Lapo Giannini và Michiko Kuwata dùng sự tỉ mỉ, cẩn thận, hiểu sách, yêu sách cùng với niềm mong ước “Sáng tạo nhưng vẫn lưu giữ được quá khứ” để thành lập nên AtelierGK Firenze vào năm 2010 ở Florence, Ý.

Công việc đóng sách là một truyền thống lâu đời trong gia đình Lapo Giannini, được tổ tiên truyền lại sáu đời. Michiko Kuwata sinh ra ở Tokyo, cô làm trong nghề bảo quản sách cũng đã hơn 16 năm. Năm 2010, Lapo và Michiko quyết định cùng nhau mở một cửa hàng riêng về phục chế và đóng sách ở Florence, Italy. Khách hàng của cửa hàng chủ yếu đến từ Mỹ, ví dụ như New York, San Francisco, Anh và Pháp.

Ở AtelierGK, cả hai đều sử dụng các kỹ thuật truyền thống để đóng sách, máy ép gỗ từ hồi thế kỷ 19 được đưa vào sử dụng, cùng với các loại máy móc thủ công như máy cắt và máy ép kim loại loại lớn từ những năm 1960. Có một điều rất thú vị, khi bước vào cửa hàng, bạn có thể nghe thấy những âm thanh rất nhỏ của tiếng giấy bị rọc, hoặc âm thanh từ những loại máy cầm tay, bạn sẽ nhận ra những âm thanh này nhẹ và êm tai hơn rất nhiều so với những loại máy cơ hiện đại khác.

truyền thống thủ công
Phía trước là hai máy ép gỗ, dùng cho các công việc chi tiết trên gáy sách từ thế kỷ 19; phía sau là máy ép kim loại từ năm 1960 (Ảnh: Epoch Times)

AtelierGK chuyên về đóng sách và bảo tồn sách, bên cạnh các kỹ thuật đóng sách truyền thống, Giannini và Kuwata cũng mở rộng thêm các sản phẩm, như ống đựng bút bằng da, giá đựng thư, hộp da được lót bằng đá cẩm thạch hoặc bằng da v.v.

Theo Giannini và Kuwata, đây là sự cân bằng, hài hòa đối với các thợ thủ công, vừa có thể đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao tay nghề nhưng cũng không làm mai một đi các kỹ năng thủ công truyền thống.

truyền thống thủ công
Một số mẫu hộp da đựng đồng hồ, hoặc nữ trang (Ảnh: AtelierGK Firenze)
truyền thống thủ công
Hộp đựng sách chế tác từ gỗ, các chi tiết gia cố bằng bìa cứng, hai mặt dùng da dê vùng Tuscan (Ảnh: AtelierGK Firenze)

Thời báo Epoch Times đã có buổi trò chuyện với Lapo Giannini và Michiko Kuwata, họ chia sẻ về công việc cũng như các kỹ thuật bảo tồn và đóng sách truyền thống.

Báo Epoch Times: Các bạn nghĩ như nào về việc cần phải bảo tồn kỹ thuật đóng sách truyền thống?

Lapo Giannini: Bởi đó là một phần của lịch sử và nền văn hóa con người chúng ta. Tôi nghĩ rằng các kỹ thuật đóng sách, kỹ thuật làm giấy và in ấn đều là các “di sản” mà tổ tiên để lại cho chúng ta sau này. Mà nếu đó đã là một phần lịch sử thì chúng ta cần phải có trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ những kỹ thuật ấy.

Báo Epoch Times: Đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn trọng, và hơn hết là tình yêu đối với sách. Vậy duyên cớ gì đã đưa hai người đến với công việc này?

Michiko Kuwata: Thật ra, hồi đầu, tôi học về lĩnh vực phục hồi sách. Nhưng sau đó, tôi nghĩ nếu tôi muốn phục hồi sách tốt, thì tôi phải biết cách tạo ra một cuốn sách là như thế nào. Sau đó, tôi bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về cách đóng sách. Về sau, tôi theo học ở trường tư về phục hồi sách ở Florence, sau đó tôi làm việc ở phòng bảo tồn của Thư viện Trung tâm Quốc gia Florence.

Sau khi nghỉ việc ở Thư viện, tôi bắt đầu phục hồi sách ở một studio cá nhân trong vòng hai năm cho đến khi ông chủ buộc phải đóng cửa do tình hình kinh tế. Tôi tìm được một công việc khác, và Lapo là một trong những người chủ ở đó.

Tôi vẫn luôn muốn tự mở cho mình một cửa hàng riêng. Lapo cũng có ý nghĩ như thế nên chúng tôi đã cùng hợp tác và mở ra AtelierGK.

truyền thống thủ công
Lapo Giannini và Michiko Kuwata (Ảnh: AtelierGK Firenze)

Lapo Giannini: Gia đình tôi có truyền thống đóng sách từ năm 1856, tính đến nay đã hơn 150 năm, vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được bố mẹ cho làm quen với công việc này. Đầu tiên, tôi học đóng sách từ bố mẹ, sau đó tôi đến Ascona, Thụy Sĩ theo học trường quốc tế đào tạo về lĩnh vực đóng sách.

Tuy nhiên ở Ý không có các cuộc thi đóng sách nghệ thuật, do đó nếu chúng tôi muốn dự thi, buộc phải bay sang nước ngoài, ví dụ như Anh hoặc Pháp.

Trên thực tế, nghề đóng sách truyền thống đang dần bị mai một ở Ý, trong khi đó ở các nước như Thụy Sĩ, Anh, Pháp thì lại rất được coi trọng. Đó cũng chính là lý do vì sao phần lớn khách hàng của chúng tôi là du khách chứ không phải người dân bản địa.

Thực ra thì không chỉ trong lĩnh vực của chúng tôi, mà với các lĩnh vực nghệ thuật thủ công khác, người Ý dần không còn coi trọng nữa. Vì thế thay vì cố gắng bảo tồn và nâng cao kỹ năng, họ chỉ làm hoặc bán những vật phẩm chung chung cho du khách.

Khi nhắc đến những nghề thủ công, người Ý đều có xu hướng nghĩ đến những mặt hàng được bày bán ngoài chợ, những thứ đồ trẻ con, đơn giản và rẻ tiền. Nhưng hoàn toàn không phải. Tôi thường hay lấy ví dụ thế này, đầu bếp cũng có nhiều cấp độ chuyên nghiệp khác nhau. Có người làm trong những quán ăn nhanh như Mc Donal, cũng có những người là đầu bếp trưởng trong những cửa hàng ăn 3 sao, 5 sao Michelin.

Báo Epoch Times: Mọi người có thể kể về một ví dụ đóng sách không?

Lapo Giannini: Cuốn sách này tôi làm ở Thụy Sĩ vào khoảng năm 1997, đây thật sự là một ví dụ hay về đóng sách nghệ thuật.

truyền thống thủ công
Cuốn sách được đóng nghệ thuật với bìa ngoài từ da dê của Anh, trang trí với những miếng vàng mỏng, bên trong dùng giấy vân cẩm thạch dán lên, mất một tháng để hoàn thành. Cuốn sách có giá lên đến 3000 euro (Ảnh: Epoch Times)

Cuốn sách này được người thợ ban đầu dùng máy đánh chữ Gutenberg (được coi là máy đánh chữ đầu tiên trên thế giới năm 1868). Vì thế chữ được in rất chất lượng, không dễ bị mờ đi, có thể bảo quản trong hàng thế kỷ.

truyền thống thủ công
Lapo Giannini sử dụng một loại máy Gutenberg, các chữ được đặt riêng lẻ vào vị trí trước khi in (Ảnh: Epoch Times)
truyền thống thủ công
Cận cảnh loại máy Gutenberg (Ảnh: Epoch Times)
truyền thống thủ công
Lapo Giannini dùng lực ấn từng chữ in vào da (Ảnh: Epoch Times)

Giấy được cắt bằng tay. Bên cạnh đó, một trong những bước khó nhất chính là dính giấy vào lớp da bên ngoài. Chúng tôi phải cẩn thận để dây dính vào bên trong bìa carton để giữ cho cuốn sống không bị xiêu vẹo.

Cuốn sách mất hơn 4 tuần để hoàn thiện, hai tuần đầu là tạo bìa ngoài, chưa trang trí; hai tuần cuối là trang trí. 4 tuần này là chưa tính đến thời gian kiểm tra cuốn sách và thời gian in ấn.

Báo Epoch Times: Các bạn dùng vật liệu như nào? Thường thì những vật liệu ấy được kiếm như thế nào?

Michiko Kuwata: Giấy in chúng tôi sử dụng đến từ những người thợ in lâu đời nhất ở Florence, họ đã thành lập từ những năm 1901.

Loại giấy vân đá cẩm thạch, do chúng tôi tự tay làm. Nhiều người nghĩ rằng giấy vân cẩm thạch được sáng chế ở Florence, nhưng hoàn toàn không phải. Nó được tạo ra ở Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản, tính đến nay hơn 1000 năm rồi.

truyền thống thủ công
Bìa da được trang trí theo phong cách thời kỳ Phục Hưng, bên cạnh là những dụng cụ thủ công (Ảnh: Epoch Times)

Để làm bìa bọc bên ngoài, chúng tôi thường chọn hai loại thuộc da tự nhiên, thông thường sẽ chọn dùng da thuộc hoặc da lộn của Tuscan. Tuy nhiên nếu khách hàng yêu cầu thì chúng tôi sẽ chọn dùng da dê của Anh. Nhưng vì chúng tôi ở Florence, da của Tuscan là vật liệu tự nhiên truyền thống ở nơi này.

Ở Italy, có rất nhiều loại da thuộc chất lượng cao, nhưng hoàn toàn không phù hợp để làm bìa đóng sách . Những loại da này chỉ thích hợp dùng để túi xách, giày, dép v.v. và cả các đồ gia dụng nội thất. Bởi chúng đã được xử lý qua với hóa chất và sáp để cho ra loại vật liệu chống vết bẩn.

Còn dùng trong đóng sách nghệ thuật thì chúng tôi chọn dùng loại da dê, có độ bền cao, tính đàn hồi và có chất lượng tốt bền hơn. Tuy nhiên ở Ý tìm không ra loại da có chất lượng tốt như thế, chỉ có thể nhập từ Anh về. Về giá cả cũng khác nhau vô cùng. Da dê từ Anh có giá gấp 3 lần da dê Tuscan.

Báo Epoch Times: Có kỷ niệm nào thú vị khi đóng sách hoặc là phục chế sách không?

Michiko Kuwata: Một nhà sưu tầm sách đã mang đến cho tôi cuốn “Metamorphoses” của Ovid, muốn tôi giúp phục chế lại cuốn sách. Đây là tập thơ thiên anh hùng ca chủ yếu kể lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ, nhưng Ovid đã biến chúng thành những câu chuyện phù hợp với sự tinh tế của dân La Mã. Đây là một dự án lớn, rất quan trọng và có độ khó cao, bởi cuốn sách này có kích thước rất bé, bên cạnh đó nó được xuất bản tại Venice năm 1572, cuốn sách ấy vô cùng hiếm.

truyền thống thủ công
Cuốn sách “Metamorphoses” trước khi được phục hồi (Ảnh: Epoch Times)
truyền thống thủ công
Cuốn sách “Metamorphoses” sau khi được phục hồi thành công (Ảnh: Epoch Times)

Đó là một quá trình dài, tôi đã áp dụng rất nhiều các kỹ năng cao cấp. Nó rất chi tiết, rất khó để thuật lại. Tuy nhiên thì bước đầu tiên vẫn là chúng tôi tháo rời cuốn sách ra, kiểm tra từng trang sách, sau đó bắt đầu khôi phục từng trang một. Tùy thuộc vào từng loại sách, loại giấy, cách cấu tạo sẽ tốn từ hai tuần đến vài tháng. Cuốn sách này mất hơn 1 tháng để phục chế, đều phải tăng ca làm cả ngày lẫn đêm.

truyền thống thủ công
Kuwata đang phục hồi cuốn sách hướng dẫn của người thợ may từ những năm 1950, nhằm lưu giữ những kỹ năng cho các thế hệ sau (Ảnh: Epoch Times)

Lapo Giannini và Michiko Kuwata chia sẻ suy nghĩ, sách là di sản quý và đặc biệt những cuốn có giá trị về tri thức, lịch sử càng cực quý nên cần được bảo quản bằng cách này hay cách khác.

Theo epochtimes.com

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||cc2945203__