Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả tiểu thuyết “Nước mắt của những vì sao”, tiểu thuyết giả tưởng mang khuynh hướng thần thoại của tác giả Nam Minh, được đăng đều đặn vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
>> Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 16): Hồi ức về cố hương
Chương 17: Đây cảnh cũ, đâu người xưa?
Thế gian biến đổi mấy mươi năm
Giấc mộng hồng trần theo bóng trăng
Cảnh cũ người xưa giờ đâu tá?
Vũ Nương ngày ấy nơi vĩnh hằng
Ngôi mộ của người phụ nữ tên Vũ Nương nằm trên một khoảng đồi hoang vắng cách làng Mưa không xa. Từ đây, có thể nhìn thấy những mái nhà ẩn hiện trong những tán cây, dòng sông Bạc chạy bao quanh làng, những người nông dân hí húi với đồng ruộng và những đứa trẻ chăn trâu bò ngoài đồng cỏ.
Nơi đây đúng thật là một nơi yên bình, nhưng đã hai mươi năm trôi qua, Vũ Nương năm nào hẳn chỉ còn trong ký ức xa xôi, ngôi mộ từ lâu đã không còn ai chăm sóc, cỏ dại mọc đã cao ngang với tấm bia đá.
Thanh Trúc im lặng nhìn ngôi mộ nằm cô đơn trên quả đồi khô cằn. Có lẽ đã rất lâu rồi không còn ai để ý đến nữa, người thân yêu nhất của chàng khi sống phải trải qua quá nhiều bất hạnh và đau khổ, còn bây giờ thì hoàn toàn chìm trong quên lãng. Chàng vẫn nhớ những ký ức về mẹ. Ngày ấy, mẹ chàng dành tất cả tình yêu cho con, nhưng dù nhận được tình yêu của mẹ, đứa bé vẫn cảm thấy đau buồn và bất hạnh vì không có cha.
Vì thế mà hồi đó chàng thường hỏi mẹ cha ở đâu? Lúc này nhớ lại, chàng thấy tim mình không khỏi đau nhói. Sự ngây thơ của chàng ngày ấy có lẽ càng khắc sâu thêm nỗi bất hạnh và khổ đau của mẹ. Biết đâu cũng vì thế mà người phụ nữ ấy mới ra đi sớm như vậy.
Dù rằng là một người tu Đạo, đã thấu tỏ tình duyên của kiếp người, nhưng trong lòng chàng lúc này vẫn dâng lên một nỗi buồn khó tả.
Thanh Trúc bước tới, nhổ từng cây cỏ dại cho đến khi cỏ được dọn sạch sẽ, ngôi mộ lại hiện ra giữa khoảng đồi yên bình. Rồi chàng quỳ xuống vái ngôi mộ của mẹ chàng ba vái.
– Xin mẹ hãy yên nghỉ!
Sau một lúc trầm ngâm, Thanh Trúc đứng dậy bước vào làng Mưa, thăm lại nơi mà lẽ ra chàng đã thuộc về.
Những người dân làng nhìn chàng với ánh mắt tò mò. Một số người già trong làng thì tỏ vẻ băn khoăn.
– Người thanh niên này trông quen quen!
Một người đàn ông râu tóc đã hoa râm nhận xét, nhưng ông ta không tài nào nhớ ra thêm được điều gì.
Thanh Trúc thì hoàn toàn không biết một ai, chàng dời làng Mưa khi còn quá nhỏ. Trong ký ức của chàng hầu như chẳng còn gì ngoài hình ảnh về ngôi nhà xưa.
Ngôi nhà nhỏ bé và thân thương đã in đậm trong tâm trí chàng. Chàng nhớ đó là một ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn, có một ô cửa sổ phía đông để đón ánh nắng bình minh. Hồi đó, cứ mỗi buổi sáng thức dậy chàng lại hướng mắt về nơi ấy chờ mặt trời lên. Và rồi khi mặt trời xuất hiện, ánh sáng chiếu vào khiến không gian trong phòng bừng sáng. Khoảnh khắc đó thật diệu kỳ. Sau này, mỗi khi nhớ về ngôi nhà xưa ấy, chàng lại thấy ngôi nhà sáng bừng trong những tia nắng ban mai ấm áp.
– Đại thúc! Xin đại thúc chỉ cho ngôi nhà mà hai mươi năm trước của người phụ nữ tên là Vũ Nương.
Thanh Trúc chắp tay hỏi một ông già cả đang ngồi ngậm tẩu thuốc trên một chiếc chõng tre trước cửa nhà. Người đàn ông thở một hơi thuốc mơ màng rồi đột nhiên giật mình thốt ra hai tiếng “Vũ Nương” và mở mắt nhìn Thanh Trúc vẻ băn khoăn.
– Sao cậu lại hỏi về người phụ nữ tên Vũ Nương?
Thanh Trúc chắp tay:
– Đại thúc! Ta là một người họ hàng xa của dì Vũ Nương.
Người đàn ông nhăn mặt lại lục lọi trong trí nhớ.
– Nhưng ta nhớ không lầm bà ấy đâu có người thân,… nhưng thôi… ngày ấy xa quá rồi… đúng sai đâu còn quan trọng. Cậu đi hết con đường này rẽ trái, ngôi nhà trước ngõ có hàng râm bụt đó.
– Cảm ơn đại thúc!
Thanh Trúc chắp tay cảm ơn, người đàn ông gật gù gật đầu rồi lại ngả người xuống chõng, bắc chân chữ ngũ và phì phèo với chiếc tẩu thuốc.
Thanh Trúc bước theo con đường mà người đàn ông đã chỉ, bỏ qua những ánh mắt tò mò, nghi hoặc của người dân làng Mưa. Một lúc sau, chàng dừng chân trước cổng ngôi nhà có hàng râm rụt trước ngõ. Ngôi nhà xinh đẹp năm nào vẫn còn, nhưng thời gian đã khiến nó trở nên tàn tạ, nước vôi màu trắng đã bay hết, để lộ ra những viên gạch mục và màu ẩm ướt, mái nhà thì lụp xụp, gần như không thể che nắng che mưa được nữa.
– Đúng là ngôi nhà ấy! Thời gian thật khắc nghiệt…
Thanh Trúc thì thào, nhớ lại ngôi nhà xinh đẹp năm nào. Chàng bước qua cổng đi vào ngôi nhà và bất chợt nhìn thấy ở khoảng sân trước nhà có một bé gái chỉ khoảng sáu bảy tuổi đang chơi một mình. Cô bé ngồi lom khom, luôn tay ngắt những cọng rau dại cho vào một chiếc bát nhỏ xíu bằng đất đã được hong khô. Chiếc bát méo mó dị hình được làm bởi một bài tay non nớt, hẳn là cô bé đã làm ra chúng. Bên cạnh đó còn có những chiếc bát khác với những hình thù khác nhau nhưng đều xấu xí như nhau. Trong những chiếc bát ấy có đựng đủ các thứ linh tinh: những viên sỏi, những quả sung dại mọng đỏ, thậm chí có chiếc đặt một viên đất sét được nặn khá vuông vức…
Cô bé đang say sưa chơi trò “bán hàng”, thậm chí còn hát lên một cách đáng yêu:
“Tớ là chú ếch con
Người tớ trông tròn tròn
Tớ thích bờ ao nhỏ
Bơi đi thôi… đi thôi!”
Có tiếng hát véo von của một bé gái vang lên khiến Thanh Trúc cảm thấy nhẹ nhõm và vui tươi. Những âm thanh trong sáng, ngây thơ vang lên đem đến cho chàng một ấn tượng đặc biệt, hồi chàng tầm tuổi cô bé, chưa lần nào chàng có thể cất lên được tiếng hát yêu đời như vậy. Chàng không hiểu tại sao cô bé có thể chơi một mình say sưa đến vậy. “Nếu bây giờ mà là hai mươi năm trước, biết đâu cô bé đã làm đổi thay con người mình rồi”, chàng chợt nghĩ khi nhớ lại hồi đó luôn thấy buồn phiền vì không có cha.
Cô bé lúc này ngừng hát và vời tay níu kéo một vị khách tưởng tượng.
– Này bác! Bác mở hàng cho tôi đi! Hôm nay có rau, có thịt, có cá… tươi và ngon lắm!
Khuôn mặt cô bé tỏ ra thân thiện đúng kiểu của một người bán hàng chuyên nghiệp biết chiều khách. Thanh Trúc nhìn những mặt hàng được bày ra và khâm phục trí tưởng tượng phong phú của cô bé. Nhưng trong lòng chàng cũng dâng lên nỗi chua xót, có lẽ cô bé đã quá quen với sự cô độc rồi nên không còn cảm thấy cô độc nữa.
Đang say sưa với các vị khách hàng tưởng tượng thì bất chợt cô bé nhận ra sự có mặt của một vị khách thực sự, cô bé nhìn Thanh Trúc với đôi mắt ngạc nhiên có pha chút lo lắng và sợ hãi. Thanh Trúc mỉm cười trấn an.
– Chú là một người bạn tốt! Cha mẹ cháu đâu?
Cô bé vẫn nhìn Thanh Trúc với đôi mắt to tròn ngây thơ và nhút nhát. Sau một lúc, cô bé mới cất tiếng nói:
– Cháu không có cha, mẹ… cháu đi làm thuê chưa về…
Thanh Trúc bỗng cảm thấy chua xót, số phận của hai thế hệ con người ở trên cùng một mảnh đất này lại giống nhau đến kì lạ, hai mươi năm trước, chàng cũng là một đứa trẻ mồ côi cha, và không có bạn.
Chàng bước tới, ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng xoa đầu cô bé và đưa cho cô bé một đĩnh năm lượng bạc.
– Hãy bảo với mẹ cháu là một người không quen biết gửi trả năm lượng bạc nhé!
Cô bé tỏ vẻ băn khoăn trong giây lát rồi từ từ đưa tay ra nhận lấy. Thanh Trúc mỉm cười nhẹ nhàng trấn an cô bé rồi đứng dậy bước ra khỏi cổng. Trong tâm chàng lúc này cảm thấy thật nhẹ nhõm.
Nam Minh