Thời những năm 70 thế kỷ trước, được nghe ca khúc này, không rõ là lúc mình là sinh viên hay là người lính chiến. Cảm giác câu hát là ánh sáng cuối ngày đã khuất lấp phía chân trời, nỗi nhớ quê, nhớ mẹ già những năm chiến trận. Người bạn lính vừa ôm đàn vừa hát, mắt đăm đăm về nơi xa, sao Hôm lấp lánh và từng ngàn sao li ti rải bạc trên nền trời. Tôi nghĩ rằng mình cũng có một người nhớ thương như nàng Solveig ấy…
Giai điệu và lời ca du dương của Chanson de Solveig cất lên, một trong những bản nhạc cổ điển được ưa thích nhất trên toàn thế giới. Bất chợt khiến tôi buồn, có lẽ một phần nỗi buồn ấy nằm trong nội dung của bản nhạc và cũng một phần hiện nét trong ký ức còn đôi chút phân vân.
Bốn mùa thay tên cũng chừng ấy sự chờ đợi của màu mắt nguyên vẹn nỗi nhớ nhung da diết. Khi biết đôi chân còn nhuốm bước phong trần thì sự giật mình thức tỉnh lòng người lữ thứ chợt khắc khoải dâng đầy.
Ở đâu đó khúc hát của tình yêu như tiếng gọi thiết tha mong những cánh chim còn mải mê quay về nơi yên bình tổ ấm và được bao dung trước những lỗi lầm.
Nhà soạn nhạc Na Uy Edvard Grieg (1843 – 1907) viết Khúc hát nàng Solveig trong vở đại nhạc kịch “Peer Gynt” của thi hào Na Uy, Henrick Ibsen mà ông viết nhạc đệm. Grieg đã bỏ ra 2 năm trong đời (1874 -1876) để gọt giũa từng âm điệu sao cho xứng đáng với tác phẩm kịch thơ xuất chúng nhất của Henrik Ibsen, được coi là kịch tác gia vĩ đại nhất của Na Uy.
Khúc hát nàng Solveig trong phần nhạc nền là bài hát (aria) cho giọng nữ do Grieg phổ lời thơ Ibsen. Đó là bài ca về lòng thủy chung, về niềm hi vọng đoàn tụ bất chấp sự nghiệt ngã của thời gian và khoảng cách.
Nhận xét về âm nhạc của Edvard Greig, nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky đã viết như sau:
“Âm nhạc của Greig giàu chất thương cảm đắm đuối, mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên Na Uy, khi thì ảm đạm, khiêm nhường, khi thì hùng vĩ, tráng lệ, có một sức quyến rũ không tả xiết, luôn tìm thấy trong mỗi chúng ta lời đáp đồng tình nồng nhiệt“.
“Bài ca của nàng Solveig” là một minh chứng cho thấy sức quyến rũ từ những âm thanh được Greig tạo ra trên thế gian này. Ẩn chứa trong bài hát là mối tình bi kịch giữa Peer Gynt và Solveig. Trong vở kịch của Ibsen, nhân vật Peer Gynt phản bội mọi người, kể cả mẹ và người yêu Solveig.
Mùa Đông dù trôi qua
Mang bóng dáng Đông qua Xuân về
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Dù cho bao năm tháng
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Ngàn trùng dù có cách xa,
Em vẫn chờ dù đến bao giờ,
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.
Tình này em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em bên anh không phai.
Dù cho bao năm tháng
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.
Dù cho ở nơi ấy
Anh vẫn sống yên vui thanh bình
Và những giấc mơ em bên mình.
Trọn đời em xin hiến dâng
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.
Tình này em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em bên anh không phai.
Mời quý vị thưởng thức bản tiếng Việt:
Hà Phương Linh