Trong thời chiến quốc, Hạng Tịch hay còn gọi là Hạng Vũ hoặc Tây Sở Bá Vương, ông là một chính khách lỗi lạc, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán.
Vào năm 202 TCN, Hạng Vũ (232 TCN-202 TCN) bị bao vây tại Cai Hạ, khi chạy đến Ô Giang thì cùng đường mà tự tử, chấm dứt cuộc chiến tranh Sở Hán (thường gọi là Hán Sở tranh hùng). Khúc Thập Diện Mai Phục miêu tả tình cảnh này.
Thập diện mai phục được truyền thể sang điện ảnh và gặt hái được rất nhiều thành công. Người xem được hiểu về nó như là một câu chuyện tình tay ba đầy nước mắt.
Nhưng trên thực tế câu chuyện phía sau đó lại là một tấn anh hùng bi ca hào kiệt.
Khi được thể hiện bằng đàn tì bà, thì nó như một tiếng ai oán khiến người đời xót xa cho một anh hùng thất vận. Sự bi thương, tan tóc được mô tả qua cách vê của nghệ sĩ đàn dân tộc khiến người nghe không khỏi cảm động mà lệ rơi cho thời thế và anh hùng tàn lụi, còn lại đây chỉ là những trang sử về người.
Câu chuyện về một trang anh hùng cái thế tài ba Hạng Vũ
Hạng Vũ người đất Hạ Tương, là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nước Tần là Vương Tiễn giết.
Lúc còn nhỏ, Hạng Vũ học chữ nhưng học không nên, bèn bỏ đi học kiếm thuật, cũng không nên. Hạng Lương nổi giận mắng, Hạng Vũ nói:
Biết chữ chỉ đủ để viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!
Hạng Lương bèn dạy cháu binh pháp. Hạng Vũ rất mừng, nhưng ông cũng chỉ học để biết qua ý nghĩa, chứ không chịu học đến nơi đến chốn. Hạng Vũ khi lớn lên mình cao hơn tám thước, có sức khỏe nâng được cả cái đỉnh nặng nghìn cân, tài năng, chí khí hơn người. Đời sau có câu “Bá Vương cử đỉnh” để khen ông và cũng để chỉ những người có sức khỏe phi thường. Các con em ở đất Ngô Trung đều nể sợ ông.
Khi Tần Thủy Hoàng đi chơi đất Cối Kê, vượt qua Chiết Giang, chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ cùng đi xem. Hạng Vũ trông thấy vua Tần, rồi nói: “Có thể cướp và thay thế hắn!“. Hạng Lương nghe nói vội bịt miệng cháu: Đừng nói bậy! Bị giết cả họ bây giờ! Tuy mắng cháu nhưng nhân việc này, Hạng Lương coi cháu là kẻ khác thường.
Ôm chí lớn từ đó, Hạng Vũ quyết chí lật đổ Tần Thủy Hoàng. Làm vương nước Sở lấy tự là Sở Bá Vương. Tham gia tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán.
Năm 202 trước công nguyên Hạng Vũ hay Tây Sở Bá Vương bị bao vây tại Cai Hạ.
Đêm xuống bốn mặt ngoài thành vang vọng những bài hát của nước Sở.
Quân của Hạng Vũ nhớ nhà bỏ trốn rất đông. Vũ nghĩ rằng người Sở đã theo Lưu Bang, rồi than thở: Hán đã lấy được Sở rồi sao? Đêm đó Hạng vương uống rượu cùng mỹ nhân là nàng Ngu Cơ, lòng đau đớn làm bài thơ “Cai Hạ Ca” như sau:
Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.
Dịch:
Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may!
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?
Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát họa theo, lời ca rằng:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.
Dịch:
Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.
Rồi Ngu Cơ dùng kiếm tự vẫn. Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là “Ngu mỹ nhân thảo”.
Theo Sử ký, khi Ngu Cơ chết, Hạng Vương khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.
Gạt nước mắt, Hạng Vương lên ngựa cùng 28 kị binh phá giải bao vây, cùng tác chiến, quả cảm. Nhưng quân địch quá mạnh, Ô Giang lại là đường cùng , cuối cùng Hạng Vương rút kiếm tự vẫn.
Cọp chết để lại da, người chết để lại danh tiếng. Thi sĩ đời sau ca tụng về ông như một bậc anh hùng kiệt xuất.
Mặc dù thất bại trong cuộc chiến Hán-Sở tranh hùng, nhưng thi văn sĩ đời sau nhắc tới ông, ca tụng ông còn hơn cả Lưu Bang. Lời lẽ thi ca đậm sự ngợi khen, khâm phục và tiếc nuối cho một anh hùng cái thế.
Nhà thơ Đỗ Mục đời nhà Đường có bài Đề Ô Giang đình như sau:
Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỉ thị nam nhi
Giang Đông đệ tử đa tài tuấn
Quyển thổ trùng lai vị khả tri!
Dịch:
Thắng bại nhà binh chuyện bất kỳ
Nén lòng hổ nhục mới nam nhi
Đệ tử Giang Đông nhiều người giỏi
Cuốn đất quay về cũng có khi!
Thừa tướng nhà Tống là Vương An Thạch cũng có một bài Đề Ô Giang đình như sau:
Bách chiến bì lao tráng sĩ ai
Trung nguyên nhất bại thế nan hồi
Giang Đông đệ tử kim do tại
Khẳng bị quân vương quyển thổ lai!
Dịch:
Trăm trận mệt nhọc tướng rã rời
Đại bại trung nguyên khó vãn hồi
Đệ tử Giang Đông nay còn đó
Sẽ vì quân vương quật khởi thôi!
Vương Đàn thời nhà Thanh viếng Hạng Vũ một bài thơ như sau:
Tần nhân thiên hạ, Sở nhân cung
Uổng bả đầu lô tặng Mã Đồng
Thiên ý hà tằng đản Lưu Quý
Đại vương thất kế luyến Giang Đông
Tảo thôi Hàm Cốc xưng Tây Đế
Hà tất Hồng Môn sát Bái Công
Đồ túng Hàm Dương tam nguyệt hoả
Nhượng tha Lâu Kính thuyết Quan Trung
Dịch:
Đất của nhà Tần, cung của ông
Uổng lấy đầu lâu tặng Mã Đồng
Ý trời đâu có thương Lưu Quý
Đại vương thất sách mến Giang Đông
Sớm phá Hàm Quan xưng Tây Đế
Cần chi Hồng Yến giết Bái Công
Thiêu cháy Hàm Dương ba tháng trọn
Để cho Lâu Kính thuyết Quan Trung.
Oai danh của ông được Vua Lê Thánh Tông viết:
Học thông muôn địch dám ai dè,
Nền bá vương xưa vẫn nhắm nhe.
Mười một phen khua Tần lạnh gáy,
Bảy mươi trận đã Hán tanh mè.
Chẳng dùng Á phụ tôi xương rắn,
Nên phải Trần Bình, chước éo le.
Chí sĩ nay dầu bàn bạc tới,
Khá hồn, khá tiếc, khá mè he.
Hạng Vũ là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn tới văn hóa nghệ thuật Trung Hoa thời đó. Là hình tượng được gây dựng trong cả ca kịch cũng như những áng văn chương thời Tam Quốc như vở kinh kịch nổi tiếng Bá Vương biệt Cơ, kể về câu chuyện tình đầy nước mắt của Sở Bá Vương và Ngu Cơ trong giây phút li biệt. Hay nhân vật Tôn Sách ở Đông Ngô thời Tam Quốc là một nhân anh dũng dị thường và cũng được gọi là Tiểu Bá Vương.
Có thể nói rằng, thập diện mai phục chính là bản thiên hùng ca, khi lắng tâm nghe, như một trang sử chói lọi về một nhân tài kiệt xuất.
Kĩ thuật Vê dây của nghệ sĩ tỳ bà làm nổi cái hồn bi thương của một anh hùng ngã ngựa. Thời thế vùi chôn đi nhân tài.
Như khúc nhạc ai oán, tan thương và đau xót trước thất bại. Thành bại trong đời như mây khói bay. Sự nuối tiếc khôn nguôi về một anh hùng cái thế. Khiến đời sau mãi lưu danh sử sách, ông tạo lên một trang sử về hào khí và lòng quả cảm.
Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới độc giả lắng nghe bản hùng ca đầy bi tráng để hiểu thêm về thời thế và anh hùng. Sự tang thương và thành bại trong đời như nước chảy bèo trôi.
Tịnh Tâm