Đám yêu quái trong “Tây Du Ký” luôn cho rằng ăn được thịt của Đường Tăng sẽ trường sinh bất lão. Tuy nhiên đó quả là một nhận thức quá sai lầm, cũng là thể hiện sự nông cạn của những sinh linh tầng thấp.

Trong “Tây Du Ký”, chuyện lũ yêu quái luôn “khao khát” ăn được thịt Đường Tăng đã trở nên quen thuộc với độc giả. Trong mắt của chúng, muốn trường sinh bất lão thì chỉ có một biện pháp duy nhất là ăn thịt Đường Tăng. Tuy nhiên đây quả là một nhận thức sai lầm. Sa Ngộ Tĩnh cũng đã từng ăn thịt 9 người đi thỉnh kinh nhưng ông ta vẫn là yêu quái. Ăn thịt Đường Tăng sao lại có thể trường sinh được đây?

Cũng có người nói, Đường Tăng khác với 9 người trước đó, đời trước của ông chính là đệ tử của Phật Như Lai. Thật ra dù cho là ai, hễ đã đến cõi người này rồi thì đều là một thân xác trần tục, ai ai cũng như nhau, nên đương nhiên Đường Tăng cũng không ngoại lệ.

(Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net)

1. Bảo vật thực sự trong Tây Du Ký

“Phật Tổ liền lệnh cho A Nan, Ca Diếp lấy một bộ cà sa và một cây Cửu Huyền tích trượng, nói với Bồ Tát rằng: ‘Cà sa, thiết trượng này có thể trao cho người thỉnh kinh đó dùng. Nếu như người đó nguyện một lòng bền chí đến đây, bận áo cà sa của ta khỏi đọa luân hồi, cầm tích trượng khỏi bị hại’. Vị Bồ tát này bái lĩnh”. (Trích từ hồi 8: Phật Tổ tạo kinh truyền Cực Lạc, Quan Âm vâng chỉ xuống Trường An). Chỉ lệnh của Phật Tổ đã nói rõ bảo bối thật sự ở đây chính là cà sa và cây tích trượng ở trên người của Đường Tăng. Có được hai bảo vật này chính là có thể thoát khỏi luân hồi và những mối hiểm họa.

Đáng tiếc lũ yêu quái không hiểu, lại cho rằng ăn thịt Đường Tăng mới là cách để trường sinh bất lão. Đây cũng chính là do bản tính của chúng quyết định, coi sát sinh là con đường duy nhất để sinh tồn. Âu cũng là mang tư duy phàm tục lại mộng chuyện trường sinh bất lão vốn là thành quả đạt được nhờ tu luyện, thật là chuyện đáng cười thay.

2. Đạo trường sinh bất lão thật sự

Cũng có lũ yêu quái không muốn ăn thịt Đường Tăng mà chỉ lấy trộm áo cà sa và hành lý, với ý định thay 4 thầy trò Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh kinh, nhưng tại sao rốt cuộc lại không thành? Đây cũng là do bản tính quyết định. Xin hãy đọc đoạn này:

“Chúa yêu nói: ‘Con khỉ không biết tên họ ta, mới đem mình mà nạp! Ta tu tại núi Tiểu Tây Thiên, đã thành chánh quả; trời ban lầu đài đền các cho ta, ta là Hoàng Mi Lão Phật, nhưng người ở đây không biết, chỉ gọi ta là Hoàng Mi đại vương, Hoàng Mi gia gia. Thuở nay nghe ngươi có tài phép, bảo hộ Tam Tạng đi thỉnh kinh Tây Phương, nên ta làm kế gạt Tam Tạng vào đây đặng đánh với ngươi cho biết lực. Nếu đánh nổi ta thì đi Tây Phương, bằng thua thì ta đập chết bốn thầy trò, ta sẽ đi gặp Như Lai thỉnh kinh đem về Trung Hoa’. Tôn Hành Giả cười rằng: ‘Yêu tinh chớ khoác lác, có giỏi thì hãy nếm thử một gậy của lão Tôn đây!’. Chúa yêu đó giật mình, vội dùng Lang Nha bổng đỡ lấy. (Trích từ hồi thứ 65: Yêu ma bày đặt Lôi Âm giả, Thầy trò đều gặp ách nạn to).

Lục Nhĩ Mỵ Hầu năm đó cũng muốn đi thỉnh kinh thành Phật, đáng tiếc đều là thiếu bản tính thiện lương, làm việc sát sinh để đạt được mục đích, vậy nên không thể thành công. Do đó, áo cà sa và tích trượng thực tế trong tu luyện cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài, một tấm lòng kính Phật tu tâm dưỡng tính kia mới là bản chất, mới là gốc rễ của trường sinh.

(Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net)

Vậy cũng nói, đạo lý tu luyện cao thâm, không thoát khỏi nhận thức trần tục thì không thể giác ngộ.

Rất nhiều người đời hôm nay, tuy mang thân người nhưng tâm tư và bản tính lại hết sức nông cạn, chỉ chú trọng vẻ bề ngoài, lại không hiểu đạo tu tâm. Họ lên chùa bái Phật mà chỉ coi trọng lễ Phật nhiều ít ra sao, chỉ biết cầu xin Phật danh lợi như thế nào, lại không biết rằng bản thân mình phải tu tâm tích đức thì mới có phúc báo.

Đối với những người tu luyện, thì nhận thức này cũng không ngoại lệ. Nhiều người không xem trọng tu hành, không biết lấy khổ làm vui, không coi trọng việc hướng nội nhìn lại chỗ thiếu sót của bản thân mà lại chỉ làm qua loa một cách hời hợt bề mặt. Lại có người cho rằng, trong tu hành phải có danh xưng cao thấp ra sao, thần thông triển hiện như thế nào mới là tu luyện thực sự.

Chỉ có thể thay đổi bản tính, tu luyện tâm tính mới là con đường thực sự đi đến viên mãn.