặp chuyện khó xử hơn, ta cũng có thể dễ dàng bước qua vậy.
Khổng Tử có một cậu học trò, tên là Tử Hạ. Tử Hạ đến huyện Cử, nước Lỗ làm quan huyện. Trước khi xuất hành, Tử Hạ ghé thăm Khổng Tử thỉnh giáo: “Thưa thầy, con phải làm gì mới có thể cai quản tốt một địa phương ạ?”.
Khổng Tử trầm ngâm trả lời: “Không ham muốn, không quản cái lợi nhỏ. Dục tốc thì bất đạt, nếu chỉ quan tâm cái lợi trước mắt thì có thể làm nên đại sự sao?”.
Người muốn làm nên đại sự thì không được nóng vội, không được chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt. Nếu chỉ muốn mau chóng thành công mà không màng tới đúng sai thì hẳn sẽ không làm nên việc. Ham muốn cái lợi nhỏ há có thể làm nên việc lớn sao?
Thế nào gọi là “Dục tốc bất đạt”?
Ấy là nếu một người để bản thân mình bị thời gian gây sức ép, tâm tình sẽ ngày càng loạn, hành động càng phải khẩn trương. Một khi tâm loạn thì người ta sẽ luôn có chiều hướng phức tạp hóa mọi chuyện. Và đó là ngọn nguồn của thất bại.
Trong đời sống thường ngày, không khó để bắt gặp những tình huống “dục tốc thì bất đạt” như thế. Một người luôn vội vội vàng vàng, vừa làm cái này lại vừa làm cái khác, chỉ tổn thời gian, tinh lực, mà cuối cùng lại “xôi hỏng bỏng không”.
Vì vậy, khi gặp phải bất kỳ một sự việc nào, việc thứ nhất chính là cần phải trầm tĩnh, đặt tâm xuống, sau đó mới bắt đầu tìm cách giải quyết dần dần. Từ bề mặt mà nhìn, sẽ có người cảm thấy như vậy chỉ tổ tốn thời gian. Nhưng đó lại chính là con đường ngắn nhất, thậm chí còn giúp chúng ta giải quyết sự việc nhanh hơn với kết quả mĩ mãn hơn.
Trong cuộc sống này, đã có bao người chỉ vì hành động hấp tấp, vội vàng mà gặp phải thất bại. Thời Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh (1644-1661), có một phú ông cùng nô bộc trong nhà muốn đi thuyền đến thị trấn nọ. Khi đó trời sắp tối.
Trước khi xuống thuyền, phú ông hỏi vị thuyền phu: “Xin hỏi, trước khi cửa thành đóng, chúng tôi có thể vào kịp thị trấn không?”.
Thuyền phu trả lời: “Không cần vội vàng. Ngài cứ đi thẳng con đường này là đến nơi thôi”.
Người đàn ông nghe nói, bèn tỏ ra tức giận, hằm hằm bỏ đi. Người nô bộc ở phía sau vội vàng đuổi theo, không cẩn thận bị ngã nhào, sách vở, thư tịch rơi lả tả.
Người nô bộc sợ bị chủ mắng, khóc nấc lên. Phú ông nọ giận sôi người nhưng vì trời đã tối lại đang vội nên đành phải vội vàng quay lại giúp người nô bộc thu dọn sách vở. Thực là tất tưởi, vội vàng, chậm một khắc thì cửa thành đóng mất. Phú ông mất một lúc mới thu dọn xong hành lý, đột nhiên nhìn thấy thuyền phu vẫn đang ngồi trên thuyền châm lửa hút thuốc, liền minh bạch ra: “Ông ta nói thật chuẩn, lẽ ra ta đã chẳng cần phải vội vàng đến thế”.
Trong “Hàn Phi Tử” có chuyện kể về Tề Cảnh công. Tề Cảnh công là một vị minh quân nổi tiếng thời Xuân Thu, rất tán thưởng và trọng dụng một vị hiền quan tên là Yến Anh.
Có một ngày, khi Tề Cảnh công đang vi hành bên ngoài thì chợt nhận được tin dữ: Yến Anh lâm bệnh nguy kịch.
Tề Cảnh công được tin liền vội vàng hủy bỏ chuyến vi hành, lập tức quay trở về cung. Cảnh công lòng như lửa đốt, ra lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị một chiếc xe ngựa cùng phu xe nhanh chóng lên đường.
Xe ngựa lao vút trên đường nhưng chưa chạy được trăm bước thì Cảnh công nóng ruột quá không chịu được, cho rằng người phu xe không biết lái. Thế là ông tự mình cầm roi đánh ngựa. Nhưng không đi được quá mấy trăm bước, ông lại thấy vẫn quá chậm, cuối cùng bèn nhảy xuống khỏi xe ngựa, chạy thục mạng.
Chúng ta thử nghĩ một chút, dù Tề Cảnh Công có là vận động viên chạy nước rút Olympic đi chăng nữa, liệu chân người có thể đọ nổi với sức ngựa hay không? Liệu vội vàng, hấp tấp có thể làm nên chuyện gì không?
Trâm Anh
Theo Forhuaren