Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

“… Lần này nếu ông đi dâng ngọc, có thể mất mạng đấy”. Biện Hòa nói: “Ta khóc không phải vì ta, ta khóc là vì rõ ràng đây là khối ngọc mà lại bị nói là cục đá”.

Lần thứ nhất Tô Tần trình bày chủ trương hợp tung của mình, Triệu Túc hầu đã bị thuyết phục, thưởng cho Tô Tần rất nhiều vàng kim và bạch bích để đi du thuyết quốc vương các nước khác, nhưng khi chủ trương hợp tung còn chưa bắt đầu thì đã gặp thách thức đầu tiên.

Khi Tô Tần chuẩn bị rời nước Triệu để đến quốc gia khác thì giữa nước Tần và nước Ngụy xảy ra một trận đại chiến, đại tướng Công Tôn Diễn của nước Tần đánh hạ được thành Điêu Âm của nước Ngụy. Sau đó nước Tần chuẩn bị tấn công nước Triệu. Khi Công Tôn Diễn chuẩn chị tấn công nước Triệu, Triệu Túc hầu rất lo lắng, ông nói với Tô Tần rằng: “Ngươi phải đảm bảo nước Tần không lập tức đánh nước Triệu, nếu không thì ngươi đừng rời khỏi nước Triệu”. Tô Tần nghĩ: “Làm thế nào ta mới có thể khiến nước Tần không dám công hạ nước Triệu nhỉ?”. Lúc này ông bèn nghĩ đến một người bạn cũ, đó là Trương Nghi.

Tô Tần và Trương Nghi cùng nhau xuống núi. Sau khi xuống núi, Trương Nghi đến nước Sở và ở trong nhà của một vị Tướng quốc. Có một lần vị Tướng quốc này cử hành một buổi yến tiệc rất lớn, Trương Nghi cũng đến ngồi. Trong buổi tiệc, Tướng quốc bị mất một khối ngọc, khối ngọc này rất nổi tiếng, đó chính là ngọc bích họ Hòa (Hòa thị bích – 和氏璧).

Biện Hòa dâng ngọc

Ngọc bích họ Hòa là gì? Thời Xuân Thu, nước Sở có một người tên là Biện Hòa, ở dưới chân núi Kinh Sơn, ông phát hiện một khối đá bóng loáng, đến độ mưa rơi lên phiến đá mà nó hầu như không ướt. Sau đó có phượng hoàng đậu trên phiến đá, Biện Hòa biết rằng bên trong phiến đá này là một khối bảo ngọc. Ông đào nó lên, sau đó giao cho vua Sở lúc bấy giờ là Sở Lệ Vương.

Sở Lệ Vương tìm một người thợ làm ngọc để xem khối đá này rốt cuộc bên trong có bảo bối gì, người thợ ngọc xem thoáng qua rồi nói: “Là một khối đá thôi”. Sở Lệ Vương rất tức giận, một người dân bình thường cùng khốn lại có thể đem phiến đá đến lừa ta. Thế là Sở Lệ Vương sai người chặt một chân của Biện Hòa.

Sau khi Sở Lệ Vương tạ thế, Sở Vũ vương kế vị, Biện Hòa lại kéo lê một chân, mang phiến đá đến dâng vua Sở. Sở Vũ vương lại cho người thợ làm ngọc đến xem, người thợ ngọc nhìn thoáng qua rồi nói: “Là tảng đá bình thường thôi”. Kết quả Sở Vũ vương lại sai người chặt chân còn lại của Biện Hòa.

Sau khi Sở Vũ vương qua đời, Sở Văn vương kế vị. Biện Hòa nghe nói quốc vương kế vị, ông lại muốn đến dâng ngọc, nhưng lần này ông không còn chân nữa rồi. Ở trong nhà, ông ôm khối ngọc đó mà khóc lớn, khóc đến khô cạn nước mắt, sau đó khóc đến chảy máu mắt. Người trong nhà không thể hiểu nổi bèn hỏi ông: “Mỗi lần ông dâng ngọc đều bị chặt một chân, giờ đây chân ông không còn nữa, lẽ nào ông còn muốn dâng ngọc lần nữa sao? Lần này nếu ông đi dâng ngọc, có thể mất mạng đấy”. Biện Hòa nói: “Ta khóc không phải vì ta, ta khóc là vì rõ ràng đây là khối ngọc lại bị nói là cục đá”.

Tin tức này đến tai Sở Văn vương, ông bèn triệu Biện Hòa vào cung, sau đó lệnh cho người thợ ngọc bổ khối đá đó ra. Sau khi bổ ra mới phát hiện đó là khối ngọc đẹp hoàn hảo. Đây là ngọc bích họ Hòa. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ, lệnh cho Thừa tướng Lý Tư viết lên đó 8 chữ: “Nhận mệnh từ Trời, vĩnh viễn hưng vượng” (thụ mệnh ư Thiên, ký thọ vĩnh xương – 受命於天,既壽永昌). Sau này ngọc bích họ Hòa trở thành ngọc tỷ truyền quốc, tức là ngọc ấn truyền quốc của Thiên tử.

“Lưỡi của ta còn không?”

Quay lại câu chuyện của Trương Nghi. Thời đó Tướng quốc nước Sở vừa diệt xong nước Việt, lập công lao rất lớn, cho nên quốc vương nước Sở bèn đem ngọc bích họ Hòa thưởng cấp cho Tướng quốc. Trong buổi yến tiệc ngày hôm đó, khối ngọc bị mất. Mọi người đều tìm khối ngọc, họ thắc mắc rốt cuộc là ai đã lấy mất. Có người nói Trương Nghi là người rất nghèo lại không có danh tiếng, chính là nghèo mà không có đức hạnh, đạo đức không tốt, nhất định là Trương Nghi lấy rồi.

Tướng quốc nước Sở cũng là người rất lỗ mãng, hỏi Trương Nghi có lấy không? Trương Nghi nói: “Tôi không lấy”. Mọi người không tin, kết quả Trương Nghi đánh một trận nhừ tử, cuối cùng không tìm thấy ngọc Trương Nghi được lôi về nhà.

Lôi về nhà xong, thê tử Trương Nghi thấy bộ dạng chồng mình bị đánh như vậy cảm thấy rất đau lòng. Trong “Trương Nghi liệt truyện” có ghi lại một đoạn đối thoại của hai người, đại ý như sau. Vợ nói với Trương Nghi: “Ai da, nếu chàng không đi ra ngoài mà chỉ ở nhà trồng trọt thì đâu đến nông nỗi này”. Trương Nghi mới thều thào nói: “Thê tử à, nàng thấy lưỡi của ta còn không?”.Vợ ông đáp: “Lưỡi vẫn còn”. Trương Nghi nói: “Chỉ cần lưỡi ta còn là được rồi, vì nó là cần câu cơm của ta. Tương lai chúng sẽ không mãi bần khốn nữa”.

Trương Nghi ở nước Sở dưỡng thương khoảng vài tháng. Vết thương trên người ông sau khi bình phục, ông cảm thấy nước Sở không thể dụng võ, thế là ông bèn trở về quê nhà là nước Ngụy. Về đây ông nghĩ ra biện pháp để có thể làm quan.

Tô Tần hạ nhân phẩm Trương Nghi để khích tướng

Một lần nọ, trước cửa nhà Trương Nghi có một người đang sửa lại chiếc xe ngựa mình đang đi. Người này nói với Trương Nghi rằng, ông ta tên Giả Xá Nhân, hiện đang làm kinh doanh và nói thêm rằng: “Tôi nghe nói người bạn cùng học với ông là Tô Tần hiện đang rất hài lòng về chức quan ở nước Triệu, tại sao ông không đến nương nhờ ông ta?”. Trương Nghi nói: “Đúng vậy, tôi muốn đi nhưng lại không có tiền”. Người kinh doanh nói: “Đúng lúc tôi lại đang buôn bán ở nước Triệu, ông có muốn cùng tôi đi đến nước Triệu không?”. Trương Nghi rất vui, bèn cùng người này đến nước Triệu.

Giả Xá Nhân nói với Trương Nghi: “Ở gần đây tôi có một vài người bạn, tôi muốn thăm họ một chút, ông cứ ở lại lữ quán”. Giả Xá Nhân sắp xếp mọi thứ ổn thỏa cho Trương Nghi rồi mới đi. Trương Nghi muốn đi bái kiến Tô Tần, ông lấy danh thiếp đưa đến chỗ tướng phủ nơi người bạn đang ở, nhưng Tô Tần cự tuyệt không muốn gặp Trương Nghi. Trương Nghi lúc đó chịu không nổi, trong tâm nghĩ mình dứt khoát phải rời khỏi nơi đây, nhưng người chủ lữ quán không cho anh ta đi, nói rằng: “Ông đã đưa danh thiếp đến tướng phủ rồi, nếu như có một ngày Tướng quốc muốn tìm ông, mà ông lại đi rồi, thì tôi biết tìm ông nơi đâu. Cho nên tôi không cho ông rời khỏi đây”.

Qua mấy ngày, tướng phủ cũng đã đến nói với Trương Nghi rằng: “Qua hai ngày nữa, Tướng quốc mới có thời gian gặp ông”. Đến ngày hẹn, Trương Nghi mượn người chủ quán một bộ y phục đẹp, cùng khăn đội đầu để đến gặp Tô Tần.

Trương Nghi đến tướng phủ, người giữ cửa nói rằng: “Không thể vào cửa chính, ông chỉ có thể đi cửa nhỏ bên cạnh”. Trương Nghi chỉ còn cách chui qua cửa nhỏ mà vào phủ. Sau khi vào, Trương Nghi tính gặp người bạn học nhưng thuộc hạ của Tô Tần nói: “Hiện tại Tướng quốc bận công việc, không có thời gian đàm luận với ông, trước mắt ông chờ một chút”. Trương Nghi đứng ở nhà dưới, thấy người bẩm báo đi lại như mắc cửi, còn Tô Tần thì đang xử lý công việc.

Khi công việc xử lý xong, Trương Nghi hỏi thuộc hạ của Tô Tần là ông muốn gặp người bạn của mình, thuộc hạ nói: “Không được! Phủ chúng tôi còn có một số chuyện gia đình cần xử lý”. Tô Tần xử lý công việc đến trưa, khi đó Trương Nghi đã rất đói bụng rồi.

Lúc này người trên điện báo rằng Tướng quốc Tô Tần muốn triệu kiến Trương Nghi. Trương Nghi mang bụng đói mà đến gặp Tô Tần, ông hành lễ với người bạn của mình. Tô Tần vẫn ngồi trên, cũng không đứng dậy đáp lễ, chỉ nói với Trương Nghi rằng: “Dư Tử (1), từ khi chúng ta chia tay, hy vọng bạn vẫn khỏe”.

Vì đứng từ sáng đến trưa nên Trương Nghi vừa mệt vừa đói. Tô Tần nói thêm: “Hiện tại đã trưa rồi, chúng ta dùng cơm thôi”. Tô Tần lệnh cho người đem chiếc bàn nhỏ đặt trước mặt Trương Nghi, trên bàn chỉ có vỏn vẹn hai món, một chay một mặn. Trương Nghi nhìn lên bàn Tô Tần ngồi, chao ôi trên đó đặt toàn là cao lương mĩ vị. Trương Nghi ăn hết hai món, còn Tô Tần chỉ ăn mỗi món một ít, còn lại thì cho người hầu. Những món người hầu ăn còn ngon hơn cả Trương Nghi. Lúc này Trương Nghi đã rất tức giận rồi.

***

Rốt cuộc Tô Tần có khích được người bạn giỏi du thuyết Trương Nghi đi sang nước Tần làm quan, để khuyên vua Tần không đánh nước Triệu hay không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Dư Tử là tên tự của Trương Nghi.