Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

…Khi Tề vương phái sứ giả đến nước Tần để liên hợp đánh Sở, Trương Nghi biết rằng gian kế của ông đã thành công.

Năm 334 TCN, Tô Tần du thuyết đề xuất việc hợp tung sáu nước, một năm sau đó là năm 333 TCN, sáu nước đã ký kết thệ ước liên minh ở Hoàn Thủy. Nhưng khi hiệp ước còn chưa ráo mực thì các nước đã thảo phạt lẫn nhau. Nước Yên và nước Tề tiếp tục việc kết thông gia với nước Tần, đây là dự đoán cho thất bại của sách lược hợp tung.

Hợp tung tan quân Tần rời Hàm Cốc, bắt đầu con đường chinh phạt sáu nước

Năm 318 TCN, liên minh sáu nước là Sở – Hàn – Triệu – Ngụy – Yên tấn công nước Tần nhưng thất bại (nước Tề khi đó có Mạnh Thường Quân dùng mưu nên tránh được cuộc chiến). Cũng trong năm đó, người đề xướng hợp tung là Tô Tần bị thích sát mạng vong. Thất bại của các nước hợp tung lúc này khiến nước Tần nhìn thấy cơ hội để có thể dùng kế phản gián với các Chư hầu còn lại. Thế là quân Tần mới xuất binh khỏi ải Hàm Cốc, bắt đầu con đường chinh phạt sáu nước để thống nhất thiên hạ.

Năm 317 TCN, nước Tần xuất binh ra khỏi ải Hàm Cốc, tấn công nước Hàn và Triệu. Nước Tần đã tiêu diệt 8 vạn quân của hai nước Hàn – Triệu, giành được thắng lợi rất lớn. Tiếp theo đó đã có một cuộc tranh luận rất lớn ở trong nước Tần lúc bấy giờ, đó là nước Tần nên có hành động quân sự gì tiếp theo?

Trương Nghi đưa ra chủ trương, nói: “Nước Hàn không có núi cao sông sâu để làm phòng tuyến bảo hộ, thêm vào đó nếu chúng ta có quan hệ ngoại giao tốt với nước Ngụy, thì nước Hàn sẽ nhanh chóng bị đánh bại thôi. Nước Hàn bị diệt rồi, Chu Thiên tử sẽ mất đi hàng rào phòng hộ, như vậy quân đội nước Tần có thể tiến vào đô thị của nhà Chu và lấy đi cửu đỉnh truyền quốc của triều Chu. Thêm vào đó chúng ta còn có thể cậy Thiên tử để hiệu triệu thiên hạ (1)”.

Chúng ta biết rằng “cậy Thiên tử để lệnh Chư hầu” là câu nói của Tào Tháo thời Tam quốc, nhưng trên thực tế ý tưởng đó là của Trương Nghi thời Chiến Quốc.

Hạ nước Thục, Tần được cả danh tiếng và thực lợi

Một trường phái tư tưởng khác là do Tư Mã Thác đề xuất. Tư Mã Thác cho rằng hiện tại không nên tấn công nước Hàn và vương thất nhà Chu, mà là nên tấn công nước Thục. Tư Mã Thác là người như thế nào? Trong “Sử ký – Thái sử công tự tự” có ghi rằng: “Tư Mã Thác là một đại tướng nước Tần, cháu của ông là Tư Mã Cận đã cùng với Bạch Khởi đào hố chôn quân Triệu ở Trường Bình. Cháu Tư Mã Cận là Tư Mã Xương, cháu của Tư Mã Xương là Tư Mã Hỷ, con trai Tư Mã Hỷ là Tư Mã Đàm, con trai Tư Mã Đàm là Tư Mã Thiên”. Tư Mã Thiên – người viết cuốn “Sử ký” là cháu chín đời của Tư Mã Thác.

Thời điểm đó khi biện luận, Tư Mã Thác đã nói một câu rất hay, rất nổi tiếng. Ông nói: “Một quốc gia nếu muốn cường đại ắt phải mở rộng biên cương. Nếu muốn tăng cường sức mạnh quân sự ắt phải khiến dân chúng nơi đó giàu có. Nếu một quân vương muốn thành tựu bá nghiệp ắt phải có đạo đức thuần hậu. Biên cương quốc gia của ngài đã rộng rồi, dân chúng đã giàu có rồi, đạo đức của ngài cũng thuần hậu, thế thì ngài không muốn thành tựu nghiệp vương bá cũng không được. Hiện tại tuy rằng vương thất nhà Chu có suy yếu, nhưng thiên hạ vẫn gọi Chu Thiên tử là vương. Chúng ta hễ tiến đánh vương thất nhà Chu, sẽ làm lòng dân phẫn nộ, những quốc gia còn lại sẽ liên hợp kháng Tần, nước Tần khi đó vô cùng nguy hiểm”.

Thần kiến nghị hiện nay nên tấn công nước Thục (2). Chúng ta đánh Thục vì nguyên nhân sau. Thứ nhất, nước Thục rất dễ đánh, thực lực quân sự của họ rất yếu. Thứ hai, quân vương nước Thục vô cùng bạo ngược, không khác gì vua Kiệt vua Trụ (3) năm xưa, chúng ta đánh chính là chúng ta chiếm được đạo nghĩa. Thứ ba, đất đai nước Thục rất rộng lớn, sau khi đánh hạ nơi đây, nước Tần sẽ thu được rất nhiều tài chính.

Đánh lấy một nước mà thiên hạ không cho rằng chúng ta bạo ngược, lấy được vùng đất rộng lớn mà thiên hạ cũng không cho chúng ta là tham, chúng ta làm một việc mà được cả danh tiếng và thực lợi. Tổn thất quân sự khi công hạ nước Thục lại rất nhỏ, mà thu được lợi ích rất lớn, người khác cũng không nói chúng ta làm chuyện tệ hại”.

Thế là Tần vương nghe theo chủ trương của Tư Mã Thác. Năm 316 TCN, nước Tần lấy được nước Thục. Năm 314 TCN, nước Tần lại công hạ được nước Nghĩa Cừ. Nghĩa Cừ là quốc gia của dân tộc thiểu số, nằm ở phía tây của nước Tần. Diệt được Nghĩa Cừ không chỉ mở rộng đất đai, mà còn giải trừ đi nỗi lo của nước Tần khi đem quân về phía đông tấn công sáu nước còn lại, bởi vì hậu phương lúc này rất vững, không có ai dám đánh lén.

Năm 316 TCN, sau khi nước Tần diệt được nước Thục, biên cương của nước Tần tiếp giáp với nước Sở tăng lên rất nhiều, nước Tần giống như tằm ăn lá, cứ dần dần lấy đất của nước Sở. Nhưng còn có một vấn đề, chính là nước Sở quan hệ rất tốt với nước Tề – một nước lớn ở bờ đông, nếu nước Tần muốn “tằm ăn lá” nước Sở, thì ắt phải ly gián quan hệ ngoại giao của hai nước này. Vậy thì quân vương và quần thần của nước Tần đã làm như thế nào?

Dùng gian kế Trương Nghi lừa Sở vương

Trương Nghi khi đó đang làm Tướng quốc nước Tần, nhưng vào năm 313 TCN, Trương Nghi đến nước Sở. Sở Hoài vương khi đó bổ nhiệm Trương Nghi làm Tướng quốc nước Sở. Đây là hiện tượng rất thú vị thời Chiến Quốc: Mời đại thần của đối thủ đến làm Tướng quốc nước mình.

Trương Nghi nói với Sở Hoài vương: “Tần vương rất quan tâm đến ngài, Trương Nghi tôi đây rất muốn hầu cận ngài, nhưng tôi có một nghi ngại, nước Tần chúng tôi rất ghét nước Tề, nhưng nước Sở lại có quan hệ với nước Tề tốt như thế. Chi bằng chúng ta làm một thỏa thuận, chỉ cần nước Sở cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Tề, chúng tôi nguyện ý trả lại những vùng đất đã chiếm giao lại cho nước Sở. Vùng đất Thương Ư ấy rộng khoảng 600 dặm vuông”.

Sở vương nghe xong lấy làm vui thích lắm. Sở Hoài vương không chỉ bổ nhiệm Trương Nghi làm Tướng quốc, mà còn ngày ngày cùng Trương Nghi uống rượu. Lúc uống rượu, Sở Hoài vương gặp ai cũng nói: “Ta ngay lập tức đã thu hồi lại vùng đất Thương Ư 600 dặm rồi”. Các đại thần bên dưới cảm thấy mơ hồ không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng họ vẫn chúc mừng Sở Hoài vương .

Chỉ có một người biểu lộ sự bi ai đối với Sở Hoài vương, người này là Trần Chẩn. Sở Hoài vương hỏi: “Tại sao ông lại có bộ dạng như đưa đám như vậy?”.

Trần Chẩn nói: “Đại vương thử nghĩ xem, sở dĩ nước Tần ngoại giao hòa hảo với nước Sở ta, chẳng phải là vì sợ liên minh nước ta với nước Tề sao? Nếu liên minh nước Sở và nước Tề kết thúc, Tần quốc lẽ nào còn sợ nước Sở? Đến lúc đó họ sẽ giao lại đất cho chúng ta sao? Cho nên tôi có một kiến nghị này, đầu tiên chúng ta lấy lại đất trước, sau đó mới đoạn đứt quan hệ ngoại giao với nước Tề. Nếu không như vậy, chúng ta cắt đứt quan hệ với nước Tề trước, nước Sở sẽ suy yếu; sau đó nếu nước Tần lại không trả lại đất, chẳng phải chúng ta vừa đắc tội với nước Tề, vừa không có được đất hay sao? Đây là tổn thất rất lớn”.

Sở vương nói: “Ngươi hãy im lặng. Rồi xem ta lấy lại vùng đất Thương Ư cho mà xem”. Thế là Sở Hoài vương phái một người tên là Phùng Hầu Sửu đi cùng Trương Nghi về nước Tần thu lại đất.

Con người Trương Nghi này rất biết cách tạo mối quan hệ. Khi ông cùng Phùng Hầu Sửu về nước Tần, hai người cùng uống rượu đàm luận, thân nhau như cốt nhục, quan hệ rất tốt với nhau. Vừa mới đến biên giới nước Tần, Trương Nghi giả vờ say rượu ngã từ trên xe xuống, ông nói với Phùng Hầu Sửu: “Chân của ta bị trặt rồi, ta muốn nhanh chóng đi khám”. Thế là Trương Nghi rời đi trước.

Phùng Hầu Sửu đến nước Tần đợi trong ba tháng, ông tìm Tần vương hỏi: “Ngài có thể lấy đất trả cho chúng tôi không”. Tần vương nói: “Chuyện này phải để Trương Nghi nói mới xong, ông hãy đi tìm Trương Nghi đi”. Phùng Hầu Sửu tìm Trương Nghi thì Trương Nghi nói mình đang bệnh không tiếp khách. Phùng Hầu Sửu ở nước Tần cảm thấy rất khó xử, ông mới phái người về lại Sở kể lại sự tình cho Sở Hoài vương.

Sở Hoài vương nói: “Ai da, nước Tần không giao đất cho chúng ta rồi, chính là nghi ngờ ta chưa cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Tề đây mà”. Thế là Sở Hoài vương phái một tráng sĩ tên là Tống Di đến Tề quốc lăng mạ vua Tề.

Vốn dĩ mối quan hệ giữa hai nước rất tốt, đột nhiên có một người đến lăng mạ vua Tề nên ông rất tức giận. Thế là Tề vương giao ước với nước Tần cùng nhau đánh hạ nước Sở. Khi Tề vương phái sứ giả đến nước Tần, Trương Nghi biết rằng gian kế của ông đã thành công.

Trương Nghi bèn rời khỏi nhà đến gặp Phùng Hầu Sửu, nói: “Ai da, tại sao ông còn ở đây, sao ông không trở về?”. Phùng Hầu Sửu đáp: “Tôi đang đợi để nước Tần trả lại 600 dặm đất Thương Ư”.

Trương Nghi nói: “Ông có lầm lẫn gì chăng? Đất đai của chúng tôi, mỗi tấc đất đều là mồ hôi xương máu của binh sĩ nước Tần, tôi sao có thể vô duyên vô cớ giao cho ông một khoảng đất lớn như vậy được?”.

Phùng Hầu Sửu khi đó biết rằng mình mắc lừa Trương Nghi, nên rất tức giận. Ông về lại nước Sở đem tất cả sự tình nói lại cho Sở Hoài vương, Sở Hoài vương cũng vô cùng tức giận.

Sở vương đem binh phạt Tần nhưng thất bại

Sở Hoài vương quyết định phát binh phạt Tần. Khi đó, Trần Chẩn người mà bị Sở Hoài vương nói hãy im lặng, ông đến trước mặt Sở vương nói: “Hiện tại tôi có thể mở miệng được chưa?”. Sở Hoài vương nói: “Ông nói đi”.

Trần Chẩn nói: “Hiện tại tuyệt đối không thể tấn công nước Tần. Vì sao? Đầu tiên, chúng ta đánh không lại nước Tần, thực lực quân sự nước ta không thắng được nước họ, nếu đánh chỉ chuốc lấy thất bại. Nếu trước đây chúng ta liên minh với nước Tề, thì khi nước Tần tấn công, liên minh hai nước còn nắm được ưu thế, còn hiện nay chúng ta không có chút gì cả. Đất không, liên minh với Tề cũng không.

Dù thế nào thì chúng ta đã đắc tội với nước Tề rồi. Chúng ta sẽ cắt một thành trì giao cho nước Tần, sau đó Sở cùng Tần liên hiệp đánh Tề. Tuy chúng ta mất một thành nhưng khi công hạ được nước Tề, chúng ta sẽ thu lại được nhiều thành trì hơn nữa”.

Sở Hoài vương còn có lương tâm, ông nói: “Đắc tội với chúng ta là nước Tần, tại sao chúng ta lại đi đánh Tề”. Ông không đồng ý với kế sách của Trần Chẩn.

Năm 312 TCN, Sở và Tần xảy ra một trận đại chiến, Sở thua to, đại tướng quân nước Sở là Khuất Cái tử trận, mất đi hơn 70 viên tướng và 8 vạn binh sĩ. Không chỉ mất cả tướng lẫn sĩ, nước Sở còn mất đi vùng Hán Trung rộng lớn.

Thua trận này, Sở Hoài vương càng thêm tức giận, ông bèn dốc đại binh quyết chiến với Tần ở Lam Điền. Kết quả vẫn nhận thất bại.

Nước Hàn và nước Ngụy nghe nói nước Sở bại trận, bèn nhân lúc nước Sở khó khăn, hai nước bèn xuất binh đánh Sở nhằm chiếm chút lợi thế. Sở Hoài vương nghe vậy liền không muốn lại xuất binh đánh Tần nữa, ông đem quân về trấn thủ, đại quân hai nước Hàn – Ngụy nghe tin vậy cũng rút binh.

***

Năm 311 TCN, nước Tần phái sứ giả đến nước Sở giảng hòa. Sứ giả nói: “Thực ra nước Tần chúng tôi còn muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Sở, chúng tôi sẽ không đánh Sở nữa. Chúng tôi có thể đem nửa phần đất Hán Trung (4) đã chiếm giao lại cho nước Sở, hai nước chúng ta thiết lập liên minh. Như thế được không?”.

Sở Hoài vương nói: “Ta không cần vùng đất ấy, ta chỉ muốn Trương Nghi thôi. Ngươi hãy đem Trương Nghi trở lại nước Sở”.

Trương Nghi nghe được thông tin đó từ sứ giả, ông nói với Tần vương rằng mình muốn đến Sở. Tần vương nói: “Không được, ông sẽ bị giết đấy”. Trương Nghi lúc này rất quả quyết, nói rằng Sở Hoài vương không thể giết tôi bởi vì hai lý do.

Rốt cuộc hai lý do đó là gì và Trương Nghi đến Sở liệu có bảo toàn tính mạng, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Nguyên gốc là: Hiệp Thiên tử dĩ lệnh thiên hạ – 挾天子以令天下. Hiệp (挾) có nghĩa là cậy thế  chèn ép mà xử tệ với người . Ví như hiệp trưởng 挾長  là cậy lớn, hiệp quý 挾貴 là cậy sang…

(2) Nước Thục nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

(3) Vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương Ân đều là những vị vua nổi tiếng bạo ngược vô đạo trong lịch sử Trung Quốc.

(4) Trong “Sử ký” ghi là Hán Trung, còn trong “Tư trị thông giám” ghi là Kiềm Trung.