Trong cuốn sách kinh điển có tên gọi là Nam Hoa kinh do Trang Tử viết từ thời Chiến Quốc có ẩn chứa rất nhiều những triết lí thâm sâu mà người đời sau mãi mãi luận bàn. Đó không chỉ là áng văn chương thể hiện tài năng nghệ thuật mà đọc Nam Hoa kinh ta hiểu cách cân bằng cuộc sống để tâm thân thanh thản, cân bằng được tinh thần và lạc quan hơn.

Tiếp theo Phần 1

Nàng Lệ Cơ là con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngải. Khi vua Hiến Tông nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới uớt đẫm vạt áo, nhưng về tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mĩ vị, nàng hối hận giọt lệ ngày xưa. Vậy làm sao tôi biết được khi chết rồi, người ta lại không ân hận rằng trước kia ham sống?

Mọi vật đều biến đổi không ngừng, có khi lúc này ta cho là tốt nhưng một lúc nào đó nó lại là sai. Nói người giàu là sướng chưa hẳn đã là tốt và nói người nghèo khổ kia là khổ cũng chưa hẳn đã là họ khổ, bởi tính tương đối và các tầng thứ biến thiên của sự việc là khác nhau. Mức độ đánh giá cũng khác nhau.

Nàng Lệ Cơ khi phải xa cha mẹ thì khóc mướt, nhưng về nhà chồng rồi, lại thấy sung sướng mà ân hận rằng trước kia đã khóc. Cho nên chỉ người phàm mới lao tâm khổ tứ vì thị phi, còn thánh nhân thì thấu hiểu bản chất và cái quan hệ nhân duyên sâu xa phía sau, bậc giác giả thì tận thấu đạo lí của từng tầng không gian vũ trụ mà coi nhẹ hết thảy.

Đời con người như mộng ảo, chớp mắt qua đi một kiếp người

Vạn vật không ngừng biến đổi, con người cũng nằm trong cái guồng biến đổi không ngừng nghỉ của tạo hóa. Trang tử cho rằng:

‘‘Có người nằm mộng thấy được uống rượu ăn tiệc, tỉnh dậy tiếc mà khóc; lại có người nằm mộng thấy mình khóc rồi thức vậy vui như đi săn. Mà hai hạng người đó trong khi nằm mộng không biết rằng mình nằm mộng, đôi khi nằm mộng thấy rằng mình nằm mộng, tới khi tỉnh mới biết rằng mình nằm mộng. Và chỉ khi nào đại giác (tỉnh lớn) mới biết rằng đã qua một “đại mộng” (giấc mộng lớn). Bọn ngu tự cho mình là tỉnh khi coi vua là quý, còn kẻ chăn trâu là hèn. Thật là cố chấp!

(Ảnh: Pinterest.com)

Khổng Khâu với anh đều là nằm mộng hết. Mà tôi bảo anh là nằm mộng, thì chính tôi cũng nằm mộng nữa. Những lời đó người thường cho là quái dị, nhưng một vạn năm về sau sẽ có một đại thánh nhân hiểu được. Thời gian đó không dài gì chỉ như từ sáng tới chiều thôi’’

Hay ngay cả bản thân Trang Chu cũng mộng, ông mộng hóa bướm hay bướm mộng thấy nó hóa Trang Chu, Trường Ngô tử bảo bạn là Cồ Thước: đời chỉ là giấc mộng lớn. Quả thực là như vậy, đời con người chỉ là một giấc mộng. Vậy cớ chi mà ta tự tạo cho mình cơn ác mộng. Khi lao vào vòng xoáy của đời mà tranh đấu thiệt hơn, vì cái đúng cái sai mà thị phi buồn khổ. Vậy tại sao không dệt mộng bình thường. Và Trang Chu đã giảng: “Cho nên thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một, mà theo luật tự nhiên’’. Phải chăng con người muốn bình thản và tự tại hơn trong cuộc sống thì phải biết dung hòa với mọi sự.

Ở đây ông cũng đưa ra một dự ngôn về sự xuất hiện một đại thánh nhân sau một vạn năm kể từ thời của ông. Người đó sẽ hiểu tận thấu được sự vô biên vô tế. Vị đại thánh nhân đó sẽ mở con đường thoát mê cho nhân loại, truyền pháp mà ai đắc được đều là người chân chính tỉnh mộng mà nắm được chân pháp tối hậu của vũ trụ. Phải chăng bản thân Trang Chu lúc này có phần hối tiếc vì sự xuất hiện của vị đại thánh nhân ấy không nằm trong thời của ông, nên ông ngỡ tưởng rằng mình là tỉnh nhưng thực chất cũng là mê trong cái mê của vĩnh hằng.

“Thánh nhân bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung”

Ông đưa ra chuẩn mực để trở thành một bậc thánh nhân, trước tiên phải vứt bỏ được cái bản ngã của chính mình, những định kiến và những quan điểm cá nhân của mình. Sau đó trong đời sống phải chân chính phân biệt được thị phi nhân ngã, dung hòa hết thảy với vạn vật, thừa nhận sự tồn tại của lí tương sinh tương khắc mà trung dung với nó, tự nhiên đạt được sự tự tại thong dong.

Tranh đấu và mâu thuẫn không giải quyết được vấn đề

Tranh đấu chỉ làm tăng thêm sự phức tạp và bài xích. 
Trang tử lấy lí giải về vũ trụ ở tiểu thiên 9:

“Xưa mười mặt trời cùng xuất hiện, chiếu sáng vạn vật. Sự chiếu sáng của đạo đức không hơn sự chiếu sáng của mặt trời ư?.

Từ đây ông ngầm đưa ra cho chúng ta bài học: không nên tranh biện thắng thua. Bởi biện luận của người này, người kia cũng chỉ là một góc nhìn của cá nhân đó. Hoàn toàn là thấy được một khía cạnh của sự tình mà chẳng thấy được bao quát nó là gì. Ông cho rằng:

‘‘Đạo không có giới hạn mà ngôn ngữ thì không chắc chắn. Đạo thì không phân biệt cái này cái kia, do ngôn ngữ mới có sự phân biệt. Nhưng sau mỗi cái phân biệt, có một cái gì không phân biệt được, sau mỗi cái biện luận, có một cái gì không biện luận được’’.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Vậy cớ chi mà ta đi tranh biện, phải chăng trong tâm muốn thắng người. Đây có phải là sự tranh đấu mà mệt tâm khổ sức không? Trong tranh biện khi bất đồng quan điểm liền bài xích nhau, rèm pha nhau, tạo thi phi để rồi lại tự cuốn mình vào trong cái mớ tơ vò do tự mình tạo ra mà lại không hiểu được rằng không thể thắng ai bằng cách đó được.

Hai bên đều đưa thiên kiến của mình ra mà không chịu nghe lí luận của người kia, tự mình đang phong bế và hạn cuộc suy nghĩ của mình trong cái khuôn do mình tự vạch, thì cuộc tranh biện đó có khác chi là tranh biện với người điếc?

Trong cuộc tranh luận đôi khi lời nói của một người nào đó làm cho người kia không nói lại, đó cũng không phải là đã biết được thắng thua hay đúng sai. Ông viết:

‘‘Giả sử tôi tranh biện với anh mà anh thắng tôi thì có nhất định là anh phải, tôi trái không? Nếu tôi thắng anh thì có nhất định là tôi phải, anh trái không? Trong chúng ta có một người phải, một người trái?

Hay cả hai chúng ta đều phải cả hoặc đều trái cả? Anh và tôi làm sao biết được điều đó? Mà một người thứ ba nào khác thì cũng hồ đồ không biết được, lựa ai sáng suốt làm trọng tài đây? Hỏi một người cùng một ý kiến với anh, thì người đó do lẽ cùng ý kiến với anh, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người cùng ý kiến với tôi thì người này do lẽ cùng ý kiến với tôi, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người ý kiến khác cả tôi lẫn anh, hoặc giống cả tôi lẫn anh thì cũng làm sao phán đoán được? Vậy anh, tôi và người thứ ba đó đều không quyết được ai phải, ai trái. Có nên đợi một người thứ tư nữa không’’

Ở đây ông đưa ra việc tranh biện hay đấu tranh đúng sai thiệt hơn trong cuộc sống không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho chân lí bị mờ đi bởi những kiến giải nhỏ bé cá nhân. Nên ông nói:

“Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mĩ, phù phiếm che lấp. Do đó mà phái Nho, phái Mặc tranh biện với nhau. Cái gì phái này cho là phải thì phái kia cho là trái; cái gì phái này cho là trái thì phái kia cho là phải. “Đừng chống đối nữa, đó là cái “chốt” của Đạo. Cái chốt đó ở trung tâm cho nên ứng với các biến hoá vô cùng”.

Ở thiên này Trang tử đưa ra rất nhiều luận điểm cùng với những lí giải rất sâu sắc. Ông nói từ lớn tới nhỏ, từ vũ trụ mà nói tới con người. Rồi cách nhìn nhận của ông từ cao xuống thấp. Để rồi cuối cùng ông đưa ra luận điểm: Đại Đạo là vô hình mà vạn sự vạn vật lại nằm trong Đạo, bởi vậy mà có biến hóa không ngừng, vậy cớ chi mà tranh đấu, biện luận để rồi bài xích và tự mang định kiến cá nhân hạn hẹp mà lí giải cho Đại Đạo rộng lớn mênh mông. Khi con người hiểu được gốc rễ sâu xa sự hình thành và biến hóa của vạn sự vạn vật thì lúc đó con người đang nằm trong Đạo mà nhìn.

Xét tới nhân loại thời hiện đại thì thấy rằng, ngày nay con người đang bị khoa học đóng khung nhận thức của mình. Hễ có sự tình gì liền đem khoa học ra giải thích, giải thích không được thì gọi nó là yếu tố thần học… Cái gì đang hạn cuộc trí tuệ con người? phải chăng là do tâm Đạo của con người đang bị chính những tư tưởng định kiến bài xích mà tự mình làm mình mê trong cái mê mà không chịu tỉnh? Câu hỏi đó cứ mãi còn để ngỏ.

Tịnh Tâm