Phía Đông thành Thiệu Hưng có một quả núi Xạ, phía Nam núi Xạ có một cái hồ, ở hồ có một quả núi tên là Bạch Hạc Sơn. Truyền thuyết kể rằng năm xưa có một vị tiên nhân đánh rơi mất cây tên nên phái bạch hạc đi tìm…

Bạch hạc bới lộn hết cả vùng đất đó lên nhưng không tìm thấy, số đất đá mà bạch hạc bới lên tạo thành một ngọn núi nhỏ, ngọn núi nhỏ này chính là nguồn gốc của Bạch Hạc Sơn.

Có một câu chuyện liên quan đến ngọn Bạch Hạc Sơn, đã được lưu truyền trong dân gian từ rất xa xưa. Kể rằng…

Thời Đông Hán có một vị thái phủ tên là Trịnh Hoằng, hồi nhỏ gia cảnh túng thiếu, mỗi ngày đều phải lên núi đốn củi, dựa vào nghề kiếm củi để sinh sống qua ngày.

Một hôm, trong lúc vào rừng đốn củi Trịnh Hoằng nhặt được một cây tên. Đầu mũi tên rất đẹp, phản ánh ngũ quang thập sắc, nó hoàn toàn khác với những mũi tên bình thường.

Trịnh Hoằng nghĩ trong bụng rằng người làm mất chắc rất sốt ruột tìm kiếm nên ngồi bên đường đợi chủ nhân nó quay lại tìm.

Một lúc sau, thấy một lão ông tóc trắng như cước vừa đi vừa nhìn trước ngó sau như đang tìm kiếm thứ gì đó, Trịnh Hoằng cất tiếng hỏi:

“Lão bá, lão đang tìm thứ gì vậy?”.

“Ồ, ta đang tìm một mũi tên”, lão bá trả lời.

“Thưa, có phải cái này không?”, Trịnh Hoằng vừa đáp vừa đưa mũi tên cho lão ông xem.

Niềm tin vào thiện lương và thiện ác phúc báo lẫy nhân nghĩa đói đãi mới có một tương lai tốt đẹp. (Ảnh: Lê Diễm Chi Huệ)

Lão ông cầm lấy mũi tên xem rồi ngẩn người ở đó một lúc, sau khi định thần lại rồi vui mừng nói: “Đúng, đúng, đúng là nó, thật tốt quá, ta đã tìm nó suốt mấy năm trời, thật không dễ gì mà tìm được. Tiểu huynh đệ, cậu nói đi, vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc, cậu muốn gì ta cũng cho cậu”.

Trịnh Hoằng nghe xong thành thật đáp: “Vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc cháu đều không cần. Nếu như lão bá muốn cảm tạ cháu, cháu chỉ xin lão bá một loại gió”.

Lão ông cảm thấy kỳ quặc nên nói: “Cái gì? Cậu muốn gió?”.

Trịnh Hoằng: “Đúng vậy, cháu muốn gió, những người đi kiếm củi như chúng cháu, sáng sớm tinh mơ mỗi ngày đều phải vượt qua khe suối Nha Khê đó để vào rừng kiếm củi, tối lại về. Nhưng mà gió ở Nha Khê lại luôn thổi ngược vào mặt, đi đi về về đều bị nó thổi vào mặt, nếu không cẩn thận thì sẽ bị gió thổi ngã xuống. Lão bá, ông hãy làm một việc tốt giúp chúng cháu, khiến gió Nha Khê sáng thổi về phía Nam, tối thổi về phía Bắc, như vậy thì người đi qua đó sẽ luôn gặp được gió thuận”.

Vốn dĩ cụ ông đó chính là một tiên nhân, nghe yêu cầu của Trịnh Hoằng, cảm thấy cậu là một đứa trẻ có lòng tốt, tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã biết nghĩ cho mọi người, trong lòng rất cảm động nên nhận lời thỉnh cầu của cậu.

Từ đó về sau, gió ở Nha Khê luôn thổi về phía nam buổi sáng, buổi chiều về phía Bắc, giúp những người kiếm củi qua đó rất thuận tiện. Nhiều năm qua đi, mọi người gọi đó là “Gió Trịnh Hoằng” cũng có người gọi là “Tiều Phòng” tức gió người kiếm củi.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch