Bản violin concerto của Mendenssohn là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin và cũng là tác phẩm mẫu mực mà giới violinist muốn nổi tiếng đều phải trình diễn qua.
Đây là bản concerto đầy thử thách lớn về kĩ thuật violin, năm 1906, nghệ sĩ violin nổi tiếng Joseph Joachim tuyên bố với khách tới dự tiệc sinh nhật 75 tuổi của ông: “…Người Đức có bốn bản concerto cho violin. Vĩ đại nhất, kiên quyết nhất là bản của Beethoven. Bản của Brahms ganh đua với nó trong sự nghiêm trang. Phong phú nhất, say đắm nhất là bản được viết bởi Bruch. Nhưng nội tâm nhất, viên ngọc của trái tim – là bản của Mendelssohn…”
“Viên ngọc của trái tim” mà Joseph Joachim nhắc tới chính là bản violin concerto ở giọng Mi thứ, Op.64 của Felix Mendelssohn được viết vào năm 1838 và hoàn thành vào năm 1844.
Đây là một trong những tác phẩm lớn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong danh mục các tác phẩm dành cho đàn violin, và là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất và được trình diễn nhiều nhất mọi thời đại. Mỗi năm, “Viên ngọc trái tim” của Mendelssohn luôn có mặt trong vô số các chương trình hòa nhạc lớn nhỏ khắp nơi trên thế giới.
Sự lan tỏa của “Viên ngọc của trái tim” trong làng âm nhạc
Phong cách sáng tác của Mendelssohn rất đặc trưng, với tính chất tươi sáng, tinh nghịch không thể nhầm lẫn được. Các tác phẩm của ông bao trùm mọi cảm xúc, từ vui vẻ lạc quan cho tới buồn rầu u uất, nhưng luôn ở một mức độ vừa phải, có giới hạn.
Tác phẩm gồm 3 chương:
Chương I: Allegro molto appassionato (Mi thứ)
Chương II: Andante (Đô trưởng)
Chương III: Allegretto non troppo – Allegro molto vivace (Mi trưởng)
Mendelssohn đã đi trước thời đại bằng cách đảo ngược thứ tự trình diễn. Ngay khi vừa mới bắt đầu chương I, tác phẩm đã mở đầu bằng tiếng violin da diết, sau đó giai điệu chủ đề được dàn nhạc lặp lại.
Điều này ngược hẳn với thời kỳ Cổ Điển, khi mà hầu hết các bản concerto thường mở đầu bởi giai điệu do dàn nhạc dẫn dắt rồi mới đến lượt nhạc cụ độc tấu thể hiện. Bằng việc cách tân này, Mendelssohn đã đi trước thời đại và đưa tác phẩm trở thành bản concerto theo đúng nghĩa phong cách Lãng Mạn.
Một điều đặc biệt nữa là Mendelssohn đã tự mình viết đoạn Cadenza (Khúc trổ ngón), và đặt nó ở đoạn cuối của phần phát triển chủ đề. Với vị trí này, nó không dẫn tới một kết thúc cho chương nhạc, mà đóng vai trò như một khúc chuyển chủ đề khéo léo, khiến dư âm của chương I còn kéo dài qua chương II.
Đoạn Cadenza của Mendelssohn tuyệt vời đến nỗi khiến các nhà soạn nhạc vĩ đại như Tchaikovsky, Jean Sibelius v.v đều học theo.
Không chỉ đoạn Cadenza đặc trưng mà sự nối tiếp chặt chẽ của ba chương nhạc cũng đã truyền cảm hứng và trở thành mẫu mực cho các nhạc sĩ sau này, điển hình là bản concerto số 2 cho piano của Franz Liszt với liên kết chặt chẽ giữa các chương với nhau. Với kết thúc huy hoàng của chương III cùng với dư vị của hai chương trước đó, không lạ gì khi violon concerto của Mendelssohn được mệnh danh là “Viên ngọc của trái tim”.
Trong số những bản được thu âm, bản thu của Isaac Stern cùng với dàn nhạc Jerusalem Symphony Orchestra được nhiều thính giả yêu thích hơn cả bởi tuyệt kỹ của Isaac Stern, không những vậy Isaac Stern còn cho thính giả được thực sự đắm mình trong sự quyến rũ của những giai điệu âm nhạc. Sau đây mời quý độc giả thưởng thức bản concerto trứ danh dành cho violin được mệnh danh là “Viên ngọc của trái tim”:
Đôi nét về tác giả
Sinh ra trong một gia đình quý tộc Do Thái, là một thần đồng, tài năng của ông thậm chí còn bộc phát sớm hơn cả Mozart. Robert Schumann gọi ông là Mozart của thế kỷ XIX.
Là người có trái tim nhân hậu và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, âm nhạc của Mendelssohn đầy chất thơ, trữ tình, duyên dáng và tha thiết. Năm 14 tuổi, ông đã hoàn thành được 12 bản giao hưởng dành cho dàn nhạc dây.
Cùng lứa tuổi với các nhạc sĩ khác như Schumann, Chopin và Liszt nhưng tài năng của Mendelssohn được thừa nhận đầu tiên ở châu Âu.
Ở tuổi 16, Mendelssohn học tập dưới sự chỉ dạy của nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano bậc thầy Ignaz Moscheles, tuy vậy Moscheles thú nhận trong nhật ký rằng ông có rất ít thứ để dạy cho cậu học trò này. Ở độ tuổi này, ông đã hoàn thành một tác phẩm thính phòng xuất sắc: bản octet (bát tấu) cho dàn dây giọng Mi giáng trưởng, Op. 20 (cho 4 violin, 2 viola, 2 cello) và đã bắt đầu gây được sự chú ý.
Moscheles trở thành bạn đồng nghiệp thân thiết và người bạn suốt đời của Mendelssohn. Năm 1827 chứng kiến buổi ra mắt – cũng là lần biểu diễn duy nhất trong cuộc đời của ông – vở opera của Mendelssohn, Đám cưới của Camacho. Thất bại của sản phẩm này khiến Mendelssohn từ bỏ mọi ý định mạo hiểm ở thể loại này lần nữa.
Ở tuổi 17, khi đang lục lọi trong thư viện của Goethe, tình cờ Mendelssohn bắt gặp vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare và thế là ông đã cho ra đời bản Overture “A Midsummer Night’s Dream” Op. 21 (Giấc mộng đêm hè) và đạt được những thành công vang dội.
Tài năng của Felix Mendelssohn cũng thật phi thường khi ông không chỉ dừng lại trong âm nhạc mà ông còn là họa sĩ có tài, có kiến thức văn học cực kỳ rộng rãi và sáng tác giỏi; là nghệ sĩ piano tuyệt vời, nghệ sĩ violin xuất sắc, nghệ sĩ organ hiếm gặp; một phong cách chỉ huy đầy cảm hứng. Mendelssohn cũng có trí nhớ âm nhạc đáng kinh ngạc.
Felix Mendelssohn là một hiện tượng rất đặc biệt trong âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX. Không phải chịu đựng cảnh nghèo khổ như Franz Schubert, cũng không bị bệnh tật giày vò như Robert Schumann hay phải sống xa xứ như Frederic Chopin, Mendelssohn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho âm nhạc mà không phải chịu bất kỳ sức ép hay những lo toan đời thường nào.
Do làm việc quá sức cùng với nỗi đau do cô chị Fanny qua đời vào tháng 5 năm 1847, Mendelssohn ra đi vào tháng 11 cùng năm. Tuy ông đã không còn nhưng trong “ngôi đền” dành cho những nhạc sĩ vĩ đại, Mendelssohn luôn có một chỗ đứng vững chắc bên cạnh những tên tuổi lớn như Bach, Mozart hay Beethoven.
Hoàng Lâm