Triết học gia Roger Scruton nói: “Con người luôn có một nhu cầu sâu sắc về cái đẹp, nên các tòa nhà được xây dựng lên mà thiếu đi vẻ đẹp sẽ không tồn tại được lâu, vì sẽ không ai cảm thấy đó là ngôi nhà của họ”.
Chúng ta hãy bắt đầu hành trình khảo cứu cái đẹp trong kiến trúc thành phố, bằng một chuyến viếng thăm Vương cung thánh đường Saint Lawrence ở trung tâm thành phố Asheville, Bắc Carolina, Hoa Kỳ.
Nhà thờ thời kỳ Phục hưng kiểu Tây Ban Nha này, được thiết kế bởi kiến trúc sư Rafael Guastavino, tạo cảm giác về một nơi linh thiêng ngay khi vừa bước chân vào. Những đám đông khách du lịch ồn ào ngoài phố sẽ đột nhiên im lặng khi bước vào vương cung thánh đường; Ở đây trong không gian yên tĩnh, lan tỏa những ánh nến lung linh, chỉ có những vị Thánh và thiên thần làm chứng. Úp trên thánh đường là mái vòm hình elip không có trụ đỡ lớn nhất Bắc Mỹ. Không gian này hoàn toàn thể hiện mục đích sử dụng của nó: thờ phụng và cầu nguyện.
Rời khỏi vương cung thánh đường, chúng ta sẽ tản bộ xuống chân đồi, băng qua cây cầu trên đường cao tốc và đi dọc theo con phố Flint. Ở đây, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà có tuổi từ một thế kỷ trở lên. Chúng có cấu trúc khác biệt, với mái hiên bao quanh, các mái vòm hình bát úp, vọng lâu, và những bãi cỏ rộng trên đó có những cây sồi và cây phong cao vút. Những người thiết kế những ngôi nhà này chắc hẳn rất mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình ở trong đó.
Bây giờ chúng ta lại đảo ngược hành trình để đi đến khu vực trung tâm thành phố. Năm 1929, Asheville đã là một thị trấn phát triển rất nhanh, thánh địa của những người giàu có và nổi tiếng, và là nơi tập trung các nhà xây dựng, thợ thủ công và kiến trúc sư. Cuộc đại khủng hoảng sau đó đã chấm dứt sự phát triển ào ạt này. Thành phố này đã mất 50 năm tiếp theo để trả hết nợ nần và do đó thiếu khả năng tài chính để xây dựng các tòa nhà cao ốc hoặc các cấu trúc hiện đại khác. Nhưng “trong cái rủi có cái may”, gần 200 tòa nhà trang trí theo phong cách nghệ thuật cổ xưa của thành phố đã thoát khỏi quả tạ sắt của ngành xây dựng tái thiết công trình.
Ở đây, chúng ta sẽ tìm thấy những kho báu kiến trúc, như Tòa nhà Flatiron, hay Quán cà phê S&W với sự pha trộn trang trí xa hoa của màu xanh, vàng và bạc; hoặc Grove Arcade với các máng xối và hình sư tử chạm khắc, các tầng trệt của những cửa hàng và nhà hàng mà tầng trên là các căn hộ và chung cư được hoàn thiện với hoa treo và giàn trang trí bằng sắt. Sức mạnh kiến trúc đằng sau những tòa nhà này và các tòa nhà khác trong khu vực gần đó là vẻ đẹp và sự tiện ích.
Cách đó không xa, chúng ta sẽ thấy Tòa nhà Biltmore, là ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất nước Mỹ, với nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc và những tấm thảm giá trị. Gần kề đó là Grove Park Inn, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 trong khoảng thời gian chưa đầy một năm bởi 400 người làm việc theo ca 10 giờ x 6 ngày một tuần. Công trình này được ca ngợi là “được xây dựng dành cho nhiều thời đại”.
Sự lụi tàn của nghệ thuật kiến trúc trong thời hiện đại
Vậy chuyện gì đã xảy ra với những nơi khác? Tại sao nhiều đến thế những tòa nhà mới, từ các căn hộ chung cư cao tầng đến các nhà hàng thức ăn nhanh, từ những “nhà thờ khủng” đến các ngôi trường học, không thể khơi gợi lòng tự tôn của chúng ta đến thế? Nói tóm lại, tại sao nhiều công trình xây dựng mới ta lại trông giống như những chiếc hộp thủy tinh xấu xí đến vậy?
Có lẽ khuynh hướng của chúng ta đối với đồ thủy tinh bắt nguồn từ việc áp dụng sai thuyết ‘Hình thức theo sau chức năng’ của Louis Sullivan. Có lẽ các triết lý của chủ nghĩa thực dụng và tính tương đối sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự vắng mặt của vẻ đẹp và sự quyến rũ trong rất nhiều tòa nhà mới của chúng ta.
Trong cuốn ‘Từ Bauhaus đến nhà của chúng tôi’ – tác giả Tom Wolfe đã công kích kiến trúc hiện đại, rằng nhiều kiến trúc sư “đã bày tỏ sự kinh hoàng”. Họ sẽ không ngại nói rằng kiến trúc hiện đại đã tới lúc cạn kiệt, đã kết thúc rồi. Bản thân họ cũng đùa giỡn về “những chiếc hộp thủy tinh” mà họ phải thiết kế.
Triết gia Roger Scruton đã gọi kiến trúc là ‘lãnh địa quan trọng nhất của thực hành nghệ thuật’ và chỉ trích kiến trúc sư hiện đại đã phá hủy tính nghệ thuật của kiến trúc. Các khối nhà bê tông và kính chức năng tràn ngập các thành phố trên khắp thế giới đã trở thành một khung cảnh quen thuộc với tất cả mọi người. Ông đã ví von: “Nó xếp ngang các lớp như khay nhà bếp xếp chồng lên nhau, cho đến khi đến giới hạn ngân sách của chủ công trình”.
Một chút lý do để hy vọng
Các tổ chức như Viện Kiến trúc Truyền thống và Hiệp hội Nghệ thuật Công giáo ở Hoa Kỳ đều thúc đẩy các hình thức xây dựng nhân văn hơn, hiện đang trên đà phát triển. Trang web có tên ‘Kiến trúc truyền thống mới’ cung cấp một loạt các bức ảnh đẹp làm gợi ý cụ thể về việc pha trộn các hình thức kiến trúc cũ với các ý tưởng hiện đại.
Một ngôi trường thuộc đạo Cơ đốc, trường Christendom ở Front Royal, Virginia, nơi giáo viên và học sinh tuân thủ nghiêm túc ba yếu tố truyền thống: sự chân thật, cái đẹp, và sự thiện lương. Trường học này rất quan tâm đến vẻ đẹp; điều đó có thể được nhìn thấy từ các tòa nhà của nó, hầu hết được xây dựng theo “phong cách Virginia truyền thống”. Hội trường ngay lối vào có hình vòm đứng, như một phép ẩn dụ cho ‘lòng trung thực’, trong khi hội trường hai tầng ở trung tâm thư viện là hiện thân của ‘lý trí’.
Năm nay, trường nay đã bắt đầu xây dựng một nhà nguyện mới có hình chữ thập, với sức chứa 750 chỗ ngồi và một tòa tháp theo kiến trúc Gothic cao khoảng 43m. Giống như Roger Scruton và nhiều người khác, những người dựng lên ngôi nhà nguyện này nhận ra tầm quan trọng của vẻ đẹp mà tòa nhà phải có. Họ hiểu rằng nếu họ muốn giảng dạy về cái đẹp, họ phải đưa ra những ví dụ thực tế về vẻ đẹp đó cho học sinh của họ chiêm ngưỡng.
Jeff Minick đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin cho các hội thảo của học sinh trong 20 năm tại quê nhà ở Asheville, Bắc Carolina. Hiện nay ông đang sống và viết lách ở Front Royal, Virginia.
Theo Jeff Minick (theepochtimes.com)
Clip hay: