Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
…Sau này Tề vương phát hiện, đầu tiên Trương Nghi đến nước Tề, sau đó mới đi đến Tam Tấn. Do đó, những điều Trương Nghi nói với Tề vương là giả, vậy nên Tề vương rất căm ghét Trương Nghi.
Ở tập trước, nước Tần phái sứ giả đến nước Sở giảng hòa. Sở vương không cần trả đất, ông chỉ muốn Trương Nghi. Trương Nghi thỉnh cầu Tần vương đến nước Sở, ông không sợ gặp nguy hiểm vì nắm chắc hai lý do trong tay.
Hiểu Sở vương, Trương Nghi thoát chết
Ông nói với Tần vương: “Thứ nhất, nước Sở rất sợ nước Tần, Trương Nghi lại là đại thần được Tần vương sủng ái. Thứ hai, thần có hai tấm khiên bảo hộ. Sở vương rất tin tưởng sủng ái hai người, người thứ nhất là đại thần Cận Thượng, người thứ hai là mỹ nhân Trịnh Tụ, đối với hai người này, thần có thể thu xếp được. Chỉ cần họ mở miệng, Sở vương sẽ nghe theo, cho nên thần không sợ nguy hiểm”.
Sau khi đến nước Sở, Sở Hoài vương nhìn thấy Trương Nghi liền nổi trận lôi đình vì trước đó Trương Nghi dám lừa mình. Ông sai người tống Trương Nghi vào ngục chờ ngày xử tử.
Trương Nghi đã phái người nói với Trịnh Tụ rằng: “Người đẹp biết không? Trương Nghi đã bị tống vào ngục rồi, mà Trương Nghi lại là sủng thần của Tần vương. Nếu nước Sở giết Trương Nghi, Tần vương sẽ vô cùng đau khổ. Để cứu Trương Nghi, Tần vương đã chuẩn bị hai điều kiện. Thứ nhất là cắt thành Thượng Dung giao cho nước Sở, để Sở vương bớt giận. Thứ hai là Tần vương sẽ tiến cống một vài mỹ nữ cho Sở vương. Vốn dĩ con gái nước Tần rất đẹp, nếu mỹ nữ đến được nước Sở, chẳng phải người như nàng sẽ bị thất sủng sao?”.
Trịnh Tụ nghe xong liền tin ngay. Nàng nghĩ thầm làm thế nào để cứu Trương Nghi đây? Nàng đã nghĩ ra cách này. Đang ngủ đến nửa đêm, nàng liền tỉnh dậy khóc lớn. Sở Hoài vương cảm thấy hoang mang, không biết vì sao người đẹp của mình lại khóc.
Trịnh Tụ nói: “Trương Nghi là danh sĩ trong thiên hạ, Tần vương lại vô cùng yêu quý ông ta. Hiện nay nước Sở chúng ta đánh nhau với Tần, xuất binh trận nào là bại trận đó. Nếu chúng ta giết Trương Nghi, Tần vương rất tức giận, sẽ đem quân đánh nước Sở chúng ta, thiếp e rằng nước Sở có họa vong quốc, tông miếu chúng ta sao có thể bảo vệ được đây, cho nên thiếp vô cùng lo lắng. Trương Nghi vì sao phải lừa ngài? Bởi lúc ấy ông ta phục vụ nước Tần, do đó mới lừa đại vương. Nếu ngài đối xử tốt với Trương Nghi sẽ khiến ông ta trung thành với ngài, Trương Nghi khi đó liệu có lừa ngài nữa chăng? Ông ta sẽ tận trung với ngài như đã tận trung với Tần vương vậy”.
Sở Hoài vương vốn dĩ hồ đồ, thấy người đẹp khóc vậy thì càng bối rối hơn. Thế là ngày hôm sau ông thả Trương Nghi ra. Không những thả ra mà còn mời Trương Nghi dùng cơm, cùng Trương Nghi nói chuyện. Nhân cơ hội này, Trương Nghi nói ra một đôi lời. Đây là lần đầu tiên ông nói về chủ trương liên hoành của mình.
Đoạn lời của Trương Nghi rất dài và trong đó có nhiều thành ngữ mang điển tích điển cố, chúng ta chỉ nói về đại ý như sau: Trương Nghi thuyết phục nước Sở kết thành đồng minh với nước Tần.
Trương Nghi đã dùng mưu thuật gian xảo lừa Sở Hoài vương, không cắt đất cho Sở quốc, thêm vào đó còn khiến quốc gia này đoạn tuyệt liên minh với nước Tề. Sau khi nước Tần hai lần đánh bại nước Sở, ông lại mạo hiểm đến nước Sở, lợi dụng bề tôi và người đẹp được Sở Hoài vương sủng ái là Cận Thượng và Trịnh Tụ, để thuyết phục nước Sở gia nhập sách lược hợp tung.
Dùng gian kế, Trương Nghi lừa Tề vương
Trương Nghi sau khi thuyết phục Sở vương xong, ông lại đi du thuyết ở các nước Chư hầu khác. Đầu tiên ông đến nước Tề. Ông nói với Tề vương: “Tôi thấy hiện tại nước Tần vô cùng cường thịnh, nếu ngài không liên mình với nước Tần, thì nước Tần bèn liên minh với các nước khác để đánh nước Tề của ngài. Ngài biết điều đó chứ? Nước Hàn đã cắt nhượng Nghi Dương, nước Triệu cắt vùng Hà Gian, còn nước Ngụy cắt vùng Hà Ngoại, hiện tại Tam Tấn đều cắt đất của họ để hối lộ nước Tần rồi. Sau khi Tam Tấn liên minh với nước Tần, nếu Tam Tấn lại cùng với nước Tần mang binh đi đánh nước Tề, thì tình cảnh nước Tề sẽ vô cùng nguy hiểm”. Trương Nghi nói làm Tề vương sợ quá, thế là vua Tề bèn nhanh chóng kết liên minh với nước Tần.
Trương Nghi thúc đẩy sách lược liên hoành, dù rằng ông đến mỗi nước đều có cách nói khác nhau, nhưng trung tâm là giống nhau, đó chính là sự đe dọa. Ông nói: “Ngài xem, các quốc gia đều liên minh với nước Tần, hiện tại nước ngài cô độc như thế, nếu họ mà tấn công thì đất nước ngài sẽ vô cùng nguy hiểm”.
Nhưng trên thực tế Trương Nghi là một kẻ dối trá. Khi đó ông nói Tam Tấn cắt đất cho nước Tần, nhưng trên thực tế lại không có chuyện ấy. Đầu tiên ông đến nước Tề, đợi đến khi nước Tề liên minh với Tần, ông lại đem sự việc ấy để dọa các nước khác. Ông cứ đi một vòng để lừa các quốc gia như vậy, cuối cùng mọi người đều quyết định liên minh với nước Tần.
Sau này Tề vương phát hiện, đầu tiên Trương Nghi đến nước Tề, sau đó mới đi đến Tam Tấn. Những điều ông nói với Tề vương đều là giả, cho nên Tề vương rất căm ghét Trương Nghi.
Về lại Ngụy, Trương Nghi bệnh chết
Sau khi du thuyết một vòng, Trương Nghi về lại nước Tần, nhưng trước khi ông về đến nơi thì Tần Huệ Văn vương đã tạ thế. Con trai của Tần Huệ Văn vương là công tử Đãng kế vị, chính là Tần Vũ vương. Tần Vũ vương là một dũng sĩ, ông đặc biệt thích đọ sức, thích thi đấu vật với người khác, giống như một võ tướng. Khi còn làm thái tử, ông đặc biệt ghét Trương Nghi, cảm thấy con người Trương Nghi này là một kẻ dối trá. Tần Vũ vương là người rất thô lỗ nhưng ngay thẳng, ông rất ghét những kẻ giả dối như Trương Nghi.
Trương Nghi biết Tần Vũ vương rất ghét ông ta, các đại thần cũng ngày đêm nói xấu ông. Trương Nghi cảm thấy nước Tần không thể ở lâu được, thế là ông thỉnh cầu Tần Vũ vương cho ông đến nước Ngụy. Lý do Trương Nghi đưa ra là: “Tề vương hận hạ thần đến tận xương tủy, chỉ cần thần đến nước Ngụy thì nước Tề nhất định sẽ điều quân thảo phạt nước Ngụy. Nước Tần nhân cơ hội đó mà tấn công nước Hàn. Sau khi đánh bại nước Hàn, quân Tần có thể thông qua lá chắn nước Hàn và tiến vào đô thành của Chu Thiên tử. Từ đó nước Tần có thể đạt được ‘dựa vào Thiên tử để mệnh lệnh thiên hạ”, thành tựu vương nghiệp”.
Năm 310 TCN, Trương Nghi rời Tần đến Ngụy, tin tức này liền đến được Tề vương, kết quả nước Tề đem quân tấn công nước Ngụy. Quân vương nước Ngụy nói với Trương Nghi: “Ông xem, sau khi ông đến đây mang đến cho nước ta bao nhiêu rắc rối”. Trương Nghi nói: “Vấn đề này rất dễ giải quyết thôi, tôi phái người đi đến nước Tề nói một chút, nơi ấy sẽ không phát binh đánh ngài đâu”.
Trương Nghi phải một người đến tìm Tề vương, người ấy đã nói rằng: “Thưa Tề vương, tôi kiến nghị là ngài không nên đánh nước Ngụy. Trương Nghi lúc đó đã nói với Tần vương nếu nước Tần ngài tấn công nước Ngụy, thì nước Tần sẽ nhân cơ hội đó mà công hạ được nước Hàn, ‘dựa vào Thiên tử để mệnh lệnh thiên hạ’, thành tựu bá nghiệp. Ngài cũng là Chư hầu của Chu Thiên tử, chẳng phải nước Tề của ngài sẽ bị nước Tần ‘mệnh lệnh’ sao?”. Kết quả sau khi Tề vương nghe xong liền không dám động binh với nước Ngụy. Trương Nghi bình yên ở quê nhà nước Ngụy. Năm tiếp theo, tức năm 309 TCN, Trương Nghi bệnh chết.
Đến thời điểm này, hai đại diện của Tung hoàng gia là Tô Tần và Trương Nghi đều đã chết. Sau này còn có một số người làm du thuyết như: Công Tôn Diễn, Tô Đại, Tô Lệ… Sau này họ đều là những người du thuyết có tiếng trong thời kỳ Chiến Quốc.
Đại trượng phu theo ý kiến của Mạnh Tử
Trong “Tư trị thông giám” có ghi lại một đoạn lời của Mạnh Tử. Có người hỏi Mạnh Tử rằng: “Hai người là Công Tôn Diễn và Trương Nghi, hễ tức giận thì các quốc gia khác phát sinh chiến tranh. Còn nếu họ không muốn các nước đánh nhau, họ chỉ nói một chút thì các nước sẽ hòa bình. Người ôm giữ năng lực lớn như vậy có được tính là đại trượng phu chăng?”.
Mạnh Tử đáp: “Thế nào gọi là đại trượng phu? Đại trượng phu nên ở vị trí đúng đắn, làm việc chính nghĩa. Người nhu vậy, lúc hiển đạt có thể kiêm tế thiên hạ, lúc nghèo khó cũng cẩn thận giữ gìn nhân phẩm. Người đạo đức như thế mới gọi là đại trượng phu”.
Tiếp theo Mạnh Tử nói một câu rất nổi tiếng: “Phú quý không thể phóng túng, bần tiện không thể biến chất, uy vũ không thể khuất phục, đây mới gọi là đại trượng phu”. Công Tôn Diễn và Trương Nghi tuy có năng lực nhưng lấy năng lực phục vụ cho bản thân, cho nên theo lời của Mạnh Tử, họ không được tính là đại trượng phu.
Kể chuyện xưa, Cam Mậu thuyết phục Tần vương
Sau khi Trương Nghi mất, Tần vương vẫn nhớ mãi kế hoạch tiêu diệt nước Hàn rồi cậy thế Thiên tử (1) của Trương Nghi. Tần vương lúc này có hai thủ hạ là Tướng quốc, một người là Cam Mậu, còn người kia là Xư Lý Tật. Tuy hai người này làm Thừa tướng dưới trướng của Tần vương, nhưng mối quan hệ lại không tốt.
Tần vương hỏi hai Tướng quốc: “Hiện tại có thể tấn công nước Hàn không?”. Cam Mậu nói: “Có thể nhưng trước khi đánh nước Hàn chúng ta phải thiết lập quan hệ ngoại giao tốt với nước Ngụy. Bởi vì quốc gia có thể cứu được Hàn, chỉ có nước Ngụy mà thôi. Thần sẽ thay mặt đại vương để đi sứ đến nước Ngụy, thuyết phục Ngụy vương cùng chúng ta đánh nước Hàn”.
Cam Mậu đi sứ đến nước Ngụy, Ngụy vương đã đồng ý với thỉnh cầu của Cam Mậu. Cam Mậu đã dẫn binh áp sát nước Hàn. Nhưng lúc này ông không tấn công, mà phái một thủ hạ tên Hướng Thọ về báo với Tần Vũ vương. Người đó nói với Tần vương rằng: “Nước Ngụy đã thiết lập sách lược ngoại giao với nước Tần chúng ta, cùng nhau đánh hạ nước Hàn, nhưng thần nghĩ, hiện tại chưa phải lúc đánh nước Hàn”.
Tần vương cảm thấy rất hoang mang lúc này, ông nghĩ: “Lúc đầu Cam Mậu chẳng phải nói rằng, sau khi thiết lập quan hệ hòa hảo với nước Ngụy, thì sẽ đi đánh nước Hàn. Tại sao đến lúc này lại nói không muốn đánh nước Hàn nữa?”. Thế là Tần vương tự mình ra tiền tuyến để gặp Cam Mậu.
Tần vương hỏi Cam Mậu tại sao không đi đánh nước Hàn? Cam Mậu nói: “Thần kể cho ngài câu chuyện này. Tăng Sâm (học trò Khổng Tử) đương thời sống ở nơi gọi là đất Phí. Tăng Sâm là người có đạo đức rất cao thượng. Một lần nọ ở đất Phí, có một người cùng tên với Tăng Sâm, người ấy đã giết người. Thế là có người chạy đến nói với mẹ Tăng Sâm là: ‘Tăng Sâm giết người’. Lúc này bà đang dệt vải, sau khi nghe thấy tin tức như thế cũng không ngẩng đầu lên, chỉ nói rằng: ‘Con ta không giết người’.
Một lúc sau lại có người thứ hai cũng chạy đến nói với mẹ Tăng Sâm những lời như thế: ‘Bà hãy nhanh chóng đi xem xem, Tăng Sâm đã giết người rồi’. Bà liền ngưng dệt, ngồi một lát rồi nói: ‘Con ta nhất định không làm những việc như vậy’. Sau đó bà lại tiếp tục dệt vải.
Một lúc sau lại có người thứ ba chạy đến nói với mẹ Tăng Sâm rẳng: ‘Tăng Sâm đã giết người rồi’. Bà nghe xong lời đó liền sợ quá, ném khung dệt vải qua một bên rồi chạy ra ngoài xem xem rốt cuộc chuyện đó có thật không”.
Cam Mậu dừng một lát rồi nói tiếp: “Người hiền triết như Tăng Sâm, mẹ của ông cũng hiểu ông như thế mà còn dao động khi có tới ba người nói ‘Tăng Sâm giết người’. Hiện tại sự tín nhiệm của đại vương đối với thần không như sự tín nhiệm của mẹ Tăng Sâm đối với ông, hơn nữa người gièm pha thần còn trên cả ba người, thần e rằng phản ứng của ngài sẽ giống như mẹ của Tăng Sâm, cũng thể hiện sự không tin tưởng”.
Câu chuyện ‘Tăng Sâm giết người’ là điển cố rất nổi tiếng, có ghi lại trong “Sử ký”, “Chiến Quốc sách”.
Tần Vũ vương nghe xong liền hiểu ra ý của Cam Mậu, chính là nói Tần vương phải tin tưởng hạ thần của mình. Cam Mậu nói: “Nếu chúng ta muốn đánh hạ nước Hàn, chúng ta phải hạ nước đại thành Nghi Dương (2) của họ. Nhưng nơi này lại rất khó công hạ. Nếu chúng ta tấn công mà hao binh tổn tướng, tốn rất nhiều tiền, khẳng định rằng khi đó sẽ có người khuyên đại vương đừng đánh nước Hàn nữa, nói thêm rằng “bảo Cam Mậu thu binh thôi”. Thay vì khi đó chúng ta thu binh, chi bằng chúng ta chưa nên đánh”. Ý của Cam Mậu là hiện tại chưa đánh, nhưng tương lai sẽ đánh, đồng thời ông cũng hy vọng Tần vương tận sức ủng hộ ông để thực hiện được kế hoạch của mình.
***
Tần vương nói: “Ta sẽ theo kiến nghị của ngươi, ta sẽ dốc toàn lực ủng hộ ngươi, sẽ chờ ngươi đánh hạ được thành Nghi Dương của nước Hàn”. Thế là Tần Vũ vương trở về nước Tần. Rốt cuộc Cam Mậu có thực hiện được việc đánh hạ thành Nghi Dương của nước Hàn hay không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch
Ghi chú:
(1) Đây gọi tắt là kế hoạch Tam Xuyên (三川). Trương Nghi từng nói rằng: “Một người muốn nổi danh thì nên đến triều (朝) làm quan. Một người muốn đoạt lợi thì nên đến chợ (thị trường – 市場). Tam Xuyên và nước Hàn chính là triều (朝) và thị (市) của thiên hạ, có được triều và thị chính là có được danh và lợi”. Tam Xuyên ý chỉ ba con sông là Hoàng Hà, Lạc thủy và Y thủy.
(2) Nghi Dương hiện tại thuộc huyện Nghi Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.