Đoạt ngai vàng một cách êm thấm từ tay nhà Lý, nhà Trần lên ngôi kế thừa nguyên vẹn thành tựu văn hóa triều trước. Vì vậy, nhìn chung, xu thế phát triển và chỉnh thể nền nhạc vũ cho đến thời Trần là sự kế thừa và phát triển nền nhạc vũ trước đó, với những nét sắc sảo của riêng mình…
Bài nghiên cứu chuyên sâu của tác giả Ngọc Yến – Viện Hán Nôm
Tiếp theo Phần 1
Tuồng tích cổ
Ở thời Trần loại hình tuồng tích cổ (古傳戲cổ truyện hý) vốn là hình thức tạp kịch rất phổ biến vào thời Nguyên bắt đầu được du nhập vào nước ta.
Toàn thư có chép một tư liệu rất hay về chuyện này, đó là vào niên hiệu Đại Trị năm thứ 5 (1362), “Mùa xuân tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu công chúa dâng các trò tạp hý 雜戲 , vua duyệt định trò nào hay thì thưởng cho”.
Đồng thời chú rằng: “Trước kia, khi đánh Toa Đô, bắt được con hát là Lý Nguyên Cát rất giỏi hát. Bọn nô tỳ trẻ trong các nhà thế gia tập hát theo lối Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng tích cổ, có các tích như Tây phương Vương mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng có các tên gọi như Quan nhân 官人 , Chu tử 朱子 , Đán nương 旦娘 , Sửu丑, nô 奴 v.v…, gồm 12 người, mặc cẩm bào, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, gõ phím náo nhiệt […], thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui, nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đó“.
Tư liệu quý giá này không chỉ cho biết thời điểm nghệ thuật tạp kịch thời Nguyên được truyền sang nước ta, mà còn cho biết khá rõ hình thức biểu diễn này lúc đầu được các gia nô trong gia đình quý tộc tập theo biểu diễn cho gia chủ xem, rồi dần hình thành ban gia nhạc có các vở diễn riêng.
Vở diễn được chia theo màn lớp (thay đổi nhau ra vào), với nhiều vai diễn khác nhau, diễn xuất thuần thục, nội dung lôi cuốn, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Sách Lịch sử con hát dẫn rằng: Vương Ký Đức đời Minh trong Khúc luật, Cước sắc từng nói “Nam hý hiện nay có Chính sinh, Cân sinh, Chính đán, Thiếp đán, Lão đán, Tiểu đán, Ngoại, Mạt, Tịnh, Vũ, Sửu, Tiểu sửu, cộng mười hai người“.
Như vậy tạp kịch được biểu diễn tại nước ta là theo dòng Nam hý 南戲 , cũng gồm 12 người, gọi là Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Sửu, Nô v.v… Toàn thư không cho biết đủ cả 12 tên gọi và tên gọi có hơi khác so với tư liệu trong Lịch sử con hát, song có thể nhận thấy ở đây phần nào dấu ấn cách gọi diễn viên của hý kịch Trung Quốc.
Tư liệu sách Lịch sử con hát dẫn là tư liệu thời Minh, có thể cách gọi này đến thời Minh đã diễn biến khác đi so với thời Nguyên, ở nước ta bảo lưu được cách gọi cổ hơn, hoặc cũng có thể khi sang nước ta đã được đổi gọi khác đi.
Trần Nhật Duật – nhân vật lịch sử kiêu dũng tài hoa với những đóng góp lớn cho nhạc vũ cung đình thời Trần
Cũng tư liệu từ Toàn thư cho biết, ngay sau khi được du nhập, tuồng tích đã trở thành loại hình nghệ thuật rất được giới quý tộc ưa chuộng. Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật thường xuyên mở rạp hát tuồng trong nhà. Mẹ của Dương Nhật Lễ[9] từng được gọi là Vương Mẫu vì nổi tiếng trong vai diễn này.
Ở thời Trần, Tá thánh Thái sư Chiêu Minh vương Trần Nhật Duật – con trai vua Thái tông, em ruột vua Thánh tông nhà Trần – là một nhân vật có nhiều đóng góp cho nhạc vũ cung đình, đặc biệt là nghệ thuật tuồng tích.
Toàn thư chép về Nhật Duật dưới hình ảnh một nhân vật kiêu dũng, thông minh, tài hoa, và có cho biết “Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do Nhật Duật sáng tác. […]
Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở rạp hát tuồng”.
Tương truyền ông là người truyền tập lối múa Bát dật có từ thời Tây Chu, với 64 người múa, chỉ dùng vào những dịp đại lễ trong cung đình[10].
Hiện ở Thanh Hóa còn lưu truyền những trò diễn cổ mang dấu ấn cung đình, chẳng hạn như trò Lăng ba khúc vốn là một vũ khúc nổi tiếng ở thời Đường. Phải chăng do Trần Nhật Duật từng trấn giữ Thanh Hóa và thê thiếp của ông đều là người Thanh Hóa mà nhạc vũ cung đình được lưu truyền tại đây?
Thời Trần cho đến thời kỳ trị vì của vua Dụ tông, các nhà Nho được trọng dụng hơn, bắt đầu chú ý đến việc điều chỉnh lễ nhạc cung đình theo chuẩn mực của Nho gia.
Tuy nhiên điều này cũng chưa được triều đình hoàn toàn ủng hộ. Năm 1370, Nghệ tông Trần Phủ lên ngôi kế vị Dụ tông, trước tình hình lễ nhạc cung đình bị sửa đổi quá nhiều, đức vua đã phải ban lệnh : Mọi công việc đều theo lệ cũ đời Khai Thái[11]. Và bực bội than rằng: “Triều trước dựng nước có luật pháp chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358 – 1369), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương… thật không kể xiết“.
Bởi thế chính sự đầu thời Nghệ tông đều theo đúng đời Khai Thái.
Tuy nhiên tư tưởng Nho gia về lý luận âm nhạc và vai trò của âm nhạc trong chính sự vẫn in đậm trong hai bài phú cuối thời Trần là Quan Chu nhạc phú觀周樂賦 và Hoàng chung vạn sự căn bản phú 黃鍾萬事根本賦 .
Nhạc luật Hoàng Chung
Hoàng chung vạn sự căn bản phú viết về nhạc luật Hoàng chung và coi đây là gốc của chính sự. Luật Hoàng chung là luật đầu tiên của Thập nhị luật theo lý luận âm nhạc cổ điển Trung Quốc, là âm cơ bản, âm gốc dùng để định trường độ của âm thanh.
Bài phú nhấn mạnh vai trò của âm nhạc trong cai trị, coi âm nhạc là gốc của chính sự. Tư liệu này không chỉ thể hiện quan điểm về âm nhạc của Nho gia mà còn cho thấy sự am hiểu nhạc luật cổ điển của trí thức thời Trần lúc bấy giờ.
Nhã nhạc cung đình, hòa trăm họ để cảm thần thông
Quan Chu nhạc phú cũng cùng một tinh thần như vậy với những câu:
“Xét âm nhạc mà biết chính sự. Thế mới biết, lấy đức xem nhạc, hiền giả ra công; Ngoài nhạc tìm đức, thế tục ai thông. […]. Ngày nay, vua trên thánh triết, vận nước hanh thông, chế độ hưng thịnh, ổn định thành công. Bỏ nhạc dâm để dùng nhã nhạc, hòa trăm họ để cảm thần thông.”
Qua đó có thể thấy quan niệm chỉ dùng chính nhạc không dùng dâm nhạc[12] của Nho gia bắt đầu được chú ý từ thời kỳ này, thể hiện rõ tư tưởng coi nhạc là công cụ để giáo hóa.
Tư tưởng này sang đến thời Lê đã trở thành tư tưởng chủ đạo khi sửa định lễ nhạc, điều đó khiến cho nhạc vũ cung đình từ thời Lê sơ bắt đầu mang một diện mạo mới.
Nhìn chung, nhạc vũ cung đình thời Lý – Trần phát triển khá rực rỡ với đầy dủ các loại hình ca, múa, nhạc và sân khấu cùng với nhiều thể loại nhạc cụ. Có nhiều dấu vết cho thấy sự tiếp thu nhạc vũ Trung Hoa – loại nhạc vũ được du nhập, bảo lưu ở nước ta từ thời Bắc thuộc và phần nào đã được Việt hóa – trong đó bao gồm cả nhạc vũ Đạo giáo và Phật giáo.
Phạm Đình Hổ sau khi bàn về lịch sử âm nhạc Trung quốc cũng cho rằng, “Thời Lý – Trần, quốc nhạc cũng truyền tập theo nhạc ấy (chỉ nhạc vũ Trung Hoa)”. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của nhạc vũ Chiêm Thành và chưa bị gò bó nhiều vào lễ giáo Nho gia.
Nhạc cụ cung đình thời Lý – Trần đã khá hoàn thiện, không khác nhiều so với thời kỳ sau. Nhạc khúc phong phú, tiếng Việt được sử dụng để sáng tác ca từ phổ vào nhạc khúc.
Đặc biệt lối múa thời Lý – Trần còn cho thấy bấy giờ có những vũ điệu độc lập chỉ thuần túy biểu hiện vẻ đẹp thông qua hình thể và tư thế động tác của con người, với những vũ công để trần và vũ nữ ăn mặc không quá kín đáo, điều không thể thấy được trong nhạc vũ cung đình các đời sau.
Nghệ thuật tuồng tích du nhập, được ưa thích và được phát triển nhờ vai trò của vua quan quý tộc nhà Trần.
Còn tiếp
Chú giải:
[9] Nhật Lễ về danh nghĩa là con của Cung Túc Vương – tôn thất nhà Trần. Song thực chất, mẹ Nhật Lễ lấy Cung Túc vương khi đã có mang với một kép hát. Năm 1369 vua Dụ Tông băng hà, Nhật Lễ được đón lên làm vua, được một năm thì bị phế làm Hôn Đức công.
[10] Nhiều ý kiến cho rằng múa Bài bông của giáo phường ca trù được hình thành từ múa Bát dật
[11] Niên hiệu của vua Minh tông nhà Trần, từ 1324 đến 1329
[12] Cách Nho gia gọi âm nhạc không chính thống, nhạc dân dã.