Tuy chưa có hành vi làm việc ác nhưng đã phải chịu nhận quả báo, sinh ra 10 người con thì cả 10 đều không lành lặn bình thường. Câu chuyện cũng là bài học nhắn nhủ người đời.
Tật đố ghen ghét bị ác báo
Thời Xuân Thu Chiến Quốc đại phu nước Tống là Tưởng Viện có 10 người con trai thì cả 10 đều không lành lặn: một người lưng gù, một người thọt chân, một người tứ chi teo tóp, một người hai chân tàn tật, một người điên, một người đần, một người tai điếc, một người mù mắt, một người câm và một người chết ở trong tù.
Công Minh Tử Cao thấy tình cảnh này bèn hỏi Tưởng Viện: “Đại phu thường ngày làm những việc gì mà lại dẫn đến những tai họa kỳ lạ như thế này?”
Tưởng Viện nói: “Ta cả đời vẫn tự hỏi lòng mình, cũng không làm việc xấu gì lớn cả, chỉ có điều trong lòng ta luôn tật đố ghen ghét người khác. Thấy người hơn mình thì ta ghen ghét uất hận. Nếu có người tâng bốc ta thì trong lòng ta khoan khoái. Nghe thấy người khác làm việc thiện thì trong lòng hoài nghi không tin, nhưng nghe thấy người khác làm việc xấu thì ta liền tin ngay không mảy may nghi ngờ. Thấy người khác có được cái gì tốt thì ta thấy giống như mình đã tổn thất cái gì đó. Thấy người khác bị tổn thất thì ta thấy giống như mình có được lợi ích gì đó. Đây chính là thái độ làm người của ta”.
Tử Cao than rằng: “Đại phu có tâm thái như thế này, nếu cái tâm này không ngay chính lại thì e rằng không lâu nữa sẽ gây đến cái họa hủy diệt gia môn, ác báo đâu chỉ dừng lại ở những cái hiện nay”.
Tưởng Viện nghe Tử Cao nói như thế cảm thấy rất sợ hãi, không biết làm thế nào. Tử Cao lại nói: “Trời tuy ở trên cao nhưng lại minh xét mọi sự việc. Nếu ngài có thể sửa chữa hết thảy những sai trái trước đây, thành tâm hướng thiện thì nhất định sẽ chuyển họa thành phúc. Quy chính từ bây giờ thì vẫn còn kịp”.
Tu bỏ tâm đố kỵ thì phúc khí liền về
Từ đó Tưởng Viện sửa bỏ hết những thói xấu đố kỵ, trong tâm luôn cẩn thận và cố gắng, hành thiện tích đức, tiến cử người hiền tài. Mấy năm sau bệnh tật của các con ông cũng đều dần dần khỏi.
Tâm đố kỵ có nguồn gốc từ lòng dạ hẹp hòi ích kỷ. Thấy người khác có phẩm hạnh, tài năng hơn mình thì trong lòng buồn bực, tâm sinh oán hận, thậm chí có người còn nói xấu, phỉ báng người ta, làm những việc trái với đạo lý, ngược với lẽ Trời. Nhưng nhân quả báo ứng thì không mảy may sai lệch, lẽ Trời (mà người hiện đại gọi là quy luật tự nhiên) vẫn đang chế ước hết thảy.
Tưởng Viện đố kỵ người hiền tài, lòng dạ hẹp hòi. Lòng dạ ông như thế này thì cảm ứng quả báo nào? Nó không chỉ tạo nghiệp cho bản thân mà còn di họa cho con cháu đời sau. Thế nên làm người cần biết tôn trọng, cung kính và yêu quý, có tấm lòng yêu thương hết thảy người dân, tất cả mọi vật, không được có mảy may đố kỵ mà hãy đối đãi tốt với mọi người.
Tưởng Viện sau khi sửa chữa lỗi lầm hướng thiện thì đã chuyển họa thành phúc. Câu chuyện này ứng với câu cổ ngữ” “Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương” (“Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”), và câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”.
“Chu Tử trị gia cách ngôn” cũng khuyên răn con người rằng:
Người có chuyện vui, chớ sinh lòng đố kỵ.
Người gặp hoạn nạn, đừng có ý mừng vui.
Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện.
Ác sợ người hay, chính là đại ác.
Lòng đố kỵ, ghen ghét, bực tức khi người khác có điều gì tốt hơn mình thì đó chính là lòng ác, mà cái ác lại giấu trong tâm, không để lộ cho người khác biết thì đích thị là đại ác rồi, thế nên quả báo mới nặng nề như Tưởng Viện đã phải chịu.
(Nguồn: “Đức dục cổ giám”, “Thiên thiện lục”)
Kiến Thiện
Theo minghui.org