Chắc hẳn tất cả chúng ta đều từng nghe nói đến địa ngục, nơi được cho là chuyên trừng phạt người ác, kẻ xấu. Vậy con người sau khi qua đời, sẽ đi về đâu? Ai là người phải xuống địa ngục chịu trừng phạt?
Hãy cùng xem câu chuyện cổ phật gia dưới đây, để hiểu về điều này:
Ngày xưa, ở trong một ngôi chùa cổ, có một vị sư già sinh sống cùng một số hòa thượng trẻ tuổi. Ngôi chùa linh thiêng và cổ kính, khiến cho dân chúng trong vùng thường xuyên đến đây thắp hương, bái lễ.
Một hôm, có một thanh niên trẻ tuổi đi vào chùa với vẻ mặt u sầu, buồn bã. Vị sư già hỏi anh ta: “Phải chăng thí chủ đang có tâm tư gì buồn phiền?”
Người thanh niên trẻ tuổi nói: “Cha của con bị bệnh vừa qua đời. Con cảm thấy vô cùng đau khổ. Cha con là người tốt, vì sao mà không thể sống lâu hơn được chứ?”
Vị sư già ân cần nói: “Chẳng phải thí chủ vẫn thường đến đây nghe kinh sao?’
Người trẻ tuổi nói: “Đúng vậy! Mỗi lần thầy mở lớp giảng kinh, con đều đến nghe!”
“Nếu đã thế thì hẳn là thí chủ từng nghe ta giảng qua về “sinh, lão, bệnh, tử”, đạo lý nhân sinh vô thường (không ổn định, luôn thay đổi). Con người đến thế gian này, tuổi tác là có hạn!”
“Những điều thầy giảng con đều hiểu. Nhưng con vẫn cảm thấy cha con ra đi khi tuổi còn chưa phải là già.”
Vị sư già nói: “Độ dài ngắn của sinh mệnh, không phải lấy tuổi mà xác định được, mà là xem duyên của người ấy ở nhân gian được bao nhiêu thì sinh mệnh dài bấy nhiêu.”
Người trẻ tuổi lại hỏi: “Thầy xem cha con ra đi, sẽ được lên thiên đường hay phải xuống địa ngục! Xin thầy hãy gia trì cho cha con, giúp ông được vãng sinh đến thiên đường, nếu không con sẽ rất không an tâm.”
Vị sư già cảm thấy, giờ phút này ông có nói cho người trẻ tuổi kia bao nhiêu đạo lý cũng là vô dụng, bởi vì phiền não đã chiếm hết tâm trí của anh ta rồi.
“Người con vừa có hiếu lại có tâm như thí chủ đây thật là hiếm có. Ta nhất định sẽ gia trì giúp cho cha của thí chủ, nhưng thí chủ phải làm đúng như lời ta nói thì mới được.” Người thanh niên trẻ tuổi vui vẻ đồng ý.
Vị sư già bảo người thanh niên trẻ lấy hai chiếc nậm đến. Sau đó ông đổ đầy dầu vào một chiếc nậm và một chiếc nậm khác thì đựng đầy đá, rồi nói: “Được rồi! Giờ chúng ta cùng ra bờ sông, thí chủ hãy về gọi thêm một số người thân thích và họ hàng đến cùng.”
Người thanh niên trẻ tuổi mừng rỡ, lập tức về gọi hàng xóm và người thân ra bờ sông. Vị sư già mang hai chiếc nậm thả xuống dòng sông, sau đó lại đập vỡ hai chiếc nậm ấy.
Sau khi bị đập vỡ, chiếc nậm đựng đá liền vỡ ra thành từng mảnh và cùng với đá chìm xuống đáy biển. Chiếc nậm đựng dầu sau khi vỡ ra thì những mảnh vỡ chìm xuống biển, còn dầu lại nổi lên trên mặt nước.
Vị sư già nói với mọi người: “Bây giờ chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện cho những viên đá kia nổi lên trên và dầu chìm xuống dưới nước.”
Lời vừa dứt, mọi người ai nấy nhìn nhau vừa khó hiểu vừa buồn cười. Bởi vì họ biết rằng, cho dù có cầu nguyện đến bao giờ đi nữa thì đá cũng không thể nổi lên trên mặt nước và dầu chìm xuống dưới được.
Giữa lúc mọi người đang bàn luận sôi nổi, vị sư già mỉm cười nói: “Làm việc thiện giống như thả dầu trên mặt nước hồ, làm việc ác giống như ném đá xuống hồ vậy. Khi sinh mệnh kết thúc, thiện nghiệp sẽ thăng lên mà đi, ác nghiệp sẽ chìm xuống đáy. Đây là đạo lý không thể thay đổi.
Không thể dựa vào việc con người khẩn cầu nhiều thì sinh mệnh chết đi ấy có thể vãng sinh đến nơi tốt đẹp hơn, giống như tảng đá không thể dựa vào cầu nguyện mà nổi lên được. Cho nên, con người sau khi vãng sinh được đi đến đâu, hoàn toàn là do mỗi hành vi việc làm của mình khi còn sống quyết định. Chúng ta phải dùng tâm thái đúng đắn để đối đãi với vạn vật trong thế gian. Mỗi một ý một niệm, một lời nói, cử chỉ đều phải theo thiện, chớ theo ác.”
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: