Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Kỳ này chúng ta sẽ tiếp tục bàn về gia thế của Ngũ Tử Tư và nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc chiến Ngô – Sở diễn ra vào cuối thời Xuân Thu.
Mầm họa vong quốc
Như chúng ta biết, thời Xuân Thu có năm quốc gia lần lượt xưng bá được sử sách gọi là Ngũ Bá. Vị bá chủ sau cùng là Sở Trang Vương. Năm 529, cháu trai của Sở Trang Vương là Khí Tật đã dùng thủ đoạn để giành giật vương vị rồi tự xưng là Sở Bình Vương. Ngay sau khi xưng vương, ông ta đã lập con trai trưởng là Kiến làm thái tử, rồi lại chỉ định Ngũ Xa và Phí Vô Kỵ theo phò tá thái tử.
Ngũ Xa chính là cha của Ngũ Tử Tư. Lúc ấy Ngũ Xa được phong làm thái phó, tức người thầy đứng đầu của thái tử, còn Phí Vô Kỵ giữ chức thiếu phó, tức người thầy thứ hai. Hai thầy giáo này tính cách hoàn toàn trái ngược: Ngũ Xa bản tính vô cùng thẳng thắn cương trực, trong khi Phí Vô Kỵ lại là kẻ tiểu nhân nham hiểm, hẹp hòi.
Đương nhiên mối quan hệ giữa hai người thầy cũng không mấy tốt đẹp. Ngũ Xa vô cùng khinh ghét con người của Phí Vô Kỵ, thậm chí ngay cả thái tử Kiến cũng không ưa ông ta. Phí Vô Kỵ vốn là kẻ xấu xa bỉ ổi, hắn thầm nghĩ: Thái tử không ưa ta, nếu mai này y lên ngôi thì ta phải làm sao đây? Ta phải nghĩ cách khiến thái tử bị phế truất hoặc bị giết đi, mới có thể yên lòng. Ông ta đã nảy ra chủ ý xấu và chờ đợi đến khi thời cơ chín muồi.
Một ngày kia, Phí Vô Kỵ tâu với Sở Bình Vương rằng: Thần thấy thái tử không còn nhỏ tuổi nữa, đã đến lúc cần nạp phi cho thái tử rồi.
Hỏi khi đó thái tử bao nhiêu tuổi? Chỉ mới 15 tuổi thôi. Thoạt nghe thì thấy Phí Vô Kỵ rất quan tâm đến thái tử, nên mới nghĩ đến chuyện nạp phi ấy. Sở Bình Vương liền hỏi: “Thế khanh nghĩ công chúa nước nào là thích hợp để liên hôn với Sở quốc chúng ta đây?”.
Vào thời Xuân Thu, liên hôn thường là giữa các chư hầu với nhau, bên này cưới công chúa nước kia, hoặc là công chúa nước này được gả cho thái tử của nước nọ. Trước đây người ta thường gọi đó là “Tần-Tấn kết mối lương duyên”, ấy là bởi vào thời Xuân Thu, Tần và Tấn là hai nước vô cùng rộng lớn, giữa họ thường liên hôn qua lại với nhau.
Tần là một nước lớn, đô thành khi đó ở đất Ung chứ không phải Hàm Dương. Về sau, khi Thương Ưởng cải cách chính trị thì đô thành mới được dời đến Hàm Dương. Trước đó, đô thành của Tần là ở đất Ung, chính là gần thành phố Bảo Kê của tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
Phí Vô Kỵ nói: “Tần là nước lớn, mà Tấn cũng là nước lớn. Nhưng mối quan hệ giữa Tấn quốc và Sở quốc xưa nay vốn không được tốt, nên thường xuyên giao tranh với nhau. Nếu như Sở có thể liên hợp với Tần, thế thì nước Tấn sẽ không còn là điều đáng để chúng ta bận tâm nữa”.
Sở Bình Vương liền đồng ý và cử Phí Vô Kỵ sang sứ nước Tần để đề nghị việc hôn sự. Khi đó Tần Ai Công đã đồng ý gả con gái mình là Mạnh Doanh cho thái tử Kiến.
Phí Vô Kỵ vừa trông thấy nàng Mạnh Doanh liền nảy sinh chủ ý. Vì sao? Bởi vì Mạnh Doanh thật sự rất xinh đẹp. Khi Phí Vô Kỵ đưa Mạnh Doanh về đến ngoại ô của đô thành, ông ta nói với nàng rằng: “Nàng hãy tạm thời ở đây chờ đợi một thời gian. Theo quy củ của Sở quốc chúng tôi, trước tiên cần bái kiến người nhà của thái tử, sau đó mới có thể thành thân được”. Ngay đêm ấy, Phí Vô Kỵ vào thành diện kiến Sở Bình Vương. Câu đầu tiên Sở Bình Vương hỏi là: “Công chúa nước Tần có dung mạo thế nào?”.
Thông thường, khi nói đến chuyện nạp phi cho thái tử thì người ta sẽ hỏi sứ giả rằng tình hình đi sứ thế nào, quân vương bên đó có vui vẻ hay không, có bàn giao hay nhắn nhủ điều gì không, v.v. đều sẽ hỏi việc công trước. Còn Sở Bình Vương thì sao, câu hỏi đầu tiên lại là về dung mạo, có thể thấy ông ta là phường háo sắc như thế nào.
Phí Vô Kỵ liền thuận gió giong buồm, nói: “Ôi chao! Cả một đời này thần đã từng gặp qua không ít nữ nhân, nhưng trước giờ chưa từng thấy mỹ nữ nào tuyệt sắc đến nhường này. Người ta thường truyền tụng nhau nào là Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự gì gì đó. Riêng thần thì thấy họ dù có sống lại cũng không bì được một phần vạn của Mạnh Doanh”.
Sở Bình Vương nghe vậy, mặt đỏ bừng bừng, nói: “Quả nhân là quân vương của một nước lớn mà không thể có được mỹ nữ tuyệt sắc như vậy, quả thật là đáng tiếc, đáng tiếc!”. Phí Vô Kỵ hùa theo: “Thế ngài hãy lấy đi”. Sở Bình Vương đăm chiêu: “E rằng không hợp với nhân luân”. Phí Vô Kỵ nói: “Hai người họ còn chưa thành thân mà. Nàng đã đến đô thành rồi, vậy ngài hãy lấy đi”. Sở Bình Vương nói: “Thế còn thái tử thì nên giải quyết thế nào?”. Phí Vô Kỵ nói: “Trong số các nữ tỳ đi theo, có một người con gái nước Tề dung mạo cũng khá diễm lệ, hơn nữa cử chỉ hành vi đều rất hợp lễ nghi. Thần nghĩ có thể gả cô gái nước Tề ấy cho thái tử, còn ngài thì lấy Mạnh Doanh là được rồi”. Hai kẻ đồi bại đó bàn tính xong xuôi đâu đấy, đã cùng nhau làm ra chuyện thương thiên hại lý như vậy.
Lời bạch: “Sử Ký” phần “Thập nhị chư hầu niên biểu” chép rằng, năm 527 TCN Phí Vô Kỵ sang sứ nước Tần, mục đích là nạp phi cho thái tử Kiến. Tần Ai Công hứa gả con gái mình là Mạnh Doanh công chúa. Mạnh Doanh là trang mỹ nhân tuyệt thế, trong khi Sở Bình Vương lại là kẻ háo sắc. Phí Vô Kỵ nhân đó đã tìm cơ hội ly gián mối quan hệ giữa hai cha con, nên đã xúi giục Sở Bình Vương độc chiếm thái tử phi, rồi đem một người con gái nước Tề gả cho thái tử Kiến. Kế đánh tráo này đã gieo mầm họa vong quốc cho nước Sở sau này.
Nỗi oan của Ngũ Xa
Hai năm sau khi gả cho Sở Bình Vương, nàng Mạnh Doanh mang thai rồi sinh hạ được một người con trai. Sở Bình Vương thương yêu tiểu hoàng tử như báu vật, đặt tên là Trân, đây chính là Sở Chiêu Vương sau này. Đến năm 523 TCN, khi ấy Sở Bình Vương cưới Mạnh Doanh đã được 4 năm, mối quan hệ cha con giữa ông và thái tử Kiến cũng ngày càng xa cách. Phí Vô Kỵ tự nhủ: “Ta cần phải nghĩ cách khiến hai cha họ càng xa cách hơn”.
Một ngày kia, Phí Vô Kỵ liền nói với Sở Bình Vương: “Thần thấy khu vực Thành Phụ rất quan trọng”. Thành Phụ là nơi nào đây? Là gần huyện Bặc, tỉnh An Huy ngày nay, tức chỗ giao giới giữa An Huy và Hà Nam, cũng chính là biên giới của nước Sở. Ông ta hỏi tiếp: “Sao ngài không cử thái tử đi trấn giữ nơi đó?”. Sở Bình Vương trả lời: “Có nhất thiết phải cử thái tử đi không?”. Phí Vô Kỵ liền chạy đến ghé vào tai Sở Bình Vương và nói rằng: “Ngài đã cướp vợ của thái tử, còn thái tử thì ngày nào cũng tới lui trước mặt ngài, cứ như thế này thì chuyện cơ mật kia trước sau cũng bị bại lộ. Vậy ngài hãy mau mau nhân cơ hội này khiến thái tử đi khỏi nơi này càng xa càng tốt”.
Sở Bình Vương chợt hiểu ra, liền cử thái tử Kiến và Ngũ Xa đi trấn giữ, đồng thời còn cử một viên võ tướng tên là Phấn Dương đến làm Tư mã nơi Thành Phụ. Tư mã là chức quan trông coi việc binh, cũng chính là trưởng quan quân sự cao nhất của Thành Phụ.
Trước khi Tư mã Phấn Dương lên đường, Sở Bình Vương đã nói với ông ta một câu: Nhà người hãy trung thành với thái tử Kiến như trung thành với ta vậy. Cứ như vậy, thái tử Kiến dẫn theo Ngũ Xa và Tư mã Phấn Dương đến Thành Phụ.
Hai năm sau, Phí Vô Kỵ lại chạy đến bên Sở Bình Vương tâu rằng: “Không hay rồi đại vương ơi, thần nghe nói thái tử ở Thành Phụ đang chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thảo, kết giao với các chư hầu, xem chừng là muốn tạo phản rồi”. Sở Bình Vương nói: “Không đời nào, con trai ta xưa nay bản tính nhu thuận, sao có thể tạo phản được chứ?”. Phí Vô Kỵ nói: “Ngài quên rồi sao, thái tử đã biết chuyện ngài đoạt vợ của mình nên rất tức giận, xem chừng hậu quả nghiêm trọng rồi”.
Câu nói ấy đụng trúng vào nỗi lo của Sở Bình Vương, khiến ông ta dù không tin cũng phải tin. Phí Vô Kỵ nói: “Hiện giờ không nên bắt nhốt thái tử, kẻo bứt dây động rừng. Thầy dạy Ngũ Xa của thái tử vô cùng lợi hại, vậy nên ngài hãy mau mau chóng chóng cho gọi ông ta về gấp, rồi hỏi thử ông ta xem rốt cuộc là chuyện thế nào”.
Sở Bình Vương liền triệu hồi Ngũ Xa về đô thành để hỏi chuyện thái tử mưu phản, rằng rốt cuộc nhà ngươi có biết hay không? Ngũ Xa vừa nghe liền biết là Phí Vô Kỵ giở trò mờ ám sau lưng, bèn nói: “Đại vương chiếm đoạt vợ của con trai mình đã là quá đáng lắm rồi, giờ sao ngài lại tin lời kẻ tiểu nhân để đến nỗi nghi ngờ cốt nhục chí thân của mình chứ!”.
Sở Bình Vương vừa thẹn vừa giận. Phí Vô Kỵ ở bên cũng thêm dầu vào lửa: “Đấy đại vương xem, ông ta đã vô cùng bất mãn với ngài rồi. Nếu cứ tiếp tục thế này thì thật nguy hại biết nhường nào, chi bằng ngài hãy bắt nhốt ông ta lại để tránh hậu họa về sau”. Sở Bình Vương cho nhốt Ngũ Xa vào trong ngục rồi lại bàn tính với Phí Vô Kỵ: “Thế còn thái tử, ta nên xử lý thế nào đây?”. Phí Vô Kỵ nói: “Ngài đừng nên triệu thái tử về. Bây giờ ngài hãy viết mật lệnh cho Tư mã Phấn Dương, yêu cầu ông ta hãy giết chết thái tử ngay tại Thành Phụ”.
Sở Bình Vương liền viết một mật lệnh gửi cho Tư mã Phấn Dương, trên đó viết 11 chữ: “Giết thái tử, được trọng thưởng, nếu trái lệnh, ắt chết”. Tư mã Phấn Dương xem xong mật lệnh liền báo cho thái tử hãy mau mau bỏ trốn. Sau đó, Phấn Dương lại yêu cầu thuộc hạ chế tạo một chiếc xe tù, rồi tự mình ngồi trong xe trở về đô thành diện kiến Sở Bình Vương.
Sở Bình Vương sau khi triệu kiến Phấn Dương đã hỏi rằng: “Thái tử đâu?”. Phấn Dương nói: “Đã bỏ trốn rồi”. Sở Vương nói: “Mật lệnh là do chính tay ta viết, chỉ có mình ngươi đọc được, rốt cuộc kẻ nào đã để lộ chuyện này?”. Phấn Dương đáp: “Chính là thần”. Sở Bình Vương hỏi: “Khanh có gì để giải thích không?”. Phấn Dương trả lời: “Trước khi thần đến Thành Phụ, bệ hạ từng căn dặn thần rằng ‘hãy hầu hạ thái tử như hầu hạ quả nhân’, chính là bảo thần hãy trung thành với thái tử như trung thành với bệ hạ vậy. Nhưng mật lệnh lại hoàn toàn trái ngược với những gì ngài đã căn dặn trước đây, hơn nữa việc thái tử mưu phản cũng không có bằng chứng rõ ràng. Nếu giết thái tử như vậy, dân chúng trong nước sẽ bàn tán về ngài, hơn nữa đó lại là đứa con ruột của ngài. Vậy nên, thần quyết định thả thái tử đi. Sau đó thần lại nghĩ, làm trái mật lệnh của đại vương là tội chết thứ nhất. Nếu thần bỏ trốn cùng thái tử thì lại là tội chết thứ hai. Vậy nên thần đã dứt khoát đến đây diện kiến đại vương”.
Sở Bình Vương nghe những lời đó rất lấy làm cảm động, liền nói: “Nhà ngươi trở về đi, cứ tiếp tục làm Tư mã Thành Phụ như trước. Nhà ngươi tuy không vâng theo mệnh lệnh của quả nhân, nhưng cũng một lòng trung thành đáng khen”.
Lúc này thái tử đang trên đường trốn chạy. Thái tử băng qua một con sông để đến nước Tống. Đô thành của Tống quốc nằm ở thành phố Thương Khâu tỉnh Hà Nam ngày nay, từ Thành Phụ chỉ cần băng qua một con sông là sẽ đến được nước Tống.
Ngũ Xa lúc này đang bị nhốt trong nhà ngục. Sở Bình Vương nghĩ: “Phải xử trí Ngũ Xa thế nào đây? Có nên giết đi hay không?”. Phí Vô Kỵ nói: “Hiện giờ không giết được, bởi Ngũ Xa có hai người con trai vô cùng lợi hại. Con trai lớn của ông ta tên Ngũ Thượng, con trai thứ hai tên Ngũ Viên”. Ngũ Viên chính là Ngũ Tử Tư sau này.
Phí Vô Kỵ nói tiếp: “Hai người con này của ông ta đều vô cùng lợi hại. Nếu ngài giết chết Ngũ Xa, ắt sẽ gặp phải phiền phức lớn. Tốt nhất là cùng lúc trừ khử cả ba cha con họ, diệt cỏ phải diệt tận gốc”. Sở Bình Vương liền hỏi có cách nào không, Phí Vô Kỵ nói: “Ngài hãy lệnh cho Ngũ Xa viết một bức thư gọi hai con trai đến đô thành. Ngài chỉ cần nói với Ngũ Xa rằng nếu ông ta chịu viết bức thư này thì sẽ được tha tội, còn không thì chỉ có con đường chết”.
Đến đây mọi chuyện đã bắt đầu rắc rối, nhưng vẫn chưa phải là phần gay gấn nhất. Diễn biến câu chuyện tiếp theo ra sao, chúng ta sẽ cùng bàn luận trong kỳ 7 sắp tới…
(Còn nữa)
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên NTDTV
Vũ Dương biên dịch