Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” – trong hàng trăm đức thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Hiếu thuận không chỉ là một chuẩn mực đạo đức, mà còn mang đến phúc lộc của đời người.
Thời đại Nam Bắc triều, tại kinh đô Lạc Dương có một gia đình họ Dương, trong nhà có cả thảy sáu anh em, cùng kiếm sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Đây chỉ là một gia đình bình dân không có gì nổi bật, nhưng bất ngờ là con cháu đời sau rất nhiều người đều làm đến “tam công cửu khanh” (quan đại thần). Từ một gia đình lao động bình thường họ đã trở thành gia tộc hiển vinh nổi danh khắp kinh thành.
Trong số sáu anh em nhà họ Dương, Dương Ung từ nhỏ đã là một cậu bé lương thiện, vô cùng hiếu kính phụ mẫu, láng giềng xung quanh không ai không biết đến. Sau khi phụ mẫu qua đời và lo toan xong xuôi hậu sự cho cha mẹ, Dương Ung vì quá đau lòng mà ngày ngày rơi lệ, đến mức không thể làm được gì. Vì vậy, ông quyết định bán đất, bán nhà, cùng gia đình chuyển về phương Bắc sinh sống.
Nơi ông chuyển đến là một địa phương thiếu nước trầm trọng, nhà ông lại nằm trên dốc sườn, phía dưới là đại lộ. Mỗi ngày khi trời còn chưa sáng, ông đã đẩy xe ba gác chứa nước xuống đại lộ để tiếp tế cho người qua đường, không những vậy ông còn thường xuyên giúp họ vá lại giày cỏ mà không thu đồng phí nào. Chớp mắt đã qua vài năm, Dương Ung vẫn cần mẫn làm việc thiện chưa từng buông lơi, cũng không thay đổi tâm ý so với thuở ban đầu.
Một hôm có cậu thư sinh tìm đến nhà Dương Ung. Vị thư sinh này quả thực là tiên phong đạo cốt, khí độ phi phàm, không đến xin nước mà chỉ hỏi Dương Ung rằng: “Tại sao ông không dùng thời gian để trồng rau tự nuôi sống bản thân?”.
Dương Ung đáp: “Tôi không có hạt giống để gieo”.
Vị thư sinh liền đưa cho Dương Ung một nắm hạt giống. Ông vui mừng cảm tạ nhận lấy, hằng ngày cần mẫn, siêng năng chăm bón. Một thời gian sau, cây phát triển trưởng thành, rễ cây biến thành bạch ngọc, những tán lá sum sê biến thành một trăm vạn quan tiền.
Một thời gian vị thư sinh lại quay lại, lúc này Dương Ung hiểu rằng anh ta không phải người bình thường.
Lần này, vị thư sinh hỏi Dương Ung: “Tại sao ông không lấy vợ?”.
Dương Ung đáp: “Tôi tuổi tác cũng lớn rồi, không có ai nguyện ý gả cho tôi”.
Vị thư sinh nói: “Ông cứ hướng danh môn mà cầu hôn, nhất định có thể thành công”.
Dương Ung vô cùng tin tưởng lời vị thư sinh nói, sau khi trở về ông liền đi tìm hiểu. Sau ông hỏi ra rằng nhà họ Từ nổi tiếng trong vùng có một cô con gái đến tuổi cập kê, người đến cửa cầu hôn nhiều không kể xiết nhưng nàng đều khước từ.
Dương Ung mời một bà mai đến họ Từ dạm hỏi. Lúc đầu, vị tiểu thư kia cho rằng Dương Ung quá cuồng vọng, suy nghĩ thì kỳ quái. Nhưng khi nghe về những việc thiện ông vẫn làm bao năm qua, nàng liền sinh lòng hảo cảm, bèn nói đùa với bà mai: “Bà về nói lại, nếu người đó có thể đưa đến nhà ta một đôi bạch ngọc, một trăm vạn quan tiền, thì ta sẽ chấp thuận”.
Ngày hôm sau Dương Ung liền mang một đôi bạch ngọc cùng một trăm vạn tiền, sắp thành sính lễ mang đến. Tiểu thư họ Từ thấy vậy liền kinh hãi, không dám tin vào mắt mình: Một người đàn ông nghèo khó như vậy, lấy đâu ra sính lễ lớn thế này? Tuy nhiên lời đã nói ra nặng tựa Thái Sơn, không thể bội tín, nàng liền chấp thuận gả cho Dương Ung.
Sau khi thành hôn, hai vợ chồng sống rất hòa hợp, tình cảm cũng thăng hoa. Họ có với nhau tổng cộng mười người con, đều là những bậc tài đức vẹn toàn, nam thanh nữ tú nổi tiếng xuất chúng. Con cháu Dương Ung sau này thành tài, đảm nhận nhiều chức vụ trọng yếu trong triều đình, có người còn làm đến cả chức tể tướng. Về sau này, ở Bắc Bình (tên gọi cũ của Bắc Kinh sau này) có rất nhiều gia đình họ Dương, đó đều là con cháu đời sau của Dương Ung.
Cổ nhân có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, xem ra câu nói này không phải lời nói suông mà quả thực là một đạo lý nhân sinh.
Trâm Anh
Theo Hoa Nhân