Thế hệ người Việt 9x trở về trước hầu như không ai không biết đến bộ phim kinh điển “Bao Thanh Thiên” cùng hài hát “Uyên ương hồ điệp mộng” được phát khi kết thúc mỗi tập phim. Với giai điệu nhẹ nhàng da diết, ca từ tràn đầy ý thơ và mang ý nghĩa sâu xa về tình yêu và triết lý sống, “Uyên ương hồ điệp mộng” đã khiến trái tim của hàng triệu người rung động.
Uyên ương hồ điệp mộng, ca sĩ Lý Khắc Cần:
Mở đầu bài hát ta thấy ngay được tâm trạng của nhân vật trữ tình:
昨日像那东流水
离我远去不可留
今日乱我心多烦忧
(Chuyện hôm qua như nước chảy về đông,
Mãi xa ta không giữ lại được
Hôm nay có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta.)
Đối với con người, quá khứ là một đi không trở lại, “như nước chảy về đông”, “Mãi xa ta không giữ lại được”. Ở đây nói đến sự bất lực của nhân vật trữ tình, nhưng cũng đồng thời là sự bất lực của con người trước sự trôi chảy có phần lạnh lùng của thời gian.
Thời gian cũng là một trong những bi kịch lớn nhất của nhân loại, thời gian khiến “bãi bể thành nương dâu”, khiến mọi thứ trở nên úa tàn, khiến những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất của con người nhanh chóng trôi qua và thành kỷ niệm, khiến con người hụt hẫng.
Đã có biết bao người khi ở trong những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi đã lo sợ khoảnh khắc này sẽ tan biến, sẽ thành quá khứ? Bởi thời gian có thể khiến mọi thứ trở thành “Chuyện hôm qua”
Hạnh phúc, niềm vui, những kỷ niệm tươi đẹp cứ thế trôi qua đã khiến con người cảm thấy bi kịch. Nhưng ở đây, nhân vật trữ tình dường như rơi vào một bi kịch lớn hơn:
今日乱我心多烦忧
(hôm nay có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta)
Uyên ương hồ điệp mộng, ca sĩ Hạo Thiên thể hiện:
Không những không giữ lại được quá khứ tươi đẹp, mà những chuyện ưu phiền của “hôm nay” khiến nhân vật trữ tình “rối cả lòng ta”. Ưu phiền thì khiến con người buồn, nhưng ưu phiền mà khiến “rối lòng” thì trạng thái cảm xúc dường như được đẩy lên cao hơn một bậc, ngoài nỗi buồn còn có cả sự căng thẳng, mệt mỏi. Chính vì thế, nhân vật trữ tình muốn giải thoát ra bằng những hành động:
抽刀断水水更流
举杯消愁愁更愁
(Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm.)
“Rút dao chém xuống nước”, “nâng chén tiêu sầu” đó đều là những hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhưng nỗi “ưu phiền” dường như quá lớn, không những không giải thoát được mà “càng sầu thêm”
Đến đây, người nghe không khỏi đặt câu hỏi: điều gì khiến nhân vật trữ tình ưu phiền đến vậy. Và 6 câu tiếp theo cho ta biết nguyên nhân:
明朝清风四飘流
由来只有新人笑
有谁听到旧人哭
爱情两个字好辛苦
是要问一个明白
还是要装作糊涂
(Gió sớm mai thổi đi bốn phương
Xưa nay chỉ thấy người nay cười
Có ai nghe thấy người xưa khóc đâu
Hai tiếng ái tình thật cay đắng
Muốn hỏi cho rõ hay giả vờ ngây ngô)
Trong 4 khổ thơ trên, tác giả đã chỉ ra rất nhiều cung bậc của tình yêu: cười, khóc, cay đắng, ngây ngô. Tình yêu là một trong những điều rất quan trọng của đời người, tình yêu tiếp thêm sức mạnh, giúp ta yêu cuộc sống hơn, giúp ta hoàn thiện bản thân và cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tình yêu cũng đem lại rất nhiều đau khổ. Có thể khiến con người ta nay cười, mai khóc với thật nhiều đắng cay, có thể khiến những người thông minh, tài giỏi nhất trở nên ngây ngô, khờ dại. Bởi vì sao? Bởi vì tình yêu là thứ rất khó nắm bắt, dường như nó siêu xuất khỏi trí tuệ và năng lực của con người. Từ xưa đến nay đã có biết bao bài thơ, câu hát thể hiện sự bất lực trong việc nắm bắt tình yêu, nhân vật trữ tình trong bài “Uyên ương hồ điệp mộng” cũng vậy:
知多知少难知足
看似个鸳鸯蝴蝶
不应该的年代
可是谁又能摆脱人世间的悲哀
(Chỉ có thể biết nhiều hay ít, khó có thể biết hết cho đủ.
Như đôi uyên ương bươm bướm,
Trong những năm tháng khó khăn này.
Ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế?)
Đến lúc này bài hát không chỉ đơn giản là cảm xúc tình yêu đơn thuần, mà nó đã nâng tầm triết lý nhân sinh của đời người. “Ai có thể thoát được nỗi sầu nhân thế?”. Một câu hỏi, nhưng không chỉ là câu hỏi mà còn là một câu cảm thán về bi kịch của kiếp người. Con người ngay từ khi sinh ra đã bị nhúng trong biển tình, con người vì tình mà sống, thì làm sao thoát khỏi nỗi sầu muộn đây? Đoạn cuối cùng tác giả đã cố gắng trả lời cho câu hỏi lớn của kiếp nhân sinh này:
花花世界
鸳鸯蝴蝶在人间已是癫
何苦要上青天
不如温柔同眠
(Trong thế giới phù hoa đó.
Đôi uyên ương bươm bướm sống trên đời đã là chuyện điên rồ
Cớ sao còn khổ sở muốn lên tận trời xanh?
Chi bằng hãy cùng ngủ yên trong sự dịu êm.)
“Phù hoa” là sự hào nhoáng bề mặt, vẻ mà con rất dễ bị đánh lừa và đắm chìm trong đó. Tình yêu chính là như thế, ta luôn cảm giác nó lung linh, đẹp đẽ, khiến ta si mê, nhưng thực ra là mang lại quá nhiều đau khổ và bất hạnh. Thử hỏi trên đời này có mấy ai được hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu? Dù tình yêu tốt đẹp đến mấy thì cuối cùng vẫn là cuộc chia li, thời gian như nước chảy, rồi sẽ hủy diệt tất cả.
Trong Phật giáo cũng giảng rằng, nhân gian là cõi mê, với rất nhiều giả tướng dễ khiến con người mê muội mà quên mất bản ngã của mình. Dường như ở đoạn cuối bài hát, ta cảm thấy như tác giả đã mơ hồ cảm nhận được điều đó. Tác giả đã thấy cuộc sống này thật “điên rồ”, có quá nhiều đau khổ và ưu phiền, và những điều đó đều xuất phát từ sự truy cầu của con người nhưng con người không những không nhận ra mà càng ngày càng đắm chìm vào đó “Cớ sao còn khổ sở muốn lên tận trời xanh?”. Điều đó chẳng phải là “chuyện điên rồ” hay sao!
Câu cuối cùng chính là gợi mở ra sự giải thoát cho kiếp người:
不如温柔同眠
(Chi bằng hãy cùng ngủ yên trong sự dịu êm.)
Tình yêu cũng vậy, cuộc đời cũng vậy, càng truy cầu lớn, càng đau khổ nhiều. Nên thay vì sống truy cầu, ham muốn vật chất, thì hãy để nó được “ngủ yên”, sống cuộc đời thanh thản và “dịu êm”.
Một phiên bản Mộng uyên ương hồ điệp khác của phim được viết bằng tiếng Quảng do Hà Gia Kính, diễn viên chính trong phim Bao Thanh Thiên thể hiện:
Nguồn gốc ra đời
Uyên ương hồ điệp mộng nằm trong album cùng tên phát hành năm 1993 của ca sĩ – nhạc sĩ Hoàng An.
Về quá trình ra đời của ca khúc. Có câu chuyện rằng vào một tối tháng 10/1992, trời cuối thu, se lạnh, Hoàng An đi tản bộ thì bỗng anh nghe thấy một đoạn nhạc ngắn khiến trái tim anh rung động. những nốt nhạc đầu tiên của bài hát liền hình thành trong đầu. Anh vội về nhà chép lại và hoàn thiện những phần còn lại của “Uyên ương hồ điệp mộng”.
Giai điệu của bản nhạc mang đậm âm hưởng Trung Hoa cổ xưa. Nên để viết lời cho phù hợp, Hoàng An đã lật giở thơ Đường, đọc lại thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ. Và anh có sự đồng cảm sâu sắc với một đoạn thơ của Lý Bạch:
抽刀斷水水更流,
舉杯銷愁愁更愁。
(Rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm )
Hoàng An đã đưa đoạn thơ này thành đoạn đầu bài hát “Uyên ương hồ điệp mộng”.
Các ca sĩ thể hiện
Sau khi phim truyền hình dài tập Bao Thanh Thiên phát sóng, ca khúc được lưu truyền rộng rãi. Màu sắc âm nhạc Trung Hoa, kết hợp lời thơ cổ và ca từ có nguồn gốc Phật học khiến bài hát có thêm ý nghĩa văn hóa độc đáo.
Chính vì vậy có rất nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công bài hát này. Ở Trung Quốc, những ca sĩ thể hiện thành công là: Hoàng An, Lý Khắc Cần, Hạo Thiên, Hà Gia Kính.
Ở hải ngoại, thành công nhất có lẽ là bản Can’t Let Go do ban nhạc Tokyo Square thể hiện:
Đến hôm nay, đã hơn hai mươi năm sau khi bộ phim Bao Thanh Thiên ra đời, ca khúc Uyên ương hồ điệp mộng vẫn không hề trôi vào quên lãng, điều đó đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của bài hát trong lòng những người yêu nhạc.
Nam Minh