Có người nói nhàn là phúc. Nhưng nhàn rỗi quá lâu mới biết thực ra nó rất đáng sợ. Bởi nhàn rỗi có thể biến thành nhàm chán, cô đơn và trống rỗng.

Bởi vì quá nhàn rỗi nên có nhiều thời gian suy nghĩ mông lung, mất đi kiểm soát, biến suy nghĩ của bản thân mình trở nên rối rắm, đánh mất chính mình trong những cảm xúc không thể giải thích được.

Trên thế giới này, không có quá nhiều chuyện phiền não. Chỉ là con người suy nghĩ quá nhiều mà thành phiền lụy thôi. Nếu thực sự bận rộn với cuộc sống, người ta sẽ không có quá nhiều thời gian để nghĩ đến những chuyện buồn.

Nếu muốn phá hủy một người nào đó, hãy để họ sống một cách nhàn rỗi. Có người nói, cách tàn nhẫn nhất để phá hủy một người chính là để cho người đó được nhàn rỗi, đó là một cách trả thù vô cùng độc ác.

Để biết một người có tính tự kỷ luật hay không, hãy để anh ta tự do một thời gian. Tự do trên đời này rất đáng quý nhưng hãy cẩn thận, tự do quá dễ dẫn đến tùy tiện. 

Một người quá nhàn rỗi sẽ mất đi mục tiêu, mà khi không còn mục tiêu thì cuộc sống sẽ dần dần trở nên vô nghĩa, người ta cũng dần trở thành một phế nhân. 

Ảnh minh họa: Sna-news.

Đừng ham nhàn rỗi, nếu có năng lực hãy làm cho mình bận rộn một chút, làm cho cuộc sống chuyển động chứ đừng chây ì một chỗ.

Con người là một thứ rất kỳ lạ, càng nhàn thì càng mệt, càng mệt càng muốn nằm xuống nghỉ ngơi, càng không muốn động đậy. Đó gọi là “nhàn cư vi bất thiện”. 

Khi ta bận rộn quá chừng, ta đều mong được nghỉ ngơi, được nhàn rỗi một chút. Nhưng khi đã chìm đắm vào trạng thái nhàn rỗi quá lâu thì lại thấy quá ư mệt mỏi và mơ hồ. Người ta thậm chí còn muốn cãi lộn với người khác bởi vì càng nhàn thì lòng càng nặng trĩu, càng vướng víu, càng mâu thuẫn.

Người nhàn rỗi quá lâu rất dễ sinh bệnh, nhàn lâu sẽ lười, mà lười lâu rất dễ sinh bệnh. Những người bận rộn, trái lại, lúc nào cũng đầy sức sống và luôn vui vẻ. Những người lười nhác thì diện mạo thường nhợt nhạt và không có sức sống, sắc mặt giống như một người bị bệnh.

Khi nhàn rỗi quá lâu, trong lòng bạn sẽ sinh ra một nỗi sợ hãi và hoang mang sâu sắc.

Thay vì hưởng thụ sự nhàn rỗi, hãy tìm cho mình một việc gì đó để làm, một điều gì đó để suy nghĩ, động chân động tay. Hãy khiến mình trở nên bận rộn để biết được rằng cuộc sống quả thực không dễ dàng chút nào, để hiểu được rằng đau khổ lớn nhất đời người chính là nhàn rỗi và vô vị. 

Sự bận rộn khiến bản thân cảm nhận được mình thực sự đang sống, quá nhàn rỗi sẽ dẫn chúng ta đến sự hoảng loạn vô biên. Nhàn rỗi quá lâu rất dễ khiến bản thân rơi vào khủng hoảng, mất đi cảm giác mình đang tồn tại. Ngày ngày không có việc gì để làm, chỉ có thể phàn nàn, than thân trách phận, trách mệnh khổ, cả tâm lẫn thân chứa đầy sự oán trách.

Ảnh: Ajel.

Một người nhàn rỗi quá lâu sẽ tự dựng cho mình một bức tường thành cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ sẵn sàng biến bản thân thành những kẻ yếu mềm, ít giao du, tiếp xúc với bên ngoài, không dám thử thách mình trước cái mới.

Vận mệnh sẽ không thiên vị cho bất kỳ ai, hạnh phúc cũng phải tự tay mình nắm bắt mới có được. Khi chúng ta đang cố gắng phàn nàn cuộc đời bất công thì hãy tự xem lại mình đã nỗ lực đủ chưa. Khi chúng ta tự trách ông Trời rằng mình không đủ may mắn, chi bằng xem lại bản thân mình đã bỏ qua những điều gì. Khi chúng ta ngày ngày tự nghĩ ngợi mông lung, thì hãy nghĩ xem có phải ta đang quá nhàn rỗi?

Khi có thể bước ra ngoài, trở nên bận rộn, dần dần ta sẽ quên đi những điều không vui. Bận rộn sẽ khiến những đau thương và cực khổ đều tan biến.

Bận một chút cũng chẳng có gì không tốt cả, có việc để làm, còn có thứ để hy vọng và nỗ lực. Để bản thân bận một chút thực ra cũng là cách để chính mình trở nên tốt hơn, hạnh phúc mãn nguyện hơn. 

Ngọc Linh
Theo secretchina