“Kỹ thuật tương tự” (“Analogue”) và “Kỹ thuật số” (“Digital”) là hai thái cực đối lập trong thế giới hiện đại của chúng ta. “Kỹ thuật tương tự” là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những gì mà chúng ta nhìn nhận là chậm chạp, một chiều và giới hạn về mặt tính năng; trong khi “kỹ thuật số” nghĩa là năng động, tương tác và có tính linh hoạt cao.
Kỹ thuật tương tự là lỗi thời, trong khi kỹ thuật số là hiện đại. Trang giấy luôn là đại diện cho kỹ thuật tương tự: giấy chỉ là một phương tiện vật lý để thu nhận, hiển thị và lưu trữ thông tin, nhưng lại bị coi là tĩnh và cố định.
Đó là những gì chúng ta biết về các thái cực này, nhưng hiểu biết ấy lại dẫn tới những ý tưởng cổ hủ rằng sách truyền thống đang lụi tàn. Đơn giản là điều ấy không đúng – công nghệ “tương tự”, như mực và giấy, đang được phát triển theo những cách có thể và có khả năng cách mạng hóa mọi vật liệu và sách in.
Mạch phác họa
Với mực dẫn điện, một loại mực do công ty Bare Conductive (Anh) chế tạo, bút và mực được dùng để tạo nên mạch điện tử. Từ đó, một mẩu giấy cũng có thể trở thành bảng mạch, khá giống với bảng mạch trong máy vi tính nhưng linh hoạt hơn rất nhiều.
Công ty đặc biệt này đã chế tạo một bảng cảm ứng, cho phép người dùng sử dụng bút, giấy và mực dẫn để tạo nên bàn phím. Tom Metcalfe và Michael Shorter tại Đại học Dundee đã sử dụng các vật liệu tương tự để tạo ra một cặp tai nghe bằng giấy.
Đặc biệt, các nghệ sĩ có thể sử dụng mực dẫn điện để sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật với hình thức tương tác mới. Trong hệ thống âm thanh Lagoglyphic của mình, nghệ sĩ người Brazil-Mỹ Eduardo Kac đã cho thấy cách mực dẫn điện được sử dụng vào việc in lưới tơ (silk-screen printing). Khi người xem chạm vào các phần khác nhau trên bản in của KAC, họ sẽ nghe thấy nhiều âm nhạc khác nhau.
Trên quy mô lớn hơn, Fabio Lattanzi Antinori đã hợp tác với Bare Conductive và Alicja Pytlewska để sáng tạo nên tác phẩm “Contours”. Tác phẩm sử dụng mực dẫn để tạo nên những tấm thảm có tương tác với cảm ứng điện dung. Đây là ẩn dụ nghệ thuật cho việc thổi hơi thở cuộc sống vào một tấm da dệt. Khi khách tham quan chạm tay, tấm thảm sẽ mô phỏng dữ liệu âm thanh từ môi trường xung quanh, gợi chúng ta nhớ đến một môi trường nghiên cứu y học.
Trong lần hợp tác khác với Bare Conductive, Fabio đã hoàn thiện tác phẩm “Data Flags” và trưng bày tại V&A vào tháng Mười. Trong tác phẩm này, Fabio đã sử dụng các khả năng tương tác của mực dẫn để cho phép du khách khám phá những bi kịch đương đại về sự sụp đổ của ngân hàng Lehmann Brothers.
Sách tương tác
Chủ đề “sự lụi tàn của sách giấy” đã làm nóng các cuộc thảo luận trong nhiều năm qua. Chúng ta đã quen với lối nghĩ rằng, sách giấy truyền thống sẽ bị thay thế bằng sách điện tử hoặc những hình thức truy cập thông tin khác. Tốc độ và tính chất của sự đổi thay, cũng như mức độ tồn tại của sách giấy đã được tranh luận rộng rãi và sôi nổi.
Nhưng những tiến bộ trong công nghệ đã chứng minh rằng tất cả chúng ta đều sai lầm. Nếu giấy và mực in được chuyển đổi để trở thành phương tiện truyền thông kỹ thuật số tương tác, chắc chắn điều tương tự cũng sẽ xảy ra với cuốn sách truyền thống. Chúng ta có thể tưởng tượng về một cuốn sách in bằng mực dẫn. Khi chạm tay vào, bạn có thể để xem và nghe những hình ảnh và âm thanh minh họa. Tương tự như vậy, với một tấm áp phích nhạc pop, bạn có thể nghe thấy âm thanh của ban nhạc khi nhấn tay lên một hình ảnh thu nhỏ.
Mực dẫn không phải là chất liệu duy nhất dành cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà thơ, và tác giả để tạo nên nét đột phá cho tác phẩm của họ. Trang web xuất bản Blurb và xưởng ảnh nghệ thật trực quan Jotta đã hợp tác để thực hiện dự án Unbinding the Book. Từ việc khéo léo vận dụng âm thanh, ánh sáng, cảm ứng, và giọng nói, các nghệ sĩ và nhà thiết kế đã thay đổi những định kiến về tác giả và vai trò của sách.
Công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và góp phần thay đổi quan niệm của chúng ta về sách truyền thống. Eduardo Kac đã có các cuộc thử nghiệm mới về mực thơm (aromapoetry), nhờ đó, độc giả có thể thưởng thức các trang sách với mùi hương.
Dường như sách truyền thống không hề lụi tàn, mà ngược lại, chúng ta đang chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ. Trước kia, cuộn giấy da được thay thế bằng các cuốn sách codex chép tay. Sự xuất hiện của sách codex vào thế kỷ thứ 4 đã thay đổi hiểu biết của nhân loại về cách thức thông tin liên hệ với nhau. Trong thế kỷ 12, các bản biên nhận được khắc trên gỗ và gọi là ‘thanh kiểm đếm’ (tally sticks). Những thanh kiểm đếm này cho phép lưu giữ tài khoản một cách dễ dàng, thậm chí, người ta còn lưu giữ ba bản đề tránh giả mạo.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay đã thay đổi đáng kể tới cách thể hiện và sắp xếp thông tin của chúng ta. Bên cạnh mực dẫn điện, nhiều công cụ và vật liệu khác sẽ tiếp tục đổi mới cách chúng ta thao tác với văn bản.
Andrew Prescott nhận được sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu Nghệ thuật và Nhân văn, và là Theme Leader Fellow cho chủ đề chuyển đổi kỹ thuật số AHRC. Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trên tạp chí Conversation.
Dịch từ EpochTime.com