Trong cuốn sách “Uất Ly Tử”, Lưu Bá Ôn có ghi lại một câu chuyện, kể rằng vào thời Chiến Quốc, có một người tên là Hàn Viên đến nước Tề. Vì mong được vua trọng dụng, ông đã hiến cho nhà vua rất nhiều kế sách, nhưng Tề vương nhất định không dùng những kế sách đó, cũng không trọng dụng ông. Hàn Viên rất phẫn nộ, nên đã nói nhiều điều bất hảo, phỉ báng Tề vương. Sau khi sự việc truyền đến tai Tề vương, Tề vương tức giận ra lệnh cho Tư Khẩu, viên quan chủ quản hình ngục, tống Hàn Viên vào ngục, chuẩn bị xử tử Hàn Viên.
Ngô Điền Vô nghe tin, liền cầu kiến được gặp Tề vương. Tề vương kể cho ông nghe về sự phỉ báng của Hàn Viên. Điền Vô nghe xong, nói:
“Thần từng nghe chuyện Thủ Minh rất giỏi thuần dưỡng voi. Ông đến yết kiến quân vương Nghĩa Cừ ở phương bắc để xin làm quản tượng, nhưng Nghĩa Cừ không nhận lời. Sau khi Thủ Minh bỏ đi, liền đến lữ quán thóa mạ Nghĩa Cừ. Người trong lữ quán liền khuyên nhủ ông: ‘Không phải là quân vương của chúng tôi không tin lời ông, chỉ là chúng tôi ở đây không thể tìm thấy một con voi nào.’ Thủ Minh nghe thấy vậy, cảm thấy xấu hổ tới tận tâm can, liền trở về nhà.”
“Còn có chuyện thần y họ Hồ sang nước Ngụy, thấy Ngụy thái tử thần sắc nhợt nhạt, thở không ra hơi, bèn nói: ‘Thái tử bị bệnh, nếu không mau chữa trị sẽ không chữa được nữa.’ Ngụy thái tử nghe vậy rất phẫn nộ, cho rằng Hồ phỉ báng, nguyền rủa mình, bèn sai người giết Hồ. Thần y họ Hồ chết rồi, Ngụy thái tử cũng đổ bệnh mà chết vì không được cứu chữa kịp thời.”
Điền Vô nói tiếp: “Vốn dĩ họ đều là những người dùng năng lực trí tuệ của mình để đi xin việc. Nếu kết quả không phù hợp với tâm nguyện của bản thân họ, trong tâm họ sinh oán giận, điều đó là sai. Tuy nhiên, sau khi nghe người khác kiến nghị mà không xem xét đúng sai, trái lại trong tâm sinh nộ khí mà ghét bỏ người ta, điều này cũng là sai.”
“Thần nghe nói: ‘Sông biển không chấp trong đục với ao chuông. Sấm sét không thi thố với ếch nhái.’ Bậc bề trên có nên bận tâm đến những kẻ cố chấp và nông cạn đó không?”
Sau khi nghe những lời của Điền Vô, Tề vương suy nghĩ hồi lâu, rồi thả Hàn Viên ra mà không cần để tâm đến ông ta nữa.
Trong câu chuyện ngụ ngôn này, Lưu Bá Ôn muốn nói với người đời sau điều gì? Thời gian trôi qua, người đời sau sẽ không thể du hành xuyên thời gian và không gian, quay trở lại thời nhà Minh và xin lời khuyên của Lưu Bá Ôn.
Cổ nhân nói: “Bất dữ nhân tranh đắc thất, duy cầu kỉ hữu tri năng.”
Ý tứ là nói, không cần tranh đua được mất nhất thời, chỉ cầu tri thức và khả năng của bản thân mình. Kế sách của Hàn Viên không được thông qua, cũng không được vua Tề trọng dụng, vì vậy ông cảm thấy oán hận, biến tâm bất mãn thành hận thù, vu khống Tề vương, khiến bản thân suýt nữa mất mạng. Nếu ông ta có thể nhìn nó ở một góc độ khác, trút bỏ nỗi uất hận trong lòng, thay vào đó chăm chỉ hoàn thiện bản thân trở thành người tốt hơn, đó mới chính là thiện đãi bản thân.
Còn Tề vương, nếu lúc đầu khi nghe lời vu khống không vội trút giận, mà thay vào đó xem xét lại, ôn hòa dẹp bỏ cơn giận dữ bằng tấm lòng thư thái khoan dung, thì một vị quân vương có tâm thái như vậy chẳng phải sẽ lợi dân, lợi nước và lợi cả bản thân?
Trên đời, mỗi người đều là độc nhất vô nhị, đều là sinh mệnh của tạo hóa, ai cũng không thay thế được ai, ai cũng không có thể cách nào cải biến được vận mệnh của mình. Trên con đường nhân sinh, sinh mệnh cuộc đời không phải là một mùa gặt. Trong hành trình của vận mệnh, điều cần xả bỏ chính là những truy cầu.
“Một cháo một cơm là biết có đói có no, một ngày một đêm là biết có sáng có tối.” Nếm trải hương vị gì cũng chỉ có trong tim ta cảm nhận, cảnh vật ta nhìn thấy cũng chỉ có trong mắt của chính ta. Nếu bạn có sự bình yên trong tâm, thì bất luận gió mưa phong vũ điên cuồng, đều là để bạn hoàn thiện vẻ đẹp của chính mình. Những điều này chỉ người có thể chế ngự được tâm thái của mình mới thể ngộ được.
Nếu một người có thể có một tâm hồn khoan quảng rộng rãi, họ sẽ không vì háo hức truy cầu mà làm cho bản thân kiệt sức về thể chất và tinh thần, cũng không vì muốn từ chối người khác mà làm tổn thương cả đôi bên; cũng không vội vàng vì mưu đồ nào đó mà biến mình thành kẻ tầm thường.
Khi sinh mệnh đạt đến một độ rộng nhất định, nó sẽ tự nhiên giống như sông lớn chẳng chấp trong đục với ao chuông. Khi sinh mệnh đạt đến một độ cao nhất định, nó sẽ tự nhiên giống như tiếng sấm chẳng thi thố tiếng vang với ai khác. Độ cao và rộng của tâm hồn được thăng hoa một cách tự nhiên, và sẽ đạt được một cách tự nhiên khi bản thân rũ bỏ được những chấp niệm trong lòng.
Tác giả: Tống Bảo Lam, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch