Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Sách lược hợp tung rất khó thành công. Bởi vì cơ sở của hợp tung là lợi ích, mỗi quốc gia đều vì lợi ích của nước mà kết liên minh, hôm nay lợi ích của tôi tại chỗ này, ngày mai có thể tại chỗ kia, vì lợi ích mà các nước sẵn sàng quay lưng với nhau…
Vì lợi ích hợp tung tan rã
Hiệp ước ở Hoàn thủy làm Tần vương vô cùng sợ hãi. Công Tôn Diễn khuyên vua Tần dùng thủ đoạn quân sự để giải quyết. Còn về phần Trương Nghi, vì muốn giữ lời hứa với Tô Tần nên chủ trương của ông là không nên đánh nước Triệu, mà thông qua biện pháp ngoại giao, trả lại thành trì cho nước Ngụy đồng thời thiết lập quan hệ hôn ước với nước Yên. Cách làm này của Trương Nghi quả nhiêu khiến liên minh sáu nước xuất hiện mâu thuẫn. Nhìn “cua cá” nghi ngờ lẫn nhau, nước Tần chính là “ngư ông được lợi”. Vậy thì rốt cuộc liên minh sáu nước đã phát sinh sự việc gì?
Năm 332 TCN, tức năm thứ hai của Hiệp ước Hoàn thủy, đã phát sinh hai sự kiện. Một là nước Tề liên hợp với nước Ngụy mà tấn công nước Triệu. Sự việc thứ hai là Yên Văn công bệnh mất, con trai của ông là Yên Dịch vương kế vị.
Tề Tuyên vương nhân lúc nước Yên có tang sự và quân vương mới kế vị, bèn phát binh tấn công rồi lấy được 10 thành thị của nước Yên. Năm thứ hai của Hiệp ước Hoàn thủy đã phát sinh hai sự việc như vậy, cho nên triển vọng hợp tung trở nên rất mong manh.
Để duy trì hiệp ước hợp tung, Tô Tần thỉnh cầu Triệu vương cho mình đi sứ đến nước Tề để giải quyết vấn đề giữa nước Tề và nước Yên (trong liên minh hợp tung). Tô Tần đến nước Tề bái kiến Tề Tuyên vương, nói rằng: “Nước Tề đánh nước Yên đã là chuyện không thích hợp, bởi vì nước Yên có kết thông gia với nước Tần, ngài đánh nước Yên không những gây tội với nước Yên mà còn gây tội đến nước Tần. Kế tốt nhất hiện nay chính là, ngài hãy trả lại 10 thành thị cho nước Yên, nước Yên vui thì nước Tần cũng vui. Tuy ngài mất 10 thành thị nhưng lại có được quan hệ hòa hảo với hai nước Yên – Tần”. Tề Tuyên vương nghe theo Tô Tần, ông lấy 10 thành thị trao trả lại cho nước Yên.
Nếu chúng ta xem những lời này của Tô Tần, thì sẽ phát hiện rằng việc hợp tung rất khó thành công. Bởi vì cơ sở của hợp tung là lợi ích, mỗi quốc gia đều vì lợi ích của nước mà kết liên minh, hôm nay lợi ích của tôi tại chỗ này, ngày mai có thể tại chỗ kia, do vậy vì lợi ích mà các nước sẵn sàng quay lưng với nhau.
Thêm vào đó, mục đích của hợp tung là để kháng Tần, nhưng hiện tại Tô Tần lại nói “vì để có quan hệ tốt với nước Tần”, cho nên sách lược hợp tung của Tô Tần đến năm thứ hai có nguy cơ tan rã.
Tô Tần là người đạo đức kém
Chúng ta nói một chút về Tô Tần. Thực tế Tô Tần không có bất cứ chủ trương nào. Ban đầu ông muốn du thuyết để Tần Huệ vương thống nhất thiên hạ, vì Tần Huệ vương không trọng dụng, nên ông mới đề xuất sách lược hợp tung kháng Tần; mạch suy nghĩ của ông không ổn định, cứ suy nghĩ tới lui mãi.
Lại nói thêm, đạo đức của Tô Tần cũng không tốt. Người ngưỡng mộ tài năng ông là Yên Văn công, nhưng sau khi Yên Văn công mất, ông lại thông gian với vợ Yên Văn công (vợ Yên Văn công là mẹ của Yên Dịch vương).
Tô Tần ở lại nước Yên một thời gian, mẫu thân của Yên Dịch vương tức thái hậu bấy giờ, thường gọi Tô Tần vào hậu cung, Tô Tần cảm thấy sự việc này sớm muộn gì cũng bị bại lộ, thế là ông nói với Yên Dịch vương: “Tôi muốn thay ngài đi đến nước Tề để làm suy bại nền chính trị nước Tề”.
Tô Tần đến nước Tề. Tề Tuyên vương là người rất thích ở trong lầu cao gác tía, thế là Tô Tần khuyên ông tu sửa lại căn phòng lớn làm thế nào để cho dễ coi. Tề Tuyên vương thích mỹ nữ, Tô Tần lại nói với ông làm thế nào để tuyển chọn mỹ nữ. Cách nghĩ của Tô Tần khi đó rất là xấu xa. Ông cảm thấy nước Tề quá cường thịnh còn nước Yên quá nhỏ yếu, nên ông hy vọng thông qua cách dụ dỗ Tề vương ăn chơi sa đọa, có thể khiến nước Tề suy bại, như thế Tề sẽ không uy hiếp được Yên.
Tô Tần nghĩ cách thức làm suy bại nền chính trị nước Tề. Không lâu sau thì Tề Tuyên vương mất, con trai Tề Tuyên vương là Điền Địa kế vị, chính là Tề Mẫn vương sau này. Tề Mẫn vương khi kế vị rất coi trọng chuyện triều chính, xử lý chính sự rất siêng năng. Nhưng Tề Mẫn vương sau khi kế vị được bốn năm, ông cũng thiết lập quan hệ thông gia với nước Tần.
Đương nhiên sách lược hợp tung của Tô Tần không phải vô ích. Thệ ước hợp tung ký kết vào năm 333 TCN, mãi đến 15 năm sau tức năm 318 TCN, ngoài phát sinh với nước Ngụy vài trận chiến nhỏ ra, thì trên cơ bản quân Tần không ra khỏi ải Hàm Cốc. Hợp tung kháng Tần xác thực vẫn có lực độ uy hiếp nhất định đối với nước Tần.
Mạnh Thường Quân mưu kế tránh thiệt hại
Năm 318 lại phát sinh một sự việc. Năm đó Sở Hoài vương đột nhiên muốn tấn công nước Tần, tự ông đảm nhận chức “tung ước trưởng” (người thủ lĩnh của hiệp ước hợp tung). Ông đã liên hợp với 5 nước là: Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở để chống Tần.
Sứ giả nước Sở muốn đến thuyết phục nước Tề để cùng khởi binh. Khi Tề Mẫn vương hỏi các đại thần liệu có nên xuất binh phạt Tần hay không, thì các đại thần đều nói rằng: “Giữa nước Tần và nước Tề, một ở phía tây, một ở bờ đông, tốt nhất là không nên xuất binh”. Tô Tần khi đó cũng đang ở nước Tề, ông là người đề xướng hợp tung, cho nên ông khuyên Tề vương đừng ngần ngại mà hãy xuất binh.
Thủ hạ của Tề Mẫn vương có Tướng quốc Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, Tề vương hỏi Mạnh Thường Quân là có nên xuất binh hay không? Mạnh Thường Quân đáp: “Xuất binh hay không xuất binh, cả hai đều sai cả. Chúng ta nếu không xuất binh sẽ đắc tội với các nước trong liên minh, bởi vì họ đánh nhau với Tần mà chúng ta lại đứng nhìn mà không ra giúp. Còn nếu chúng ta xuất binh, chúng ta không đắc tội với nước khác nhưng lại đắc tội với nước Tần”.
Ông nói thêm: “Cách tốt nhất là chúng ta xuất binh, nhưng để binh mà đi từ từ. Chúng ta đi chậm là để quan sát thế cục. Nếu năm nước kia đánh được Tần thì chúng ta xông ra, còn như Tần quốc quá lợi hại thì chúng ta cứ chủ động đứng phía sau để tránh thiệt hại”. Thế là Tề Mẫn vương nghe theo kiến nghị của Mạnh Thường Quân.
Tề vương để Mạnh Thường Quân lãnh quân xuất chinh. Mạnh Thường Quân khi đi ra khỏi ngoại thành của nước Tề thì tuyên bố rằng mình bệnh rồi, thế là đại quân đành dừng lại chờ Mạnh Thường Quân hồi phục, còn liên quân năm nước Yên – Sở – Hàn – Triệu – Ngụy đã xảy ra trận chiến với nước Tần.
Trận chiến này đã lộ rõ điểm yếu của năm quốc gia: Năm nước không có sự phối hợp quân sự, không thống nhất trong chỉ huy. Khi liên quân năm nước đến ải Hàm Cốc, nước Tần phái đại tướng Xư Lý Tật mở to cửa Hàm Cốc. Xư Lý Tật lớn tiếng nói: “Năm nước các ngươi có ai muốn quyết chiến không?”. Mỗi nước đều hy vọng nước khác xông ra trước cho nên cứ đùn đẩy cho nhau, rốt cuộc không ai dám xông lên.
Xư Lý Tật phái binh đoạn đứt đường vận chuyển lương thực của nước Sở. Đường vận lương hễ gián đoạn, quân Sở thiếu ăn sẽ phát sinh binh biến, nước Tần nhân cơ hội đó đả bại nước Sở, quân Sở đại bại. Sở Hoài vương là người đứng đầu liên minh hợp tung, quân Sở hễ bại trận thì bốn nước khác toàn bộ rút lui. Quân đội của Mạnh Thường Quân khi đó còn chưa đến tiền tuyến thì cuộc chiến đã kết thúc rồi.
Tô Tần bị thích sát
Khi Mạnh Thường Quân về đến nước Tề, Tề Mẫn vương nói: “May mà ta nghe ông, nếu nghe lời Tô Tần rồi ta mắc lừa Tô Tần rồi. Những người vốn đố kỵ với Tô Tần vì được vua sủng ái, họ nghe thấy Tề vương nói như vậy mới cảm thấy sự ân sủng của quân vương đối với Tô Tần đã suy giảm lắm rồi.
Vốn dĩ có rất nhiều người ghét anh Tô Tần nên họ sai người thích sát ông. Có một lần, Tô Tần lên triều bị thích khách dùng dao găm đâm vào bụng rồi kẻ ám sát bỏ chạy. Tô Tần nói với Tề Mẫn vương rằng: “Thần gặp thích khách, thích khách là ai thần không biết rõ, thần có lẽ không qua nổi. Thần thỉnh cầu đại vượng, sau khi thần chết, hãy đem xác thần kéo lê ngoài đô thị, cho ngũ mã phanh thây trước mặt mọi người. Nếu làm như thế, thích khách sẽ cho rằng ngài rất hận hạ thần, kẻ ấy sẽ tự nhiên nhảy ra nói hết sự việc mà hắn làm, hắn sẽ ba hoa khoác lác với mọi người”.
Tề vương thật sự đã đem xác Tô Tần kéo lê đến chợ cho ngũ mã phanh thây. Sau đó quả nhiên có một người nhảy ra nói: “Các người xem, ta biết thể nào hắn cũng gặp kết cục như vậy mà”. Quả nhiên tên thích khách đã lộ diện. Tề Mẫn vương bắt tên thích khách rồi truy ra người xúi giục, rồi chém cả họ người đã xúi giục kẻ ám sát hành thích Tô Tần.
***
Năm 318 TCN, tin tức Tô Tần bị ám sát đã đến được nước Tần. Trương Nghi khi đó đang làm tướng quốc nước Tần, ông cao hứng nói rằng: “Tô Tần chết rồi, từ đây ta có thể giảng nói về chủ trương của mình rồi”. Bởi vì lúc Tô Tần còn sống, Trương Nghi ngần ngại nói chủ ý của mình vì ông có giao ước với người bạn là không tấn công liên minh hợp tung. Thế thì khi người bạn chết rồi, Trương Nghi sẽ đưa chủ ý gì cho Tần vương, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Trương Nghi lừa Sở”.
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch