Bình sa lạc nhạn là một trong ‘Thập đại danh khúc’ (10 nhạc khúc vĩ đại) của người Trung Hoa. Nó là nỗi lòng của người viễn xứ, nỗi nhớ nhung khao khát, điệu buồn ly thảm. Cánh nhạn nào như cố nhân xa quê. Đó cũng là nhạc khúc gắn liền với cuộc đời của một người đẹp tuyệt thế giai nhân, Vương Chiêu Quân.

Nhắc tới Vương Chiêu Quân, người ta nhớ đến bậc mĩ nhân sắc nước hương trời, chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn. Vẻ đẹp của nàng là cảm hứng của những áng thơ văn bất hủ lưu truyền ngàn đời.

Thế nhưng, hồng nhan thì đa truân, tài hoa thì bạc mệnh. Điều này thật chẳng sai với số phận của nàng Vương Chiêu Quân. Nhan sắc bị tiểu nhân ham tiền bôi vạch, bức họa dung nhan nàng chẳng lọt được vào mắt vua, cô đơn vò võ chốn thâm cung, như chim quý giam trong lồng ngọc. Để rồi nàng quyết định sang đất nước Hung Nô xa xăm.

Ngày ra mắt vua Hán và vua Hung Nô thì Hán Nguyên Đế sững sờ vì nàng quá đẹp, đẹp hơn hết các hoàng hậu và phi tần mà nhà vua đã từng nhìn thấy. Muốn giữ lại thì đã không kịp vì lúc đó vua Hung Nô cũng ngồi cùng ở đó. Thế là nàng Chiêu Quân đành phải ngậm ngùi sang Hung Nô làm vợ.

Bình sa lạc nhạn là tiếng khóc nỉ non của một giai nhân tuyệt thế viễn xứ rời quê. Như nỗi lòng cô đơn của con chim nhạn, giữa cảnh trời bay liệng cút côi, sải rộng cánh mà bơ vơ nơi đất khách.

Vương Chiêu Quân sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng hồng nhan thì đa truân. (Ảnh minh họa: sina.com)

Tiếng đàn vang lên nỗi buồn sâu thẳm, giọt lệ rơi âm thầm trên má hồng phận nữ nhi làm dâu xứ người

Trên đường về nước Hung Nô, đến gần biên giới quay đầu nhìn lại quê hương lần cuối, lòng Chiêu Quân chan chứa nỗi buồn, ngẩng mặt nhìn bầu trời cao vòi vọi, ánh mắt xa xăm nhìn về chốn cung son, nơi mà với nàng xa lạ tới cô quạnh, con đường càng xa cố hương, thì cung son kia lại càng gần, nhìn về phía trước mà tâm u sầu lặng lẽ. Vậy là vận mệnh cũng như lìa xa cố thổ.

Nỗi lòng u uất biết tỏ cùng ai, nàng lặng lẽ ngồi đàn khúc nhạc, khiến cánh chim nhạn cảm xót ngừng bay, khiến người đời nghe mà tê tái.

Khung cảnh ấy đã được diễn tả trong đoạn thơ:

Nam lai trình tận Bắc lai trình,
Nam Bắc na kham trướng biệt tình.
Vạn lý Hán thiên hoa hữu lệ,
Bách niên Hồ địa mã vô thanh.

(Chiêu Quân xuất tái)

Dịch:

Bắc trình dõi bước dứt Nam trình
Nam Bắc đường chia mối thảm đoanh
Trời Hán tuôn dòng hoa khóc tủi
Đất Hồ im tiếng ngựa reo binh

Tiếng đàn trầm mặc, buồn rầu, khiến giọt lệ của tâm hồn héo hon lăn tròn trên má. Như lời trách phận kiếp hồng nhan, đa tài mà truân chuyên.

Mỗi giọt lệ tuôn rơi, là sự u uất bi thương, lời than trách như tiếng khóc giữa đất trời bao la rộng lớn, đơn côi mà thổn thức một mình.

Tiếng đàn của Chiêu Quân là tiếng than ai oán vút lên không trung, đúng lúc đó có một đàn chim nhạn bay qua, nhìn thấy thiếu nữ mĩ lệ, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn, quên cả vỗ cánh mà sa xuống đất.

Nỗi lòng của người xa xứ mà Chiêu Quân gửi gắm qua tiếng đàn, khiến nhiều người đau xót. Vì cuộc sống mà họ phải tha hương, những đêm nằm nhớ nhung cố hương mà tuôn lệ. Cảnh xưa chốn cũ, người đâu thấy, chỉ còn lại đây một mối nhớ nhung, nơi xa lạ như cánh nhạn bơ vơ giữa trời, đập mạnh cánh vào không trung như tiếng khóc giữa dòng đời ồn ã.

Tiếng đàn trầm mặc, buồn rầu, khiến giọt lệ của tâm hồn héo hon lăn tròn trên má. Như lời trách phận kiếp hồng nhan, đa tài mà truân chuyên. (Ảnh: Pinterest.com)

Phận làm dâu xứ người chẳng một lần về với cố hương, tới lúc chết nấm mồ nơi đất lạ, nàng Chiêu Quân mất bên đất Hung Nô, đến cuối đời cũng không được về thăm cố hương một lần nữa. Đâu biết rằng đây là lần li biệt vĩnh viễn, để khổ đau nối tiếp khổ đau, xót thương cho thân phận má hồng, phải đi làm dâu nơi đất lạ.

Tiếng đàn cổ cầm cất lên trên âm Vũ, khiến cho nỗi đau khổ, đắng cay cho số mệnh cuộc đời Chiêu Quân càng thêm bi thảm. Lắng nghe âm điệu này, người như cảm thấy não nề buồn thẳm, như tiếng nước chảy trong khe sâu, trầm nhưng không ấm, chậm mà tang thương, lạnh lẽo.

Nơi tận cùng của đau khổ, khi xa biệt chốn cố hương, con người như lạc lõng vô định, vẫn khát khao một mong ước được trở về

Nó giống như tiếng khóc của chính sinh mệnh con người khi phải nói lời từ biệt thế giới tươi đẹp và hạnh phúc của mình mà chôn vùi giữa chốn mê đầy khổ đau và nước mắt. (Ảnh: pinterest.com)

Nếu tiếng đàn được nghe là nỗi lòng của người viễn xứ, từ biệt cố hương tới vùng trời xa xăm. Nó giống như tiếng khóc của chính sinh mệnh con người khi phải nói lời từ biệt thế giới tươi đẹp và hạnh phúc của mình mà chôn vùi giữa chốn mê đầy khổ đau và nước mắt.

Ở nơi xa xăm ấy, có lẽ sinh mệnh con người cũng đang từng lời thổn thức, với khát khao được trở lại cố hương.

Tiếng đàn là nỗi đau vô vọng, thì cũng là tiếng sinh mệnh gào khóc xót xa. Chiêu Quân nhìn về cung son phía trước mà mắt buồn vương lệ, sinh mệnh con người đang bước trên con đường vô định, chẳng biết đâu là chốn bình yên, chẳng tìm được chút hơi ấm thân quen an ủi, chỉ là sự mòn mỏi đợi chờ. Mắt hướng về cố hương mà luyến tiếc, rơi rớt xuống rồi chẳng biết sẽ đi đâu.

Chiêu Quân khóc đời trách phận, thì sinh mệnh con người chỉ biết trách thân, vì cớ sao mà phải đọa đầy, bởi thân tâm không còn thuần tịnh, bởi con người quên đi bản tính, phạm hết thảy sai lầm mà đọa lạc chốn này. Trong cõi mê lại cứ lầm bước, khiến con đường trở về cố hương chẳng có ngả rẽ nào nhanh hơn.

Tiếng đàn ai oán ngân vang khiến người ta nhớ tới khát khao sâu thẳm của kiếp nhân sinh. Trong khổ nạn đớn đau dày xéo, mà vẫn ôm ấp không thôi giấc mộng được trở về.

Như Adam và Eva không nghe lời căn dặn, bị đuổi khỏi vườn địa đàng cùng với sự nuối tiếc ngàn thu. Từ nay không còn hạnh phúc, không còn tự do bay nhảy chốn thiên đường.

Nỗi nhớ nhung và sự tiếc nuối như tiếng đàn vang lên âm thanh da diết, tiếng sầu bi thảm.

Vĩnh biệt ngôi nhà với sự bình yên tự tại, mang theo nỗi đau khổ khôn nguôi. Giọt lệ lăn dài trên má, khóc thương cho thân kiếp con người. Sao cứ phải nổi trôi trong mê lạc, để rồi đau khổ cào xé tim gan.

Trong tận cùng của đau khổ, trong tận cùng của sự vô vọng ấy, sinh mệnh con người vẫn còn ôm giữ những khát khao cháy bỏng được trở về với cố hương. (Ảnh: Pinterest.com)

Con đường mông lung chẳng biết đâu là bến đỗ, cứ đau đáu một nỗi nhớ quê, nhà cũ chốn xưa đang mong đợi, muốn trở về cũng chẳng biết làm sao, bởi con người bị sợi dây định mệnh trói chặt, muốn thoát ra cũng khó biết nhường nào.

Thế nhưng có lẽ trong tận cùng của đau khổ, trong tận cùng của sự vô vọng ấy, sinh mệnh con người vẫn còn ôm giữ những khát khao cháy bỏng được trở về với cố hương, được một ngày thoát khỏi trầm luân cô quạnh, được về với mái ấm nhà xưa.

Khúc nhạc Bình sa lạc nhạn đã khắc họa một bức tranh tâm trạng và nỗi lòng của người biệt xứ bơ vơ giữa khoảng trời rộng lớn, mang theo tâm tư buồn nhớ. Bức tranh Chiêu Quân tái xuất như hiện rõ lên trước mắt… Những cánh nhạn cứ bay liệng trên không trung, ngập ngừng, tần ngần, muốn dừng lại như chính tâm trạng của con người trong thời khắc ấy. Ưu tư, hoài cổ, xót xa và tiếc nuối – những mạch tâm trạng đan xen vào từng nốt nhạc, điệu phách. Và phải chăng, điều này đã làm nên một bản đàn bất hủ lưu danh thiên cổ khiến người nghe vẫn mãi suy tư. Trong tiếng nhạt mà lắng nghe được khóc sầu của sinh mệnh, thấu hiểu nỗi khát khao được trở lại cố hương.

Mời quý vị trải nghiệm những cung bậc của ‘Bình sa lạc nhạn’: 

Tịnh Tâm