Có một quan niệm thịnh hành trong số những người đam mê nghệ thuật rằng nghệ thuật mà không phải đương đại thì không còn thích hợp. Bảo tàng Nghệ thuật thủ đô nước Mỹ đã bắt đầu hành trình phản bác quan niệm này thông qua một cuộc triển lãm kéo dài đến ngày 23 tháng 6 năm 2019, có tên là: “Các giá trị tương đối – Giá trị của nghệ thuật Phục Hưng Bắc Âu”.

Nhiều người có một chút do dự khi dấn bước vào nghệ thuật châu Âu thế kỷ 16 bởi vì cảm thấy nó quá xa lạ với những gì họ đã quen thấy ngày nay, những gì hiện nay họ vẫn ưa thích, và họ tránh đề cập tới việc tầng lớp quý tộc sang trọng của xã hội chi tiêu những món tiền “khủng” cho các tác phẩm nghệ thuật”, người phụ trách triển lãm là Elizabeth Cleland chia sẻ qua điện thoại.

Giá tương đương 12 con bò: “Sự tử vì đạo của bảy anh em nhà Maccabee và người mẹ của họ”; Khoảng năm 1530-35, được thiết kế và thực hiện bởi Dirck Vellert. Kính màu, KT: 27 3/4 inch x 18 1/2 inch. Thuộc Bộ sưu tập của ông bà Isaac D. Fletcher, Chúc thư của Isaac D. Fletcher, 1917. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Một ví dụ tại triển lãm về việc chi tiêu khủng đó thuộc về ngài Albrecht V, là Công tước xứ Bavaria, người hàng năm đã dành cho nghệ thuật một số tiền tương đương với 1.000 năm quỹ lương cho quân lính. Ngoài ra còn có câu chuyện về Isabella I của xứ Castile, với biệt danh là Isabella Công giáo, người đã say mê những tấm thảm dùng cho việc cầu nguyện đến nỗi việc chi tiêu cho nghệ thuật của cô có thể sánh ngang với chi phí cho cuộc thám hiểm xuyên Đại Tây Dương lịch sử của Christopher Columbus.

Trong khi nhiều tấm thảm dùng cho việc cầu nguyện của Isabella thường nhỏ, chỉ vừa với một cái cửa, thì hầu hết các tấm thảm từ thế kỷ 16 có thể phủ kín các bức tường, và thường có kích thước gấp từ sáu đến tám lần so với tấm thảm mà mọi người thường thấy. Để có thể kể đầy đủ một câu chuyện ngụ ngôn, nhà sưu tầm thông thường phải cho triển lãm mượn từ 5 đến 10 tấm thảm treo tường trong mỗi một bộ.

Tấm thảm “Saint Veronica” có giá trị tương đương 52 con bò. Khoảng năm 1525. CL: Len, lụa, chỉ mạ bạc, KT: 5 feet 8 inch x 4 feet 3 inch. Chúc thư của George Blumenthal, 1941. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Tấm thảm có tên “Saint Veronica” trong triển lãm, đã minh họa rõ ràng vì sao việc làm thảm lại được yêu thích và có uy tín đến vậy. Nó thể hiện sự điêu luyện của người nghệ sĩ, một trong những đặc điểm được đánh giá cao nhất trong nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng. Nó giống như một bức tranh đẹp được kết bằng len, lụa và các sợi chỉ mạ bạc.

Triển lãm này không phải là một triển lãm điển hình, mà là vinh danh những kho báu mà chỉ hoàng gia mới có thể mua được. Để mang lại nhận thức về nghệ thuật thời kỳ đó một chút gần gũi hơn với công chúng hiện đại, một loạt các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng được đem ra triển lãm, kết hợp trưng bày các đồ gốm dân dụng khiêm tốn nhất, cùng chỗ với các tác phẩm mạ vàng tinh tế nhất.

Giá tương đương 40 con bò: “Từ thiện”; giữa thế kỷ 16, phạm vi của Jacques du Broeucq. CL: Thạch cao, vết mạ vàng. KT: cao 4 feet 6 3/4 inch; rộng 1 feet 5 inch; sâu 1 feet 3/8 inch. Mua lại, quà tặng của Josephine Bay Paul và C. Michael Paul Foundation Inc. và quà tặng của Charles Ulrick và Josephine Bay Foundation Inc., năm 1965. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Để giúp minh họa giá trị thị trường ban đầu của nghệ thuật, Cleland đã tính giá của mỗi tác phẩm theo một thước đo ổn định trên khắp châu Âu tại thời điểm đó – là một con bò sữa. Vì vậy, bên cạnh mỗi tác phẩm, người xem có thể thấy nó đáng giá bao nhiêu con bò sữa. Ví dụ, bức “Saint Veronica”, có giá trị tương đương với 52 con bò, trong khi những tác phẩm khiêm tốn chỉ là đáng giá một phần của con bò. Gắn nghệ thuật vào một thước đo mang tính thực tế như vậy không chỉ thể hiện sự đa dạng của triển lãm, mà còn đánh giá được giá trị kinh tế của nghệ thuật vào thời kỳ đó.

Các quan điểm mới

Đối với triển lãm này, sự khéo léo trong nghệ thuật không chỉ dành riêng cho người xưa. Cleland đã làm việc với nhà thiết kế Michael Langley, người muốn đưa khách tham quan ra khỏi ánh sáng u ám, lờ mờ của một cuộc triển lãm nghệ thuật đề tài lịch sử điển hình, để những người xem có thể nhìn thấy nghệ thuật thời Phục Hưng dưới đôi mắt tươi mới.

Sau đó, chúng tôi đã gỡ bớt các đồ đạc trong phòng trưng bày để thực sự giúp mọi người tiếp cận các sản phẩm như thể chúng hoàn toàn mới, như thể chúng vừa mới ra khỏi xưởng của các nghệ sĩ và như lúc ban đầu khi chúng được đưa ra chợ cho người tiêu dùng ban đầu của chúng”, Cleland cho biết.

Với sự tự do sáng tạo hơn trong Phòng triển lãm đặc biệt Wrightsman, Langley đã tăng ánh sáng và hiển thị các tác phẩm trên các màn kim loại, với các hiện vật trưng bày được đặt riêng trong các hộp mica riêng cho chúng.

Đó là một trong những niềm vui khi làm việc trong phòng trưng bày tạm thời kiểu này, nơi bạn có thể thoát ra khỏi chiếc lồng một chút”, Cleland chia sẻ. “Cách làm này nhằm giữ khách tham quan lại thêm lâu một chút… Bạn đã biết nghệ thuật châu Âu thế kỷ 16 như thế nào rồi, nhưng ở đây chúng tôi muốn bạn nhìn nó bằng con mắt mới mẻ”.

Giá tương đương 158 con bò: Cốc vại. 1585. Bạc, mạ bạc, đúc, chạm nổi, chạm khắc, và khắc; CL: pha lê, ngọc hồng lựu. Mua bởi Quỹ mua lại Anna-Maria và Stephen Kellen, 2017. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Cuộc săn tìm kho báu của Cleland, để tìm ra 63 hiện vật cho triển lãm này, là một trải nghiệm độc đáo đối với cô cũng như dành cho khách tham quan. Cô là người quản lý của “The Met”, chuyên trách về các tấm thảm châu Âu thời hậu trung cổ, một trong những loại hình nghệ thuật sang trọng và vương giả nhất còn lại từ ​​thời kỳ đó, vì vậy cô rất quen thuộc với loại hình nghệ thuật đẳng cấp cao cấp nhất này. Chuyên môn của cô cũng phản ánh những gì mà người tham quan điển hình thường thấy trong một triển lãm về thời Phục Hưng, với những hiện vật đắt tiền, có giá trị nhất của một phòng trưng bày.

Tuy nhiên, đối với lần trưng bày này, Cleland còn muốn cho người xem thấy nghệ thuật được đánh giá cao như thế nào trong toàn xã hội trong thời Phục Hưng Bắc Âu, từ các tầng lớp xã hội thấp, tới trung bình và cao.

Tôi hy vọng rằng cách bài trí này sẽ giúp khách thăm quan cảm nhận được thế giới vạn hoa của Bắc Âu trong thế kỷ 16. Điều này thật sự rất thú vị”, cô nói bằng một nhiệt huyết có sức lan tỏa.

Khi Cleland xuống kho chứa của “The Met” cùng với các đồng nghiệp – là những người quản lý đồ gốm và đồ kim hoàn, họ đã phát hiện ra các tác phẩm nghệ thuật chưa bao giờ được trưng bày, chủ yếu là vì không đạt tiêu chuẩn đủ cao. Nhưng những báu vật khiêm nhường này, được chế tác từ đá tráng men đơn giản, không phải pha lê hay vàng, đã có một tác động khá lớn đối với cô.

Chỉ với bản chất của việc sử dụng vật liệu đó, đã tạo cho chúng ta một sự gần gũi hơn với người sáng tạo ra nó”, Cleland nói. “Bạn hầu như có thể cảm nhận được người thợ gốm làm việc với nó, uốn nặn vật liệu đó”.

Chiếc cốc lật úp (Sturzbecher); vào khoảng năm 1550-70; chỉ có giá trị bằng 1/8 con bò lúc bấy giờ, Đức, Cologne. CL: Đồ đá muối. Món quà của R. Thornton Wilson, để tưởng nhớ Florence Ellsworth Wilson, 1954. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Chiếc cốc úp ngược này chỉ có giá trị bằng 1/8 con bò, là một trong những tác phẩm đã bị bỏ trong kho từ những năm 1950, và chưa bao giờ được đem ra trưng bày.

Bạn có thể thấy những hiệu ứng khác nhau về độ mịn mượt của chiếc áo che ngực của nhân vật, và sau đó là những chiếc áo lót lông tuyệt vời mà anh ấy đang mặc, cũng như niềm vui của chính hiện vật này”, cô nói. Dựa trên cách trưng bày, nó trông giống như tượng một nhân vật, nhưng trên thực tế, nó là một chiếc cốc có tay cầm xoay 180 độ để người ta có thể dùng làm cốc.

Chiếc cốc quyến rũ này mang lại một cái nhìn sâu sắc về thời đại đó, và kết nối chúng ta với tiền nhân. Chỉ với đồ vật này, cũng cho thấy mọi người trong toàn xã hội thời đó yêu thích nghệ thuật và nghề thủ công nhiều đến mức nó được sử dụng để tăng giá trị cho cả các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cũng giống như những người may mắn từ mọi tầng lớp xã hội đến thăm quan “The Met”, người dân của thời Phục Hưng cũng yêu thích nghệ thuật và cái đẹp. Nó cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng người của thời đại này đánh giá cao việc vui chơi và vui vẻ – không khác gì chúng ta ngày nay.

Bộ bốn phù điêu bằng bạc tráng men; Năm 1520-30, giá tương đương 5 con bò cho mỗi chiếc. CL: Bạc, men, vàng. Mua lại, Quỹ mua lại Anna-Maria và Stephen Kellen, 2015. (Bản quyền ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Vùng thủ đô)

Nhưng cũng còn có những bài học khác, chỉ nảy sinh khi triển lãm này muốn tạo cầu vồng cho nghệ thuật Phục Hưng, bằng cách trưng bày nghệ thuật cơ bản đến mức phi thường nhất. Có những cấp độ rõ ràng để phân biệt nghệ thuật và nghề thủ công. Nghệ thuật ứng dụng ở cấp thấp hơn, phản ánh nhu cầu cơ bản của chúng ta, kết nối chúng ta với nhau, và ở đây là với thế giới tự nhiên.

Nhưng khi bạn leo lên các thứ bậc cao hơn của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, các chủ đề nghệ thuật cũng sẽ cao lên theo, giống như một cái thang đi lên thiên đường. Có lẽ đó là lý do tại sao Isabella đã coi những tấm thảm quý của cô như những phương tiện đi vào một hành trình tâm linh sánh với cuộc hành trình đến Thế giới mới của Columbus.

Chúng tôi có những biểu tượng mang tính chất rất bí truyền và tôn giáo; cùng hàm ý rằng khi sở hữu một tấm thảm đại diện cho chủ thể đó, bạn sẽ được nó bảo vệ”, Cleland nói. “Một chút gì đó giống như một cuộc hành hương”.

Theo J.H. White (The Epoch Times)

Hòa Bình biên dịch