Các sản phẩm của Kisendo có thể được đánh bóng hoặc để thô ráp. Chúng đặc trưng bởi các kim loại quý sáng ngời và những quang cảnh và hoa văn tinh tế phức tạp. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ của chúng cũng bao hàm cả vẻ đẹp đơn giản của thiên nhiên, kết cấu phong hóa của đá nguyên thủy hoặc những đường cong duyên dáng của những chiếc lá cây.
Mỗi chiếc ấm trà và lư hương Kisendo đều được làm thủ công trong nhiều tháng bởi ít nhất năm nghệ nhân bậc thầy ở Takaoka, Nhật Bản. Họ sử dụng các kỹ thuật đã có hàng nghìn năm tuổi và các thiết kế bắt nguồn từ một nguyên tắc cổ xưa của Nhật Bản, trong đó ấp ủ tính chất không “hoàn hảo về mặt thẩm mỹ” của tự nhiên, được gọi là wabi-sabi.
Những bậc thầy này đã dành hàng thập kỷ để hoàn thiện mỗi kỹ năng của họ, nhằm đảm bảo rằng phần đóng góp của họ trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng là hoàn hảo.
“Một khi bạn giao sản phẩm của mình cho nghệ nhân ở công đoạn tiếp theo, nếu sản phẩm của bạn chưa hoàn thiện hoặc không hoàn hảo, thì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sản phẩm của người đó”, Susumu Yotsukawa, chủ nhân thế hệ thứ ba của Kisendo nói. “Vì vậy, các nghệ nhân đều muốn đảm bảo rằng công việc của họ là hoàn hảo”.
“Nếu dựa vào máy móc, bạn không thể thực sự thể hiện những đường nét và chi tiết nghệ thuật tinh tế. Nghề thủ công này của chúng tôi chỉ cần thực hiện bằng tay”, ông nói.
Một làng nghề chế tác kim loại truyền thống
Thị trấn Takaoka được thành lập vào năm 1609 bởi nhà cai trị Maeda Toshinaga, người đã đưa bảy thợ chế tác kim loại bậc thầy đến địa phương này với ý định biến đây thành nơi để phát triển mạnh nghề thủ công nghệ thuật này. Do đó, thành phố đã tạo được nền di sản bằng sắt rất lâu từ trước khi ông nội của Yotsukawa thành lập công ty mẹ của Kisendo, (tên là Yotsukawa Seisakujo) vào năm 1945.
Takaoka là một khu vực dân cư thưa thớt có tên cổ là Sekino khi Toshinaga xây dựng một lâu đài ở đó vào thế kỷ 17 và tập hợp những nghệ nhân đến định cư. Bốn thế kỷ sau, thị trấn này đã được công nhận là Di sản Nhật Bản, một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc và sự xuất sắc của các nghệ nhân.
Ngày nay tại Takaoka, các nghệ nhân ưu tú làm việc độc lập cho các thương hiệu khác nhau, bao gồm Kisendo. Ông Yotsukawa nói rằng Kisendo giống như một nhạc trưởng trong dàn nhạc Chúng tôi biết rõ nên làm việc với ai để mang đến một sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Yotsukawa và nhóm của anh ấy chuyên về thiết kế và phát triển sản phẩm, và các nghệ nhân bậc thầy của Takaoka sẽ giúp đưa tầm nhìn của họ vào cuộc sống.
Để tạo ra các sản phẩm mà có thể có giá lên tới 50.000 USD, Yotsukawa cho biết Kisendo sử dụng các kỹ thuật tinh tế nhất của Takaoka trong quy trình đúc và đánh bóng. Trong các công đoạn đầu của việc làm khuôn đúc gốc họ cũng đặt nỗ lực và công sức gấp khoảng năm lần so với hầu hết các thợ chế tác kim loại thông thường.
Một món quà hoàng gia
Nghề thủ công này của Kisendo đã thu hút được một số khách hàng giàu có và sành điệu nhất châu Á. Gia đình hoàng gia Nhật Bản đã ủy thác Kisendo để làm ra những món đồ làm quà tặng cho khách. Một lư hương Kisendo được thiết kế cho gia đình hoàng gia được gọi là Tamagatakujaku Koro là một ví dụ điển hình.
“Đó là một hình cầu; nên không có điểm kết thúc, Yotsukawa nói về thiết kế của chiếc lư hương. Tamagatakujaku Koro là biểu tượng của vũ trụ hoặc vòng đời, tái sinh. Nó được trang trí với hình nhiều loài hoa chính của phương Đông, bao gồm hoa lan, một loài hoa đại diện cho sự theo đuổi học thuật, quý tộc, toàn vẹn và tình bạn. Khổng Tử đã ví hoa lan như một người đàn ông trọng danh dự.
Giữ cho quả cầu đứng vững là ba con sư tử Trung Quốc, trong văn hóa châu Á được cho là những hộ vệ. Chúng là “những hộ vệ cho một ngôi nhà có tất cả những điều bạn yêu thương bên trong đó”, Yotsukawa nói. Trong thiết kế này, chúng đóng vai trò là hộ vệ cho những triết lý và đức tính quý giá được đại diện bởi các họa tiết khác.
“Ông nói chúng tôi lấy mô típ thiết kế từ thiên nhiên và cũng tập trung vào thiết kế huyền thoại từ văn hóa Trung Quốc cổ đại”, ông nói. Những giá trị truyền thống mà chúng tôi quan tâm trong văn hóa phương Đông đều được tập trung trong một sản phẩm.
Lý tưởng gia đình của Yotsukawa
Những triết lý hình thành nên thẩm mỹ và trái tim của Kisendo cũng quan trọng đối với công ty như các chi tiết vật lý tinh xảo trong nghệ thuật.
“Ông nội của tôi đã thành lập doanh nghiệp với mục đích tạo ra một sản phẩm mang lại hạnh phúc hay niềm vui cho cuộc sống con người”, Yotsukawa nói. Năm năm trước, gia đình ông đã chọn cái tên Kisendo cho dòng sản phẩm cao cấp của mình. “Ki” có nghĩa là niềm vui hay hạnh phúc, “Sen” có nghĩa là đài phun nước, và “Do” là nhà. Ý nghĩa của thương hiệu – “Ngôi nhà của đài phun nước và niềm vui” – hoàn toàn phù hợp với mong muốn của ông nội.
Công việc của Kisendo bắt nguồn từ Phật giáo. Khái niệm về wabi-sabi đã được kết tinh từ 250 năm trước, vào thời Edo, bởi một bậc thầy về trà tên là Sen no Rikyu. Trọng tâm của wabi-sabi là ý tưởng của Phật giáo, rằng người ta cố gắng không ngừng nghỉ để hoàn thiện bản thân, nhưng sự hoàn hảo thực sự chỉ có thể có trên các thiên giới. Tuy nhiên, có một vẻ đẹp tuyệt vời trong sự phấn đấu và sự không hoàn hảo và vô thường của thiên nhiên trên Trái đất này.
Thẩm mỹ wabi-sabi có thể được nhìn thấy trong một bề mặt chưa được đánh bóng của chiếc ấm đun nước, các cạnh gồ ghề hoặc bề mặt sần sùi do cát dùng trong khâu đúc. Các thợ chế tác kim loại bậc thầy có thể tạo cho các sản phẩm của họ một vẻ ngoài lâu đời, gần giống như một cổ vật, hoặc có thể tạo ra một bề mặt sản phẩm giống như bề mặt của một tảng đá.
“Chúng tôi làm thế đều là có chủ ý”, ông nói. “Chúng tôi muốn mang đến cho những chiếc ấm cảm giác như thứ gì đó từ trong tự nhiên, từ trong đất. Vẻ đẹp thực sự là ở trong tự nhiên. Một bông hoa, một dòng sông, âm thanh từ đại dương hay một con côn trùng đều rất đẹp. Ngay cả từ một chiếc lá đơn độc, chúng tôi cũng có thể lấy ra một đường nét đẹp để đưa vào thiết kế”.
Các sản phẩm không chỉ đơn giản là cổ kính và mang hơi thở của đất, chúng còn hòa trộn hoàn hảo yếu tố thẩm mỹ cổ xưa với một cảm giác hiện đại.
“Đây là sự cân bằng tinh tế của hai yếu tố mà thực sự cách xa nhau nhưng cùng tồn tại và tạo nên sự hài hòa”, Yotsukawa nói. “Một điều gì đó có vẻ rất cổ xưa và một điều gì đó khá mới mẻ được hiện diện trong cùng một sản phẩm”.
Tay cầm hoặc nắp ấm của ấm có thể sáng bóng và được đánh bóng, hoặc có thể có những chiếc lá bằng vàng trang trí công phu được sơn bên hông. Tuy nhiên, thân chính của ấm có thể có vẻ mộc mạc hơn. Có một sự kết hợp thú vị giữa sự hoàn hảo và không hoàn hảo, sự hoàn thiện và chưa hoàn thiện – hoặc, trở lại với quan niệm Phật giáo đã hình thành nên chúng, đó là sự kết hợp giữa trời và đất.
Quy trình chế tác (Ghi chép của Kristen Meriwether)
Chúng tôi đã quan sát được quy trình bên trong các xưởng làm ấm và lư hương hiệu Kisendo như sau:
Đầu tiên, một chiếc ấm hoặc lư hương được thiết kế bằng cách điêu khắc hoặc chạm khắc nó từ đất sét hoặc gỗ. Việc tạo mô hình tổng thể này là bước quan trọng nhất trong việc quyết định hình dáng của sản phẩm hoàn chỉnh. Các nghệ nhân bậc thầy thường phải kiên trì tinh chỉnh từng cánh hoa, con động vật hoặc hoa văn để đảm bảo chúng sẽ hiện ra rõ ràng trong sản phẩm cuối cùng.
Sau khi mô hình thiết kế đã hoàn thành, nó được bọc bằng silicone, tạo ra chiếc khuôn đầu tiên trong số nhiều khuôn khác nhau cần dùng trong suốt quá trình chế tác. Sau đó thạch cao được dùng để trải trùm lên khuôn silicon và để khô, làm cho khuôn silicon vốn mềm được hỗ trợ bởi thạch cao trở nên cứng cáp. Cả hai khuôn thường được cắt ở giữa, chia chúng thành hai nửa. Nhưng trong các thiết kế rất phức tạp, đôi khi chúng còn bị chia nhỏ thành nhiều mảnh.
Tiếp theo, sáp lỏng được đổ vào bên trong các khuôn. Sau khi sáp cứng lại, nó được lấy ra, tạo thành một bản sao của mô hình gốc ban đầu.
Một nghệ nhân sẽ sử dụng một công cụ chính xác đã được làm nóng để thực hiện bất kỳ tinh chỉnh cần thiết nào cho bản sao bằng sáp. Sau đó, anh gắn những miếng sáp dài vào nó, có hình dạng như ống hút, được gọi là “tạo phễu”.
Bản sao sáp được nhúng liên tục vào một lớp bùn cát mịn (giống như xi măng) có khả năng chịu nhiệt.
Lớp bùn này cứng lại thành một lớp vỏ xung quanh bản sao bằng sáp. Bước tiếp theo của kỹ thuật cổ xưa này có tên là “đúc loại trừ sáp”. Phương pháp này có từ khoảng năm 3.000 trước CN và đã được áp dụng bởi các nền văn hóa trên toàn thế giới. Nó không chỉ được các nghệ nhân sử dụng, mà còn được sử dụng trong công nghiệp chế tạo cánh quạt và các bộ phận cơ khí đòi hỏi độ chính xác cao. Vỏ cát bị nung làm tan chảy sáp bên trong (do đó sáp bị loại trừ).
Khi tan chảy, phễu sáp chìa ra khỏi vỏ cát, cung cấp đường dẫn cho sáp lỏng từ trong chảy ra và cho kim loại nóng chảy được đổ vào. Thợ chế tác kim loại sau đó đổ đồng hoặc sắt đã được nung nóng đến 600 ° F vào khuôn. Để qua đêm kim loại sẽ cứng lại khi nguội đi, tạo thành hình dạng giống của mô hình sáp.
Các nghệ nhân phá vỡ lớp vỏ cát bằng búa và cắt bỏ phần phễu thừa. Sau đó, họ sửa chữa những chỗ đã dính với phễu.
Một nghệ nhân chế tác kim loại bậc thầy đang tinh chỉnh các chi tiết hoa văn bằng chiếc đục và các công cụ hoàn thiện. Điều này đòi hỏi phải rất kiên nhẫn, nhưng tạo cơ hội cho nghệ nhân thể hiện trình độ và kỹ năng nổi bật của mình. Một số chi tiết trang trí, chẳng hạn như những con vật nhỏ xíu, người hoặc vật thể, được làm riêng rồi mới hàn lên sản phẩm. Các tác phẩm nghệ thuật sau đó có thể được sơn và đánh bóng. Các loại sơn cũng được tạo ra từ các khoáng chất tự nhiên.
Theo J.H. WHITE (Taste of Life)
Hòa Bình biên dịch