Hà Nội chật chội, Hà Nội ồn ào, Hà Nội nhếch nhác… những mặt trái của thủ đô hôm nay chẳng giống chút nào với người Hà Nội xưa: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ai đó có thể cảm thán mà cho rằng lỗi ở…người nhập cư. Bài viết này không nhằm trả lời đúng sai cho nhận định trên, chỉ xin điểm lại một vài người “nhập cư” vào Hà Nội mà tiếng thơm đã để mãi muôn đời.

Lý Nam Đế

Lý Bí (503-548) hay còn gọi là Lý Nam Đế, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý. Ông đặt tên nước là Vạn Xuân, với mong ước “Giang san còn hoài đến hàng vạn mùa xuân”, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, lập chùa Khai Quốc, cho đúc tiền đồng, đặt tiền đề cho nước Nam ta thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc.

Lý Nam Đế Lý Bí và Triệu Quang Phục (Ảnh: Viettoon.net)
Lý Nam Đế Lý Bí và Triệu Quang Phục (Ảnh: Viettoon.net)

Sử sách chép rằng Lý Bí là người Thái Bình, phủ Long Hưng (Sơn Tây). “Tổ tiên Lý Bí là người Trung Quốc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được bảy đời thì thành người Nam.” Mặc dầu có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng chính sử Trung Quốc vẫn coi Lý Bí là “Giao Châu thổ nhân”.

Lý Thái Tổ

Lý Thái Tổ (974-1028), vị vua sáng lập nhà Lý, là người hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Từ nhỏ, ông đã được thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ, sư khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.

Lý Thái Tổ cho rằng Hoa Lư thành thì hẹp, đất thì thấp, muốn dời đô về Đại La, tay viết chiếu rằng:

“Xưa kia nhà Thương đến vua Bàn Canh đã năm lần thiên đô, nhà Chu đến vua Thành Vương đã ba lần thiên đô, không phải là theo ý riêng một mình, là nghĩ đến kế muôn năm về sau. Nhà Đinh và Lê không theo lối cũ của Thương, Chu, cứ để kinh đô ở mãi nơi này, trẫm rất đau lòng. Duy có thành Đại La ở giữa khu vực của trời đất, có cái thế long, hổ vững bền, địa thế rộng và bằng phẳng, đất thì cao mà sáng sủa, rõ là khu vực phồn thịnh. Đã xét khắp đất Việt, chỉ có nơi ấy là thắng địa, là nơi đô hội thật là kinh đô của muôn đời sau. Lũ các ngươi nên hiểu ý trẫm.”

Các quan cùng đồng tình với ông cho rằng đó là kế lâu dài cho thiên hạ, lập nên cơ nghiệp lớn và làm cho nhân dân được giầu thịnh.  Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) thì khởi sự dời đô. Khi thuyền mới đến đậu ở dưới thành, thấy có  rồng vàng hiện ra, nhân đó đặt tên là Thăng Long.

Nhà Trần

Triều đại nhà Trần là một trong những trang sử huy hoàng nhất của nước Việt Nam ta. Khoảng năm 1110, tổ tiên nhà Trần di cư từ đất Mân Việt, thuộc Phúc Kiến (Trung Hoa), ban đầu đến trú tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ trong một thế kỷ, họ Trần trở nên giàu có thế lực ở tỉnh Thái Bình, đến nỗi Thái Tử Sảm cuả nhà Lý phải chạy tới náu thân.

Năm 1226, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, đánh dấu sự chuyển giao triều đại Lý-Trần. Chỉ trong vòng hơn 100 năm, “người nhập cư” phương Bắc đã tan biến vào dòng giống Việt. Triều Trần lại chính là triều đại chống cự lại sự bành trường từ phương Bắc dữ dội nhất. Năm 1257, vua Trần Thái Tông đích thân ra trận chiến đấu với quân Mông Cổ. Năm 1285, quân Trần đại thắng quân Nguyên ở trận Hàm Tử. Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương lập nên chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng.

Lê Thái Tổ

Lê Thái Tổ (1385-1433) tên thật là Lê Lợi, là người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, lật đổ ách thống trị của nhà Minh, giành lại nền độc lập cho nước Đại Việt và lập nên triều Hậu Lê. Sau 10 năm kháng chiến gian khổ “nằm gai nếm mật”, Lê Lợi từ núi rừng Thanh Hóa rời về Thăng Long và đổi tên thành Đông Kinh. Từ Đông Kinh, triều Hậu Lê đã tiếp nối tinh thần Đại Việt trong suốt 360 năm, khiến triều đình phương Bắc biết rằng miền đất Đại Việt ấy đã vĩnh viễn ra khỏi tầm thôn tính.

Ảnh minh họa Lê Thái Tổ
Ảnh minh họa Lê Thái Tổ

Khi khởi nghĩa giành thắng lợi, Lê Lợi mở hội thề Đông Quan, lưu lại câu nói bất hủ rằng:

“Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”

Thăng Long – Hà Nội xưa nay là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Huy hoàng của Thăng Long xưa và sự phồn thịnh của Hà Nội nay không thể phủ nhận vai trò của những bậc anh hùng hào kiệt từ bốn phương tụ hội. Hà Nội có lẽ không chỉ là một địa phương, một khái niệm cứng nhắc trên bản đồ giáo khoa. Thay vào đó, nó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng văn minh tinh thần hàng nghìn năm của người Việt.

Mã Lương

Xem thêm: