Kinh đô Thăng Long tồn tại qua ba triều đại Lý – Trần – Lê, ở mỗi thời kỳ, cùng với lễ, nhạc cung đình luôn được quan tâm cả về hình thức cũng như nội dung, mang nhiều nội hàm sâu sắc, vừa để làm tăng sự uy nghiêm của những lễ nghi cung đình, vừa để giải trí cho vua quan, hoàng tộc. Đương nhiên, tùy theo sắc thái tư tưởng và tình hình xã hội của từng thời kỳ, nhạc vũ cung đình lại mang những diện mạo khác nhau.
Tiếp theo Phần 1
‘Lưng trời tiếng át cả mây bay, hòa sáo vang tràn trề mọi chốn’
Đại Việt Sử Ký Toàn thư chép:
“Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 19 (1028), tháng 6, lấy ngày sinh của vua làm tết Thiên Thánh, dùng tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở sân rồng, chế thành 5 ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng Trường Thọ Sơn, đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt Bạch Hạc Sơn, trên núi làm hình chim bay thú chạy, sườn núi lại làm rồng thần quấn quanh, cắm tinh kỳ, treo vàng ngọc xen kẽ, sai nhạc công thổi kèn thổi sáo, dâng lời ca tấu điệu múa để làm vui, rồi ban yến cho quần thần“.
Văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh 崇嚴延聖寺碑銘 kể:
“Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7 (1116), vua đi tuần phương nam, đến châu Ái thuyền rồng đậu lại, loan trượng tạm dừng, cờ xí rực trời, vũ vệ lòa mây, hội họp chư hầu, sắp xếp tân khách. Múa Phong tuyết bảy điệu phô bày vẻ đẹp, tấu Hàm Thiều sáu khúc tiếng nhạc rền trời“.
Mùa đông tháng 10 năm 1120 triều đình đắp đàn Chúng Tiên mở hội lớn mừng đất nước thịnh trị. Lễ hội tưng bừng này được văn bia Sùng Thiện Diên Linh ghi lại như sau:
“Thềm trên chính vị, thánh thượng ngồi nghiêm chắp tay; bậc giữa tầm thường, tiên kỹ quanh vòng xúm xít. Nhạc quan đứng sắp dưới sân, thảy đều nhảy múa. Ráng sức thiên tài làm nên diệu khúc; vỗ về phiên thuộc về lại ấp Phong[8]. Lưng trời tiếng át cả mây bay; hòa sáo vang tràn trề mọi chốn”.
Lại ở niên hiệu Thiên Phù Duệ vũ năm thứ tư (1123) vào dịp sinh nhật vua, triều đình cho làm loại nhà múa có bánh đẩy, rồi sai cung nữ múa trên đó, đẩy vòng quanh để dâng rượu v.v…
Nhạc Phật được tôn sùng
Do Phật giáo ở thời Lý rất phát triển, vua tôi nhà Lý đều sùng Phật nên trong cung đình thời Lý âm nhạc Phật giáo cũng rất được ưa chuộng.
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:
“Niên hiệu Minh đạo năm thứ 3 đời vua Thái tông (1044), mùa thu tháng bảy, đánh Chiêm Thành, vua đem quân vào thành Phật Thệ, bắt thê thiếp của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên”.
Khúc điệu Tây Thiên ở đây chính là nhạc vũ Phật giáo Ấn Độ, hành động tìm bắt các cung nữ giỏi múa hát khúc điệu Tây Thiên của vua nhà Lý cho thấy nhu cầu về nhạc vũ Phật giáo là có thực trong cung đình nhà Lý bấy giờ.
Bia Sùng Thiện Diên Linh còn cho biết vua Nhân tông nhà Lý kết hợp âm nhạc thời Đường với âm nhạc Phật giáo (樂普和唐梵同音 Nhạc phổ hòa Đường – Phạn đồng âm). Nhạc vũ Phật giáo thường xuyên được cung đình sử dụng trong các dịp lễ Phật hoặc khánh thành chùa tháp.
Niên hiệu Long Phù năm thứ 5 (1105) sửa xong chùa Diên Hựu, vua Nhân tông cho mở lễ hội tắm Phật rồi đặt thành lệ thường hàng năm, trong nghi lễ có sử dụng các điệu múa của nhà Phật, người múa được hóa trang thành Ngũ chúng gồm Tỳ khưu, Tỳ khưu ny, Thức xoa ma na ny, Sa di, Sa di ni, và đội Tứ Thiên vương gồm Trì quốc thiên vương, Tăng trưởng thiên vương, Quảng mục thiên vương, Đa văn thiên vương.
Bia Sùng Thiện Diên Linh có cho biết đôi chút về cách múa này:
“Trang điểm tướng tinh cấm thành Ngũ chúng, hoặc hở thân tiến lui rất uy nghi; Tạo đội ngũ Thiên vương ở bốn phương, nâng ngang pháp khí vòng vèo múa”, có thể thấy cách múa này mang đậm màu sắc Ấn Độ. Ngoài ra văn bia còn cho biết, sau khi tháp Sùng Thiện Diên Linh làm xong, lễ hội khánh thành diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia biểu diễn của các nhạc kỹ:
“Hội tăng ni trai khiết; diễn Giác Đế[9] chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ; Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng bánh múa ca”.
Tạp kịch đã phát triển
Đặc biệt trong cung đình nhà Lý bấy giờ còn có tạp kịch.
Việt sử lược chép:
Đời vua Cao tông, vào niên hiệu Trinh Phù năm thứ 7 (1182) lấy Đỗ An Thuận làm Thái sư phụ chính. Người bấy giờ đều sợ uy An Thuận, phàm có người có việc kiện tụng mà tư lại bắt không được, An Thuận sai Cân xa nhi đi bắt thì người ấy đến ngay. Bấy giờ có phường tuồng diễn trò, một người [đóng] là Hình bộ Thượng thư sai tư lại đi bắt một kẻ để bỏ ngục mà nó không đến, bèn nói: “Sao mày không xưng là Cân xa nhi của quan Thái sư? Nếu nói như thế thì bắt được”.
Tư liệu đã cho thấy hình thức diễn xướng này rất gần với lối tạp kịch phổ biến ở thời Tống, màn diễn thường gồm hai nhân vật đối đáp nhau pha trò cười mua vui cho người xem .
Dấu ấn nhạc vũ Chiêm Thành
Ngoài ra, nhạc vũ Chiêm Thành cũng là loại âm nhạc được vua quan hoàng tộc nhà Lý ưa thích. Toàn thư chép:
“Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 2 (1060), vuaThánh tông cho phiên dịch nhạc khúc của Chiêm Thành và âm điệu tiết cổ, sai nhạc công hát. Lại vào mùa thu năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất đời vua Cao tông (1202), sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là âm điệu Chiêm Thành, tiếng nhạc trong trẻo ai oán buồn rầu, người nghe phải rơi lệ.
Việt sử lược chép kỹ hơn:
“Niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất (1202), mùa đông tháng 10, Vua ngự ra hành cung Hải Thanh, đêm nào vua cũng sai nhạc công gảy đàn Bà lỗ và hát khúc hát theo điệu Chiêm Thành, tiếng ai oán thảm thiết, tả hữu nghe hát đều rơi nước mắt”.
Ở thời Lý, có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng, vai trò của các vị vua và đại thần là rất lớn đối với sự phát triển mạnh mẽ của nhạc vũ cung đình.
Trong đó vua Nhân tông, vị vua thứ tư nhà Lý là người có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển này. Có thể nói đối với sự hưng thịnh của nhạc vũ cung đình thời Lý, vai trò của đức vua không kém vai trò của vua Minh Hoàng đối với nhạc vũ nhà Đường[10].
Toàn thư cho biết vua là người thông âm luật, có chế tác ca nhạc. Việt sử lược cũng chép:
“Ngài rất giỏi về âm luật, những ca khúc mà nhạc công tập đều do vua trước tác“.
Văn bia Sùng Thiện Diên Linh ca ngợi tài năng âm nhạc của ngài đồng thời có ghi lại hai sáng tác của ngài như sau:
“[Vua] tinh tường âm hưởng nước ngoài; hiểu rõ các nghề diễn xướng. Chế ra khúc múa tuyệt vời để tỏ rõ sự “đồng lạc” ở đời thịnh. Lại chế khúc Giáng vân tiên tử (降雲仙子 Tiên tử xuống mây), tiếng hát véo von, ngợi ca công lớn của thánh chúa hiền minh; và điệu Xuất liên bảo vụ (出連寶婺 Sao băng) mềm mại xoay vòng, để mừng nền giáo hóa tốt đẹp vô cùng nhân ái”.
Đặc biệt văn bia còn cho biết vua là người chủ chương kết hợp âm nhạc thời Đường và âm nhạc Phật giáo trong các chương trình diễn xướng cung đình, có lẽ đó chính là yếu tố quan trọng khiến cho nhạc vũ thời kỳ này vừa phong phú vừa đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Chỉ tiếc rằng, ngoài những ghi chép kể trên của sử sách, tất cả đến nay đều đã thất truyền.
Vua Thánh tông – vị vua thứ ba của triều Lý cũng là người được sử sách ghi nhận là thông kinh truyện, sành âm luật.
Vua từng đích thân phiên nhạc khúc của Chiêm Thành và âm điệu tiết cổ, rồi sai nhạc công hát
Ngoài ra có một nhân vật khá đặc biệt ở thời Lý có đóng góp cho nền nhạc vũ cung đình cần phải kể đến nữa là Hoạn quan Đỗ Anh Vũ .
Văn bia Cự Việt quốc thái úy Lý công thạch bi minh (bia mộ của Đỗ Anh Vũ) cho biết ông là người có phong tư thanh khiết, vẻ mặt sáng sủa, múa giỏi hát hay, từng được vua Nhân tông yêu quý cho tuyển vào ban Thượng Lâm đệ tử từ khi mới lên 8 tuổi.
Xuất thân hát xướng rồi về sau trở thành đại thần đầu triều, lại ở vào thời kỳ nhạc vũ cung đình được quốc vương quan tâm phát triển, chắc chắn Đỗ Anh Vũ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhạc vũ cung đình.
Văn bia này còn ghi lại tài năng nhạc vũ của ông như sau:
“Thái úy cầm rìu thuẫn mà múa trên nệm gấm, hát khúc Hồi phong mà lả lướt liễu mềm, khách khứa không ai không chú ý xem”.
Từ những tư liệu đã dẫn ở trên có thể phác ra đôi nét tóm lược về tình hình nhạc vũ cung đình thời Lý:
Ở thời Lý, tổ chức nhạc vũ cung đình được mô phỏng cách tổ chức của thời Đường với Thái thường tự chuyên trách lễ nhạc trong cung đình; Giáo phường chuyên thu thập, truyền tập nhạc vũ dân gian và Thượng lâm đệ tử – nơi đào tạo trình diễn nhạc vũ trong cung. Đội ngũ nhạc công nhạc kỹ trong triều đình có thể lên tới vài trăm người. Những cuộc biểu diễn mà “tiếng hát át cả mây bay” và “tiếng sáo vang lừng mọi chốn”, cho thấy số người tham gia biểu diễn và quy mô chương trình diễn xướng là không nhỏ.
Chú thích:
[8]Ấp Phong: ấp của Chu Văn Vương khi chưa lên ngôi. Tác giả dùng điển cố này để chỉ nơi xa xôi hẻo lánh
[9]Giác đế: Chỉ Đức Phật.
[10] Ở Trung Quốc, Đường Minh Hoàng được Giáo phường thờ làm Tổ sư.
Hết phần 2. Mời độc giả đón đọc tiếp phần 3.
Ngọc Yến