Dù không hoành tráng như cung điện Versailles của vua Louis XIV, nhưng ý tưởng thiết kế thời Phục hưng của Ý và phong cách cổ điển trong trang trí lâu đài vẫn khiến cho người xem không thể không ấn tượng với ‘cung điện mùa hè’ The Breakers.
>> Vẻ đẹp lộng lẫy của ‘cung điện mùa hè’ The Breakers (P.2)
The Breakers từng là khu nghỉ mát mùa hè của hai vợ chồng Cornelius Vanderbilt II. Trong lâu đài gồm 70 phòng, nhiều phòng theo phong cách Phục hưng Ý, phòng ngủ của chủ nhà, phòng ăn sáng, v.v …đều mang phong cách của lâu đài vua Louis XIV, XV, XVI.
Mỗi phòng, mỗi bức tường, thậm chí mỗi góc của lâu đài đều có rất nhiều chi tiết nhỏ được thiết kế. Các tác phẩm điêu khắc tinh tế, đèn chùm pha lê lớn, màu tường phòng và cấu hình đồ nội thất, bao gồm cả sự lựa chọn rèm cửa, là tinh tế và tuyệt đẹp. Bên trong của tòa lâu đài rất tráng lệ, được đặt trên vùng đất tốt nhất đã tạo được sự hoàn hảo theo yêu cầu của Vanderbilt II.
Trên tầng hai của lâu đài, ngoài hội trường và thư viện, có một số căn phòng tuyệt đẹp khác:
Phòng âm nhạc (The Music Room)
Phòng âm nhạc dành cho các buổi biểu diễn và khiêu vũ được thiết kế với nội thất trang trí công phu hoa lệ của Paris, thể hiện phong cách văn nghệ thời kỳ Phục hưng. Đồ gỗ nội thất thiết kế bởi Richard Van der Boyen, do J.Allard et Fils chế tạo. Nội thất cho căn phòng này được chế tạo hoàn toàn ở Pháp, sau đó mới được gửi đến Hoa Kỳ để cho chính các thợ thủ công người Pháp lắp đặt tại The Breakers. Các tấm vải phủ đồ nội thất có màu đỏ nguyên gốc từ nước Ý bản địa.
Những sọc kẻ mạ vàng trang trí trần nhà, với lá bạc giữa hai chiếc đèn chùm thể hiện ngôn ngữ âm nhạc nước Pháp, mang ý nghĩa: âm nhạc, hài hòa, nhạc khúc và giai điệu. Lò sưởi với đá cẩm thạch màu xanh lá cây từ đông nam nước Pháp; màu xám xanh phù hợp với thiết kế của chiếc bàn đặt trong phòng. Người ta nói rằng Vanderbilt II thường chơi violin ở đây cùng với diễn tấu đàn piano của vợ ông. Các thành viên trong gia đình thường tổ chức các buổi hòa nhạc, trong đó mỗi người chơi một nhạc cụ.
Phòng sinh hoạt chung buổi sáng (The Morning Room)
Phòng sinh hoạt chung buổi sáng theo phong cách Phục hưng hướng về phía đông và đón ánh nắng mặt trời buổi sáng cùng hương biển từ Đại Tây Dương. Nội thất gỗ sồi cũng được thiết kế bởi Richard Van der Boyen và chế tạo bởi J. Allard et Fils, được thiết kế, chế tạo hoàn toàn ở Pháp rồi sau đó mới được vận chuyển qua Mỹ để lắp ráp. Trên trần nhà có những bức tranh bốn mùa, một chiếc gương đặt hơi nghiêng phía trên lò sưởi lớn để phản chiếu ngọn lửa. Vào buổi sáng, phòng khách lấy sắc xám và vàng làm chủ, phối hợp ăn ý cùng chiếc lò sưởi.
Lò sưởi được làm bằng đá cẩm thạch lấy ở vùng tây nam nước Pháp, được trang trí bằng hợp kim đồng-kẽm-thiếc và mã não đánh bóng trên bề mặt lò. Tại góc phòng màu bạc, mô tả nữ thần Muse trong thần thoại cổ điển. Bởi vì các bức tường được trang trí bằng bạch kim, nên đã trôi qua bao nhiêu năm nhưng vẫn luôn sáng bóng. Ghế, ghế dài và bàn mang phong cách thế kỷ 16 và là bản sao của bàn ghế vùng Venice.
Hành lang ngoài (Loggia)
Được thiết kế theo phong cách Phục Hưng Ý, có trần khảm hình vòm với hoa văn cá heo và lá, còn được khảm bằng hàng ngàn viên bi. Hàng hiên dưới và hiên trên là một bộ phận được xây thêm để mở rộng diện tích sinh hoạt tại The Breakers. Bức tường ngăn cách giữa hành lang và hội trường gần như hoàn toàn bằng kính. Qua lớp cửa kính này, có thể nhìn thấy những con sóng đập vào những tảng đá trên bờ biển Đại Tây Dương – đây cũng là lý do tại sao lâu đài được đặt tên là The Breakers.
Phòng chơi bi-a
Được thiết kế bởi Hunter, phòng chơi bi-a theo phong cách Phục Hưng nước Ý thể hiện khả năng của ông tạo ra một không gian nội thất tuyệt đẹp với đá cẩm thạch và đá bảo thạch. Từ sàn đến trần đều được trang trí bằng các tấm đá cẩm thạch từ Ý, với thạch cao hình bông tuyết cho vòm và khung trần. Khảm sàn được tạo thành từ hàng trăm miếng gỗ sồi được khảm bằng đá cẩm thạch, mã não và thạch cao, cùng với thủy tinh nhũ sắc trắng khảm trên chiếc đèn bằng đồng đúc, được thiết kế bởi Louis Comfort Tiffany.
Phòng chơi bi-a sử dụng vật liệu gỗ theo phong cách thời Phục Hưng. Trần nhà được tạo khung bởi cùng một vật liệu, ở trung tâm là một bức tranh khảm theo phong cách La Mã bằng gạch men, miêu tả cảnh phụ nữ và trẻ em trong một phòng tắm công cộng. Những viên kim cương khảm lên thạch cao là những đồ trang trí trên vách tường, tạo nên một bức tranh miêu tả những cảnh khác nhau của trò chơi bi-a. Treo trên bàn bi-a là một chiếc đèn bằng đồng được rèn bằng tay cố định, do có trọng lượng nặng nên được kết nối trực tiếp với dầm thép của ngôi nhà. Cánh cửa của căn phòng hoàn toàn được sử dụng bằng chất liệu gỗ, ngược lại với các vật liệu bề mặt khảm đá cẩm thạch mềm mại mát mẻ. Trong phòng chơi bi-a cũng có một chiếc ghế của Anh thế kỷ 19 bằng đá. Ngoài ra còn có một chiếc ghế bành từ thế kỷ 18 được trang trí bằng da Tây Ban Nha khâu bằng tay.
Phòng ăn (Dining Room)
Phòng ăn theo phong cách Phục Hưng nước Ý, cùng một loạt các đồ dùng cho ăn uống cực kỳ xa hoa và sang trọng. Các chân nến đôi khổng lồ và đèn tường 12 inch (30,48 cm) đều được khảm thạch anh. Các cột đá màu hồng đặt trên bệ đá cẩm thạch trắng phía dưới. Trần nhà phân làm hai tầng có tổng diện tích hơn 2.400 thước Anh (khoảng 2.007 mét vuông). Trên trần nhà là bức bích họa nữ thần trên một cỗ xe ngựa trắng như tuyết hướng về phía bình minh. Có 12 cột thạch cao riêng biệt được mạ vàng theo phong cách Collins bao quanh căn phòng.
Hai chiếc đèn chùm được tạo thành từ hàng ngàn quả cầu pha lê, được chế tạo bởi nhà sản xuất thủy tinh Pháp Cristalleries Baccarat có lịch sử từ năm 1765. Bàn ăn từ thế kỷ 16 bằng gỗ, được khảm nạm gỗ chanh và có thể mở rộng để phục vụ tới 34 người. Gian phòng bên gồm 34 chiếc ghế theo phong cách Phục Hưng với đệm thổ cẩm màu đỏ. Bức tường phía nam của phòng ăn có một cửa sổ kính phẳng lớn, đối diện với đài phun nước hình vỏ sò bên dưới cầu thang lớn. Lò sưởi trong phòng ăn bằng đá cẩm thạch màu xám được chạm khắc, đằng sau là bức tường với các họa tiết hoa văn cách điệu trông vô cùng đẹp mắt.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch