Dưới thời nhà Thanh, các quý tộc vô luận là nam hay nữ đều có thói quen để móng tay dài, nhưng nữ quý tộc thì thường để dài hơn, nên hộ chỉ đã trở thành món đồ quen thuộc và rất được ưa chuộng sử dụng bởi vừa có thể bảo vệ móng tay, lại vừa có thể đem làm thành một món trang sức.
Nguồn gốc của Hộ chỉ
Hộ chỉ là tên viết tắt của “Hộ chỉ sáo” (“Hộ chỉ” là móng tay, “sáo” có nghĩa là bao lại, bọc lại) là một loại trang sức dành cho nữ giới có tác dụng bảo vệ các đầu ngón tay. Chúng ta còn biết đến chúng với những tên như “móng tay giả”, “hộ giáp như ý” v.v.
Thời nhà Thanh, các quý tộc dù là nam hay nữ thì đều có thói quen nuôi móng tay, nên sử dụng hộ chỉ vô hình chung đã trở thành một vật mang ý nghĩa đại diện cho tầng lớp. Tuy vậy, việc bắt đầu sử dụng rộng rãi món phục sức này là từ thời Trung kỳ nhà Thanh.
Thời đầu nhà Thanh, trong cuốn “Ngự chế tang đính Thanh văn giám” không có bất kỳ bằng chứng nào về việc các quý tộc thời Thanh Sơ kỳ sử dụng hộ chỉ, điều đó cũng có nghĩa là thời này, trong cung đình nhà Thanh không có thói quen sử dụng. Phải đến tận thời vua Đạo Quang, trong bức vẽ “Hiếu Toàn Thành hoàng hậu hành nhạc đồ”, nếu nhìn thật kỹ, sẽ nhận thấy hình ảnh hộ chỉ được bà đeo trên tay, và cho đến sau này, rất được Từ Hi thái hậu ưa thích sử dụng. Qua nhiều bức tranh thời bấy giờ, có thể nhận ra dưới thời Thanh Trung kỳ và Hậu kỳ, việc sử dụng hộ chỉ đã trở thành thói quen phổ biến.
Cấu tạo của hộ chỉ
Hộ chỉ thường được làm bằng kim loại hoặc đồi mồi, loại đặc biệt còn được làm bằng ngọc. Hộ chỉ có thể được làm từ vàng, bạc, đồng hoặc bạc mạ vàng; để nguyên hoặc có thể chạm rỗng, và thường được khảm ngọc hoặc điểm thúy bên ngoài. Chúng có kích thước và độ dài khác nhau, có những bộ dài đến 15cm hoặc hơn, loại ngắn nhất vào khoảng 3cm.
Sử dụng hộ chỉ trong những trường hợp nào?
Hộ chỉ không phải loại trang sức yêu cầu bắt buộc, vì vậy thời điểm các mặc lễ phục, họ sẽ không sử dụng hộ chỉ. Hầu như các bức tranh về nữ tử thời nhà Thanh, sẽ rất hiếm khi thấy họ đeo hộ chỉ. Vậy nên hộ chỉ chỉ là món đồ dùng hằng ngày, kết hợp với các bộ thường phục. Tuy vậy, vào cuối thời nhà Thanh, có hình ảnh Từ Hi thái hậu mặc cát phục (loại trang phục mặc vào những lúc có việc hỉ, hoặc cần trang trọng một chút) nhưng vẫn đeo hộ chỉ. Điều đó chỉ ra rằng việc sử dụng hộ chỉ cũng khá là thoải mái chứ không có quy phạm rõ ràng nào.
Cách dùng hộ chỉ
Trong một số bài báo có nói: “Trừ ngón tay cái ra thì bốn ngón còn lại đều có thể đeo. Rất ít người đeo cả năm ngón, thường chỉ đeo bốn ngón”. Điều này có vẻ như cũng không đúng lắm.
Thứ nhất, nếu muốn cầm nắm một món đồ, mà cả bốn ngón đều đeo là việc rất không thực tế, bởi sẽ rất khó hoạt động.
Thứ hai, hiện giờ vẫn còn lưu lại một số hộ chỉ từ thời nhà Thanh, và hầu hết chúng đều đi thành một cặp hai chiếc, điều đó có nghĩa là họ thường chỉ dùng một cặp hộ chỉ. Ngoài ra, trong nhiều bức ảnh chụp, cũng như là trong nhiều ghi chép, người ta chỉ đeo hộ chỉ ở hai ngón áp út và ngón út bên tay trái hoặc bên tay phải. Đến nay chưa phát hiện ra tiếp trường hợp ngoại lệ nào.
Tiếp theo xin mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng một số loại hộ chỉ:
Theo Blog.sina.com
Trâm Anh biên dịch